CHƯƠNG IV: DI TRUYỀN HỌC NGƯỜI

A. TÓM TẮT LÍ THUYẾT

CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU PHẢ HỆ

1. Phả hệ là gì?

Phả hệ là các thế hệ nối tiếp nhau trong cùng 1 dòng họ.

2. Mục đích của nghiên cứu phả hệ

Phương pháp phân tích phả hệ có vai trò quan trọng, dùng để theo dõi sự DT của tính trạng nhất định trên những người thuộc cùng dòng họ, qua nhiều thế hệ, xác định tính trạng là trội hay lặn, do 1 hay nhiều gen chi phối, có liên kết giới tính hay không...

3. Phương pháp phân tích một phả hệ

Theo dõi sự di truyền một tính trạng nào đó trên những người thuộc cùng 1 dòng họ qua nhiều thế hệ; từ đó rút ra quy luật di truyền của tính trạng đó.

4. Các kí hiệu thường dùng trong nghiên cứu phả hệ

Một số ký hiệu dùng để lập phả hệ

DI TRUYỀN Y HỌC

I. BỆNH DI TRUYỀN PHÂN TỬ

1.Rối loạn bẩm sinh về trao đổi chất

Ví dụ : bệnh Phenylketo_niệu (PKU)

II. BỆNH DI TRUYỀN NST

1. Bệnh do thể ba: hội chứng Down

- Ở bệnh nhân Down, NST 21 không phải ở dạng cặp như người bình thường mà thuộc thể ba nhiễm. Biểu hiện bệnh lý là ngu đần bẩm sinh, trí lực giảm, không có khả năng sinh dục, vóc dáng bé, lùn, cổ rụt, má phệ,...95% trường hợp Down đều có nguyên nhân là sự không phân li của cặp NST 21 ở bố hoặc mẹ, kết quả con sinh ra thừa 1 NST ở cặp 21.

2. Bệnh liên quan đến NST giới tính

a. Hội chứng Tơcnơ

Bệnh nhân có 44 NST thường và chỉ 1 NST X thường chết ở giai đoạn thai, bệnh nhân trưởng thành thường có các dị hình: không có buồng trứng, thiếu các tính trạng thứ cấp, mất trí,...

b. Hội chứng Claiphento

Bệnh nhân là nam nhưng không bình thường về tuyển sinh dục, có 1 số nét giống nữ, không có con, trí nhớ kém, thân hình cao không cân đối, chân quá dài.

Cấu trúc XXY có thể do thụ thai từ 1 tế bào trứng đặc biệt XX với tinh trùng Y hoặc từ trứng X với tinh trùng XY. Người ta đã phát hiện nhiều dạng thừa nhiều NST giới tính hơn XXYY, XXXY, XXXYY,...

DI TRUYỀN HỌC UNG THƯ

1. Đột biến gen, đột biến NST được xem là những nguyên nhân gây ung thư

Nhiều số liệu cho thấy khối u thường phát triển từ 1 tế bào bị đột biến nhiều lần làm cho tế bào không còn khả năng đáp ứng lại cơ chế điều khiển phân bào của cơ thể dẫn đến phân chia liên tục.

2. Gen ung thư

- Các gen quy định các yếu tố sinh trưởng, bình thường hoạt động chịu sự điều khiển của cơ thể để chỉ tạo ra 1 lượng sản phẩm vừa đủ đáp ứng lại nhu cầu phân chia tế bào bình thường.

- Khi bị đột biến, gen trở nên hoạt động mạnh hơn và tạo ra quá nhiều sản phẩm làm tăng tốc độ phân bào dẫn đến khối u tăng sinh quá mức mà cơ thể không kiểm soát nổi. Đột biến gen này là đột biến trội. Những gen ung thư loại này thường không được di truyền vì chúng xuất hiện ở tế bào sinh dưỡng.

- Trong tế bào của cơ thể người bình thường còn có các gen ức chế khối u làm cho các khối u không thể hình thành được. Tuy nhiên nếu bị đột biến làm cho các gen này mất khả năng kiểm soát khối u thì các tế bào ung thư xuất hiện tạo nên các khối u. Loại này là đột biến lặn.

DI TRUYỀN HỌC BỆNH AIDS

1. Sự nhân lên của virut HIV trong tế bào chủ

Khi virut HIV xâm nhập vào tế bào vật chủ, nó gắn lên bề mặt của tế bào tiếp nhận hay điểm thụ thể một số tế bào khác nhau: đại thực bào, bạch cầu đơn nhân hay tế bào lympho B.

Sau đó virut gắn vào màng tế bào và hoà tan màng. Ở đây phân tử gp41 của receptor của virut cắm sâu vào màng tế bào làm cho màng của virut hoà vào màng rồi "bơm" gen của virut vào trong tế bào.

Tiếp theo là quá trình phiên mã. Nhờ enzim phiên mã ngược transcriptase, từ sợi ARN của virut tạo thành sợi ADN bổ sung (cADN).

Sự gắn kết gen: Từ cADN này làm khuôn tổng hợp thành 2 sợi ADN thẳng sau đó chuyển thành ADN xoắn vòng chui qua màng nhân gắn vào bộ gen của tế bào vật chủ nhờ enzim gắn của virut integrase. Giai đoạn này tiềm tàng không biểu hiện triệu chứng nhưng chính nó đã làm thay đổi gen của tế bào vật chủ.

Nhờ enzim ARN polimeraza tổng hợp ARN của virut từ khuôn ADN. Protein của virut cũng được tổng hợp nhờ riboxom của tế bào chủ, chúng lắp ráp tạo thành các thành phần có thể ra lưới nội chất hay tiến tới màng tế bào tạo thành các virion nằm trên màng hoặc giải phóng ra ngoài.

2. Phòng và điều trị HIV/AIDS

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh AIDS. Phòng bệnh là giải pháp tốt nhất.

Nhiều công trình nghiên cứu đã tổng hợp thành công 1 số loại protein giúp hạn chế sự xâm nhập, nhân lên của virut HIV.

Trong quá trình thử nghiệm, các protein tổng hợp này đã cản trở gp41 (một loại prôtêin chủ chốt trên bề mặt của HIV), làm cho nó không thể tương tác được với các protein trên màng tế bào chủ (mà nó định xâm nhập), do đó HIV không thể “bám” và “chui” vào bên trong tế bào được.

TƯ VẤN DI TRUYỀN Y HỌC

Trước đây lời khuyên di truyền hoàn toàn dựa vào sự hiểu biết về quy luật di truyền, tính xác suất xảy ra cho từng trường hợp cụ thể, phân tích phả hệ,... Ngày nay kĩ thuật trước sinh đã được thực hiện với những phương pháp đáng tin cậy ngay khi còn ở dạng phôi thai như phương pháp chọc dò dịch ối để phân tích di truyền học tế bào và hoá sinh, quan sát gián tiếp bào thai nhờ siêu âm hoặc quan sát trực tiếp nhờ soi phôi thai, lấy các mẫu sinh phẩm từ phôi thai (tua nhau thai, máu,..) để xét nghiệm, phương pháp định lượng AFP trong máu mẹ.

Chẩn đoán trước sinh cho phép đánh giá tình trạng của bộ NST, của bộ gen, hoạt động của các enzim trong bào thai giúp tư vấn di truyền y học có cơ sở khoa học để cho lời khuyên chính xác.

Theo một số thống kê bệnh tật cho thấy, số lượng bệnh di truyền do đột biến gen nhiều hơn bệnh do đột biến nhiễm sắc thể. Nhưng đột biến gen lại chủ yếu là gen lặn. Số người bị bệnh (biểu hiện ra kiểu hình ít hơn nhiều so với người mang gen lặn không biểu hiện bệnh), vì thế việc phát hiện những người lành lặn nhưng không mang gen bệnh là một nhiệm vụ quan trọng của di truyền người và đó cũng là một trong những biện pháp phòng bệnh di truyền một cách tích cực.

Để có lời khuyên thiết thực đối với từng trường hợp, cần có thông tin cụ thể về sức khỏe sinh sản của từng gia đình, thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết ở mức độ tế bào, mức độ sinh hóa hoặc mức độ phân tử để xác định người được xét nghiệm có mang gen hoặc nhiễm sắc thể bị đột biến không; và các đột biến đó có khả năng di truyền cho thế hệ sau hay không.