SINH THÁI HỌC

H. VÍ DỤ MẪU: HỆ SINH THÁI, SINH QUYỂN VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Câu 1: Năng suất sinh học khác năng suất kinh tế ở chỗ:

I. Năng suất sinh học là tổng lượng chất khô tích lũy được mỗi ngày trên 1 ha gieo trồng trong suốt thời gian sinh trưởng.

II. Năng suất kinh tế chỉ là 1 phần của năng suất sinh học chứa trong các cơ quan có giá trị kinh tế hạt, quả, lá... tùy vào mục đích đối với từng cây trồng.

III. Năng suất kinh tế là năng suất của cây trồng có giá trị kinh tế đối với con người.

IV. Năng suất sinh học là tổng lượng chất khô của cây trồng trên 1 ha trong một đợt thu hoạch

A. III, IV

B. I, II

C. I, III

D. II, IV

Hướng dẫn:

Năng suất sinh học là tổng khối lượng chất khô tích lũy mỗi ngày trên 1 ha gieo trồng trong suốt thời gian sinh trưởng. Năng suất kinh tế là một phần của năng suất sinh học được tích lũy trong các cơ quan (hạt, củ, quả, lá...) chứa các sản phẩm có giá trị kinh tế đối với con người của từng loài cây.

Ví dụ, ở các loài cây trồng họ Hòa thảo, phần vật chất khô của hạt trong tổng khối lượng khô của các cơ quan trên mặt đất vào thời điểm thu hoạch biến động trong giới hạn từ 25% (các giống ngô, lúa mì đen) đến 50% (cây lúa), ở cây họ Đậu: khoảng từ 30% (cây đậu tương) đến 60% (đậu cô ve). Bằng con đường chọn lọc về sự phân bố các chất đồng hóa vào hạt, người ta đã thành công trong việc nâng cao phần khối lượng của hạt trong tổng khối lượng của cây ngô từ 24% đến 47%, ở cây lúa từ 43% đến 57%.

→ Đáp án: B.

Câu 2: Hậu quả của việc gia tăng nồng độ khí $CO_{2}$ trong khí quyển là:

A. làm cho bức xạ nhiệt trên Trái đất dễ dàng thoát ra ngoài vũ trụ

B. tăng cường chu trình cacbon trong hệ sinh thái

C. kích thích quá trình quang hợp của sinh vật sản xuất

D. làm cho Trái đất nóng lên, gây thêm nhiều thiên tai

Hướng dẫn:

Nồng độ $CO_{2}$ tăng lên là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính:

Hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng làm cho không khí của Trái đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất; mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để $CO_{2}$ hấp thu làm cho không khí nóng lên.

Ngoài $CO_{2}$ còn metan, ozôn, các halogen và hơi nước cũng có tác dụng quan trọng gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệu ứng nhà kính → trái đất nóng lên → băng tan có thể dẫn tới hiện tượng lũ lụt.

→ Đáp án: D.

Câu 3: Một chu trình sinh địa hóa gồm có các phần:

A. tổng hợp các chất, tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, phân giải các chất hữu cơ.

B. tổng hợp các chất, tuần hoàn năng lượng trong tự nhiên và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước

C. tổng hợp các chất, phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước.

D. tổng hợp các chất, tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước.

Hướng dẫn:

- Chu trình sinh địa hoá là chu trình trao đổi các chất trong tự nhiên: các chất từ môi trường ngoài vào cơ thể, qua các bậc dinh dưỡng rồi từ cơ thể sinh vật truyền trở lại môi trường.

- Một chu trình sinh địa hoá gồm có các phần: tổng hợp các chất, tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước.

→ Đáp án: D.

Câu 4: Đặc điểm nào sau đây là đúng khi nói về dòng năng lượng trong hệ sinh thái?

A. Sinh vật đóng vai trò quan trọng nhất trong việc truyền năng lượng từ môi trường vô sinh vào chu trình dinh dưỡng là các sinh vật phân giải như vi khuẩn, nấm.

B. Trong hệ sinh thái, năng lượng được truyền một chiều từ vi sinh vật qua các bậc dinh dưỡng tới sinh vật sản xuất rồi trở lại môi trường.

C. Năng lượng được truyền trong hệ sinh thái theo chu trình tuần hoàn và được sử dụng trở lại.

D. Ở mỗi bậc dinh dưỡng, phần lớn năng lượng bị tiêu hao qua hô hấp, tạo nhiệt, chất thải, ... chỉ có khoảng 10% năng lượng truyền lên bậc dinh dưỡng cao hơn.

Hướng dẫn:

Trong các phát biểu trên:

Phát biểu A sai vì sinh vật đóng vai trò quan trọng nhất trong việc truyền năng lượng từ môi trường vô sinh vào chu trình dinh dưỡng là các sinh vật sản xuất, thường là các sinh vật tự dưỡng.

Phát biểu B sai vì trong hệ sinh thái, năng lượng được truyền một chiều từ sinh vật sản xuất qua các bậc dinh dưỡng rồi trở lại môi trường.

Phát biểu C sai vì năng lượng được truyền trong hệ sinh thái một chiều từ sinh vật sản xuất qua các bậc dinh dưỡng rồi trở lại môi trường và không được sử dụng lại.

→ Đáp án: D.

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP TỰ LUYỆN: HỆ SINH THÁI, SINH QUYỂN VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Câu 1: Môi trường sống là (A) bao gồm (B), có tác động trực tiếp, gián tiếp đến sinh vật, ảnh hưởng đến sự tồn tại sinh trưởng, phát triển và các hoạt động của sinh vật (A) và (B) lần lượt là:

A. Các hệ sinh thái ảnh hưởng đến cá thể sinh vật; các chuỗi và lưới thức ăn

B. Nơi sinh sống của sinh vật; tất cả các nhân tố xung quanh sinh vật

C. Nhân tố vô sinh, nhân tố hữu sinh; các quần thể sinh vật sinh sống

D. Các nhân tố bao quanh sinh vật; quần xã và sinh cảnh

Câu 2: Trong một hệ sinh thái, các bậc dinh dưỡng A, B, C, D, E lần lượt có sinh khối là 500kg, 400kg, 50kg, 5000kg, 5kg. Chuỗi thức ăn có thể xảy ra là.

A. A → B → C → D.

B. D → A → C → E.

C. A → B → E → D.

D. D → C → A → B.

Câu 3: Phát biểu nào sau đây là không đúng khi nói về tháp sinh thái?

A. Tháp sinh khối không phải lúc nào cũng có đáy lớn đỉnh nhỏ.

B. Tháp số lượng bao giờ cũng có dạng đáy lớn đỉnh nhỏ.

C. Tháp số lượng được xây dựng dựa trên số lượng cá thể của mỗi bậc dinh dưỡng.

D. Tháp năng lượng bao giờ cũng có dạng đáy lớn đỉnh nhỏ.

Câu 4: Trong chu trình nitơ, vi khuẩn nitrat hoá có vai trò

A. chuyển hoá $NH_{4}^{+}$ thành $NO_{3}^{-}$.

B. chuyển hoá $NO_{3}^{-}$ thành $NH_{4}^{+}$

C. chuyển hoá $N_{2}$ thành $NH_{4}^{+}$

D. chuyển hoá $NO_{2}^{-}$ thành $NO_{3}^{-}$

Câu 5: Trong quá trình khai thác nguồn lợi thủy sản ở ven bờ, các ngư dân nhận thấy trong một thời gian dài liên tiếp chỉ thu được toàn cá con. Để phát triển tốt về ngư nghiệp đồng thời bảo vệ được môi trường và giữ cân bằng sinh học, biện pháp nào sau đây là phù hợp?

A. nên tiếp tục đẩy mạnh đánh bắt ven bờ ở vùng biển đó vì tài nguyên đang dồi dào

B. nên dừng đánh bắt ven bờ và tiến hành đánh bắt xa bờ để bảo vệ nguồn thủy sản ven bờ cho tương lai

C. nên khai thác tiếp tục nguồn hải sản ở cả ven bờ và xa bờ để tận dụng triệt để nguồn lợi thiên nhiên

D. dùng các thiết bị đánh bắt hủy diệt để khai thác triệt để nguồn lợi thủy sản ven bờ

Câu 6: Trong chu trình nitơ, một loài vi khuẩn có ở trong đất không có lợi cho thực vật là vi khuẩn.

