BÀI LÀM

Tản Đà là thi sĩ lãng mạn, tài hoa bậc nhất trên thi đàn văn học Việt Nam những năm đầu của thế kỉ XX. Thi phẩm của Tản Đà có nhiều bài thơ mộng, thoát li, lại bàng bạc một phong cách “ngông” rất độc đáo, rất riêng. Trong những bài thơ cho đến tận ngày nay vẫn được người đọc say sưa và thích thú thì hẳn Muốn làm thằng Cuội vẫn được coi là sáng tác tiêu biểu nhất.

Muốn làm thằng Cuội nằm trong quyển Khối tình con 1, xuất bản năm 1916. Như vậy bài thơ ra đời khi thực tại có đầy rẫy những nhuốc nhơ và chán nản. Nó là nguyên do lí giải vì sao người thi sĩ lại muốn “trốn đời”. Hai câu đề trong bài thơ của Tản Đà thể hiện tâm trạng buồn chán ấy:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nữa rồi.

Câu thơ dồn nén bao cảm xúc. Nỗi buồn, sự cô đơn choán ngợp trong lòng để rồi bật ra thành hai từ “buồn lắm”. Tản Đà hụt hẫng, chơi vơi bởi trần thế chẳng còn ai để mà tâm sự. Thế là tác giả táo bạo nghĩ đến chị Hằng. Hai câu thơ khái quát cả một thực tại xấu xa, thối nát, ngột ngạt và tù hãm. Nhà thơ buồn vì cảnh nước mất nhà tan, buồn vì nhân dân phải sống trong cảnh lầm than nô lệ. Cái “trần thế nay em chán nữa rồi” của Tản Đà cũng mang một chút tâm sự của kẻ làm trai “tài cao” mà “phận thấp”. Đời với người thi sĩ là đáng chán, thế nên:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Câu thơ tha thiết chân thành kèm một chút van xin, nài nỉ. Tản Đà “đối nhân” mà trò chuyện với chị Hằng chẳng khác nào như đang ở trên cung trăng thực vậy. Câu hỏi tu từ thật đa nghĩa. Nó là câu hỏi nhưng cũng lại là một thăm dò thú vị. Người thi sĩ táo bạo mang một chút phong tình dường như đã khơi đúng vào niềm tâm sự của chị Hằng. Bởi ở mặt trăng chắc chị cũng chẳng có ai bầu bạn làm vui. Câu thơ của Tản Đà thật táo bạo và hóm hỉnh.

Với hai câu thực, Tản Đà bắt đầu cái giấc mộng trốn đời, bắt đầu cái tư tưởng thoát li. Đến hai câu luận, cái ý tưởng rất “ngông” kia còn phóng túng hơn nhiều:

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Tản Đà “nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng”, nên chỉ có bầu bạn cùng gió mây, cung quế mới đỡ sầu đỡ tủi, có thế mới thỏa thích, mới vui. Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh: cả tiểu đối (đối trong mỗi câu thơ) và bình đối (đối giữa hai câu thơ) tạo nên sự hài hòa cân xứng. Cách ngắt nhịp (2/2/3) hợp với hai điệp từ (cùng, có) làm nên một giọng thơ nhún nhảy, tươi vui và lí thú. Những vần thơ nửa thực nửa mộng mà phong tình tuyệt mỹ biết nhường nào!

Bài thơ đến đây như là một sự phá cách trong lối sống nhưng phải trọn hai câu kết ta mới thấy hết cái ngông, cái chất phong tình lãng mạn của người thi sĩ tài hoa:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Trước Tản Đà không ít thi sĩ đã từng đối ẩm hay tự bạch với trăng nhưng tình tự với trăng (tựa nhau trông xuống) theo kiểu Tản Đà thì quả là táo bạo và mới mẻ. Giữa đêm rằm tháng tám, đêm trăng đẹp nhất của một năm, người thi sĩ ngồi tựa bên mình ngọc nữ mà ngắm cảnh thế gian thì tuyệt biết nhường nào. Hai câu thơ cuối giản dị, ngôn từ không một chút đẽo gọt cầu kì nhưng tình thơ lai láng. Bài thơ khép lại trong tiếng cười ngây ngất vừa rất say sưa nhưng cũng vừa bàng bạc một nỗi buồn nhân thế.

Muốn làm thằng Cuội quả thực là sản phẩm của một tư duy độc đáo. Ý thơ giàu sức tưởng tượng, vừa phong phú lại diệu kì. Giọng thơ nhẹ nhàng và thanh thoát. Đặc biệt chất trữ tình thấm đượm và lan toả làm toát lên trọn vẹn cái khát khao sống thanh sạch và cái thiên lương trong sáng ngay giữa biển đời nhơ nhuốc của nhà thơ.