Câu 1. Phân tích diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán chó. Qua đó, em thấy lão Hạc là người như thế nào? Vì sao lão Hạc đành phải bán đi con chó vàng thân thiết?

- Tình cảnh của lão Hạc rất đáng thương: nhà nghèo, vợ chết đã lâu, chỉ có một đứa con trai. Anh con trai phẫn chí vì không có tiền cưới vợ nên bỏ vào Nam làm phu đồn điền cao su đã ba bốn năm rồi và biền biệt hơn một năm nay chẳng viết thư về.

- Tình cảm của lão Hạc với con chó vàng (mà lão thường âu yếm gọi là cậu Vàng): Coi nó như người bạn thân thiết để chia sẻ vui buồn, bởi nó là kỉ vật duy nhất của đứa con trai để lại.

- Sự túng quẫn ngày càng đe dọa cuộc sống của lão Hạc: Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm... Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão. Hoa màu bị phá sạch sành sanh. Gạo thì cứ kém mãi đi. Vì thế, lấy tiền đâu mà nuôi cậu Vàng? Lão không muốn tiêu phạm vào số tiền và mảnh vườn mà lão nhất quyết để dành cho con trai. Cho cậu Vàng ăn ít thì lão sợ cậu ấy gầy đi, bán hụt tiền. Chi tiết này phản ánh tấm lòng thương yêu con sâu sắc và đức hi sinh vì con rất đáng quý của lão Hạc.

- Đã nhiều lần, lão Hạc nói với ông giáo ý định bán cậu Vàng. Điều đó cho thấy lão phải suy tính, đắn đo mãi vì lão coi cậu Vàng như người bạn thân thiết và là kỉ vật duy nhất của đứa con trai mà lão hết lòng thương yêu.

- Sau khi bán cậu Vàng, lão Hạc sang gặp ông giáo để giãi bày tâm sự. Lão hình dung cậu Vàng nhìn lão bằng đôi mắt oán hận, trách móc: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à? Rồi lão tự dằn vặt: Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó.

Tình cảm của lão Hạc đối với con chó thật chân thành. Lão gọi nó bằng cái tên âu yếm: cậu Vàng. Lão ăn gì thì cho nó ăn nấy. Lão nhỏ to tâm sự với nó như với người thân. Đến khi túng quẫn, lão Hạc đành phải đứt ruột bán con chó khôn ngoan. Qua đó, ta thấy lão Hạc là một lão nông nghèo khổ nhưng nhân hậu, giàu tình yêu thương.

- Từ ngày anh con trai phẫn chí bỏ đi phu đồn điền cao su tận Nam Kì vì không có tiền cưới vợ, lão Hạc vừa mong mỏi đợi chờ con, vừa ăn năn, day dứt bởi làm cha mà không lo nổi cho con và đã ngăn không cho con bán vườn để cưới vợ. Lão cố tích cóp, dành dụm cho con để làm vơi bớt nỗi khổ tâm. Vì thế nên dù rất thương cậu Vàng nhưng khi lâm vào tình cảnh cùng quẫn, lão đành đau lòng mà quyết định bán đi. Bởi nếu không thì sẽ tiêu phạm vào số tiền và mảnh vườn mà lão đang cố giữ gìn trọn vẹn cho con trai. Việc này chứng tỏ tình thương con sâu sắc hiếm có của lão Hạc.

Câu 2. Em hiểu như thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc? Qua những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy “ông giáo” rồi sau đó tìm đến cái chết, em suy nghĩ gì về tình cảnh và tính cách của lão?

Cái chết bất ngờ của lão Hạc do tình cảnh đói khổ, túng quẫn buộc lão Hạc phải chọn cái chết như một hành động tự giải thoát. Qua những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy ông giáo rồi sau đó tìm đến cái chết, ta thấy lão Hạc là người rất thương con và có lòng tự trọng.

Chứng kiến cái chết vật vã đau đớn vì ăn bả chó của lão Hạc, mọi nghi ngờ trong lòng ông giáo tan biến: Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tại sao ông lão đáng thương, đáng kính như vậy mà phải chịu cái chết bi thảm đến thế này?!

Nếu lão Hạc là người tham sống thì lão vẫn có thể tiếp tục sống được, vì lão còn ba mươi đồng bạc để dành và ba sào vườn. Nhưng nếu cứ tiếp tục sống thì lão buộc phải ăn vào cái vốn liếng cuối cùng. Lão Hạc đã chọn cái chết để bảo toàn căn nhà và mảnh vườn cho con. Lão không muốn gây phiền hà cho hàng xóm nên trước khi chết đã gửi ông giáo ba sào vườn và ba mươi đồng bạc. Cái chết tự nguyện này xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao, từ lòng tự trọng đáng kính của lão Hạc. Lâm vào cảnh ngộ bế tắc nhưng lão vẫn cố giữ nếp sống trong sạch, tránh xa lối “đói ăn vụng túng làm càn”.

Người đọc không khỏi băn khoăn về cách chọn cái chết của lão Hạc là tự tử bằng bả chó. Sao lão không chọn cái chết lặng lẽ, êm dịu hơn? Ông lão nhân hậu trung thực này suốt đời chưa đánh lừa một ai. Lần đầu tiên trong đời lão bắt buộc phải lừa một con chó vô tội - người bạn thân thiết của mình. Dường như cách lựa chọn này chứa đựng ý muốn tự trừng phạt. Nó càng chứng tỏ đức tính trung thực, lòng tự trọng đáng kính phục của lão Hạc. Vì thế cái chết dữ dội càng gây ấn tượng mạnh đối với người đọc.

Câu 3. Em thấy thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc như thế nào?

Nhân vật “tôi” - tức là ông giáo, người hàng xóm mà lão Hạc rất tin cậy và thường dốc bầu tâm sự. Người đọc nhận thấy thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc là thái độ đồng cảm và thương xót. Lúc đầu, nghe lão Hạc kể về chuyện bán chó thì ông giáo rất dửng dưng vì nghe câu ấy đã nhàm rồi. Nhưng khi chứng kiến tâm trạng giằng xé, đau buồn, ân hận, dằn vặt của lão Hạc vì cho rằng mình đã nỡ lừa một con chó thì ông giáo thực sự xúc động và thương cảm: Trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc. Sau đó, ông giáo cố tìm cách an ủi, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, mời lão ở lại chơi, ăn khoai lang luộc, uống nước chè tươi, hút thuốc lào...

Thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” trước cái chết của lão Hạc có sự thay đổi đột ngột. Khi nghe Binh Tư kể là lão Hạc đã gặp hắn để xin bả chó, ông giáo ngạc nhiên, không khỏi hoài nghi về phẩm chất của lão Hạc xưa nay và có suy nghĩ bi quan: Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...; bởi một con người thật thà, tự trọng như lão Hạc mà lúc cùng quẫn cũng nảy sinh ý định ăn trộm chó như những kẻ tầm thường khác.

Chứng kiến cái chết vật vã, dữ dội của lão Hạc, ông giáo đã hiểu ra phẩm chất đáng quý của lão. Tự đáy lòng mình, ông giáo xót thương và cảm phục ông lão nghèo; thành tâm cầu mong cho linh hồn lão được thanh thản: "Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn:“Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào...”

Câu 4. Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin hắn bả chó để bắt một con chó hàng xóm thì nhân vật “tôi” cảm thấy “cuộc đời quả thật... đáng buồn”, nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc, “tôi” lại nghĩ: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Em hiểu ý nghĩ đó của nhân vật “tôi” như thế nào?

Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó để bắt trộm một con chó của hàng xóm, nhân vật “tôi” lúc đầu ngạc nhiên và sau đó rất buồn vì một con người có lòng tự trọng, giàu tình yêu thương con, yêu thương loài vật, thế mà giờ đây vì túng quẫn cũng làm liều: Con người đáng kính ấy bây giờ lại theo gót Binh Tư để có ăn ư?... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng... lại có thể làm điều xấu xa thì quả thật là đáng buồn. Một nỗi buồn xen lẫn hoài nghi và trách móc.

Nhưng khi nhân vật “tôi” chứng kiến cái chết đau đớn, vật vã của lão Hạc thì chợt hiểu ra tất cả và vô cùng cảm kích trước người nông dân nghèo khó ấy. Cái chết thê thảm của lão Hạc để lại một nỗi buồn khôn tả trong lòng nhân vật “tôi”: Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác.

Đáng buồn theo một nghĩa khác tức là con người vẫn giữ được phẩm giá tốt đẹp trong hoàn cảnh khốn cùng như lão Hạc mà lại bị xô đẩy vào con đường không lối thoát, phải tìm đến cái chết bi thảm. Buồn vì một con người thuần hậu, tự trọng và đáng kính như lão Hạc mà phải sống cuộc đời cô đơn, bất hạnh và lúc chết cũng không được chết một cách bình thường, thanh thản. Buồn vì số phận con người quá mong manh, không có gì bảo đảm trong một xã hội thật đáng nguyền rủa, lên án. Nỗi buồn này vừa có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc vừa mang ý nghĩa nhân đạo cao cả.

Câu nói và nỗi buồn của nhân vật “tôi” cứ ám ảnh mãi tâm trí người đọc. Số phận của lão Hạc cũng là số phận chung của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Làng quê Việt Nam nghèo đói, xác xơ; người nông dân sống lầm than, cơ cực dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Truyện ngắn Lão Hạc là bức tranh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước năm 1945.

Câu 5. Theo em, cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở những điểm nào? Việc tạo dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng như thế nào? Cách xây dựng nhân vật có gì đặc sắc? Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) có hiệu quả nghệ thuật gì?

Truyện ngắn Lão Hạc đặc sắc trong cách miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, cách tạo tình huống và cách dẫn truyện. Nam Cao tập trung xây dựng hai nhân vật: Lão Hạc và ông giáo.

* Cốt truyện được tạo dựng dựa trên các tình huống có vấn đề và chứa đựng kịch tính.

+ Tình huống thứ nhất: Tác giả đặt nhân vật lão Hạc và ông giáo trong tình cảnh nghèo đói, túng quẫn để làm nổi bật tính cách. Ông giáo vì cố tìm hiểu và muốn chia sẻ nỗi bất hạnh nên đã nhận ra nét đáng quý trong phẩm chất của lão Hạc ẩn giấu trong cái vẻ ngoài tưởng như gàn dở.

+ Tình huống thứ hai: Là việc lão Hạc xin bả chó của gã trộm Binh Tư. Đây là một chi tiết nghệ thuật quan trọng có tác dụng đánh lạc hướng để gây bất ngờ, đảo ngược những ý nghĩ tốt đẹp của ông giáo và mọi người về lão Hạc. Lúc đầu, nhân vật “tôi” không khỏi ngạc nhiên và hiểu nhầm. Sau đó, khi hiểu ra nguyên nhân cái chết bi thảm ấy thì phẩm chất tốt đẹp của lão Hạc càng được khẳng định. Điều đó đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng ông giáo và mọi người, gợi ra những chiêm nghiệm sâu sắc có tính chất triết lí về ý nghĩa của đời người và cuộc sống.

Tác giả đã miêu tả tâm trạng của nhân vật lão Hạc rất sinh động thông qua nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ, qua những điều nhờ cậy ông giáo và nhất là qua hành động tìm đến cái chết dữ dội ở cuối truyện. Tính cách nhân vật lão Hạc rất nhất quán, có chiều sâu tâm lí, bản chất được bộc lộ rõ. Đoạn văn đặc tả vẻ mặt đau đớn của lão Hạc lúc lão báo tin bán cậu Vàng cho ông giáo biết và đoạn tả cái chết dữ dội của lão là những trang viết thực sự gây ám ảnh và xúc động đối với người đọc.

Bên cạnh việc tạo ra yếu tố bất ngờ trong tình huống truyện thì cái hay của truyện còn được thể hiện qua lời kể của nhân vật “tôi” - tức ông giáo, người trực tiếp tham gia, chứng kiến mọi sự kiện liên quan đến nhân vật lão Hạc. “Tôi” có lúc là ông giáo, có lúc là sự hoá thân của chính tác giả. Do đó, cốt truyện được dẫn dắt một cách tự nhiên. Sự đan xen giữa tính hiện thực và tính trữ tình khiến câu chuyện trở nên chân thật và rất xúc động.

Câu 6. Em hiểu thế nào về ý nghĩ của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả) qua đoạn văn sau:

“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương [...] Cái bản tính tốt của người ta cũng bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.

