SINH THÁI HỌC

F. VÍ DỤ MẪU: SINH THÁI HỌC QUẦN XÃ

Câu 1: Động vật ăn thịt chủ chốt trong quần xã có thể duy trì đa dạng loài trong quần xã đó nếu như chúng

A. chỉ săn bắt những loài có mức phổ biến thấp nhất trong quần xã làm thức ăn

B. chỉ săn bắt các loài chiếm ưu thế trong quần xã làm thức ăn

C. cạnh tranh và xua đuổi các loài động vật ăn thịt khác ra khỏi quần xã

D, cho phép các loài động vật ăn thịt khác nhập cư vào quần xã

Hướng dẫn:

Động vật ăn thịt chủ chốt trong quần xã có thể duy trì đa dạng loài trong quần xã (số lượng các loài trong quần xã nhiều):

B đúng. Những loài động vật ăn thịt này chỉ săn bắt các loài chiếm ưu thế trong quần xã. Loài ưu thế có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn hoặc do hoạt động của chúng mạnh (ví dụ: thực vật có hạt là loài ưu thế của quần xã trên cạn). Khi loài ưu thế hoạt động mạnh → kìm hãm sự phát triển của các loài khác. Nếu động vật ăn thịt săn bắt các loài ưu thế, tạo điều kiện cho các loài khác sinh trưởng, phát triển → đa dạng loài trong quần xã.

A, C, D sai. Nếu cạnh tranh xua đuổi các loài ra khỏi quần xã → giảm độ da dạng; cho các loài ăn thịt nhập cư → các loài này sẽ sử dụng loài khác làm thức ăn → giảm độ đa dạng.

→ Đáp án: B.

Câu 2: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về chuỗi thức ăn và lưới thức ăn trong quần xã sinh vật?

A. Cấu trúc của lưới thức ăn càng phức tạp khi đi từ vĩ độ thấp đến vĩ độ cao

B. Trong tất cả các quần xã sinh vật trên cạn, chỉ có loại chuỗi thức ăn được khởi đầu bằng sinh vật tự dưỡng.

C. Trong một quần xã sinh vật, mỗi loài chỉ có thể tham gia vào một chuỗi thức ăn nhất định

D. Quần xã sinh vật càng đa dạng về thành phần loài thì lưới thức ăn trong quần xã càng phức tạp

Hướng dẫn:

- Chuỗi thức ăn gồm nhiều loài có quan hệ dinh dưỡng với nhau và mỗi loài là một mắt xích của chuỗi. Trong đó một mắt xích vừa có nguồn thức ăn là mắt xích phía trước, vừa là nguồn thức ăn của mắt xích phía sau.

- Lưới thức ăn là tập hợp những chuỗi thức ăn và có mắt xích chung.

A. sai. Đi từ vĩ độ thấp đến vĩ độ cao (từ vùng xích đạo → nhiệt đới → ôn đới → cực) thì lưới thức ăn thay đổi: quần xã càng có nhiều loài thì lưới thức ăn càng phức tạp. Vì vậy lưới thức ăn sẽ phức tạp nhất ở vùng nhiệt đới còn xích đạo và vùng cực thì lưới thức ăn đơn giản.

B sai. Có 2 loại chuỗi thức ăn là: bắt đầu bằng sinh vật tự dưỡng và bắt đầu bằng sinh vật phân giải mùn bã hữu cơ.

C sai. Mỗi loài trong quần xã sinh vật có thể tham gia vào nhiều chuỗi thức ăn, vì tham gia vào nhiều chuỗi thức ăn → các chuỗi thức ăn có mắt xích chung → lưới thức ăn.

→ Đáp án: D.

Câu 3: Câu nào dưới đây mô tả về mối quan hệ giữa các loài trong quần xã là đúng?

A. Nấm phát triển ở rễ cây thông là mối quan hệ kí sinh - vật chủ.

B. Hợp tác là mối quan hệ hai loài cùng có lợi và nếu thiếu thì cả hai loài không thể tồn tại được.

C. Tu hú đẻ trứng vào tổ chim cúc cu là kiểu quan hệ hợp tác.

D. Tháp sinh thái có đáy hẹp đỉnh rộng được tìm thấy trong quần xã có quan hệ kí sinh - vật chů.

Hướng dẫn:

A sai. Nấm phát triển ở rễ thông là mối quan hệ cộng sinh chứ không phải mối quan hệ kí sinh - vật chủ.

B sai. Hợp tác là mối quan hệ giữa 2 loài cùng có lợi nhưng không nhất thiết cần có nhau. VD: chim sáo và trâu rừng...

C sai. Việc tu hú đẻ trứng vào tổ chim cúc cu là ví dụ của mối quan hệ ức chế cảm nhiễm. Tu hú không có khả năng ấp trứng và chăm sóc con non, trong quá trình sinh sản nó đẻ trứng nhờ vào tổ chim khác (ức chế cảm nhiễm - một loài sinh vật trong quá trình sống vô tình gây hại cho loài khác).

