BÀI LÀM

Tắt đèn và Lão Hạc là hai tác phẩm được xếp vào hàng tiêu biểu nhất của dòng văn học hiện thực Việt Nam thời kì tiền khởi nghĩa. Cùng viết về một đề tài, hai tác phẩm thực sự đã trở thành những khám phá có tính qui luật về cuộc đời và tính cách của những người nông dân trong “thời kì đen tối”.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta chịu hai tầng áp bức: phong kiến và thực dân. Cuộc sống của đồng bào ta, nhất là ở những vùng nông thôn vô cùng ngột ngạt. Người nông dân không thể cưỡng được sự bóc lột ngày một ghê gớm và tinh vi nên cứ lần lượt bước chân vào con đường bần cùng hóa. Trường hợp lão Hạc và chị Dậu đúng là những tấm gương rất điển hình.

Chị Dậu bị khuynh gia bại sản bởi thuế thân và sự bóc lột vô nhân tính của bọn cường hào (người chết còn phải đóng sưu). Cái nghèo, cái khó cứ thế dắt díu nhau đẩy chị Dậu hết từ thảm cảnh này sang thảm cảnh khác. Chị phải bán chó, bán con, phải cúi lạy van xin rồi khi không được phải liều mình đánh trả. Cả cuộc đời của chị Dậu bị cái nghèo đeo đẳng và ngay cả khi những trang văn khép lại, một tia sáng yếu ớt nhỏ bé cho tương lai của chị và gia đình vẫn chẳng thấy được. Tất cả, vẫn “tối đen như mực”. Trong cái thảm cảnh mơ hồ ấy, chị Dậu sống mà có khác gì lão Hạc kia chọn tìm cái chết.

Ở truyện ngắn Lão Hạc, quá trình tha hóa bần cùng của lão Hạc có vẻ ít dữ dội hơn. Lão không phải va chạm nhiều với lũ cường hào ác bá. Thế nhưng hoàn cảnh đẩy đưa kèm theo một chút tham lam của bọn cường hào đã khiến cuộc sống của lão Hạc không thể thoát ra khỏi cõi tối tăm và như chúng ta đã biết cuộc đời rách nát ấy kết thúc bằng một cái chết thật thương tâm.

Tuy nhiên, dù không thể chống lại những bất hạnh và đau khổ, hai nhà văn vẫn không quên khẳng định những phẩm chất muôn đời của những người nông dân đất Việt. Chị Dậu và lão Hạc, hai con người khốn khổ đã sống trọn đời trong cần cù lao động, sống vị tha và cao thượng biết nhường nào. Một người có thể chấp nhận ăn củ chuối, trái sung, chấp nhận tự vẫn để dành tiền cho con lấy vợ. Người kia lại chấp nhận làm bất cứ thứ gì miễn là không bán rẻ lương tâm để cứu vớt cái gia đình đang trên đà xuống dốc. Sự hi sinh của lão Hạc và chị Dậu một lần nữa khẳng định những vẻ đẹp ngàn đời của người nông dân Việt Nam.

Ở trong một hoàn cảnh mới, vẻ đẹp thể hiện ở ý thức đấu tranh phản kháng. Đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền sống là nhân phẩm của mỗi con người. Ta xót xa cho lão Hạc, chỉ vì muốn giữ lấy phẩm chất mà lão đành chọn cái chết đớn đau, tủi nhục. Nhưng dù biết mình phải chết, lão Hạc vẫn để người đời phải kính phục vì lão thực sự giàu tự trọng và tha thiết khát khao một cuộc sống tốt đẹp cho đứa con trai. Còn chị Dậu, tuy không bị rơi vào thảm cảnh phải chọn cái chết như lão Hạc nhưng chị cũng bị vùi lên dập xuống không biết bao nhiêu lần. Nhưng dù cuộc sống không cho chị được ngẩng mặt lên, chị vẫn quyết giữ lấy tâm hồn trong sáng. Chị cương quyết cự tuyệt những bàn tay bẩn thỉu, xấu xa hòng làm vấy bẩn hoặc cướp đi cái nhân cách tốt đẹp của chị.

Trích đoạn Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc tuy chưa đầy mươi trang sách nhưng đã cho ta một cái nhìn bao quát về cuộc sống và tính cách của người nông dân. Bao nhiêu năm đã qua đi nhưng hai tác phẩm này chắc chắn sẽ vẫn là những bằng chứng sinh động và hùng hồn cho một "thời kì đen tối”. Nó khắc ghi sâu sắc nỗi đau dân tộc. Đồng thời nó cũng thể hiện cái khao khát muôn đời của người nông dân, khát khao có một cuộc sống tự do và khát khao được yên bình.