I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Hoa lan được tôn vinh là loài hoa quý phái, sang trọng nhất. (Vương giả chi hoa).

- Vẻ đẹp phong phú, đa dạng của hoa lan đã khiến cho con người ngạc nhiên, thích thú, say mê.

2. Thân bài:

* Xuất xứ:

+ Hoa lan có mặt khắp nơi trên thế giới, ở nhiều vùng khí hậu khác nhau.

+ Lan là một loại cây hoàn toàn tự dưỡng nhờ ánh sáng, không khí và hơi nước.

+ Lan bám rễ vào các cây to gọi là phong lan; nếu bám rễ vào đất hoặc hốc đá có mùn thì gọi là địa lan.

* Các loại lan:

- Họ lan có tới 750 chi và khoảng 2500 loài. Các loại như: bạch lan, mặc lân, tố tâm, hoàng điệp, ánh kim, hạc đỉnh, loan điểm... màu sắc rực rỡ, hương thơm thanh thoát.

* Miêu tả các bộ phận của cây hoa lan:

- Thân lan có củ giả do các bẹ lá tạo thành (địa lan), hoặc gồm các đốt nối nhau (phong lan). Hầu hết thân lan đều có chất diệp lục để tự quang hợp.

- Hình dáng lá lan cũng rất đa dạng, đặc điểm chung là xanh bóng và dày, chứa nhiều nước cùng chất dinh dưỡng.

- Hoa lan hình dáng đa dạng, nhiều màu sắc rực rỡ, có mùi thơm thoang thoảng, nở rất lâu.

- Quả có rất nhiều hạt nhỏ li ti, lúc khô nhẹ nhàng bay theo gió gieo rắc khắp nơi.

* Chăm sóc và bảo quản:

- Trồng địa lan cần đất xốp và nhiều mùn, tưới đủ ẩm và không để dưới nắng.

- Phong lan trồng trong chậu nông có lót than củi, xơ dừa cho rễ cây bám vào, treo trong giàn che. Nếu được bó vào hẳn thân cây dưới tán lá là tốt nhất.

- Có chế độ bón phân, phun thuốc đúng kĩ thuật. Không dùng nước máy để tưới cho cây lan.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Cây hoa lan là một trong bốn loài cây quý: Mai, lan, cúc, trúc tượng trưng cho phẩm chất thanh cao của người quân tử.

II. BÀI LÀM

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, người sành chơi hoa đều nhất trí tôn vinh lan là Vương giả chi hoa bởi vẻ đẹp lộng lẫy, mê đắm hồn người của nó.

Hoa lan có mặt khắp nơi trên thế giới, có thể sống ở nhiều vùng khí hậu khác nhau. Họ nhà lan vô cùng phong phú, gồm 750 chi và khoảng trên 2500 loài. Lan không sống ký sinh như tơ hồng, tầm gửi mà là loài cây tự dưỡng nhờ ánh sáng, không khí và hơi nước.

Lan có hai loại chính chia theo điều kiện sống. Loại sống bám vào các cây to rồi phát triển gọi là phong lan. Loại bám rễ vào hốc đá chỗ có mùn hoặc được trồng dưới đất gọi là địa lan. Ở nước ta hiện nay đã trồng được các loại lan nổi tiếng như hạc đỉnh, mặc lan, tố tâm, hoàng vũ, phi hoàng điệp, hồ điệp, bạch lan, lan hài...

Những giống địa lan có nguồn gốc từ Thái Lan có đặc điểm là thân cứng và khá cao, ra hoa quanh năm, màu sắc rực rỡ, mỗi cành trên hai mươi nụ, nở cả tháng mới tàn, vận chuyển đi xa tương đối thuận tiện. Các giống hoa này thích hợp với vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Có thể trồng với quy mô lớn theo kĩ thuật hiện đại để phục vụ xuất khẩu. Lan hài, lan hồ điệp và các loài địa lan khác của Đà Lạt chỉ thích hợp với vùng ôn đới. Thân cây yếu, chiều cao hạn chế, nhánh nhỏ, mỗi nhánh chừng dăm bảy nụ hoa và thường tàn sau một tuần.

Thân lan có dạng như củ giả (địa lan) do các bẹ lá tạo thành hoặc dạng đốt trúc (phong lan). Lá lan cũng nhiều hình dáng, phổ biến là loại lan lá dài, xanh và dày, chứa nhiều nước cùng chất dinh dưỡng. Rễ lan mọc loà xoà và bám rất chắc vào thân cây hoặc vật dùng để trồng.

Hoa lan mọc thành nhánh lớn gồm nhiều nhánh nhỏ, mỗi nhánh nhỏ có vài bông, màu sắc rực rỡ, đẹp tuyệt vời! Loài hoa phong lan có hai màu tím và trắng, cánh dày, tươi lâu. Lan hoàng điệp bông nhỏ, vàng tươi, rập rờn như đàn bướm lượn. Lan hồ điệp bông tương đối lớn, màu trắng, nhị vàng cam, giống như đàn bướm đang bay. Lan hài hình dáng tựa chiếc hài gấm mũi cong, xinh xắn vô cùng! Lan vũ nữ trông giống như một nghệ sĩ múa tài hoa đang say sưa trong điệu múa thần tiên... Đứng trước một vườn lan muôn hồng ngàn tía, người thưởng thức đều có chung một cảm giác lâng lâng như đang lạc vào chốn thiên đường.

Là loài hoa quý nên lan cần có một chế độ trồng trọt và chăm sóc đặc biệt, theo quy trình công nghệ kĩ thuật cao. Địa lan trồng trên đất mùn tơi xốp, phong lan trồng trong các chậu nhỏ bằng gốm hoặc gỗ, các khúc cây ngắn có chứa xơ dừa, than tàu để cho lan bám rễ. Lan được trồng bằng cách cấy mô và người trồng có thể lai tạo giữa các giống lan để có được giống mới với nhiều ưu điểm.

Vì lan ưa sống trong bóng mát nên người ta phải trồng lan trong nhà hoặc có giàn che nắng. Ngày ngày phun nước tưới giữ độ ẩm vừa phải và thường xuyên kiểm tra để phát hiện và chữa trị kịp thời các loại bệnh của cây. Lưu ý là không được dùng nước máy và các hóa chất trong nước sẽ làm cho cây lan bị chết.

Xưa kia, hoa lan là loài hoa chỉ xuất hiện trong đời sống của các bậc vua chúa. Vì thế mới có câu: Vua chơi lan, quan chơi cúc. Hiện nay, hoa lan đã trở nên phổ biến, hiện diện rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Có thể nói hoa lan là sự kết tụ những gì tinh tế nhất, huyền diệu nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Cùng với bao loài hoa khác, hoa lan đang góp phần tô điểm cuộc sống của chúng ta ngày càng thêm tươi đẹp.