D đúng. Tháp sinh thái ở đáy hẹp đỉnh rộng ở quần xã có quan hệ kí sinh vật chủ.

→ Đáp án: D.

Câu 4: Hiện tượng khống chế sinh học có tác dụng:

A. làm tăng độ đa dạng của quần xã

B. duy trì cân bằng số lượng cá thể trong quần thể

C. thúc đẩy sự cạnh tranh của cá thể trong quần thể

D. thiết lập trạng thái cân bằng trong tự nhiên.

Hướng dẫn:

Khống chế sinh học là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức nhất định do quan hệ hỗ trợ hoặc đối kháng giữa cá loài trong quần xã → cân bằng trong quần xã. Khống chế sinh học giúp thiết lập được trạng thái cân bằng trong tự nhiên làm cho các loài ở mức độ cân bằng, ổn định.

→ Đáp án: D.

G. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP TỰ LUYỆN: SINH THÁI HỌC QUẦN XÃ

Câu 1: Vật kí sinh nhiều vật chủ thường thực hiện chiến lược sống còn của mình bằng cách:

A. giết chết ngay vật chủ

B. ăn thịt vật chủ

C. làm cho vật chủ ốm yếu dễ bị vật ăn thịt khác sử dụng, vật kí sinh có cơ hội chuyển sang vật chủ mới

D. thích nghi để sống suốt đời với một vật chủ

Câu 2: Trong một chuỗi thức ăn của các sinh vật trên cạn thường có ít mắt xích thức ăn hơn là do:

A. Một loài sinh vật có thể ăn nhiều loại thức ăn

B. Sự hao phí năng lượng qua mỗi bậc dinh dưỡng là rất lớn

C. Loài sinh vật ở mắt xích phía sau thường có kích thước lớn hơn loài sinh vật ở mắt xích phía trước

D. Mỗi loài sinh vật có thể ở vị trí các mắt xích khác nhau

Câu 3: Phát biểu nào sau đây không đúng đối với một lưới thức ăn trong quần xã?

A. Trong lưới thức ăn một loài sinh vật có thể tham gia nhiều chuỗi thức ăn.

B. Trong chuỗi thức ăn bắt đầu bằng sinh vật phân giải thì thực vật có sinh khối lớn nhất.

C. Quần xã có độ đa dạng càng cao thì lưới thức ăn càng phức tạp.

D. Khi một mắt xích trong lưới thức ăn bị biến động về số lượng cá thể, thì thông thường quần xã có khả năng tự điều chỉnh về trạng thái cân bằng.

Câu 4: Hiện tượng khống chế sinh học dẫn đến:

A. trạng thái cân bằng sinh học trong quần xã.

B. sự tiêu diệt của một loài nào đó trong quần xã.

C. sự phát triển của một loài nào đó trong quần xã

D. sự điều chỉnh khả năng cạnh tranh của các loài trong quần xã.

Câu 5: Đặc điểm của hiện tượng khống chế sinh học khác với ức chế - cảm nhiễm là:

A. Loài này kiềm hãm sự phát triển của loài khác

B. Xảy ra trong một khu vực sống nhất định

C. Yếu tố kìm hãm là yếu tố sinh học

D. Thể hiện mối quan hệ cạnh tranh.

Câu 6: Tập hợp nào sau đây là quần xã sinh vật?

A. Các con dế mèn trong một bãi đất

B. Các con cá trong một hồ tự nhiên.

C. Các con hổ trong một khu rừng

D. Các con lươn trong một đầm lầy

Câu 7: Xây dựng các hồ chứa trên sông để lấy nước tưới cho đồng ruộng, làm thủy điện và trị thủy dòng sông sẽ đem lại hậu quả sinh thái nào nặng nề nhất?

A. Làm giảm lượng trầm tích và chất dinh dưỡng cho các thủy vực sau đập.

B. Gây thất thoát đa dạng sinh học cho các thủy vực.

C. Gây ô nhiễm môi trường.

D. Gây xói lở bãi sông sau đập.

Câu 8: Ý nghĩa của mối quan hệ vật ăn thịt - con mồi đối với sự tiến hóa của các loài trong quần xã sinh vật là

A. vật ăn thịt là động lực phát triển của con mồi vì vật ăn thịt là tác nhân chọn lọc của con mồi.

B. Con mồi là điều kiện tồn tại của vật ăn thịt vì nó cung cấp chất dinh dưỡng cho vật ăn thịt.

C. mối quan hệ này đảm bảo cho sự tuần hoàn vật chất và dòng năng lượng trong hệ sinh thái.

D. các loài trong mối quan hệ này mặc dù đối kháng nhau nhưng lại có vai trò kiểm soát nhau, tạo động lực cho sự tiến hóa của nhau.