A. cố định nitơ

B. nitrat hóa.

C. phản nitrat hóa.

D. phân giải chất hữu cơ.

Câu 7: Yếu tố nào sau đây quyết định mức độ đa dạng của một thảm thực vật ở cạn?

A. Nước. B. Gió. C. Ánh sáng. D. Không khí.

Câu 8: Nhóm sinh vật nào không có mặt trong quần xã thì dòng năng lượng và chu trình trao đổi các chất trong tự nhiên vẫn diễn ra bình thường

A. sinh vật sản xuất, sinh vật ăn động vật

B. động vật ăn động vật, sinh vật sản xuất

C. sinh vật phân giải, sinh vật sản xuất

D. động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật

Câu 9: Một chu trình sinh địa hóa gồm có các phần:

A. tổng hợp các chất, tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, phân giải các chất hữu cơ

B. tổng hợp các chất, tuần hoàn năng lượng trong tự nhiên và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước

C. tổng hợp các chất, phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước.

D. tổng hợp các chất, tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất, nước.

Câu 10: Khai thác tài nguyên một cách bền vững là

A. khai thác tài nguyên một cách tối đa cho phát triển kinh tế, xã hội nhằm nâng cao đời sống cho con người.

B. cấm không được khai thác để bảo vệ tài nguyên.

C. bảo vệ những loài sinh vật có giá trị cao, những loài ít có giá trị cần khai thác triệt để.

D. khai thác hợp lí tài nguyên tái sinh và tái chế, tái sử dụng tài nguyên không tái sinh.

Câu 11: Trong hệ sinh thái năng lượng được truyền theo một chiều từ

A. môi trường qua các bậc dinh dưỡng và đến sinh vật phân giải sau đó một phần lắng đọng xuống tầng đất sâu.

B. sinh vật này sang sinh vật khác và quay trở lại sinh vật ban đầu.

C. sinh vật tiêu thụ vào sinh vật sản xuất và trở lại môi trường.

D. sinh vật sản xuất qua các bậc dinh dưỡng tới môi trường.

Câu 12: Phân bố ở vĩ độ thấp, nhiệt độ cao, lượng mưa trên 2250mm, thảm thực vật phân nhiều tầng, tán hẹp; cây thân thảo thường có kích thước lớn, nhiều cây sống bì sinh, khí sinh, kí sinh. Đó là đặc điểm của hệ sinh thái nào?

A. Rừng lá kim phương bắc.

B. Rừng ẩm thường xanh nhiệt đới.

C. Rừng ôn đới lá rộng.

D. Savan cây bụi nhiệt đới.

Câu 13: Kiểu hệ sinh thái nào sau đây có đặc điểm: năng lượng mặt trời là năng lượng đầu vào chủ yếu được cung cấp thêm một phần vật chất và có số lượng loài hạn chế?

A. Hệ sinh thái biển.

B. Hệ sinh thái thành phố.

C. Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới

D. Hệ sinh thái nông nghiệp.

Câu 14: Tháp sinh thái thể hiện sự chuyển hóa năng lượng giữa các bậc dinh dưỡng, theo đó năng lượng của bậc sinh dưỡng thấp (mắt xích phía trước của chuỗi thức ăn) có năng lượng lớn hơn nhiều so với năng lượng của bậc dinh dưỡng cao (mắt xích phía sau của chuỗi thức ăn), vì vậy tháp năng lượng luôn là dạng tháp chuẩn có dạng đáy lớn, đỉnh nhỏ, Nhưng tháp số lượng vật chủ và vật kí sinh lại có dạng ngược lại: đáy nhỏ, đỉnh lớn. Giải thích điều này như thế nào cho hợp lí?