Đây là lời triết lí xen lẫn cảm xúc trữ tình xót xa của Nam Cao. Qua đó, Nam Cao khẳng định một thái độ sống, một cách ứng xử mang tinh thần nhân đạo: Chúng ta cần phải quan sát, tìm hiểu đầy đủ, suy nghĩ sâu sắc về những con người sống quanh mình; cần phải nhìn nhận, đánh giá họ bằng sự đồng cảm, bằng “đôi mắt” của tình thương. Phải đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của người khác thì ta mới có sự nhìn nhận và hiểu biết đúng đắn.

Trong truyện ngắn Lão Hạc, nhân vật “tôi” là một thầy giáo có đức độ và hiểu biết, được mọi người tin cậy. Ông giáo cũng là người duy nhất gần gũi lão Hạc, cố tìm hiểu tâm trạng lão Hạc để thông cảm và chia sẻ. Ý nghĩ, tình cảm của ông giáo đối với lão Hạc cũng chính là ý nghĩ, tình cảm đối với những người xung quanh. Phát hiện ra vẻ đẹp trong phẩm chất của lão Hạc cũng là phát hiện ra vẻ đẹp của con người, thể hiện thái độ trân trọng con người. Ở mỗi con người đều tiềm ẩn một nét đẹp nào đó. Bản chất của họ nói chung là tốt; song vì hoàn cảnh sống, vì những nỗi lo toan cơm áo hàng ngày mà họ trở thành ích kỉ. Cũng xuất phát từ ý nghĩ ấy mà nhân vật “tôi” đã phát hiện ra vẻ đẹp trong tính cách của lão Hạc như tính nhân hậu, lòng tự trọng... Ông giáo đã tìm ra nguyên nhân che lấp bản tính tốt đẹp của con người: Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất. Cũng giống như một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?

Ý nghĩ của nhân vật “tôi” không đơn giản chỉ là một lời nhận xét mà là một suy ngẫm, chiêm nghiệm đầy tính triết lí về bản chất con người. Đó chính là tư tưởng, tình cảm của nhà văn Nam Cao gửi gắm vào tác phẩm, là quan điểm của nhà văn về vấn đề đánh giá con người.

Câu 7. Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu thế nào về cuộc đời và tính cách người nông dân trong xã hội cũ?

Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, chúng ta hình dung được phần nào về cuộc đời và tính cách của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Làng quê Việt Nam thời ấy nghèo đói, xác xơ. Người nông dân quanh năm lam lũ, cực khổ mà vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc. Gia đình chị Dậu vì sưu cao, thuế nặng phải rơi vào cảnh xẻ đàn tan nghé: Anh Dậu bị bắt trói giải ra đình, bị cùm kẹp, đánh đập dã man. Chị Dậu phải bán cả đứa con gái thân yêu để lấy tiền nộp sưu cho chồng. Nếu đoạn trích Tức nước vỡ bờ là bức tranh thu nhỏ về hiện thực nông thôn Việt Nam trong những ngày sưu thuế thì Lão Hạc là một bức tranh chung về nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc. Những người nông dân nghèo khổ như lão Hạc, chị Dậu... không chỉ bị lâm vào cảnh bần cùng vì mất mùa mà còn vì sưu cao, thuế nặng, bị áp bức bóc lột. Song phẩm chất của họ rất đáng quý. Hoàn cảnh túng quẫn không thể biến họ thành những con người yếu hèn, nhu nhược. Chị Dậu tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam rất mực yêu thương chồng con, tần tảo chăm lo cho gia đình và có thái độ phản kháng mãnh liệt trước bạo lực, cường quyền. Lão Hạc là hình ảnh tiêu biểu của một người cha yêu con, một lão nông nhân hậu rất có ý thức về nhân cách và giàu lòng tự trọng dù phải sống trong tình cảnh khốn cùng.

Mỗi một tác phẩm phản ánh một khía cạnh riêng về đời sống nông thôn trước năm 1945, song điểm chung là Ngô Tất Tố và Nam Cao đều ca ngợi, trân trọng phẩm chất cao quý của những người nông dân nghèo khổ. Các tác giả đã thấu hiểu tình cảnh khốn khó của họ và viết về họ với thái độ trân trọng cùng nỗi cảm thương sâu sắc.