Câu 9: Giả sử một lưới thức ăn đơn giản gồm các sinh vật được mô tả như sau : cào cào, thỏ và nai ăn thực vật; chim sâu ăn cào cào; báo ăn thỏ và nai; mèo rừng ăn thỏ và chim sâu. Trong lưới thức ăn này, các sinh vật cùng thuộc bậc dinh dưỡng cấp 2 là

A. chim sâu, mèo rừng, báo

B. cào cào, thỏ, nai.

C. chim sâu, thỏ, mèo rừng.

D. cào cào, chim sâu, báo

Câu 10: Vì sao loài ưu thế đóng vai trò quan trọng trong quần xã?

A. Vì có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, có sự cạnh tranh mạnh

B. Vì có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoạt động mạnh.

C. Vì tuy có số lượng cá thể nhỏ, nhưng hoạt động mạnh.

D. Vì tuy có sinh khối nhỏ nhưng hoạt động mạnh.

Câu 11: Một quần xã ổn định thường có

A. số lượng loài nhỏ và số lượng cá thể của loài thấp

B. số lượng loài nhỏ và số lượng cá thể của loài cao

C. số lượng loài lớn và số lượng cá thể của loài cao

D. số lượng loài lớn và số lượng cá thể của loài thấp

Câu 12: Nhận định không đúng khi nói về phân bố cá thể trong không gian của quần xã:

A. Phân bố cá thể trong không gian tùy thuộc vào nhu cầu sống của từng loài

B. Phân bố theo chiều thẳng đứng như phân thành nhiều tầng cây thích nghi với các điều kiện chiếu sáng khác nhau trong rừng mưa nhiệt đới

C. Sự phân tầng của thực vật kéo theo sự phân tầng của động vật sống trong rừng

D. Sự phân bố theo chiều ngang thuận lợi hơn phân bố theo chiều thẳng đứng và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các loài

Câu 13: Trong hệ sinh thái bị nhiễm kim loại nặng thủy ngân, trong số các chuỗi thức ăn sau chuỗi thức ăn gây độc cao nhất cho con người là

A. Thực vật → thỏ → người.

B. Thực vật → cá → vịt → chó → người.

C. Thực vật → người.

D. Thực vật → động vật phù du → cá → người.

Câu 14: Mối quan hệ giữa hai loài nào sau đây không thuộc quan hệ kí sinh - vật chủ?

A. Giun đũa và lợn.

B. Rận, bét và bò.

C. Phong lan và cây thân gỗ.

D. Tầm gửi và cây thân gỗ.

Câu 15: Cho các mối quan hệ giữa hai loài nào sau đây

1. Giun đũa và lợn.

2. Rận, bét và bò.

3. Phong lan và cây thân gỗ.

4. Tầm gửi và cây thân gỗ.

5. Loài cá ép sống bám trên cá lớn.

6. Dây tơ hồng sống bám trên các cây trong vườn.

Có bao nhiêu mối quan hệ là quan hệ kí sinh

A. 2 B. 3 C.4 D.5

Câu 16: Khi nói về mối quan hệ dinh dưỡng trong quần xã có các nội dung sau:

1. Trong lưới thức ăn, một loài sinh vật có thể tham gia vào nhiều chuỗi thức ăn.

2. Trong chuỗi thức ăn được mở đầu bằng thực vật thì sinh vật sản xuất có sinh khối lớn nhất

3. Quần xã sinh vật có độ đa dạng càng cao thì lưới thức ăn trong quần xã càng phức tạp.

4. Các quần xã trưởng thành có lưới thức ăn đơn giản hơn so với quần xã trẻ hoặc suy thoái.

5. Chuỗi thức ăn trên cạn thường có nhiều bậc dinh dưỡng hơn chuỗi thức ăn ở dưới nước.

A.4 B. 2 C. 3 D. 5

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP TỰ LUYỆN

Hướng dẫn giải câu 15:

1. Giun đũa và lợn là mối quan hệ kí sinh.

2. Rận, bét và bò: mối quan hệ kí sinh.

3. Phong lan và cây gỗ: mối quan hệ hội sinh.

4. Tầm gửi và cây gỗ: mối quan hệ kí sinh.

5. Loài cá ép sống bám trên cá lớn: quan hệ hội sinh.

6. Dây tơ hồng sống bám trên các cây trong vườn, quan hệ kí sinh.

Trường hợp (1), (2), (4), (6) là mối quan hệ kí sinh.

→ Đáp án C.

Hướng dẫn giải câu 16:

Các nội dung 1, 2, 3 đúng.

4. Quần xã trưởng thành có lưới thức ăn phức tạp ngược lại những quần xã trẻ hoặc suy thoái thì thường có những lưới thức ăn đơn giản

5. Chuỗi thức ăn trên cạn thường có ít bậc dinh dưỡng hơn chuỗi thức ăn dưới nước. Do hao phí giữa các bậc dinh dưỡng lớn hơn → năng lượng chuyển tiếp lên các bậc dinh dưỡng trên ít hơn → số bậc dinh dưỡng sẽ ít hơn.

→ Đáp án: C.