A. Năng lượng của vật chủ nhỏ hơn của vật kí sinh.

B. Sinh khối của vật chủ nhỏ hơn vật kí sinh.

C. Một vật chủ có năng lượng lớn gấp nhiều lần một vật kí sinh.

D. Một vật chủ có năng lượng nhỏ gấp nhiều lần một vật kí sinh.

Câu 15: Cho các phát biểu sau về hệ sinh thái:

1. Trong hệ sinh thái, sinh vật sản xuất là nhóm có khả năng truyền năng lượng từ quần xã đến môi trường vô sinh.

2. Bất kì sự gắn kết nào giữa các sinh vật với sinh cảnh đủ để tạo thành một chu trình sinh học hoàn chỉnh đều được xem là 1 hệ sinh thái.

3. Trong hệ sinh thái, sinh vật phân giải gồm chủ yếu là các loài sống dị dưỡng như vi khuẩn, nấm và 1 số vi sinh vật hóa tự dưỡng.

4. Hệ sinh thái tự nhiên thường có tính ổn định cao hơn nhưng thành phần loài kém đa dạng hơn hệ sinh thái nhân tạo.

Số phát biểu đúng là:

A. 0 B. 2 C. 1 D. 3

Câu 16: Cho các hoạt động của con người sau đây:

1. Khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh.

2. Bảo tồn đa dạng sinh học.

3. Tăng cường sử dụng chất hóa học để diệt trừ sâu hại trong nông nghiệp.

4. Khai thác và sử dụng triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản.

5. Sử dụng biện pháp sinh học trong nông nghiệp.

Có bao nhiêu hoạt động nhằm giúp con người phát triển bền vững?

A. 2 B. 3 C. 4 D.5

Câu 17: Các chu kì sinh - địa - hóa có vai trò thiết yếu đối với hệ sinh thái, vì:

A. Chúng giữ cho hành tinh đủ ấm đảm bảo cho các sinh vật tồn tại được.

B. Dòng năng lượng qua hệ sinh thái chỉ diễn ra theo một chiều, và cuối cùng bị tiêu biến ở dạng nhiệt.

C. Các chất dinh dưỡng và các phân tử duy trì sự sống khác có nguồn cung cấp được tái tạo liên tục.

D. Chúng giúp loại bỏ các chất độc khỏi hệ sinh thái.

Câu 18: Cho các phát biểu sau:

1. Trao đổi chất trong quần xã được biểu hiện qua trao đổi vật chất giữa các sinh vật và giữa quần xã với sinh cảnh.

2. Chu trình dinh dưỡng trong quần xã cho ta biết mức độ gần gũi giữa các cá thể trong quần xã.

3. Quan hệ dinh dưỡng trong quần xã cho ta biết dòng năng lượng trong quần xã.

4. Chuỗi thức ăn của hệ sinh thái ở nước thường dài hơn hệ sinh thái trên cạn vì hệ sinh thái nước có đa dạng sinh học hơn.

5. Tháp năng lượng được xây dựng dựa trên số năng lượng được tích luỹ trên một đơn vị diện tích hay thể tích, trong một đơn vị thời gian, ở mỗi bậc dinh dưỡng.

Số phát biểu có nội dung đúng là

A. 2 B.3 C.4 D. 5

Câu 19: Cho các phát biểu sau về chu trình Cacbon:

1. Cacbon trao đổi trong quần xã: trong quần xã, hợp chất cacbon trao đổi thông qua chuỗi thức ăn và lưới thức ăn.

2. Cacbon đi từ môi trường vô cơ vào quần xã: khí cacbon trong khí quyển được thực vật hấp thu, thông qua quang hợp tổng hợp nên các chất hữu cơ có cacbon.

3. Cacbon trở lại môi trường vô cơ: quá trình hô hấp ở thực vật, động vật và quá trình phân giải các chất hữu cơ thành chất vô cơ ở trong đất của vi sinh vật thải ra một lượng lớn khí cacbonic vào bầu khí quyển.

