CƠ CHẾ BIẾN DỊ CẤP PHÂN TỬ: ĐỘT BIẾN GEN

B. VÍ DỤ MẪU: ĐỘT BIẾN GEN

Câu 1: Khi nói về đột biến gen, phát biểu nào sau đây là không đúng?

A. Không phải tất cả các dạng đột biến gen đều có hại cho thể đột biến.

B. Trong các dạng đột biến điểm, dạng đột biến thay thế cặp nuclêôtit thường làm thay đổi ít nhất thành phần axit amin của chuỗi pôlipeptit do gen đó tổng hợp.

C. Khi các bazơ nitơ dạng hiếm xuất hiện trong quá trình nhân đôi ADN thì thường làm phát sinh đột biến gen dạng mất hoặc thêm một cặp nuclêôtit.

D. Dưới tác động của cùng một tác nhân gây đột biến, với cường độ và liều lượng như nhau thì tần số đột biến có thể khác nhau ở các gen khác nhau.

Hướng dẫn:

Khi nói về đột biến gen, khi các bazơ nitơ dạng hiếm xuất hiện trong quá trình nhân đôi ADN thì thường làm phát sinh đột biến gen dạng thay thế một cặp nuclêôtit.

VD: Khi có sự xuất hiện của bazo nito hiếm G*.

Đột biến: X-G → X-G* → T-G* → T-A.

→ chọn đáp án C

Câu 2: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về đột biến gen ?

A. Đột biến xôma chỉ có thể di truyền bằng sinh sản sinh dưỡng và nếu là gen lặn sẽ không biểu hiện ra kiểu hình.

B. Đột biến giao tử thường không biểu hiện ra kiểu hình ở thế hệ đầu tiên vì ở trạng thái dị hợp.

C. Đột biến tiền phôi thường biểu hiện ra kiểu hình khi bị đột biến.

D. Đột biến xôma được nhân lên ở một mô và luôn biểu hiện ở một phần cơ thể.

Hướng dẫn:

Đột biến gen: đột biến xoma chỉ có thể di truyền bằng sinh sản sinh dưỡng và nếu là gen lặn thì sẽ không biểu hiện ra kiểu hình.

B.sai. Đột biến giao tử sẽ biểu hiện ở thế hệ sau, còn tùy vào tổ hợp đột biến.

C. sai. đột biến tiền phôi sẽ biểu hiện kiểu hình nếu là đột biến trội, còn nếu là đột biến lặn sẽ không biểu hiện kiểu hình.

D. sai. Đột biến xoma nhân lên trong mô và chỉ biểu hiện ở cơ thể khi là đột biến trội.

→ chọn đáp án A.

Câu 3: Đột biến gen là những biến đổi

A. trong cấu trúc của gen, liên quan đến một hoặc một số nuclêôtit tại một điểm nào đó trên ADN.

B. vật chất di truyền ở cấp độ phân tử hoặc cấp độ tế bào.

C. trong cấu trúc của gen, liên quan đến một hoặc một số cặp nuclêôtit tại một điểm nào đó trên ADN.

D. trong cấu trúc của nhiễm sắc thể, xảy ra trong quá trình phân chia tế bào.

Hướng dẫn:

Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen, liên quan đến một hoặc một số cặp nuclêôtit tại một điểm nào đó trên ADN.

Những đột biến liên quan tới một cặp nuclêôtit là đột biến điểm: mất 1 cặp nuclêôtit, thêm một cặp nuclêôtit, thay thế một cặp nuclêôtit.

→ chọn đáp án C

Câu 4: Dạng đột biến gen nào sau đây khi xảy ra có thể làm thay đổi số liên kết hiđrô nhưng không làm thay đổi số lượng nuclêôtit của gen?

A. Thêm một cặp nuclêôtit.

B. Mất một cặp nuclêôtit.

C. Thêm và mất một cặp nuclêôtit.

D. Thay thế một cặp nuclêôtit này bằng một cặp nuclêôtit khác.

Hướng dẫn: Dạng đột biến không thay đổi số lượng nuclêôtit của gen đó là đột biến thay thế cặp nuclêôtit này bằng cặp nuclêôtit khác, chỉ làm thay đổi số liên kết hiđro tăng hoặc giảm đi 1.

Mất 1 cặp nuclêôtit: mất 2 nuclêôtit và giảm 2 hoặc 3 liên kết hiđro.

Thêm 1 cặp nuclêôtit: thêm 2 nuclêôtit và tăng 2 hoặc 3 liên kết hiđro.

→ chọn đáp án D

C. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP TỰ LUYỆN: ĐỘT BIẾN GEN

Câu 1: Phát biểu nào sau đây là đúng về thể đột biến?

