CƠ CHẾ BIẾN DỊ CẤP TẾ BÀO

B. VÍ DỤ MẪU: NHIỄM SẮC THỂ VÀ ĐỘT BIẾN CẤU TRÚC NHIỄM SẮC THỂ

Câu 1: Ở sinh vật nhân thực, vùng đầu mút của nhiễm sắc thể

A. là những điểm mà tại đó phân tử ADN bắt đầu được nhân đôi.

B. là vị trí liên kết với thời phân bào giúp nhiễm sắc thể di chuyển về các cực của tế bào.

C. là vị trí duy nhất có thể xảy ra trao đổi chéo trong giảm phân.

D. có tác dụng bảo vệ các nhiễm sắc thể cũng như làm cho các nhiễm sắc thể không dính vào nhau.

Hướng dẫn

Vùng đầu mút NST có các trình tự nu lặp lại để bảo vệ ADN sau mỗi lần tái bản bị ngắn đi (sự cố đầu mút) đồng thời bảo vệ cho NST làm cho chúng không dính vào nhau

→ chọn đáp án D.

Câu 2: Trong những dạng đột biến sau đây dạng đột biến nào không làm thay đổi số lượng gen có trong nhóm liên kết?

1. Đột biến đảo đoạn.

2. Đột biến chuyển đoạn trên cùng một nhiễm sắc thể.

3. Đột biến mất đoạn.

4. Đột biến lặp đoạn

Phương án đúng là:

A. 1, 2, 3.

B. 1, 2.

C. 1, 2, 3, 4.

D. 1, 2, 4.

Hướng dẫn:

Đột biến làm thay đổi số lượng gen có trong nhóm gen liên kết: có thể thêm gen mới hoặc làm mất đi 1 hoặc 1 vài gen trong nhóm liên kết.

Dạng đột biến không làm thay đổi số lượng gen trong nhóm đó là: đột biến đảo đoạn (chỉ làm thay đổi trình tự gen chứ không làm thay đổi số lượng gen); đột biến chuyển đoạn trên cùng một nhiễm sắc thể cũng không làm thay đổi số lượng gen.

Mất đoạn (mất gen) → làm giảm số lượng gen của nhóm gen liên kết; lặp đoạn làm tăng gen và có thể xuất hiện các gen mới → làm tăng số lượng gen có trong nhóm gen liên kết.

→ chọn đáp án B

Câu 3: Trình tự các gen trên NST ở 4 nòi thuộc một loài được kí hiệu bằng các chữ cái như sau:

(1): ABGEDCHI

(2): BGEDCHIA

(3): ABCDEGHI

(4): BGHCDEIA.

Cho biết sự xuất hiện mỗi nòi là kết quả của một dạng đột biến cấu trúc NST từ nòi trước đó.

Trình tự xuất hiện các nòi là

A. 1 → 2 → 4 → 3

B. 3 → 1 → 2 → 4

C. 2 → 4 → 3 → 1

D. 2 → 1 → 3 → 4

Hướng dẫn:

(1) ABGEDHCI → (2) BGEDCHIA do đột biến chuyển đoạn A từ đầu NST → ra phía cuối của các gen đang xét.

(2) BGEDCHIA bị đột biến đảo đoạn EDCH → HCDE → BGHCDEIA (4)

(3) ABCDEHGI bị đột biến đảo đoạn CDEG → GEDC → (1) ABGEDCHI

Vậy thứ tự xuất hiện các nòi là: (3) → (1) → (2) → (4).

→ chọn đáp án B

Câu 4: Một nhiễm sắc thể bị đột biến có kích thước ngắn hơn so với nhiễm sắc thể bình thường. Dạng đột biến tạo nên nhiễm sắc thể bất thường này có thể là dạng nào trong số các dạng đột biến sau?

A. Đảo đoạn nhiễm sắc thể.

B. Mất đoạn nhiễm sắc thể.

C. Lặp đoạn nhiễm sắc thể.

D. Chuyển đoạn trong một nhiễm sắc thể.

Hướng dẫn:

Một nhiễm sắc thể bị đột biến có kích thước ngắn hơn so với nhiễm sắc thể bình thường → dạng đột biến xảy ra là đột biến mất đoạn vì đột biến mất đoạn làm giảm kích thước NST; đột biến lặp đoạn làm tăng kích thước NST; đột biến đảo đoạn và chuyển đoạn trong 1 NST sẽ không làm thay đổi kích thước NST.

→ chọn đáp án B

C. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP TỰ LUYỆN: NHIỄM SẮC THỂ VÀ ĐỘT BIẾN CẤU TRÚC NHIỄM SẮC THỂ

Câu 1: Thể mắt dẹt ở ruồi giấm là do

A. lặp đoạn trên nhiễm sắc thể thường.

B. chuyển đoạn trên nhiễm sắc thể thường.

C. lặp đoạn trên nhiễm sắc thể giới tính.

D. chuyển đoạn trên nhiễm sắc thể giới tính.

Câu 2: Trong các dạng đột biến sau, dạng đột biến nào làm thay đổi hình thái của nhiễm sắc thể?

1. Mất đoạn. 2. Lặp đoạn nhiễm sắc thể.

3. Đột biến gen 4. Đảo đoạn ngoài tâm động

5. Chuyển đoạn không tương hỗ

Phương án đúng là

A. 1, 2, 3, 5.

B. 2,3,4,5.

C. 1, 2,5.

D. 1, 2, 4.

Câu 3: Đột biến đảo đoạn NST có thể gây ra sự hỏng một gen nào đó trong trường hợp

A. vị trí đứt ở vùng liền kề một gen nào đó.

B. vị trí đứt ở giữa gen.

C. vị trí đứt không thuộc vùng mã hóa một gen nào đó.

D. vị trí đứt ở danh giới giữa hai gen.

Câu 4: Tế bào sinh tinh của một loài động vật có trình tự các gen như sau:

- Trên cặp NST tương đồng số 1: NST thứ nhất là ABCDE và NST thứ hai là abcde.

- Trên cặp NST tương đồng số 2: NST thứ nhất là FGHIK và NST thứ hai là fghik.

Loại tinh trùng có kiểu gen ABCde và Fghik xuất hiện do cơ chế:

A. Chuyển đoạn không tương hỗ.

B. Phân li độc lập của các NST.

C. Trao đổi chéo.

D. Đảo đoạn.

Câu 5: Dạng đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể (NST) gây hậu quả nghiêm trọng nhất cho cơ thể là

A. mất một đoạn lớn NST.

B. lặp đoạn NST.

C. đảo đoạn NST.

D. chuyển đoạn nhỏ NST.

Câu 6: Ở một loài động vật, người ta phát hiện nhiễm sắc thể số II có các gen phân bố theo trình tự khác nhau do kết quả của đột biến đảo đoạn là:

(1) ABCDEFG

(2) ABCFEDG

(3) ABFCEDG

(4) ABFCDEG

Giả sử nhiễm sắc thể số (3) là nhiễm sắc thể gốc. Trình tự phát sinh đảo đoạn là

A. (1) $\leftarrow$ (3) → (4) → (1).

B. (3) → (1) → (4) → (1).

C. (2) → (1) → (3) → (4).

D. (1) $\leftarrow$ (2) $\leftarrow$ (3) → (4).

Câu 7: Ở một loài thực vật, trên nhiễm sắc thể số 1 có trình tự các gen như sau: ABCDEGHIK. Do đột biến nên trình tự các gen trên nhiễm sắc thể này là ABHGEDCIK. Đột biến này thuộc dạng

A. đảo đoạn nhiễm sắc thể.

B. mất đoạn nhiễm sắc thể.

C. lặp đoạn nhiễm sắc thể.

D. chuyển đoạn giữa hai nhiễm sắc thể.

Câu 8: Loại đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể nào sau đây có thể làm cho một gen từ nhóm liên kết này chuyển sang nhóm liên kết khác?

A. Chuyển đoạn trong một nhiễm sắc thể.

B. Chuyển đoạn giữa hai nhiễm sắc thể không tương đồng.

C. Lặp đoạn nhiễm sắc thể.

D. Đảo đoạn nhiễm sắc thể.

Câu 9: Loại đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể ít gây hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể là

A. chuyển đoạn lớn và đảo đoạn.

B. mất đoạn lớn.

C. lặp đoạn và mất đoạn lớn.

D. đảo đoạn.

Câu 10: Một quần thể sinh vật có gen A bị đột biến thành gen a, gen B bị đột biến thành gen b. Biết các cặp gen tác động riêng rẽ và gen trội là trội hoàn toàn. Các kiểu gen nào sau đây là của thể đột biến?

A. AABb, AaBB.

B. AABB, AABb.

C. aaBb, Aabb.

D. AaBb, AABb.

Câu 11: Sự trao đổi chéo không cân giữa hai crômatit khác nguồn trong cặp nhiễm sắc thể kép tương đồng xảy ra ở kì đầu của giảm phân I có thể làm phát sinh các loại đột biến nào sau đây?

A. Lặp đoạn và chuyển đoạn nhiễm sắc thể.

B. Mất đoạn và đảo đoạn nhiễm sắc thể.

C. Mất đoạn và lặp đoạn nhiễm sắc thể.

D. Lặp đoạn và đảo đoạn nhiễm sắc thể.

Câu 12: Loại biến dị chỉ di truyền qua sinh sản sinh dưỡng và không di truyền qua sinh sản hữu tính là

A. biến dị tổ hợp.

B. đột biến xôma.

C. đột biến nhiễm sắc thể.

D. đột biến gen

Câu 13: Bệnh, hội chứng nào sau đây ở người là hậu quả của đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể?

A. Hội chứng tiếng mèo kêu.

B. Hội chứng Tơcnơ.

C. Hội chứng Đao.

D. Hội chứng Claiphentơ.

Câu 14: Nhiễm sắc thể ở sinh vật nhân thực được cấu tạo từ chất nhiễm sắc có thành phần chủ yếu gồm

A. ARN và pôlipeptit.

B. lipit và polisaccarit.

C. ADN và prôtêin loại histon.

D. ARN và prôtêin loại histon.

Câu 15: Những dạng đột biến nào sau đây làm thay đổi vị trí của các gen ở trong nhóm liên kết?

1. đột biến gen.

2. đột biến lệch bội

3. Đảo đoạn NST.

4. Chuyển đoạn trên cùng 1 NST.

5. Đột biến đa bội.

Số phương án đúng

A. 1. B. 2. C. 3. D. 4.

Câu 16: Vào kì đầu của giảm phân I, sự trao đổi đoạn không tương ứng giữa 2 cromatit thuộc cùng 1 cặp NST tương đồng sẽ gây ra

1. đột biến lặp đoạn NST.

2. đột biến chuyển đoạn NST.

3. đột biến mất đoạn NST.

4. đột biến đảo đoạn NST.

Số phương án đúng là

A. 1. B. 2. C. 3. D.4.

D. ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP TỰ LUYỆN: NHIỄM SẮC THỂ VÀ ĐỘT BIẾN CẤU TRÚC NHIỄM SẮC THỂ

Hướng dẫn giải câu 4:

1 tế bào sinh tinh của 1 loài động vật có trình tự các gen trên cặp số 1 ABCDE - abcde; và trên cặp số 2 FGHIK - fghik: loại tinh trùng có kiểu gen ABCde và Fghik là do có hiện tượng trao đổi chéo giữa các cromatit ở kì đầu giảm phân I.

→ chọn đáp án C

Hướng dẫn giải câu 6:

NST số 3 là NST gốc: ABFCEDG → (4) ABFCDEG là do đột biến đảo đoạn ED → DE.

(3) → (2) ABCFEDG là do đột biến đảo đoạn FC → CF.

(2) ABCFEDG → (1) ABCDEFG là do đột biến đảo đoạn FED → DEF.

Trình tự là: 3 → (4); 3 → (2); (2) →(1).