4. Tất cả lượng cacbon của quần xã sinh vật được trao đổi liên tục theo vòng tuần hoàn kín.

Số phát biểu có nội dung không đúng là

A.0 B.1 C. 2 D.3

Câu 20: Khi nói về thành phần hữu sinh của hệ sinh thái, có bao nhiêu phát biểu đúng trong các phát biểu dưới đây:

1. Tất cả các loại vi khuẩn đều là sinh vật phân giải, chúng có vai trò phân giải các chất hữu cơ thành các chất vô cơ.

2. Sinh vật tiêu thụ gồm các động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật và các vi khuẩn.

3. Nấm là một nhóm sinh vật có khả năng phân giải các chất hữu cơ thành các chất vô cơ.

4. Thực vật là nhóm sinh vật duy nhất có khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ.

A. 0 B. 1 C. 2 D.3

Câu 21: Sự khác biệt rõ rệt nhất về dòng năng lượng với dòng vật chất trong hệ sinh thái là:

A. Các cơ thể sinh vật luôn luôn cần năng lượng, nhưng không phải lúc nào cũng cần chất dinh dưỡng.

B. Vật chất được sử dụng lại, còn các năng lượng thì không.

C. Các cơ thể sinh vật luôn luôn cần chất dinh dưỡng, nhưng không phải lúc nào cũng cần năng lượng.

D. Tổng năng lượng sinh ra luôn luôn lớn hơn tổng sinh khối.

Câu 22: Hệ sinh thái được coi là một hệ thống mở vì:

A. Luôn có sự trao đổi chất và năng lượng giữa các sinh vật trong quần xã và giữa quần xã với môi trường.

B. Số lượng cá thể sinh vật trong mỗi hệ sinh thái thường xuyên biến động.

C. Các hệ sinh thái đều bị con người tác động làm biến đổi thường xuyên.

D. Quần xã trong hệ sinh thái có khả năng tự cân bằng, không chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái.

Câu 23: Nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng nhà kính trên Trái đất là do:

A. Sự thay đổi khí hậu nên thảm thực vật có xu hướng giảm dần quang hợp và tăng dần hô hấp.

B. Bùng nổ dân số nên làm giảm lượng $CO_{2}$ qua hô hấp.

C. Động vật được phát triển nhiều nên là tăng lượng $CO_{2}$ qua hô hấp.

D. Đốt quá nhiều nguyên liệu hóa thạch và thu hẹp diện tích rừng.

Câu 24: Trong chu trình sinh địa hóa của Nitơ, nơi có lượng Nitơ dự trữ lớn nhất là

A. Sinh vật

B. Khí quyển

C. Đất

D. Nhiên liệu hóa thạch

Câu 25: Trong tự nhiên $NH_{4}^{+}$ trong đất được tạo ra chủ yếu bởi:

A. Hoạt động của các vi sinh vật cố định nitơ tự do.

B. Hoạt động của các vi khuẩn nitrat hóa.

C. Hoạt động của các vi khuẩn phản nitrat hóa.

D. Hoạt động của các vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP TỰ LUYỆN

Hướng dẫn giải câu 5:

Trong quá trình khai thác nguồn lợi thủy sản ở ven bờ, các ngư dân nhận thấy trong một thời gian dài liên tiếp chỉ thu được toàn cá con → chứng tỏ cá lớn đã bắt đầu cạn kiệt → nên dừng đánh bắt ven bờ và tiến hành đánh bắt xa bờ để bảo vệ nguồn thủy sản ven bờ cho tương lai

→ Đáp án: B.

Hướng dẫn giải câu 15:

1. Sai. Trong hệ sinh thái, nhóm có khả năng truyền năng lượng từ quần xã đến môi trường vô sinh là thực vật, sinh vật sản xuất hoặc sinh vật phân giải mùn bã hữu cơ.

2. Đúng.

3. Sai. Sinh vật phân giải là các vi khuẩn, nấm và một số sinh vật hóa dị dưỡng.

4. Sai. Hệ sinh thái tự nhiên có thành phần loài đa dạng và có tính ổn định cao hơn hệ sinh thái nhân tạo.

→ Đáp án C.