A. Thể đột biến là cơ thể mang đột biến đã biểu hiện ra kiểu hình.

B. Thể đột biến là cơ thể mang đột biến nhưng chưa biểu hiện ra kiểu hình.

C. Thể đột biến là cơ thể mang đột biến nhưng không bao giờ biểu hiện ra kiểu hình.

D. Thể đột biến là cơ thể mang biến dị tổ hợp được biểu hiện ra kiểu hình.

Câu 2: Dạng đột biến thay thế một cặp nuclêôtit này bằng một cặp nuclêôtit khác loại thì

A. chỉ bộ ba có nuclêôtit thay thế mới thay đổi còn các bộ ba khác không thay đổi.

B. toàn bộ các bộ ba nuclêôtít trong gen bị thay đổi.

C. nhiều bộ ba nuclêôtit trong gen bị thay đổi.

D. các bộ ba từ vị trí cặp nuclêôtit bị thay thế đến cuối gen bị thay đổi.

Câu 3: Điểm giống nhau giữa đột biến gen trong tế bào chết và đột biến gen trong nhân là

A. đều xảy ra trên ADN trong nhân tế bào.

B. phát sinh trên ADN dạng vòng.

C. không di truyền qua sinh sản sinh dưỡng.

D. phát sinh mang tính ngẫu nhiên, cá thể, không xác định.

Câu 4: Trong quá trình nhân đôi ADN, Guanin dạng hiếm gặp bắt đối với nuclêôtit bình thường nào dưới đây có thể gây nên đột biết gen?

A. Ađêmin

B. Timin

C. Xitozin

D. 5- BU

Câu 5: Cơ chế phát sinh đột biến gen được biểu thị bằng sơ đồ

A. gen → thường biến → hồi biến → đột biến gen.

B. gen → tiền đột biến → hồi biến → đột biến gen.

C. gen → tiền đột biến → thường biến → đột biến gen.

D. gen → tiền đột biến → đột biến gen.

Câu 6: Ở tế bào nhân thực, loại gen khi bị đột biến không làm thay đổi vật chất di truyền trong nhân tế bào là

A. gen trên nhiễm sắc thể thường.

B. gen trên nhiễm sắc thể giới tính.

C. gen trên phân tử ADN dạng vòng.

D. gen trong tế bào sinh dưỡng.

Câu 7: Đột biến gen trội phát sinh trong quá trình nguyên nhân của tế bào sinh dưỡng không có khả năng

A. di truyền qua sinh sản vô tính.

B. nhân lên trong mô sinh dưỡng.

C. di truyền qua sinh sản hữu tính.

D. tạo thể khảm.

Câu 8: Mức độ có lợi hay có hại của gen đột biến phụ thuộc vào

A. số lượng cá thể trong quần thể.

B. môi trường sống và tổ hợp gen.

C. tần số phát sinh đột biến

D. tỉ lệ đực, cái trong quần thể.

Câu 9: Khi nói về đột biến gen, phát biểu nào sau đây không đúng?

A. Đột biến gen có thể có lợi, có hại hoặc trung tính đối với thể đột biến.

B. Đột biến gen là nguồn nguyên liệu sơ cấp chủ yếu của quá trình tiến hoá.

C. Phần lớn đột biến gen xảy ra trong quá trình nhân đôi ADN.

D. Phần lớn đột biến điểm là dạng đột biến mất một cặp nuclêôtit.

Câu 10: Ở sinh vật nhân sơ có nhiều trường hợp gen bị đột biến những chuỗi polipeptit do gen quy định tổng hợp không bị thay đổi. Nguyên nhân là vì

A. mã di truyền có tính đặc hiệu

B. mã di truyền có tính thoái hóa

C. ADN của vi khuẩn có dạng vòng

D. gen của vi khuẩn có cấu trúc theo Operon

Câu 11: Ở ruồi giấm, gen A quy định tính trạng mắt đỏ, gen a đột biến quy định tính trạng mắt trắng. Khi 2 gen nói trên tự tái bản 4 lần thì số nuclêôtit trong các gen mắt đỏ ít hơn các gen mắt trắng 32 nuclêôtit tự do và gen mắt trắng tăng lên 3 liên kết H. Hãy xác định kiểu biến đổi có thể xảy ra trong gen đột biến?

A. Mất 1 cặp G - X.

B. Thay thế 1 cặp A - T bằng 1 cặp G - X.

C. Thêm 1 cặp G - X.

D. Thay thế 1 cặp G - X bằng 1 cặp A - T.

Câu 12: Trình tự biến đổi nào dưới đây hợp lí nhất?

A. Thay đổi trình tự các nuclêôtit trong gen → thay đổi trình tự các axit amin trong chuỗi polypeptit → thay đổi trình tự các nuclêôtit trong mARN → thay đổi tính trạng.