→ chọn đáp án D

Hướng dẫn giải câu 10:

Quần thể sinh vật có A đột biến thành a; B bị đột biến thành b. Trội hoàn toàn; thể đột biến là cá thể mang đột biến đã biểu hiện thành kiểu hình.

Thể đột biến phải có aaB-; A-bb hoặc aabb.

Thể đột biến là: aaBb và Aabb → chọn đáp án C

Hướng dẫn giải câu 15:

Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen, đột biến lệch bội và đột biến đa bội là đột biến số lượng NST → Không phải là đột biến liên quan đến cấu trúc NST nên không làm thay đổi vị trí các gen ở trong nhóm liên kết.

- Đột biến cấu trúc NST thực chất là sự sắp xếp lại những khối gen và giữa các NST → Có thể thay đổi hình dạng và cấu trúc NST → Có thể thay đổi vị trí các gen ở trong nhóm gen liên kết.

- Đảo đoạn NST: 1 đoạn NST nào đó đứt ra, đảo ngược 180° rồi nối lại → làm thay đổi trình tự phân bố các gen trên NST → Thay đổi vị trí gen trong nhóm liên kết.

- Chuyển đoạn trên 1 NST: Không làm thay đổi vật chất di truyền nhưng làm thay đổi vị trí các gen trên NST → Thay đổi vị trí các gen trong nhóm gen liên kết.

Vậy các đáp án đúng là: (3),(4) → chọn đáp án B

Hướng dẫn giải câu 16:

Sự trao đổi đoạn không tương ứng giữa 2 cromatit thuộc cùng 1 cặp tương đồng → đột biến chuyển đoạn không tương hỗ.

Sự chuyển đoạn không tương hỗ có thể dẫn tới (3) đột biến mất đoạn (đoạn nhận ngắn hơn đoạn trao đổi) và (1) đột biến lặp đoạn (đoạn nhận dài hơn đoạn trao đổi).

→ chọn đáp án B

E. VÍ DỤ MẪU: ĐỘT BIẾN SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ

Câu 1: Điều nào sau đây là đúng khi nói về thể lệch bội?

A. Tế bào sinh dưỡng thiếu một nhiễm sắc thể trong bộ nhiễm sắc thể.

B. Tế bào sinh dưỡng mang ba nhiễm sắc thể ở tất cả các cặp nhiễm sắc thể.

C. Tế bào sinh dưỡng mang bộ nhiễm sắc thể 4n.

D. Tế bào sinh dưỡng mang bộ nhiễm sắc thể 2n.

Hướng dẫn:

Đột biến lệch bội là đột biến số lượng NST liên quan đến một hoặc một số cặp nhiễm sắc thể.

Trường hợp có thể là đột biến lệch bội đó là tế bào sinh dưỡng thiếu một nhiễm sắc thể trong bộ nhiễm sắc thể.

→ chọn đáp án A

Câu 2: Mẹ có kiểu gen $X^{A}X^{a}$, bố có kiểu gen $X^{A}Y$, con gái có kiểu gen $X^{A}X^{a}X^{a}$. Cho biết quá trình giảm phân ở bố và mẹ không xảy ra đột biến gen và đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể. Kết luận nào sau đây về quá trình giảm phân ở bố và mẹ là đúng?

A. Trong giảm phân II ở bố, nhiễm sắc thể giới tính không phân li. Ở mẹ giảm phân bình thường.

B. Trong giảm phân I ở bố, nhiễm sắc thể giới tính không phân li. Ở mẹ giảm phân bình thường.

C. Trong giảm phân II ở mẹ, nhiễm sắc thể giới tính không phân li. Ở bố giảm phân bình thường.

D. Trong giảm phân I ở mẹ, nhiễm sắc thể giới tính không phân li. Ở bố giảm phân bình thường.

Hướng dẫn:

Mẹ có kiểu gen $X^{A}X^{a}$, bố $X^{A}Y$, con gái có kiểu gen $X^{A}X^{a}X^{a}$. Giảm phân ở bố và mẹ không xảy ra đột biến gen và đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể.

Con có kiểu gen $X^{A}X^{a}X^{a}$ → bố k có $X^{a}$ → bố cho $X^{A}$ → mẹ cho $X^{a}X^{a}$ → mẹ bị rối loạn giảm phân II, ở bố giảm phân bình thường.

→ chọn đáp án C

Câu 3: Khi các cá thể của một quần thể giao phối (quần thể lưỡng bội) tiến hành giảm phân hình thành giao tử đực và cái, ở một số tế bào sinh giao tử, một cặp nhiễm sắc thể thường không phân li trong giảm phân I, giảm phân II diễn ra bình thường. Sự giao phối tự do giữa các cá thể có thể tạo ra các kiểu tổ hợp về nhiễm sắc thể là:

A. 2n; 2n-1; 2n+1; 2n-2; 2n+2.

B. 2n+1; 2n-1-1-1; 2n.

C. 2n-2; 2n; 2n+2+1.

D. 2n+1; 2n-2-2; 2n; 2n+2.

Hướng dẫn:

Khi có thể tiến hành giảm phân hình thành giao tử đực và cái → 1 cặp NST rối loạn giảm phân I và giảm phân II bình thường → giao tử n - 1, n + 1, các tế bào bình thường giảm phân tạo giao tử n.

Các giao tử tạo thành là: n, n-1, n+1

Khi giao phối tự do → các tổ hợp: 2n, 2n-1, 2n+1, 2n-2, 2n+2

→ chọn đáp án A.

Câu 4: Ở một loài thực vật, cặp NST số 1 chứa cặp gen Aa; cặp NST số 3 chứa cặp gen Bb. Nếu một số tế bào, cặp NST số 1 không phân li trong giảm phân II, cặp NST số 3 phân li bình thường thì cơ thể có kiểu gen Aabb giảm phân tạo ra các loại giao tử có kiểu gen.

A. Aab, aab, b

B. Aabb, aabb, Ab, ab

C. AAb, aab, b, Ab, ab

D. Aab, aab, Ab, ab

Hướng dẫn:

Cặp NST số 1 chứa Aa, cặp NST số 3 chứa Bb. Nếu ở một số tế bào cặp NST số 1 không phân ly trong giảm phân II, cặp số 3 phân ly bình thường.

Aabb → AAaabbbb - AAbb và aabb → AAb, b, và aab, b

Một số tế bào rối loạn còn một số tế bào bình thường Aabb → Ab, ab

Các loại giao tử tạo ra là: AAb, aab, b, Ab, ab.

→ chọn đáp án C

F. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP TỰ LUYỆN: ĐỘT BIẾN SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ

Câu 1: Giả sử ở một loài thực vật có bộ nhiễm sắc thể 2n = 6, các cặp nhiễm sắc thể tương đồng được kí hiệu là Aa, Bb và Dd. Trong các dạng đột biến lệch bội sau đây, dạng nào là thể một?

A. AaBbDdd.

B. AaBbd.

C. AaBb.

D. AaaBb.

Câu 2: Cơ chế hình thành hợp tử XYY ở người có liên quan đến

A. Cặp nhiễm sắc thể giới tính XX của mẹ sau khi tự nhân đôi không phân ly ở kỳ sau phân bào I của giảm phân tạo giao tử XX.

B. Cặp nhiễm sắc thể giới tính của bố sau khi tự nhân đôi không phân ly ở phân bào II của giảm phân tạo giao tử YY.

C. Cặp nhiễm sắc thể giới tính của bố và mẹ đều không phân ly ở kỳ sau phân bào I của giảm phân tạo giao tử XX và YY.

D. Cặp nhiễm sắc thể giới tính XY sau khi tự nhân đôi không phân ly ở kỳ sau phân bào I của giảm phân ở bố tạo giao tử XY.

Câu 3: Nội dung nào dưới đây khi nói về cơ chế phát sinh đột biến NST là đúng?

A. Do rối loạn quá trình nhân đôi của ADN đã dẫn đến đột biến nhiễm sắc thể.

B. Do rối loạn phân li của một hoặc một số cặp NST dẫn đến đột biến đa bội.

C. Do rối loạn trao đổi chéo và rối loạn phân li của NST dẫn đến đột biến lặp đoạn và mất đoạn.

D. Do rối loạn phân li của NST dẫn đến đột biến số lượng nhiễm sắc thể.

Câu 4: Ở người, bệnh mù màu do một alen lặn nằm trên NST X gây ra. Ở một cặp vợ chồng bình thường nhưng trong số các đứa con của họ có một đứa con trai bị claiphentơ và mù màu. Giải thích nào dưới đây là chính xác nhất khi nói về nguyên nhân của hiện tượng trên?

A. Rối loạn giảm phân I ở người mẹ, còn ở người bố bình thường.

B. Rối loạn giảm phân II ở người mẹ còn ở người bố thì bình thường.

C. Rối loạn giảm phân II ở người bố, ở người mẹ bình thường.

D. Rối loạn giảm phân ở cả bố lẫn mẹ dẫn đến tạo giao tử bất thường.

Câu 5: Một loài thực vật lưỡng bội có 8 nhóm gen liên kết. Số nhiễm sắc thể có trong mỗi tế bào ở thể ba của loài này khi đang ở kì giữa của nguyên phân là

A. 18.

B. 9.

C. 24.

D. 17.

Câu 6: Câu nào sau đây là đúng khi nói về thể đột biến dị đa bội?

A. Có bộ nhiễm sắc thể là bộ đơn bội của hai loài bố mẹ.

B. Dạng đột biến làm tăng một số nguyên lần bị nhiễm sắc thể đơn bội của loài và lớn hơn 2n.

C. Thường xảy ra ở động vật, ít gặp ở thực vật.

D. Được tạo ra bằng cách lai xa kết hợp đa bội hoá.

Câu 7: Đặc điểm chỉ có ở thể dị đa bội mà không có ở thể tự đa bội là:

A. Tế bào mang bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của hai loài khác nhau.

B. Bộ nhiễm sắc thể tồn tại theo từng cặp tương đồng.

C. Không có khả năng sinh sản hữu tính ( bị bất thụ).

D. Hàm lượng ADN ở trong nhân tế bào tăng lên so với dạng lưỡng bội.

Câu 8: Trong thực tế cơ thể tam bội thường bất thụ vì

A. các giao tử bất thường sẽ mất cân bằng hệ gen có khả năng thụ tinh bình thường sinh ra con chỉ có khả năng sinh sản sinh dưỡng.

B. trong quá trình giảm phân tạo ra giao tử đơn bội không thể thụ tinh với các loại giao tử khác.

C. không có sự tiếp hợp và trao đổi chéo trong giảm phân nên không tạo ra giao tử bình thường.

D. xác suất để tạo ra giao tử đơn bội của cơ thể tam bội là rất nhỏ nên xác suất để các giao tử bình thường kết hợp với nhau tạo ra hợp tử 2n lại nhỏ hơn nữa.

Câu 9: Cơ chế phát sinh thể đa bội chẵn là

A. tất cả các cặp nhiễm sắc thể (NST) tự nhân đôi nhưng có một số cặp NST không phân ly.

B. một số cặp NST nào đó tự nhân đôi nhưng không phân ly.

C. một cặp NST nào đó tự nhân đôi nhưng không phân ly.

D. tất cả các cặp NST tự nhân đôi nhưng không phân ly.

Câu 10: Thể song nhị bội

A. có tế bào mang hai bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của hai loài bố mẹ.

B. có 2n nhiễm sắc thể trong tế bào.

C. chỉ sinh sản vô tính mà không có khả năng sinh sản hữu tính.

D. chỉ biểu hiện các đặc điểm của một trong hai loài bố mẹ.

Câu 11: Bằng phương pháp tế bào học, người ta xác định được trong các tế bào sinh dưỡng của một cây đều có 40 nhiễm sắc thể và khẳng định cây này là thể tứ bội (4n). Cơ sở khoa học của khẳng định trên là

A. khi so sánh về hình dạng và kích thước của các nhiễm sắc thể trong tế bào, người ta thấy chúng tồn tại thành từng nhóm, mỗi nhóm gồm 4 nhiễm sắc thể giống nhau về hình dạng và kích thước.

B. số nhiễm sắc thể trong tế bào là bội số của 4 nên bộ nhiễm sắc thể 1n = 10 và 4n = 40.

C. các nhiễm sắc thể tồn tại thành cặp tương đồng gồm 2 chiếc có hình dạng, kích thước giống nhau.

D. cây này sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh và có khả năng chống chịu tốt.

Câu 12: Thể dị bội (thể lệch bội) là thể có

A. tất cả các cặp NST tương đồng trong tất cả các tế bào sinh dưỡng của cơ thể đều tăng lên hoặc giảm đi.

B. một số gen trong một số tế bào sinh dưỡng của cơ thể bị đột biến.

C. số lượng nhiễm sắc thể (NST) ở một hoặc một số cặp NST tương đồng nào đó trong tất cả các tế bào sinh dưỡng của cơ thể tăng lên hoặc giảm đi.

D. một số NST trong một số tế bào sinh dưỡng bị đột biến cấu trúc.

Câu 13: Ở ngô, bộ nhiễm sắc thể 2n = 20. Có thể dự đoán số lượng nhiễm sắc thể đơn trong một tế bào của thể bốn đang ở kì sau của quá trình nguyên phân là

A. 44. B. 20. C. 80. D. 22.

Câu 14: Trong một lần nguyên phân của một tế bào ở thể lưỡng bội, một nhiễm sắc thể của cặp số 3 và một nhiễm sắc thể của cặp số 6 không phân li, các nhiễm sắc thể khác phân li bình thường. Kết quả của quá trình này có thể tạo ra các tế bào con có bộ nhiễm sắc thể là

A. 2n + 1 - 1 và 2n - 2 - 1 hoặc 2n + 2 + 1 và 2n - 1 + 1.

B. 2n + 1 + 1 và 2n – 2 hoặc 2n + 2 và 2n - 1 - 1.

C. 2n + 2 và 2n - 2 hoặc 2n + 2 + 1 và 2n - 2 - 1.

D. 2n + 1 + 1 và 2n - 1 - 1 hoặc 2n + 1 - 1 và 2n - 1 + 1.

Câu 15: Một tế bào sinh dục xét cặp NST tương đồng có 2 nhiễm sắc thể trong đó 1 NST có nguồn gốc từ bố là A; 1 NST có nguồn gốc từ mẹ là a.

Cho các phát biểu sau:

(1) Nếu giảm phân bị rối loạn xảy ra trên cặp NST đó ở lần phân bào I có thể xuất hiện các giao tử Aa, O.

(2) Nếu giảm phân bị rối loạn xảy ra trên cặp NST đó ở lần phân bào II có thể xuất hiện các giao tử AA, aa, O.

(3) Tế bào giảm phân bình thường không có đột biến sẽ cho tối đa 2 loại giao tử.

(4) Các loại giao tử do rối loạn xảy ra ở lần phân bào I hoặc II kết hợp với các loại giao tử bình thường thì sẽ có tối đa 6 kiểu hợp tử dạng 2n - 1 và 2n + 1.

Số phát biểu đúng là:

A. 1. B.2. C. 3. D. 4.

Câu 16: F1 chứa 1 cặp gen dị hợp Bb đều dài 0,51 $\mu$m. Gen trội B có tỷ lệ hiệu số giữa nucleotit loại G với một loại nucleotit khác là 10%. Gen lặn b có liên kết Hyđrô là 4050. Cho các phát biểu sau:

(1) Số lượng từng loại Nu trong giao tử B khi F1 giảm phân bình thường là: A = T = 900 Nu, G = X = 600 Nu.

(2) Số lượng từng loại Nu trong giao tử b khi F1 giảm phân bình thường là: A = T = 450 Nu, G = X = 1050 Nu.

(3) F1 xảy ra đột biển số lượng NST. Nếu đột biến xảy ra ở giảm phân I có thể tạo ra các giao tử: Bb, O.

