I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Người được kể là ai? (Cô Hai)
- Có quan hệ như thế nào? (Cô ruột)
2. Thân bài:
* Tả nhân vật:
+ Ngoại hình:
- Tuổi ngoài năm mươi.
- Thân hình thấp nhỏ.
- Khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu. Đôi mắt luôn phảng phất nỗi buồn.
- Mái tóc bạc sớm, búi cao sau đầu. (Nhấn mạnh nét đặc biệt để lại ấn tượng sâu đậm nhất).
+ Tính nết:
- Hiền lành, giản dị.
- Giàu tình thương yêu và đức hi sinh.
- Yêu thích văn chương, thuộc nhiều ca dao, cổ tích.
+ Kể về những kỉ niệm gắn bó với cô:
- Hợp tính cô, gần gũi cô nhất.
- Thích được tâm sự với cô và nghe cô kể chuyện.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của bản thân:
- Yêu mến, kính phục cô.
- Mong muốn cô luôn khoẻ mạnh, sống lâu.
II. BÀI LÀM
Cô Hai là chị ruột của bố tôi. Ông bà nội tôi mất sớm, cô là chị cả nên thay cha mẹ nuôi nấng, đùm bọc các em. Bố tôi thường nói với chúng tôi rằng công lao của cô rất lớn, đừng ai quên điều đó.
Cô Hai tuổi đã ngoài năm mươi, dáng người thấp nhỏ trông lại càng thấp nhỏ hơn trong bộ quần áo rộng. Gương mặt cô hiền hậu, sớm in những nếp nhăn lo toan, vất vả. Mái tóc bạc sớm búi cao sau đầu được ghim chặt bằng chiếc trâm ngà, vật trang sức duy nhất của bà nội tôi để lại cho cô.
Cả quãng đời thanh xuân, cô Hai dành trọn cho việc nuôi dưỡng bố tôi và chú tôi ăn học. Ở cái thị xã Sơn Tây miền trung du bé tí tẹo này, để kiếm ra đồng tiền không phải dễ. Cô Hai đã trải qua những năm tháng gian nan tưởng chừng khó có thể vượt qua. Đôi bàn tay và đôi vai cô chai sần vì bao công việc nặng nhọc như gánh gạch, xúc than, vác mía, kéo xe chở hàng... Mỗi khi nói về cô, mắt bố tôi lại rơm rớm lệ.
Bố kể lại rằng hồi bố lên lớp Tám, cô Hai ốm một trận tưởng chết vì bị ngã xuống sông. Hôm ấy, cô gánh than từ sà lan lên bãi đổ cách vài trăm mét. Đến trưa, vì quá đói nên run chân, cô bước không vững trên tấm ván dài bắc từ sà lan vào bờ. Bất chợt, cô tối tăm mặt mũi, cả người lẫn quang gánh rơi ùm xuống nước, may mà được vớt lên kịp. Thế rồi cô bị viêm phổi nặng, nằm gần tháng trời trong bệnh viện. Thương chị quá, bố tôi đòi bỏ học đi làm. Cô Hai khóc lóc, vật vã, van xin em trai đừng làm cho cô phải thất hứa với vong linh cha mẹ.
Ra viện được vài ngày, cô lại toan tính chuyện làm ăn. Không còn đủ sức để gồng thuê, gánh mướn nữa, cô xoay sang mở hàng nước cạnh bến sông. Cái quán của cô chỉ là bốn cây cột tre cong queo với vài tấm tranh lợp tạm. Chiếc chõng nhỏ trên bày một bộ ấm chén, dăm nải chuối, hũ kẹo bột, vài gói thuốc lào và chiếc điếu cày... Khách toàn là những người bốc vác hoặc lái xe ở cảng. Với cái quán nghèo ấy, cô Hai đã nuôi bố tôi và chú tôi ăn học đến nơi đến chốn.
Rồi bố tôi lấy vợ, cô Hai vẫn ở chung để giúp đỡ các em. Kể từ lúc ra đời đến nay, tôi luôn được cô Hai chăm bẵm, vỗ về. Không có chồng con, cô dành tất cả tình yêu thương cho các cháu. Cô quý tôi lắm, có miếng ngon miếng lành gì cô cũng để dành cho “cái Tũn” - là tôi, đứa cháu gái hợp cô nhất trong lũ cháu ba đứa nghịch như quỷ sứ.
Những đêm trăng sáng, cô cháu tôi thường nằm trên chiếc võng đay mắc giữa hai thân cau trước sân. Cô hay kể chuyện cổ tích cho chị em tôi nghe. Làm sao mà cô thuộc nhiều, nhớ nhiều đến thế! Tôi thắc mắc thì cô cười khẽ: “Ngày trước, cô nghe bà kể, rồi nhập tâm, quên làm sao được!”. Lúc tôi khôn lớn, hễ cô đọc được truyện nào hay thì kể lại truyện ấy, kèm theo những lời bình thú vị. Cô tôi rất thích văn chương. Cô bảo nếu có thời gian rảnh rỗi, cô sẽ viết lại chuyện đời cô thành tiểu thuyết. Tưởng tượng ra lúc cô Hai trở thành nhà văn, tôi thích thú vô cùng, nhưng ngày ấy chắc là còn xa lắm!
Giờ đây, cô Hai vẫn là người chăm nom săn sóc cho tổ ấm gia đình tôi. Đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô như có phép màu, động tới đâu là sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng tới đó. Từ lối đi rải sỏi trắng hai bên trồng cỏ tóc tiên xanh mướt đến mảnh vườn rau nhỏ quanh năm bầu, bí, mướp, cà, rau cải, rau thơm tươi tốt, chỗ nào cũng có công sức của cô. Cô Hai dạy tôi cách thu xếp nhà cửa và nấu ăn. Tuy chỉ là những món dân dã như canh cua, cà pháo, đậu phụ rán, thịt kho,... nhưng qua tài chế biến của cô Hai, người thưởng thức sẽ thấy các món ăn ấy có hương vị đậm đà, khó quên.
Tận đáy lòng, tôi đã coi cô Hai như người mẹ ruột bởi vòng tay cô ôm ấp, bao bọc tuổi thơ tôi. Đức hi sinh thầm lặng của cô khiến tôi cảm phục. Đã thành lệ, năm nào vào giờ khắc giao thừa thiêng liêng, trước bàn thờ tổ tiên, ông bà, tôi cũng khấn thầm, mong cho cô Hai mạnh khoẻ, sống lâu để được chứng kiến ngày đàn cháu trưởng thành. Cô tôi bảo rằng cô chẳng ao ước gì hơn thế! Cô ơi! Cháu hiểu và càng thêm thương, thêm quý cô - người phụ nữ dáng dấp nhỏ bé mà ý chí, nghị lực phi thường biết chừng nào!