SINH THÁI HỌC
D. VÍ DỤ MẪU: SINH THÁI HỌC QUẦN THỂ
Câu 1: Cho các nhóm cá thể dưới đây:
1. Cá chép và cá vàng trong bể cá cảnh.
2. Đàn cá rô đồng trong ao.
3. Cây trong vườn.
4. Cây cỏ ven bờ hồ.
5. Nòng nọc và ếch xanh trong hồ.
6. Đàn chim trên một cái cây.
Số nhóm cá thể là quần thể là:
A. 2 B. 3 C. 4 D.5
Hướng dẫn:
Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể trong cùng một loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời gian nhất định, có khả năng sinh sản và tạo thành những thế hệ mới.
1. Cá chép và cá vàng là hai loài khác nhau nên không phải là quần thể.
2. Cá rô đồng trong ao là quần thể.
3. Cây trong vườn không phải là quần thể vì có nhiều loại cây khác nhau.
4. Cây cỏ ven hồ cũng không được coi là một quần thể.
5. Nòng nọc và ếch xanh trong hồ là quần thể, vì nòng nọc và ếch là hai giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau nhưng vẫn cùng một loài.
6. Đàn chim trên một cái cây không phải là quần thể vì không cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định...đàn chim chỉ đậu trên cây rồi sẽ bay đi.
Chỉ có trường hợp (2) và (5) là quần thể.
→ Đáp án A.
Câu 2: Khi nói về quan hệ giữa các cá thể trong quần thể, có các phát biểu sau:
1. Quan hệ cạnh tranh trong quần thể thường gây hiện tượng suy thoái dẫn đến diệt vong.
2. Khi mật độ cá thể giảm xuống dưới mức tối thiểu, các cá thể sẽ cạnh tranh với nhau làm tăng khả năng sinh sản.
3. Sự phân công trách nhiệm của ong chúa, ong thợ, ong mật trong cùng một đàn ong biểu thị mối quan hệ hỗ trợ cùng loài.
4. Các cá thể trong quần thể có khả năng chống lại dịch bệnh khi sống theo nhóm.
5. Các cá thể trong quần thể đều có quan hệ hỗ trợ, cạnh tranh chỉ xảy ra khi nơi ở chật hẹp.
Số phát biểu có nội dung đúng là:
A. 1 B. 2 C.3 D. 4
Hướng dẫn:
Quan hệ giữa các cá thể trong quần thể sinh vật, có thể có mối quan hệ hỗ trợ hoặc quan hệ cạnh tranh.
1. Sai. Quan hệ cạnh tranh là đặc điểm thích nghi của quần thể. Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quần thể.
2. Sai. Mật độ giảm xuống mức tối thiểu, các cá thể có khả năng gặp nhau ít → giảm khả năng sinh sản.
3. Đúng.
4. Sai. Các cá thể chỉ có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp phân bố theo nhóm, chứ không chống lại dịch bệnh được.
5. Sai.
Chỉ có phát biểu (3) đúng.
→ Đáp án A.
Câu 3: Kích thước của quần thể được tăng lên chủ yếu do:
A. Tăng tỉ lệ sinh sản, nhập cư và giảm tỉ lệ tử vong, giảm sự di cư.
B. Các cá thể lớn lên về kích thước và khối lượng.
C. Khu vực phân bố của quần thể được mở rộng.
D. Môi trường sống có nhiều thức ăn và ít kẻ thù
Hướng dẫn:
Kích thước của quần thể sinh vật là số lượng cá thể đặc trưng (hoặc khối lượng hay năng lượng tích lũy trong các cá thể) phân bố trong khoảng không gian của quần thể
Kích thước của quần thể chịu ảnh hưởng của tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử, mức độ nhập cư, xuất cư...
Kích thước của quần thể tăng lên chủ yếu do: tăng tỷ lệ sinh sản, tăng tỷ lệ nhập cư...giảm tỷ lệ tử vong và giảm sự di cư.
→ Đáp án A.
Câu 4: Quần thể là:
A. Tập hợp các cá thể cùng loài.
B. Tập hợp các cá thể cùng loài cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời điểm nhất định, có khả năng giao phối sinh ra thế hệ mới.
C. Tập hợp các cá thể cùng sống trong một khoảng không gian xác định.
D. Tập hợp các cá thể cùng sống trong một khoảng không gian, thời gian xác định.
Hướng dẫn:
Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể trong cùng một loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời gian nhất định, có khả năng sinh sản và tạo thành những thế hệ mới. Quần thể có các đặc trưng cơ bản về: tỷ lệ giới tính, tỷ lệ nhóm tuổi, sự phân bố cá thể, mật độ, kích thước của quần thể và sự tăng trưởng của quần thể sinh vật.
