Câu 1. Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại giữa bà ta với chú bé Hồng.

Gợi ý: Chú ý vẻ mặt “tươi cười”, giọng nói “ngọt ngào”, cử chỉ thân mật của người cô đối với chú bé Hồng mà tác giả gọi là “rất kịch”. Bà ta muốn gì khi nói rằng mẹ chú đang “phát tài” và nhất là cố ý phát âm hai tiếng “em bé” ngân dài thật ngọt? Vì sao những lời lẽ của bà ta đã khiến lòng chú bé “thắt lại”, “nước mắt ròng ròng”... Qua cuộc đối thoại, em thấy nhân vật bà cô là người như thế nào?.

Tuy là cô ruột của bé Hồng nhưng người đàn bà này không hề thương xót đứa cháu mồ côi cha mà luôn tìm mọi cách gieo rắc vào đầu óc thơ ngây của cháu những điều không hay để nó khinh miệt và ruồng rẫy người mẹ trẻ vì góa chồng, vì túng quẫn mà phải bỏ con cái cho nhà chồng đi tha phương cầu thực. Muốn hiểu tâm địa thâm độc của bà cô, trước hết chúng ta cần tìm hiểu cảnh ngộ thương tâm của bé Hồng: Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được một cái mũ trắng và quấn băng đen. Đây là thời điểm bắt đầu câu chuyện. Nhân vật bà cô xuất hiện và tính cách nham hiểm, xấu xa dần dần bộc lộ.

Bước 1: Bà ta cố tình nói cho bé Hồng biết cảnh ngộ thảm thương của mẹ cậu để rồi cười cợt, nhạo báng, thoả mãn trên nỗi đau của người khác:

Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên cười hỏi:

- Hồng ! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?

Nụ cười giả tạo của bà ta chứa đựng ác ý rõ ràng. Nó như một mũi dao nhọn cố tình xoáy vào trái tim non nớt đang rớm máu của đứa cháu vừa mới mồ côi cha, nay lại phải chịu cảnh xa lìa mẹ. Lẽ ra, bé Hồng sẽ trả lời rằng có vì bé đang thiếu thốn tình mẫu tử, nhưng vốn nhạy cảm, bé lập tức nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của người cô. Vì thế, bé cúi đầu không đáp.

Bước 2: Không thể để tình thương yêu, kính mến mẹ của mình bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến, bé Hồng đã trả lời: Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về. Cuộc đối thoại tưởng chừng sẽ chấm dứt sau lời đáp tỏ vẻ bất cần mà thực ra đầy cân nhắc của đứa cháu nhỏ, nhưng bà cô thâm hiểm nào đã chịu buông tha.

Bà ta hỏi dồn, giọng vẫn ngọt nhạt: Sao lại không vào? Mẹ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu! Cùng với giọng nói cố làm ra vẻ tử tế nhưng đầy mỉa mai, châm chọc là hai con mắt long lanh... nhìn chằm chặp vào đứa cháu mồ côi. Mặc dù cậu bé phản ứng bằng cách im lặng cúi đầu và khoé mắt đã cay cay, nhưng bà cô vẫn tiếp tục tấn công. Từ vẻ mặt đến lời nói, hành động của bà ta đều toát ra vẻ giả dối và đáng sợ: Cô tôi liền vỗ vai tôi cười mà nói rằng: Mày dại quả, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ. Đến đây, bà ta không cần che đậy ác ý nữa mà còn tỏ rõ thái độ giễu cợt và nhục mạ: Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn. Nhân vật bà cô tàn nhẫn đến mức lạnh lùng, vô nhân đạo đối với đứa cháu đáng thương.

Bước 3: Cho đến khi bé Hồng phẫn uất, oà lên khóc nức nở, bà cô vẫn cố tình hành hạ bằng những câu chuyện bịa đặt về hoàn cảnh bi đát của người mẹ nơi đất khách quê người. Đối lập với tâm trạng đau đớn, xót xa như bị gai cào, muối xát của đứa cháu là sự hể hả đến tàn nhẫn của người cô: Cô tôi vẫn cứ tươi cười kể các chuyện cho tôi nghe. Tình cảnh túng quẫn, hình dáng gầy guộc, rách rưới của mẹ bé Hồng được bà ta thêu dệt, miêu tả tỉ mỉ với thái độ thích thú rõ ràng. Khi thấy đứa cháu tức tưởi, phẫn uất đến cực độ thì bà ta lại giả vờ hạ giọng, tỏ vẻ ngậm ngùi, thương xót người anh đã mất. Đến đây, bản chất độc ác, giả dối, thâm hiểm và trơ trẽn của nhân vật này đã được phơi bày toàn bộ.

Tóm lại, từ vẻ mặt, cử chỉ, giọng điệu và nhất là nội dung những lời nói của bà cô đã cho ta thấy đây là một con người hiểm ác, chỉ muốn gây ra nỗi đau khổ cho người khác. Tàn nhẫn hơn, đó lại chính là đứa cháu ruột của mình, một đứa bé vô tội đáng thương sớm mồ côi bố, nay lại phải sống xa mẹ. Không những thế, bà ta còn cảm thấy sung sướng khi có dịp làm cho người khác phải đau khổ. Đó là một kẻ bất nhân, đáng lên án.

Câu 2. Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện như thế nào? Gợi ý: Cần chú ý phân tích:

- Phản ứng tâm lí của chú bé khi nghe những lời giả dối, thâm độc xúc phạm sâu sắc đối với mẹ chú.

- Cảm giác sung sướng cực điểm của chú khi gặp lại và nằm trong lòng người mẹ mà chú mong chờ mỏi mắt.

Đối lập với ác cảm ghê gớm của bà cô là tình yêu thương tha thiết của chú bé Hồng dành cho người mẹ khốn khổ. Nhận ra lòng dạ thâm độc của bà cô, bé Hồng càng thêm yêu quý mẹ. Diễn biến tâm trạng bé Hồng được nhà văn miêu tả theo diễn biến câu chuyện giữa hai cô cháu.

a) Những ý nghĩ, cảm xúc của bé Hồng khi trả lời người cô.

Khi nghe những lời giả dối, thâm độc của người cô xúc phạm đến mẹ, chú bé Hồng đã có những phản ứng tức thì. Trong kí ức chú vụt hiện lên vẻ mặt rầu rầu và hiền từ của mẹ. Vì còn nhỏ nên trước những lời kết tội mẹ mình, chú bé Hồng chỉ phản ứng bằng cử chỉ im lặng cúi đầu mà lòng thắt lại, khoé mắt cay cay. Hồng nhận ra ngay những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt của bà cô. Chú bé không muốn tình thương yêu và lòng kính mến mẹ của mình bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến.

Đến khi mục đích mỉa mai, nhục mạ của bà cô đã phơi bày trắng trợn thì bé Hồng không nén nổi uất ức và oà lên khóc: Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ.

Những hình ảnh và động từ trong đoạn văn trên có sức gợi tả, gợi cảm rất lớn. Lúc này, tình thương mẹ của chú bé Hồng trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tình thương ấy đã biến thành sự phản kháng quyết liệt: Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.

b) Cảm giác sung sướng cực điểm khi được ở trong lòng mẹ.

Khi bất ngờ được gặp lại mẹ trên đường đi học về, cảm giác sung sướng đến cực điểm của chú bé Hồng được thể hiện qua ý nghĩ, cử chỉ và ngôn ngữ. Trong tâm khảm của chú bé lúc nào cũng in sâu hình bóng mẹ. Một buổi chiều, lúc tan trường, thoáng thấy người ngồi trên xe kéo giống mẹ mình, chú bé Hồng liền đuổi theo, bối rối gọi. Đó là tiếng gọi bật ra từ trái tim thương nhớ mẹ khôn nguôi của đứa con tội nghiệp.

