BÀI LÀM

Đôn Ki-hô-tê là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Tây Ban Nha Xéc-van-téc. Câu chuyện kể về một lão quý tộc nghèo vì quá say mê truyện kiếm hiệp mà muốn trở thành một hiệp sĩ giang hồ. Cuộc đời của Đôn Ki-hô-tê là một chuỗi dài những mơ mộng hão huyền. Nhưng chính bởi thế mà tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc. Những hành động tưởng chừng như rất hoang đường và kì quái của hàng hiệp sĩ kia vô tình hay hữu ý đã đánh thức tất cả mọi người cái ước mơ về một xã hội tự do, bác ái, công bằng.

Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió tiêu biểu cho cả tư tưởng lẫn nghệ thuật của tác phẩm này. Nó có thể được tóm gọn bằng những sự việc chủ yếu. Một là Đôn Ki-hô-tê lầm tưởng những chiếc cối xay gió là những gã khổng lồ nên nhất quyết lao vào cuộc chiến vì công lí. Hai là giám mã Xan-chô Pan-xa ra sức can ngăn ông chủ nhưng không thành. Ba là Đôn Ki-hô-tê bị thương, dù đau đớn nhưng vẫn quyết tâm nín nhịn vì cái thể diện của người hiệp sĩ. Bốn là giám mã mặc kệ ông chủ vẫn cứ đánh chén no say và ngủ một giấc ngon lành. Năm là Đôn Ki-hô-tê nhịn ăn và quên ngủ. Suốt đêm chàng nghĩ đến nàng Đuyn-xi-nê-a để khoả lấp ưu phiền.

Có thể nói suốt cả đoạn trích này và còn nhiều phần khác nữa trong tác phẩm, nhà văn Xéc-van-téc đã xây dựng con người chàng hiệp sĩ và gã người hầu như là hai bức tranh loè loẹt với những gam màu đối lập nhau: hiệp sĩ gầy thì Xan-chô béo, hiệp sĩ lí tưởng và mơ mộng thì Xan-chô lại thực tế và thực dụng.

Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió quả là một dẫn chứng hùng hồn và sắc sảo cho sự đối lập nêu trên. Hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê mộng tưởng và huyễn hoặc nên nhìn cối xay gió mà ra những gã khổng lồ cũng chẳng có gì đặc biệt. Và khi chàng hiệp sĩ đã tin những cối xay gió kia là tội ác thì một cuộc thách chiến hẳn sẽ diễn ra. Tuy nhiên nét hài hước trong tính cách của Đôn Ki-hô-tê còn được đẩy đến cao hơn khi dù bị đau nhức khắp người chàng hiệp sĩ vẫn mím môi nén chịu để bảo vệ cái thể diện của kẻ anh hùng. Đôn Ki-hô-tê là kiểu mẫu của con người hoang tưởng đến ngốc nghếch và khờ dại. Trong khi đó, giám mã Xan-chô Pan-xa luôn tỉnh táo. Chỉ cần một chút bị thương, kẻ hầu cận lập tức đến ngay. Xan-chô chẳng bao giờ thèm nghĩ cái lí tưởng mà ông chủ đang thực hiện là gì. Với Xan-chô, đi hầu ông chủ chỉ đơn thuần là “dù có nguy hiểm đến đâu cũng chẳng vất vả gì mà lại thoải mái nữa là khác”. Chính bởi suy nghĩ thế nên mặc ông chủ suy nghĩ hay mơ mộng, mặc ông chủ sống bằng hình bóng của người tình, giám mã phải đánh chén cho no say đã.

Tính cách của Đôn Ki-hô-tê và giám mã Xan-chô là hai nửa hoàn hảo để ta hình dung hai mặt của cuộc đời: mặt lí tưởng và thực dụng. Lí tưởng làm nên cuộc sống với ý nghĩ lớn lao nhưng ở phía bên kia chính cái thực dụng đang nuôi lí tưởng.

Bằng tài năng nghệ thuật và sự tưởng tượng vô cùng độc đáo, nhà văn đã tạo nên một cuốn tiểu thuyết để đời. Sự hài hước của hai tính cách làm nên tính trào lộng cho tác phẩm, làm cho tác phẩm đáng cười một cách hóm hỉnh và sâu cay. Nhưng đằng sau tiếng cười có phần chua chát và đầy chế giễu ấy, ta nhận ra một khát khao, ấy là khát khao giải phóng con người, khao khát tự do, bình đẳng của cả thời đại Phục Hưng.