BÀI LÀM

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc văn võ toàn tài. Tên tuổi ông gắn liền với Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ và chiến công Bạch Đằng bất tử.

Trần Quốc Tuấn được vua nhà Trần cử giữ chức Tiết chế thống lĩnh lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông.

Hịch tướng sĩ được Trần Quốc Tuấn viết vào năm 1982 và trước hội nghị quân sự Bình Than của các vương hầu. Đó là một luận văn quân sự nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, là lời kêu gọi chiến đấu quyết tâm đánh thắng quân xâm lược để bảo vệ sơn hà xã tắc của ông cha ta hơn bảy trăm năm về trước từng làm sôi sục lòng người. Có ý kiến cho rằng: Hịch tướng sĩ là khúc tráng ca anh hùng sáng ngời hào khí Đông A.

Đông A là khái niệm mà các nhà lịch sử dùng để chỉ triều đại nhà Trần (1226 - 1400); hào khí nghĩa là chí khí hào hùng, chí khí anh hùng. Câu nói trên nhằm ca ngợi Hịch tướng sĩ là bản anh hùng ca sáng ngời chí khí hào hùng, chí khí anh hùng của Đại Việt trong triều đại nhà Trần. Bài hịch đã vạch trần âm mưu xâm lược của giặc Nguyên - Mông, thể hiện lòng căm thù giặc sôi sục, nêu cao ý chí quyết chiến thắng, sẵn sàng xả thân trên chiến địa để bảo vệ sơn hà xã tắc. Hào khí Đông A tỏa sáng trong Hịch tướng sĩ chính là lòng yêu nước nồng nàn, khí phách anh hùng lẫm liệt của tướng sĩ nhà Trần và của nhân dân ta trong thế kỉ XIII đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Hịch tướng sĩ là một khúc ca, bởi lẽ trước hết Trần Quốc Tuấn đã nêu cao gương sáng các bậc trung thần nghĩa sĩ, những mẫu người lí tưởng của chế độ phong kiến đã xả thân vì lòng trung quân ái quốc. Đó là Kỉ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Thân Khoái, Kính Đức, Cảo Khanh... đã bỏ mình vì nước, thoát khỏi thói nữ nhi thường tình mới trở thành vĩ nhân lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được.

Hịch tướng sĩ là bản hùng ca của Đại Việt sáng ngời hào khí Đông A. Nó thể hiện một tầm nhìn chiến lược, thấy rõ dã tâm của quân giặc phương Bắc, tham lam tàn bạo cực độ, của âm mưu biến nước ta thành quận, huyện của chúng. Sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, coi kinh thành Thăng Long như lãnh địa của chúng. Lòng tham vô đáy, lúc thì chúng thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, lúc thì giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Chúng là cú diều, là dê chó, là hổ đói rất bẩn thỉu, tham lam, độc ác, phải khinh bỉ và căm ghét tận xương tuỷ, phải tiêu diệt!

Hịch tướng sĩ là tiếng nói căm giận bốc lửa, quyết không đội trời chung với lũ giặc Nguyên - Mông. Nó là khúc tráng ca chứa chan tinh thần yêu nước, biểu lộ khí phách của người anh hùng Trần Quốc Tuấn quyết chiến quyết thắng quân xâm lược, nguyện xả thân trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc Đại Việt:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cùng vui lòng.

Có thể nói, đây là đoạn văn hay nhất, hùng tráng nhất trong Hịch tướng sĩ thể hiện một cách tuyệt vời hào khí Đông A.

Hịch tướng sĩ là một áng văn chính luận đanh thép nhất, hùng hồn nhất thể hiện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng sáng ngời hào khí Đông A. Trần Quốc Tuấn đã nói với tướng sĩ đời Trần về nhục và vinh, thắng và bại, mất và còn, sống và chết, khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy. Mất cảnh giác, chỉ biết hưởng lạc như: lấy việc chọi gà làm vui đùa, lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; (...) lo làm giàu mà quên việc nước; ham săn bắn mà quên việc binh; chỉ thích rượu ngon, mê tiếng hát,... thì bại vong là tất yếu. Nếu có giặc Mông Cổ tràn sang thì ta cùng các người sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào? Bại vong là thảm hoạ:

Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo mà phần mộ cha mẹ các người cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ không rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận.

Thân làm tướng, kẻ nam nhi trong thời loạn phải biết lo khi nhìn chủ nhục; phải biết thẹn khi thấy nước nhục; phải biết tức khi thấy nước nhục; phải biết tức khi phải hầu quân giặc; phải biết căm khi nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sử.

Thân làm tướng phải cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu: huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ; có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cao Nhai. Đó là quyết chiến quyết thắng, là vinh quang.

Hịch tướng sĩ là tác phẩm làm sáng ngời hào khí Đông A, nó có tác dụng khích lệ, động viên tướng sĩ quyết chiến quyết thắng giặc Nguyên - Mông. Hịch của vị Tiết chế Quốc công như tiếng kèn xung trận vang dội núi sông. Nó đã góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh của đoàn dũng sĩ Sát Thát lập nên bao chiến công oai hùng như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng Giang,... Hịch tướng sĩ đã phản chiếu sáng ngời hào khí Đông A qua những tấm gương đầy khí phách lẫm liệt. Là tiếng nói sắt đá vang lên trong những giờ phút hiểm nghèo; Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chém đầu thần trước đã. Là tư thế lẫm liệt hiên ngang của Trần Bình Trọng: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Là chí khí anh hùng của Trần Quốc Toản: Phá cường địch, báo hoàng ân. Là dũng khí của Phạm Ngũ Lão với đạo quân phụ tử chi binh trăm trận trăm thắng:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,

Ba quân hùng khí át sao ngưu.

(Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão)

Tóm lại, Hịch tướng sĩ là tác phẩm lớn nhất, hùng tráng nhất biểu hiện tinh thần yêu nước của văn học đời Trần. Qua bài hịch, ta càng thêm ngưỡng mộ và biết ơn vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Hịch tướng sĩ còn có tác dụng to lớn, sâu sắc, bồi dưỡng lòng yêu nước, khí phách anh hùng, tinh thần tự lập tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam.