Câu 1. Phân tích cặp câu 1 - 2, tìm hiểu khí phách và phong thái của nhà chí sĩ khi rơi vào vòng tù ngục (chú ý các từ hào kiệt, phong lưu và quan niệm chạy mỏi chân thì hãy ở tù).

Hai câu đề:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Sau khi bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam, cụ Phan Bội Châu vẫn tự khẳng định mình là bậc hào kiệt, phong lưu. Điều đó thể hiện khí phách và phong thái đường hoàng, tự tin, vừa ung dung, thanh thản, vừa hiên ngang, bất khuất, lại vừa tài hoa tài tử của nhà chí sĩ yêu nước. Quan niệm của cụ là: Người chiến sĩ cách mạng chẳng may rơi vào vòng tù ngục thì cứ coi như người đi đường dài chạy mỏi chân thì nghỉ một chút để lấy sức đi tiếp. Thực chất không phải như vậy. Cụ Phan kể rằng trên đường bị áp giải đến nhà lao, bọn lính đã đối xử với cụ rất tàn nhẫn: nào trói tay, nào xiềng chân. Vào ngục, cụ lại bị giam chung một chỗ với bọn tử tù. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Đúng là như vậy! Bị giam cầm có nghĩa là bị tước đoạt tự do, bị đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần và luôn luôn cận kề cái chết. Ấy vậy mà người anh hùng vẫn ngẩng cao đầu và cảm thấy mình vẫn hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn ấy nên khi bàn đến sự sống chết, Phan Bội Châu vẫn nói bằng giọng cười cợt, đùa vui. Đây là lối thơ khẩu khí khá phổ biến trong văn chương dùng để nói lên chỉ lớn của người xưa.

Câu 2. Đọc lại cặp câu 3 - 4, em thấy giọng điệu có gì thay đổi so với hai câu thơ trên? Vì sao? Lời tâm sự ở đây có ý nghĩa như thế nào?

Hai câu thực:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Cuộc đời đầy sóng gió của cụ Phan gắn liền với tình cảnh nô lệ của đồng bào, đất nước. Giọng điệu trầm thống của hai câu thơ trên phần nào thể hiện được tâm trạng đau đớn, xót xa của bậc anh hùng cứu nước.

Nhà thơ tóm lược về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một cuộc đời đầy sóng gió và bất trắc. Mười năm lưu lạc, khi Nhật Bản, khi Trung Quốc, khi Xiêm La (Thái Lan), xa quê hương, gia đình, chịu trăm ngàn cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần. Thêm vào đó là sự hiểm nguy thường xuyên đe doạ vì cụ Phan là đối tượng truy nã đặc biệt của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và cụ đã bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Phan Bội Châu nói như vậy không phải là để than thân mà chỉ nêu lên bị kịch chung của các chí sĩ yêu nước thời bấy giờ. Tình cảnh một dân tộc mất nước lúc này cũng nào có khác gì! Gắn liền sóng gió của cuộc đời riêng với tình cảnh chung của đất nước, của nhân dân, câu thơ giúp người đọc cảm nhận đầy đủ hơn nỗi đau lớn lao trong tâm hồn và tầm vóc phi thường của bậc anh hùng cứu nước.

Câu 3. Em hiểu thế nào về ý nghĩa của cặp câu 5 - 6? Lối nói khoa trương ở đây có tác dụng gì trong việc biểu hiện hình ảnh người anh hùng, hào kiệt này?

Hai câu luận:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Đúng là khẩu khí của một bậc đại trượng phu, cho dù gặp hoàn cảnh bi đát đến mức độ nào thì lí tưởng kinh bang tế thế, lo đời giúp dân của Phan Bội Châu vẫn không thay đổi (Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế ), vẫn có thể ngạo nghễ trước mọi thủ đoạn khủng bố tàn bạo của kẻ thù (cười tan cuộc oán thù). Trước sau cụ Phan vẫn một lòng theo đuổi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm. Lí tưởng và mục đích cao cả ấy đã giúp cụ giữ vững khí tiết kiên cường, tư thế hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Lối nói khoa trương này được dùng nhiều trong thơ ca lãng mạn, nhất là trong anh hùng ca, tạo nên những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, gây ấn tượng sâu đậm và truyền cảm xúc mạnh mẽ đến người đọc. Nó nâng cao tầm vóc và năng lực của con người lên đến mức siêu nhiên, thần thánh.

Câu 4. Hai câu thơ cuối là kết tinh tư tưởng của toàn bộ bài thơ. Em cảm nhận được điểm gì từ hai câu thơ ấy?

Hai câu kết:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Câu thơ khẳng định ý chí gang thép và niềm tin to lớn của người anh hùng không gì lay chuyển nổi. Từ còn lặp lại hai lần liền nhau ở giữa câu thơ vừa có tác dụng ngắt nhịp, vừa nhấn mạnh ý thơ. Người anh hùng hào kiệt ấy còn sống nghĩa là còn tiếp tục chiến đấu, còn tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Vì thế mà bất chấp mọi thử thách gian nan, nguy hiểm.

Hai câu kết như một lời tuyên ngôn dõng dạc, dứt khoát, có sức truyền cảm lớn lao, lay động hồn người.

Câu 5. Ôn lại những kiến thức đã học về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, em hãy nhận dạng thể thơ của bài vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác về các phương diện số câu, số chữ, cách gieo vần.

Đây là bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện ở các mặt sau: số câu: 8 câu; số chữ: 7 chữ; cách gieo vần: gieo vần ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6 ,8 (ở bài này có hơi ép vần: lưu, tù, châu, thù, đâu).

Trong một bài thơ thất ngôn bát cú (Đường luật), các cặp câu 3 - 4 (câu thực) và 5 - 6 (câu luận) bắt buộc phải đối ý, đối lời với nhau.

Thông thường, những câu thơ (thực, luận) này tập trung tinh hoa của cả bài thơ Đường luật, nên ý tứ phải hàm súc, cô đọng, từ ngữ phải chọn lọc, tinh tế, hình ảnh thì phải gây được ấn tượng và cảm xúc cho người đọc. Đây là chỗ thể hiện rõ nhất khả năng cảm nhận cuộc sống cùng những kĩ xảo ngôn từ của nhà thơ. Về mặt âm điệu, nó góp phần tạo nên sự đăng đối, hài hoà, mực thước của bài thơ Đường luật. Phép đối càng sắc sảo thì hiệu quả nghệ thuật càng cao.

Ở bài thơ này, những câu đối nhau góp phần tạo nên âm hưởng, nhịp điệu du dương của bài thơ. Cách chọn những cặp từ đối: bốn biển - năm châu, bủa tay - mở miệng, bồ kinh tế - cuộc oán thù làm cho tầm vóc của nhân vật trữ tình trở nên lớn lao, kì vĩ, phù hợp với giọng điệu lãng mạn hào hùng mang tính sử thi của bài thơ.