BÀI LÀM
Vũ Đình Liên viết không nhiều. Ông thuộc kiểu nhà thơ mà sáng tác “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (trọng ở chất lượng mà không trọng ở cái sự nhiều). Trong cuộc đời sáng tác của ông, Ông đồ là thi phẩm tiêu biểu nhất. Bài thơ ra đời đã đặt ông vào một vị trí xứng đáng trong làng Thơ mới Việt Nam.
Vũ Đình Liên giống Nguyễn Tuân, giống Bà Huyện Thanh Quan ở tấm lòng hoài cổ. Ông đồ là một dấu nhấn khó phai, một nốt nhạc day dứt gợi về cái thời bổng trầm xa vắng. Cái thời ấy trong con mắt nhà thơ nó cao quý biết nhường nào. Bởi thế Ông đồ là một bài thơ hoài cổ, hoài cổ về một thú chơi, hoài cổ về một lớp người.
Ngày xưa, những người học chữ nho hoặc thi cử không đỗ đạt hoặc tự nguyện từ bỏ vương quyền về quê dạy học thì đều được gọi là những cụ đồ nho. Những người như vậy vốn thường am hiểu hơn người nên rất được người đời nể trọng. Không ít người trong số họ ngoài nghề dạy học lại có tài riêng, nhất là tài viết chữ. Ông đồ của Vũ Đình Liên là một người như vậy. Cứ “Mỗi năm hoa đào nở”, ông đồ của nhà thơ lại:
Bày mực tàu giấy đỏ.
Bên phố đông người qua
Những câu thơ giản dị giới thiệu một con người giản dị. Nhưng giản dị mà không tầm thường. Trong cái giản dị kia của ông đồ có cả cái hồn dân tộc ngày xuân, khổ thơ thứ hai là tài năng của ông đồ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Nghệ thuật thủ pháp lấy cái nhân cách và tài hoa làm trọng. Ông đồ được trời phú cho cả hai thứ đó. Trong số “bao nhiêu người thuê viết” thì chắc hẳn không ít trong số họ mến cả tài năng và nhân cách ông đồ. Bởi cái nghề viết chữ không cho người ta vụ lợi, không để người ta vụ lợi. Bốn câu thơ quả thực đã trở thành một kỉ niệm đẹp, sung sướng và đáng tự hào của ông đồ.
Nhưng thời cuộc đổi thay, nền Hán học lụi tàn. Ông đồ già từ một người tài hoa này thành người quá vãng. Buồn thay khi “mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết nay đâu?”. Câu hỏi tu từ xoáy sâu vào lắng đọng, rồi từ đó chơi vơi, ngơ ngẩn đến mơ hồ. Hai câu thơ
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
Quả thực là những nét bút thần tình. Nỗi sầu tủi của ông đồ khiến giấy mực cũng âu sầu tê tái. Lòng người buồn trùm lên cảnh vật, lan tỏa, lay động cả không gian.
Khổ thơ tiếp càng khắc sâu thêm niềm thương cảm ấy:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay.
Hai câu thơ tả người mà như vẽ tượng. Ông đồ kiên nhẫn, lặng im, tội nghiệp rồi ngậm ngùi chua xót biết nhường nào. Thời hoàng kim đến đây lụi tàn hết cả. Cái úa vàng của lá, cái nhạt nhòa của giấy, cái lành lạnh của bụi mưa tương thích diệu kì với cái buồn lê thê của “người thiên cổ”.
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Ông đồ nhạt nhòa ở khổ bốn rồi mất hẳn ở khổ năm. Cảnh cũ vẫn còn (hoa đào vẫn nở) nhưng người xưa vắng bóng (không thấy ông đồ xưa). Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi tu từ buồn đau, thương tiếc, chơi vơi:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Xúc cảm trước thân phận ông đồ, Vũ Đình Liên thực tế đang xót xa cho một lớp người, một nét văn hóa đang vĩnh viễn chìm vào quá khứ.
Bài thơ chứa chan tinh thần nhân đạo. Sự thương cảm của nhà thơ dàn trải lên mỗi câu chữ, mỗi vần thơ. Bài thơ ngắn, rất kiệm lời mà ý tứ sâu xa. Thơ của Vũ Đình Liên ám ảnh và day dứt. Nó khiến chúng ta có khi chỉ tình cờ đọc một lần mà ấn tượng thì sâu sắc không dễ mờ phai.