→ Đáp án B.
E. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP TỰ LUYỆN: SINH THÁI HỌC QUẦN THỂ
Câu 1: Cho các đặc điểm dưới đây:
1. Quần thể bao gồm nhiều cá thể sinh vật.
2. Quần thể là tập hợp của các cá thể cùng loài.
3. Các cá thể trong quần thể có khả năng giao phối với nhau.
4. Quần thể gồm nhiều cá thể cùng loài phân bố ở các nơi xa nhau.
5. Các cá thể trong quần thể có kiểu gen hoàn toàn giống nhau.
6. Quần thể có thể có khu vực phân bố rộng giới hạn bởi các chướng ngại của thiên nhiên như sông, núi, eo biển...
Có bao nhiêu đặc điểm có ở quần thể sinh vật
A. 2 B. 3 C.4 D.5
Câu 2: Cho các phát biểu sau về sự phân bố cá thể trong quần thể:
1. Phân bố theo nhóm là kiểu phân bố phổ biến nhất, giúp các cá thể hỗ trợ nhau chống lại điều kiện bất lợi của môi trường.
2. Phân bố ngẫu nhiên thường gặp khi điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường và không có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể.
3. Phân bố đồng đều có ý nghĩa làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể.
4. Phân bố đồng đều thường gặp khi điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể.
Số phát biểu có nội dung không đúng là
A. 0 B. 1 C. 2 D. 3
Câu 3: Tháp tuổi của dân số Việt nam thuộc loại nào? Hệ quả của phát triển dân số đó như thế nào?
I. Tháp trẻ; II. Tháp ổn định; III. Tháp già; IV. Nguồn sống suy giảm; VI. Nguồn sống tăng trưởng; VII. Điều kiện khí hậu xấu đi; VIII. Điều kiện khí hậu tốt lên; IX. Giảm dịch bệnh; X. Tăng dịch bệnh; XI. Trẻ em và người già chết nhiều hơn; XII. Trẻ em lớn nhanh hơn và người già ít bị tử vong; XIII. Kích thước quần thể tăng; XIV. Kích thước quần thể giảm. Có bao nhiều dấu hiệu thuộc về đặc điểm của dân số Việt nam:
A. 7 B.5 C. 6 D.8
Câu 4: Điều nào sau đây không phù hợp với loài tăng trưởng theo tiềm năng sinh học?
A. Sức sinh sản cao, khả năng khôi phục số lượng nhanh
B. Chịu tác động chủ yếu bởi các nhân tố môi trường vô sinh.
C. Tuổi thọ thấp, tuổi sinh sản lần đầu đến muộn.
D. Kích thước cơ thể nhỏ.
Câu 5: Quần thể bị diệt vong khi:
A. Chỉ có nhóm tuổi trước sinh sản.
B. Chỉ có nhóm tuổi sau sinh sản.
C. Chỉ có nhóm tuổi sinh sản.
D. Chỉ có nhóm tuổi trước và sau sinh sản.
Câu 6: Ở loài cá Edriolychmus schmidti, cá đực kí sinh trong cá cái, tiêu giảm các cơ quan, chỉ phát triển cơ quan sinh sản để thụ tinh cho trứng của con cái, chúng sử dụng thức ăn của con cái. Hiện tượng này thể hiện mối quan hệ nào?
A. Quan hệ hỗ trợ về sinh sản
B, Quan hệ hỗ trợ về dinh dưỡng
C. Quan hệ cạnh tranh
D. A và B đúng
Câu 7: Khẳng định nào dưới đây không chính xác khi nói về hiện tượng nhịp sinh học?
A. Nhịp sinh học có liên quan đến sự biến đổi có tính chu kì của điều kiện môi trường.
B. Nhịp sinh học có tính di truyền.
C. Lá cây trinh nữ cụp lại khi bị va chạm là ví dụ về nhịp sinh học ở thực vật.
D. Hiện tượng gấu ngủ đông là ví dụ nhịp sinh học ở động vật.
Câu 8: "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm". Câu ca thể hiện mối quan hệ sinh thái:
A. Giữa cơ thể với nhiệt độ môi trường.
B. Giữa cơ thể và độ ẩm môi trường.
C. Khả năng dự báo thời tiết của côn trùng.
D. Tất cả các đáp án trên.
Câu 9: Hiện tượng cháy rừng gây ra biến động số lượng cá thể của quần thể, đây là loại biến động:
A. Biến động số lượng theo chu kì mùa.
B. Biến động số lượng theo chu kì ngày đêm.
C. Biến động số lượng theo chu kì nhiều năm.
D. Biến động số lượng không theo chu kì.
Câu 10: Những cây thông xòe bóng râm và giết chết các cây non mới nảy mầm từ hạt, vậy chúng sẽ có kiểu phân bố nào?