Hướng dẫn giải câu 16:

Các hoạt động của con người gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Các hoạt động giúp con người phát triển bền vững và bảo vệ môi trường:

1. Khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh.

2. Bảo tồn đa dạng sinh học.

5. Sử dụng biện pháp sinh học trong nông nghiệp.

Các hoạt động như:

3. tăng cường sử dụng chất hóa học để diệt trừ sâu hại trong nông nghiệp → làm ô nhiễm môi trường sống, gây ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của các sinh vật.

4. Khai thác và sử dụng triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản: việc sử dụng triệt để những tài nguyên không tái sinh sẽ làm cạn kiệt tài nguyên → gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Những hoạt động đúng (1), (2), (5).

→ Đáp án B.

Hướng dẫn giải câu 18:

1. Sai. Trao đổi vật chất trong quần xã thể hiện qua các chu trình sinh địa hóa, trao đổi vật chất giữa các sinh vật với nhau và giữa sinh vật với môi trường.

2. Sai. Chu trình dinh dưỡng trong quần xã cho ta biết mối quan hệ dinh dưỡng giữa các loài chứ không biết được mức độ gần gũi giữa các cá thể.

3. Đúng.

4. Sai. Chuỗi thức ăn của hệ sinh thái dưới nước thường dài hơn trên cạn vì môi trường nước nhiệt độ ổn định hơn.

5. Đúng. Tháp năng lượng: xây dựng dựa trên số năng lượng được tích lũy trên 1 đơn vị diện tích hay thể tích, trong 1 đơn vị thời gian ở mỗi bậc dinh dưỡng và Tháp năng lượng là hoàn thiện nhất.

Có phát biểu (3), (5) đúng.

→ Đáp án A.

Hướng dẫn giải câu 19:

Chu trình Cacbon.

Cacbon đi vào chu trình dưới dạng cacbon điôxit ($CO_{2}$).

Thực vật lấy $CO_{2}$ để tạo ra chất hữu cơ đầu tiên thông qua quá trình quang hợp, Cacbon trao đổi trong quần xã qua chuỗi và lưới thức ăn

Khi sử dụng và phân hủy các hợp chất chứa cacbon, sinh vật trả lại $CO_{2}$ và nước cho môi trường. Cacbon trở lại môi trường vô cơ qua các con đường.

+ Hô hấp của động vật, thực vật, vi sinh vật

+ Phân giải của sinh vật

+ Sự đốt cháy nhiên liệu trong công nghiệp.

1, 2, 3. Đúng.

4. Sai. Không phải tất cả lượng cacbon của quần xã sinh vật được trao đổi liên tục trong vòng tuần hoàn kín mà 1 phần được lắng đọng vật chất (than đá, dầu lửa...).

→ Đáp án B.

Hướng dẫn giải câu 20:

1. Sai. Không phải tất cả các vi khuẩn đều là sinh vật phân giải. VD: vi khuẩn cố định đạm tổng hợp hợp chất chứa N từ $N_{2}$ của không khí.

2. Sai. Sinh vật tiêu thụ có thể là các sinh vật phân hủy...

3. Đúng.

4. Sai. Ngoài thực vật ra còn có các vi khuẩn có khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ.

→ Đáp án B.

Hướng dẫn giải câu 25:

Chu trình Nitơ:

+ Thực vật hấp thụ nitơ dưới dạng muối amoni và nitrat

+ Muối amoni và nitrat được hình thành trong tự nhiên bằng con đường vật lý, hóa học và sinh học. Lượng muối nitơ tổng hợp bằng con đường sinh học là lớn nhất ( do vi khuẩn cố định đạm sống cộng sinh hoặc tự do trong đất cố định nitơ tự do - $N_{2}$ từ không khí).

+ Nitơ từ xác sinh vật trở lại môi trường thông qua hoạt động phân giải chất hữu cơ của Vk, nấm...

+ Hoạt động phản nitrat của vi khuẩn trả lại một lượng nitơ phân tử cho đất nước và bầu khí quyển. $NH_{4}^{+}$ trong đất được tạo ra nhờ các vi khuẩn phân giải chất hữu cơ trong đất phân giải, hoặc cung cấp từ việc bón phân đạm.

→ Đáp án A.