B. Thay đổi trình tự các nuclêôtit trong gen cấu trúc → thay đổi trình tự các nuclêôtit trong mARN → thay đổi trình tự các axit amin trong chuỗi pôlypeptit → thay đổi tính trạng.

C. Thay đổi trình tự các nuclêôtit trong gen → thay đổi trình tự các nuclêôtit trong tARN → thay đổi trình tự các axit amin trong chuỗi pôlypeptit → thay đổi tính trạng.

D. Thay đổi trình tự các nuclêôtit trong gen → thay đổi trình tự các nuclêôtit trong rARN → thay đổi trình tự các axit amin trong chuỗi pôlypeptit → thay đổi tính trạng.

Câu 13: Hóa chất 5-BU thường gây đột biến gen dạng thay thế cặp A - T bằng cặp G - X. Đột biến gen được phát sinh qua cơ chế nhân đôi ADN. Để xuất hiện dạng đột biến trên, gen phải trải qua mấy lần nhân đôi?

A. 2 lần.

B. 3 lần.

C. 1 lần.

D. 4 lần

Câu 14: Phát biểu nào dưới đây là không đúng về tính chất và vai trò của đột biến gen?

A. Chỉ đột biến gen trội được xem là nguồn nguyên liệu chủ yếu của quá trình tiến hóa.

B. Đột biến gen thường ở trạng thái lặn.

C. Phần lớn các đột biến ở cấp độ phân tử là có hại cho cơ thể.

D. Giá trị thích nghi của một đột biến có thể thay đổi tùy tổ hợp gen.

Câu 15: Cho các nội dung sau:

1. Đột biến mất đoạn NST thường gây chết hoặc làm giảm sức sống của cơ thể sinh vật.

2. Đột biến đảo đoạn NST thường gây chết hoặc làm mất khả năng sinh sản.

3. Đột biển lặp đoạn thường làm tăng cường độ biểu hiện của tính trạng.

4. Đột biến chuyển đoạn nhỏ được ứng dụng để chuyển gen từ loài này sang loài khác.

Số phát biểu sai là:

A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.

Câu 16: Tần số đột biến gen phụ thuộc vào

1- loại tác nhân gây đột biến

2- đặc điểm cấu trúc của gen

3 – cường độ, liều lượng của tác nhân

4 - chức năng của gen

Số phương án đúng là

A. 1.

B. 2

C. 3.

D. 4.

D. ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP TỰ LUYỆN: ĐỘT BIẾN GEN

Hướng dẫn giải câu 3:

Đột biến gen trong tế bào chất ( đột biến trên ADN mạch vòng, gen thuộc ty thể, lục lạp) và đột biến gen trong nhân( đột biến trên ADN mạch thẳng, kép) đều phát sinh mang tính ngẫu nhiên, cá thể, không xác định.

→ chọn đáp án D

Hướng dẫn giải câu 7:

Đột biến gen trội phát sinh trong quá trình nguyên phân của tế bào sinh dưỡng ( đột biến xoma) không có khả năng di truyền qua sinh sản hữu tính. Đột biến xoma chỉ truyền qua sinh sản vô tính.

→ chọn đáp án C

Hướng dẫn giải câu 15:

(1) Đúng. Đột biến mất đoạn NST làm mất gen, mất tính trạng, thường gây chết hoặc giảm sức sống của cơ thể sinh vật.

(2) sai. Đột biến đảo đoạn thường không ảnh hưởng nhiều tới gen vì chúng chỉ làm thay đổi vị trí các gen còn không làm thay đổi số lượng; sẽ làm mất khả năng sinh sản nhưng ít trường hợp gây chết.

(3) đúng. Đột biến lặp đoạn là 1 đoạn nào đó của NST được lặp lại 1 hay nhiều lần → chúng thường làm tăng hoặc giảm cường độ biểu hiện tính trạng. VD: lặp đoạn ở đại mạch làm tăng hoạt tính enzim amilaza.

(4) đúng. Đột biến chuyển đoạn có ứng dụng trong việc chuyển đoạn gen từ loài này sang loài khác.

Chỉ có (2) sai.

→ chọn đáp án A

Hướng dẫn giải câu 16:

Đột biến gen có tần số rất thấp từ $10^{-6}$ → $10^{-4}$ tuy nhiên chúng tùy thuộc vào loại tác nhân đột biến (có những tác nhân dễ gây đột biến còn có những tác nhân khó gây đột biến); cường độ, liều lượng của tác nhân (ở một ngưỡng nhất định thì tác dụng của hóa chất sẽ không gây ra đột biến nhưng nếu vượt qua giới hạn liều lượng đó thì sẽ gây đột biến và ảnh hưởng tới sinh vật).

Tuy nhiên có những gen dễ đột biến ngược lại có những gen khó bị đột biến , còn tùy vào cấu trúc của gen.

Phương án đúng là (1), (2), (3). → chọn đáp án C