(4) F1 xảy ra đột biến số lượng NST. Nếu đột biến xảy ra ở giảm phân II có thể tạo ra các giao tử: BB, bb, O.

(5) Hợp tử BBb chỉ có thể được tạo thành do bố hoặc mẹ rối loạn giảm phân I, cơ thể còn lại giảm phân bình thường. Số phát biểu đúng là

A. 1. B. 2. C. 3 D. 4.

G. ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP TỰ LUYỆN: ĐỘT BIẾN SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ

Hướng dẫn giải câu 4:

Mù màu do alen lặn nằm trên X gây ra. Vợ chồng bình thường nhưng có 1 con trai bị claiphentơ và mù màu → dạng $X^{a}X^{a}Y$.

Bố bình thường có kiểu gen $X^{A}Y$, mẹ bình thường có kiểu gen ($X^{A}X^{A}$ hoặc $X^{A}X^{a}$).

Con trai vừa bị claiphento vừa mù màu → nhận Y từ bố và $X^{a}X^{a}$ từ mẹ → bố giảm phân bình thường còn mẹ rối loạn giảm phân II.

→ chọn đáp án B

Hướng dẫn giải câu 11:

Để xác định xem một cây có phải là đột biến đa bội hay không người ta sử dụng phương pháp tế bào học. Khi quan sát thấy tế bào có 40 NST mà chúng tồn tại thành từng nhóm gồm 4 chiếc giống nhau về hình dạng và kích thước → dạng đột biến 4n.

Còn nếu NST vẫn tồn tại thành 2 chiếc → nhóm; có 20 cặp thì là thể lưỡng bội bình thường.

→ chọn đáp án A.

Hướng dẫn giải câu 14:

Trong một lần nguyên phân ở tế bào lưỡng bội, một NST của cặp số 3 và một NST của cặp số 6 không phân ly. Kết quả sau quá trình này có thể tạo ra các tế bào con có bộ NST là: 2n +1+1 và 2n-1-1 hoặc 2n+1-1 và 2n-1+1

→ chọn đáp án D

Hướng dẫn giải câu 15:

Tế bào sinh dục có cặp NST tương đồng: Aa.

(1) đúng. Giảm phân bị rối loạn ở phân bào I: Aa → AAaa → (rối loạn) AA, aa → GP II → AA, aa, O.

(2) đúng. Giảm phân bị rối loạn ở phân bào II: Aa → AAaa – GP 1 → AA, aa → GP II rối loạn ở 2 tb → AA, aa, O.

(3) sai. Nếu tế bào giảm phân bình thường không có đột biến vẫn có thể có hiện tượng trao đổi chéo diễn ra ở kì đầu giảm phân I → các loại giao tử. Trao đổi chéo tại 1 điểm tạo thành 4 loại giao tử.

(4) đúng. Các loại giao tử xảy ra do rối loạn phân bào I hoặc II sẽ tạo tối đa các hợp tử dạng 2n -1 và 2n + 1 là: dạng: AAA; AAa; Aaa; aaa; A; a.

Vậy có phát biểu (1), (2), (4) đúng.

→ chọn đáp án C

Hướng dẫn giải câu 16:

F1 chứa 1 cặp gen dị hợp dài 5100 → N = 3000.

Gen B có hiệu số G - A = 10% → G = 30% = 900; A = T = 600.

gen b cps H = 4050 → G = X = 1050; A = T = 450.

(1) sai. Gen B có A = T = 600;G = X = 900.

(2) đúng.

(3) đúng. F1 xảy ra đột biến số lượng NST ở giảm phân I: Bb → BBbb → BBbb, O → Bb, O

(4) đúng. Rối loạn NST ở giảm phân II. Bb → BBbb → BB; bb → rối loạn → BB, bb, O.

(5) sai. BBb có thể được hình thành do rối loạn giảm phân I (Bb) kết hợp với giao tử B bình thường hoặc do rối loạn giảm phân II (BB) kết hợp với giao tử b bình thường.

Vậy phát biểu (2), (3), (4) đúng.

→ chọn đáp án C