I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu vài nét về Ngày trái đất:

- Năm 1970, một tổ chức bảo vệ môi trường của Mĩ chọn ngày 22 tháng 4 hằng năm làm Ngày Trái Đất.

- Đến nay đã có hơn 140 nước tham gia.

- Năm 2000, Việt Nam tham gia với chủ đề: Một ngày không dùng bao bì ni-lông.

2. Thân bài:

* Tác hại của việc dùng bao bì ni-lông:

- Bao ni-lông làm bằng nguyên liệu tổng hợp, không bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên.

- Gây ra tác hại lớn trong nhiều lĩnh vực: làm bẩn môi trường, đất đai trồng trọt bị xói mòn, nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm bị nhiễm độc dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư não. Gây tắc đường thoát nước, tạo điều kiện cho ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Rác ni-lông làm chết các sinh vật biển khi chúng nuốt phải.

* Cách xử lí bao bì ni-lông:

- Chôn xuống đất: chiếm diện tích, làm hư đất, ô nhiễm nguồn nước.

- Đốt: rất tốn kém, lại thải ra nhiều chất khí độc hại.

- Tái chế: thu gom rác ni-lông mất nhiều công sức, tái chế bao ni-lông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người, hiệu quả không đáng kể.

* Phải làm gì để hạn chế việc sử dụng bao bì ni-lông?

- Mọi người nên nhận thức rõ về tác hại của bao bì ni-lông.

- Nên sử dụng các túi đựng hàng bằng giấy; nên gói thực phẩm tươi sống bằng lá...

- Tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xanh và sạch.

3. Kết bài:

- Văn bản nghị luận Thông tin về Ngày Trái Đất có phương pháp lập luận chặt chẽ, đơn giản và dễ hiểu.

- Có tác dụng thúc đẩy mọi người quan tâm hơn đến môi trường sống và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ Trái Đất - ngôi nhà chung của nhân loại.

II. BÀI LÀM

Năm 1970, một tổ chức bảo vệ môi trường của Mĩ đã chọn ngày 22 tháng 4 hằng năm là Ngày Trái Đất. Hiểu rõ mục đích tốt đẹp của nó, cho đến nay đã có hơn 140 nước tham gia. Thông tin về Ngày Trái Đất là văn bản được soạn thảo dựa trên nội dung bức thông điệp của 13 cơ quan và tổ chức phi chính phủ phát đi vào ngày 22 tháng 4 năm 2000, nhân dịp lần đầu tiên Việt Nam tham gia phong trào này với chủ đề cụ thể là: Một ngày không dùng bao bì ni lông.

Bố cục văn bản gồm ba đoạn:

Đoạn 1: Từ đầu... đến Một ngày không dùng bao bì ni lông: Hoàn cảnh ra đời của bản thông điệp.

Đoạn 2: Tiếp theo... đến ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường: Phân tích tác hại của việc sử dụng bao ni lông và nêu ra một số giải pháp cho vấn đề sử dụng bao ni lông.

Đoạn 3: Phần còn lại: Lời nhắc nhở, kêu gọi mọi người hãy cùng nhau bảo vệ môi trường sống trong sạch.

Trái đất hiện nay đang bị chính con người huỷ hoại một cách có ý thức và vô ý thức vì kém hiểu biết. Bao bì ni lông chỉ là một hiện tượng nhỏ có liên quan đến vấn đề lớn là bảo vệ môi trường thiên nhiên, liên quan đến việc giữ gìn Trái Đất, ngôi nhà chung của nhân loại.

Nguyên nhân cơ bản khiến cho việc sử dụng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường chính là đặc tính không phân huỷ của pla-xtic. Pla-xtic còn gọi là chất dẻo hay nguyên liệu tổng hợp. Túi ni lông được sản xuất từ hạt PE (polyetylen), PP (polypropylen) và nhựa tái chế. Đặc tính của nó là không phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Nếu không bị thiêu huỷ, nó có thể tồn tại mãi mãi. Tính chất bền vững đó đã gây ra hàng loạt tác hại nối tiếp nhau trong nhiều lĩnh vực:

Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt ở các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi nuốt phải. Đặc biệt bao bì ni lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi các bao bì ni lông thải bỏ bị đốt, các khí độc thải ra đặc biệt là chất đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.

Hiện nay, mỗi ngày người tiêu dùng sử dụng và thải bỏ hàng triệu bao bì ni lông. Chỉ một phần nhỏ được thu gom, còn phần lớn bị vứt bừa bãi khắp nơi, nhất là trên đường phố, sông ngòi, trong các công viên và cả ở những di tích, thắng cảnh nổi tiếng... gây ô nhiễm môi trường, làm giảm đi rất nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống. Các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng: một trong những nguyên nhân làm cho cá chết nhiều là do lượng rác thải ni lông ném xuống sông hồ quá lớn. Hằng năm, trên thế giới có khoảng trên 100.000 chim, thú biển chết do nuốt phải rác ni lông...

Có ba cách xử lí loại rác tai hại này, đó là: chôn lấp, đốt và tái chế nhưng đều gặp phải những khó khăn không nhỏ. Việc chôn lấp chiếm mất nhiều diện tích đất trồng trọt, đồng thời làm cho nguồn nước mạch bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Túi ni lông qua sử dụng đã là rác thải nhưng nó thường được tận dụng gói các loại rác thải hữu cơ khác. Rác đựng trong túi ni lông buộc kín sẽ khó phân huỷ và sinh ra các chất khí độc hại. Phương pháp đốt rác thải rất tốn kém nên chưa phổ biến lắm ở nước ta. Việc đốt rác ni lông sẽ sinh ra các khí độc cực kì nguy hiểm, gây choáng ngất, khó thở, rối loạn chức năng hô hấp, thần kinh, tim mạch, thậm chí dẫn đến căn bệnh ung thư. Việc thu gom bao ni lông nhằm để tái chế cũng gặp nhiều khó khăn vì không đem lại lợi ích đáng kể, đã vậy lại gây ô nhiễm môi trường theo kiểu khác.

Tóm lại, việc sử dụng bao bì ni lông là một vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Trong khi chưa có giải pháp tối ưu thì chỉ có thể khuyến cáo mọi người hạn chế dùng bao bì ni lông. Các biện pháp nêu trong văn bản là tương đối hợp lí và có tính khả thi:

Vì vậy chúng ta cần phải:

- Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông, cùng nhau giảm thiểu chất thải ni lông bằng cách giặt phơi khô để dùng lại.

- Không sử dụng bao bì ni lông khi không cần thiết.

- Sử dụng các túi đựng không phải bằng ni lông mà bằng giấy, lá, nhất là khi dùng để gói thực phẩm.

- Nói những hiểu biết của mình về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông cho gia đình, bạn bè và mọi người trong cộng đồng để cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề sử dụng bao bì ni lông trước khi thải bỏ bao bì ni lông bởi mức gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường.

Kết thúc bài viết, tác giả kêu gọi: Mọi người hãy cùng nhau quan tâm tới Trái Đất hơn nữa!

Hãy bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta trước những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang gia tăng.

Hãy cùng nhau hành động:

“MỘT NGÀY KHÔNG DÙNG BAO BÌ NI LÔNG”

Văn bản này được thể hiện bằng hình thức nghị luận chặt chẽ, khoa học, với tựa đề đầy tính thời sự: Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000. Những lời giải thích đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu về tác hại của việc dùng bao bì ni lông đã thúc đẩy mọi người quan tâm tới những việc cần làm ngay để cải thiện môi trường sống, bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta.