BÀI LÀM
An-đéc-xen gần gũi với bạn đọc khắp năm châu bởi những truyện ngắn quen thuộc như: Nàng tiên cá, Bầy chim thiên nga, Nàng công chúa và hạt đậu... hay Cô bé bán diêm. Truyện của ông thường đan cài giữa hai yếu tố hiện thực và kì ảo với một cốt truyện khá giống những truyện cổ tích dân gian. Những câu chuyện như Cô bé bán diêm đã truyền cho chúng ta lòng thương cảm sâu sắc đối với tuổi thơ nơi chưa lúc nào nguôi những ước mơ và khát khao.
Đọc xong truyện Cô bé bán diêm tôi mới rõ một điều, không phải chỉ ở nước mình, mà ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng có trẻ em bất hạnh như nhau. Cô bé trong truyện có hoàn cảnh khiến ai đọc cũng rơi nước mắt. Giữa đêm giao thừa giá rét, cô bé đi trong đêm và nhìn vào những khung cửa sổ để mà nuối tiếc cái ngày xưa tươi đẹp. Ngày ấy em có bà, có một ngôi nhà xinh xắn và cũng đã từng có những ngày đầm ấm. Nhưng ngày đó chỉ còn là những ngày xa lắc đã lùi sâu vào quá khứ.
Cô bé đi trong đêm, đói và giá rét giữa lúc nhà nhà đang đầm ấm vui vầy. Ôi! Ta thương xót xiết bao. Những lúc ấy thì làm gì có ai mua diêm mà em chờ đợi và hi vọng. Nhưng em vẫn cứ đi, cứ chờ, cứ hi vọng và còn sợ nữa. Về vào giờ này ư? Chắc chắn em sẽ bị người cha giận dữ đánh đòn. Thật đáng thương cho cô bé!
Mỏi mệt và rã rời, cô bé tìm vào một góc phố. Em bắt đầu mơ tưởng: giá như bây giờ “quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ”. Và thế là em quẹt que diêm thứ nhất. Diêm bén lửa, ngọn lửa sáng rực lên như một cục than hồng. Em quên ngay giá rét. Trước mặt em bây giờ chỉ còn “một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng loáng”. Tội nghiệp biết bao! Cái rét đã đưa cô bé vào mơ tưởng. Chỉ quẹt mỗi que diêm thôi làm sao có thể nghĩ nó là lò sưởi được. Và thế là chỉ mấy phút sau, que diêm phụt tắt, ước mơ cũng biến mất ngay.
Nhưng em bé lại mơ và lại đánh que diêm kế tiếp. Que diêm cháy! Bàn ăn đã dọn. Khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Tôi nhớ lại ngày xưa, có một lần mẹ tôi đi vắng, đi học về bụng đói cồn cào mà tôi thấy nhà vẫn im ỉm khoá. Lúc ấy, tôi ước và chỉ ước một điều giá như ngay lúc này ta có một đĩa thức ăn ngon. Nghĩ đến chuyện mình, giờ đây tôi mới giật mình nghĩ về cô bé. Không biết cô đã bị đói tự bao giờ. Lại còn thêm rét nữa. Phải, tôi chắc tôi chỉ còn biết khóc rồi cứ thế lả đi mà chẳng thể nghĩ được điều gì.
Cô bé lại quẹt thêm que nữa. Hình như lúc này cô đã quên đi sợ hãi. Cô đã no ấm trong giấc mơ với hai que diêm kì diệu của mình. Bây giờ cô muốn được ăn Tết vui vẻ như mọi người, muốn trông thấy một cây thông được trang hoàng lộng lẫy. Ôi cái khát vọng kia mới giản dị làm sao! Nhưng tôi biết vẫn còn, còn rất nhiều cô bé ngay cả bây giờ vẫn muốn có được ước muốn như em. Trái Đất là của tuổi thơ nhưng không biết đang còn và sẽ còn bao nhiêu em bất hạnh như cô bé bán diêm. Câu chuyện của cô bé bán diêm bởi vậy mà khơi gợi sâu sắc quá.
Nhưng cây thông của cô dù đẹp đến mấy cũng chỉ là ước mơ thôi. Diêm tắt, ước mơ kia lại phụt tắt. Em quyết định “quẹt que diêm nữa vào tường”, lúc ấy trong ánh sáng xanh lan toả, bà em lặng lẽ mỉm cười. Thế là niềm hạnh phút lớn nhất của đời em đã trở về. Nhưng em sợ, sợ bà sẽ loáng mất đi như lò sưởi, con ngỗng quay hay cây thông Noel ban nãy. Thế là em cứ quẹt diêm liên tiếp để giữ bà ở lại. Bà to lớn và đẹp vô cùng. Bà níu tay em rồi hai bà cháu cùng bay vụt lên cao, cao mãi, nơi đó hai bà cháu sẽ được gần Thượng đế chí nhân.
Câu chuyện tuy kết thúc trong một giấc mơ ngọt ngào nhưng sao nó vẫn gợi cho tôi một sự nhói đau. Cô bé bán diêm bất hạnh và đau khổ đã từ bỏ hiện thực để sống với những ước mơ và khao khát. Những ước mơ ấy bình thường giản dị biết bao. Nhưng đối với cô bé, lúc ấy nó lại là tất cả. Cô bé bán diêm đã chết trong giá lạnh nhưng cô đã bất tử trong mỗi chúng ta. Những niềm khát khao và ước mơ của cô cũng vậy. Nó cũng sẽ bất tử mãi mãi đối với tuổi thơ.