CHƯƠNG VI: SINH THÁI HỌC

A. TÓM TẮT LÍ THUYẾT

CÁ THỂ VÀ QUẦN THỂ SINH VẬT

I. MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ CÁC NHÂN TỐ SINH THÁI

1.Khái niệm và phân loại môi trường:

a.Khái niệm: Môi trường sống cuả sinh vật là bao gồm tất cả các nhân tố xung quanh sinh vật, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng tới sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của sinh vật.

b.Phân loại:

- Môi trường nước.

- Môi trường đất.

- Môi trường sinh vật.

- Môi trường không khí.

- Môi trường cạn (hỗn hợp đất - không khí).

2.Các nhân tố sinh thái

a.Nhân tố sinh thái vô sinh (nhân tố vật lí và hóa học trong môi trường): Khí hậu, thổ nhưỡng, nước và địa hình.

b.Nhân tố hữu sinh: Vi sinh vật, nấm, động vật, thực vật và con người.

II.GIỚI HẠN SINH THÁI VÀ Ổ SINH THÁI:

1.Giới hạn sinh thái: Là khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà trong khoảng đó sinh vật có thể tồn tại và phát triển.

-Khoảng thuận lợi: Là khoảng của các nhân tố sinh thái, tại đó sinh vật thực hiện các chức năng sống tốt nhất

-Khoảng chống chịu: Khoảng của các nhân tố sinh thái gây ức chế cho hoạt động sống của sinh vật

2.Ổ sinh thái: Là không gian sinh thái mà tại đó, tất cả các nhân tố sinh thái đều nằm trong giới hạn sinh thái. Nơi ở: Là nơi cư trú của một loài.