A. Ngẫu nhiên
B. Theo nhóm
C. Đều
D. Rời rạc
Câu 11: Khi số lượng cá thể của quần thể chạm tới sức chứa của môi trường, điều gì sẽ xảy ra?
A. Mật độ của quần thể tăng theo cấp số
B. Mật độ của quần thể sẽ giảm theo cấp số
C. Tốc độ tăng trưởng quần thể sẽ tăng
D. Tốc độ tăng trưởng quần thể sẽ giảm
Câu 12: Điều khẳng định nào sau đây về sự tăng trưởng của quần thể sinh vật là chính xác?
A. Khi môi trường không bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể là tối đa và mức tử vong là tối thiểu.
B. Khi môi trường bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể là tối đa và mức tử vong là tối thiểu
C. Khi môi trường bị giới hạn, mức sinh sản của quần thể luôn lớn hơn mức tử vong
D. Khi không có giới hạn của môi trường, mức sinh sản của quần thể luôn nhỏ hơn mức tử vong
Câu 13: Sự phân bố của động vật hay thực vật...
A. Thường đồng đều, cung cấp cho mỗi cá thể tối đa nơi sống và nguồn sống.
B. Thường theo nhóm, với việc các cá thể tụ họp tới nơi có nhiều nguồn sống hoặc tăng khả năng gặp gỡ.
C. Chủ yếu là ngẫu nhiên ở nhiều loài.
D. Chỉ đồng đều khi ít cạnh tranh nguồn thức ăn.
Câu 14: Nhóm sinh vật nào dưới đây thường có tỉ lệ đực/cái rất thấp?
A. Một số loài ong
B. Các loài thú
C. Chim
D. Thân mềm
Câu 15: Hình thức phân bố các cá thể của quần thể trong không gian nào là phổ biến nhất:
A. Phân bố đều.
B. Phân bố không đều
C. Phân bố theo nhóm
D. Phân bố ngẫu nhiên
Câu 16: Tập hợp sinh vật nào dưới đây được xem là quần thể?
A. Tập hợp các con mối sống trong một tổ mối ở góc vườn.
B. Tập hợp cá sống trong vườn quốc gia Tam Đảo.
C. Tập hợp cây thân leo trong rừng mưa nhiệt đới
D. Tập hợp cá sống ở Hồ Tây
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP TỰ LUYỆN
Hướng dẫn giải câu 1:
Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể trong cùng một loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời gian nhất định, có khả năng sinh sản và tạo thành những thế hệ mới.
1. Sai. Nhiều cá thể sinh vật chưa thể được tính là một quần thể vì chưa đủ các điều kiện để tạo thành một quần thể.
2. Đúng.
3. Đúng. Các cá thể trong quần thể cùng loài, có khả năng giao phối với nhau và sinh ra đời con hữu thụ.
4. Sai. Các cá thể của quần thể phải tập sống trong cùng một khu phân bố chính là nơi sinh sống của quần thể.
5. Sai. Các cá thể trong quần thể thường có kiểu gen khác nhau, do quá trình giao phối tạo ra nhiều các biến dị tổ hợp
6. Đúng. Dựa vào định nghĩa về quần thể sinh vật, các kết luận (2), (3), (6) đúng.
→ Đáp án B.
Hướng dẫn giải câu 2:
1. Đúng. Phân bố theo nhóm là kiểu phân bố phổ biến nhất, giúp các cá thể hỗ trợ nhau chống lại điều kiện bất lợi của môi trường.
2. Đúng. Phân bố ngẫu nhiên xảy ra khi các điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường, các cá thể không có đặc tính kết hợp nhóm và ít phụ thuộc vào nhau
3. Đúng. Phân bố đồng đều làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể.
4. Đúng. Phân bố đồng đều trong trường hợp các điều kiện sống phân bố đồng đều trong môi trường, có sự cạnh tranh gay gắt giữa những cá thể trong quần thể.
Không có phát biểu nào sai
→ Đáp án A.
Hướng dẫn giải câu 3:
Tháp tuổi của dân số Việt Nam và hệ quả phát triển dân số đó:
I. Tháp trẻ.
IV: Nguồn sống suy giảm.
VII: Điều kiện khí hậu xấu đi.
X: Tăng dịch bệnh.
XI: Trẻ em và người già chết nhiều hơn.
XIII: kích thước quần thể tăng
Các ý: I, IV, VII, X, XI, XIII đúng.
→ Đáp án C.