Tác giả đã miêu tả hàng loạt cử chỉ thể hiện niềm vui sướng của chú bé Hồng khi gặp mẹ. Vì chạy đuổi theo chiếc xe chở mẹ mà bé thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi. Đến khi trèo được lên xe với mẹ thì mừng đến nỗi ríu cả chân lại. Mẹ vừa kéo tay, xoa đầu hỏi chuyện thì bé đã oà lên khóc rồi cứ thế nức nở. Tiếng khóc trút bỏ bao nỗi tủi cực, uất ức trong những ngày xa mẹ. Nước mắt của bé Hồng lúc này khác hẳn nước mắt uất ức, căm giận khi trả lời bà cô độc ác. Đây là những giọt nước mắt dỗi hờn mà hạnh phúc, tức tưởi mà mãn nguyện.

Cảm giác sung sướng vô bờ của đứa con khi được ôm ấp trong lòng mẹ được Nguyên Hồng diễn tả bằng cảm hứng đặc biệt say mê cùng những rung động tinh tế. Tác giả đã tạo ra một không gian tràn ngập ánh sáng, màu sắc, hương thơm... vừa lạ lùng vừa gần gũi. Đó là hình ảnh về một thế giới kì diệu của tình mẫu tử đang bừng nở, hồi sinh, đầy ắp kỉ niệm và cảm xúc. Chú bé Hồng bồng bềnh trôi trong cảm giác sung sướng, rạo rực. Những lời nói cay độc của người cô, những tủi cực trong thời gian vừa qua mà chú bé phải chịu đựng đã bị nhấn chìm trong dòng cảm xúc miên man ấy.

Câu 3. Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, hãy chứng minh rằng văn Nguyên Hồng giàu chất trữ tình.

Ở đoạn trích Trong lòng mẹ, chất trữ tình thấm đẫm trong nội dung câu chuyện, trong những cung bậc cảm xúc: căm giận, xót xa và yêu thương đều lên đến cao độ và trong từ ngữ, giọng điệu rất chân thực, tự nhiên.

- Tình huống và nội dung câu chuyện: Hoàn cảnh đáng thương của chú bé Hồng. Câu chuyện về một người mẹ trẻ phải âm thầm chịu đựng nhiều cay đắng bởi những thành kiến nghiệt ngã. Tình thương yêu vô bờ cùng sự tin cậy mà chú bé dành cho người mẹ bất hạnh của mình.

- Dòng cảm xúc dạt dào của chú bé Hồng chính là mạch kết cấu cơ bản của đoạn trích này. Người đọc cảm nhận rất rõ nỗi xót xa, tủi nhục, thái độ căm giận sâu sắc, quyết liệt trước cái xấu, cái ác và tình yêu thương nồng nàn, thắm thiết của chú bé đối với mẹ.

+ Cách thể hiện của tác giả cũng góp phần quan trọng tạo nên chất trữ tình của chương hồi kí:

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể chuyện với bộc lộ cảm xúc.

- Các hình ảnh thể hiện tâm trạng và các hình ảnh so sánh đều giàu khả năng gợi cảm gây nên ấn tượng sâu đậm.

- Lời văn trong sáng, dạt dào cảm xúc, vì thế có sức lay động lòng người rất lớn.

Câu 4. Qua văn bản trích giảng, em hiểu thế nào là hồi kí?

Hồi kí là một thể của kí, ở đó người viết kể lại những chuyện, những điều mà chính mình đã trải qua, đã chứng kiến.

Câu 5. Có nhà nghiên cứu nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Nên hiểu như thế nào về nhận định đó? Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, em hãy chứng minh nhận định trên.

Nguyên Hồng là nhà văn viết nhiều về phụ nữ và nhi đồng. Ông dành cho phụ nữ và nhi đồng tấm lòng chan chứa thương yêu và thái độ nâng niu trân trọng.

Ở đoạn trích này, tác giả tỏ ra căm ghét nhân vật bà cô độc ác, nhẫn tâm của bé Hồng, kẻ luôn lấy việc giễu cợt nỗi bất hạnh của đứa cháu mồ côi cha, xa lìa mẹ làm niềm vui hằng ngày. Đồng thời, tác giả đề cao vai trò không thể thay thế của người mẹ đối với đứa con và khẳng định tình thương yêu mãnh liệt của đứa con đối với người mẹ tội nghiệp của mình.

Học sinh tự chứng minh.