CHƯƠNG VII: TIẾN HÓA
A. TÓM TẮT LÍ THUYẾT
BẰNG CHỨNG TIẾN HÓA
I. BẰNG CHỨNG GIẢI PHẪU SO SÁNH
Giải phẫu học so sánh là môn khoa học nghiên cứu các đặc điểm giải phẫu của sinh vật thuộc các loài khác nhau từ đó xác định được quan hệ nguồn gốc giữa chúng và thiết lập cây chủng loại phát sinh.
1. Cơ quan tương đồng.
- Cơ quan tương đồng (cơ quan cùng nguồn): Là những cơ quan thuộc các cá thể của các loài khác nhau nằm ở những vị trí tương ứng trên cơ thể, có cùng nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi.
Ví dụ 1: Gai cây xương rồng, tua cuốn cây Đậu Hà Lan, ấm và nắp ấm của cây nắp ấm đều có nguồn gốc từ lá, nằm ở các vị trí của lá nhưng có hình thái khác nhau do thực hiện các chức phận khác nhau.
Ví dụ 2: Xương chi trước các động vật có xương sống khác nhau về chi tiết nhưng lại giống nhau về cấu trúc đại thể (đều có cấu tạo kiểu chi năm ngón). Các biến đổi về chi tiết là do thích nghi với điều kiện môi trường sống khác nhau.
- Cơ sở: Sự giống nhau về cấu trúc giữa các loài sinh vật là do chúng thừa hưởng vốn gen từ tổ tiên chúng. Những biến đổi thích nghi sẽ được chọn lọc tự nhiên tích lũy qua thời gian.
- Ý nghĩa: Cơ quan tương đồng chứng minh cho hiện tượng tiến hóa phân ly.
2. Cơ quan thoái hóa.
- Cơ quan thoái hoá là cơ quan vốn rất phát triển ở loài tổ tiên nhưng nay bị tiêu giảm do không còn thực hiện chức năng.
- Ví dụ: ruột thừa ở người vốn là ruột tịt rất phát triển ở các loài thú, nếp thịt ở khoé mắt người là di tích của mí mắt thứ ba ở chim và bò sát.
- Sự hình thành cơ quan thoái hóa là do một đột biến nào đó làm ảnh hưởng tới chức năng của gen. Do đó ảnh hưởng tới sự biểu hiện của tình trạng do gen quy định.
- Thực chất cơ quan thoái hoá là cơ quan tương đồng.
- Cơ quan thoái hoá là bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ nguồn gốc chung giữa các loài.
3. Cơ quan tương tự.
- Định nghĩa: Cơ quan tương tự là cơ quan thuộc các loài khác nhau, khác nhau về nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi, nhưng do thực hiện cùng chức năng nên có đặc điểm về hình thái tương tự nhau.
- Ví dụ: Mang cá và mang tôm.
- Ý nghĩa : chứng minh cho hiện tượng đồng quy tính trạng. Đó là hiện tượng hai loài khác nhau về nguồn gốc nhưng có hình thái tương tự nhau do sống trong điều kiện môi trường giống nhau.
- Ví dụ: Nhiều loài thú có túi ở châu Úc có nhiều loài có đặc điểm tương tự với một số loài thú có nhau ở các châu lục khác.
II. BẰNG CHỨNG TẾ BÀO
- Nội dung học thuyết tế bào cho thấy nguồn gốc chung của sinh giới:
+ Mọi sinh vật đều được cấu tạo từ các tế bào.
+ Mọi tế bào đều được sinh ta từ những tế bào trước đó.
+ Mọi tế bào đều thể hiện đầy đủ các đặc trưng cơ bản của cơ thể sống.
- Sự giống và khác nhau của tế bào vi khuẩn, sinh vật cổ và sinh vật nhân chuẩn.
- Giả thuyết nội cộng sinh về nguồn gốc của ty, lạp thể trong tế bào nhân chuẩn.
- Sự giống và khác nhau của tế bào động vật và thực vật.
III. BẰNG CHỨNG SINH HỌC PHÂN TỬ
- Cơ sở phân tử chủ yếu của sự sống là các đại phân tử hữu cơ: axit nucleic, protein và các polyphotphat. Trong đó cơ sở vật chất của tính di truyền và biến dị là ADN và ARN.
- ADN của các loài khác nhau đều được cấu tạo bởi 4 loại nuclêôtid A,T,G, X. Mỗi phân tử ADN đều đặc trưng bởi số lượng, thành phần và trình tự sắp xếp các nucleotit.
- Mỗi phân tử protein được đặc trưng bởi số lượng, thành phần và trình tự sắp xếp các axitamin và cấu trúc không gian của phân tử. Có vô số phân tử ADN khác nhau nhưng chỉ được cấu tạo từ 20 loại axit amin.
- Hai loài có quan hệ các gần gũi thì trình tự nucleotit trên ADN, và trình tự axit amin trên chuỗi polypeptit càng giống nhau. Do đó có thể xác định quan hệ gần gũi giữa hai loài bằng cách xác định độ tương đồng trong cấu trúc ADN và prôtêin.
- Tính thống nhất của sinh giới còn thể hiện ở mã di truyền. Mã di truyền là thống nhất trong cả sinh giới.