BÀI LÀM.

Đền Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, nằm trong khu vực thành Cổ Loa - kinh đô của vua Thục An Dương, đầu thế kỉ III trước CN. Đền Cổ Loa thờ An Dương Vương (gần có am thờ Mị Châu), hàng năm, dân Cổ Loa vào hội ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, kỉ niệm ngày Thục Phán nhập cung.

Sáng ngày mùng 6, làng tổ chức cuộc rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền, để tế thần. Theo thông lệ, 12 ông trưởng xóm đến đông đủ, ai nấy cũng phải sửa lễ, văn tế được soạn thảo đặt lên giá. Đi đầu đám rước là phường bát âm, tiếp là quan viên trong làng, sau đó là dân đinh mang lọng, nước giá văn tế là kiệu long đình. Cuộc rước dừng lại giữa sân đền; giá văn được đặt lên long đình và long đình được khiêng tới kê trước hương án đồ thờ. Phường bát âm tấu nhạc cùng với các nhạc cụ dân gian khác, chủ tế làm lễ tế thần, sau đó các quan viên và những người dự lễ, lần lượt vào lễ trước bàn thờ cầu nguyện nhà vua phù hộ cho dân làng.

Buổi chiều là đám rước thần có đông đảo dân làng tham dự, một số người hóa trang áo trắng đỏ, đeo râu giả. Thứ tự cuộc rước: cờ quạt, long đình, các từ khí bộ bát bửu, phường bát âm, các quan viên lễ phục bưng theo khí giới của vua (cung, kiếm, tên, nỏ) kì mục xóm Chùa khiêng long đình có bài vị vua, kì mục các thôn khác có hiệu và long đình thôn mình, mỗi thôn cũng có phường bát âm, cờ quạt và hóa trang riêng cùng dân chúng. Đám rước kéo dài chừng vài giờ, từ sân đền Cổ Loa ra đến đầu làng thì giải tán, thôn nào về thôn ấy, chỉ có Xóm Chùa - xóm sở tại của đền, khiêng long đình bài vị vua về đền.

Hội đền Cổ Loa còn kéo dài nhiều ngày với nhiều trò vui: đánh bài, đánh đáo, chơi đu, cờ người... các buổi tối lại có hát chèo thờ thần.