BÀI LÀM

Nam Cao là nhà văn xuất sắc của nền văn học hiện thực trước cách mạng tháng Tám, là bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam. Hình ảnh nông thôn đồng quê chiêm trũng xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm của ông. Cũng như Kim Lân, Ngô Tất Tố, Nam Cao viết nhiều về nạn đói, về những con người bần cùng hóa trong xã hội. Tác phẩm của ông mang đậm tính nhân đạo sâu sắc và một trong những tác phẩm đó là truyện ngắn Lão Hạc. Một ông lão nông dân nghèo khổ, cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, nhưng không vì thế mà có thể làm biến chất nhân cách của ông lão đáng thương này. Ông lão ấy vẫn giữ được bản chất nhân hậu, tình thương con tha thiết, đức hi sinh cao cả và lòng tự trọng đáng kính.

Cuộc đời của Lão Hạc - nhân vật chính của tác phẩm thật đáng buồn. Vợ lão mất sớm, đứa con trai duy nhất của lão vì không có đủ tiền cưới vợ nên phẫn chí bỏ đi, lão sống thui thủi một mình, làm thuê làm mướn dành dụm tiền cho con trai sau này cưới vợ. Lão chỉ còn biết làm bạn với chú chó mà lão yêu thương như con. Nhưng rồi, sức lão ngày một yếu, không đi làm thuê làm mướn được nữa. Sau một trận ốm, số tiền tích góp được bấy nay đã cạn kiệt rồi một trận bão kéo qua tàn phá sạch hoa màu trong vườn của lão. Thời buổi khó khăn chẳng ai thuê mướn lão làm, lão đành phải bán con chó mà lão hết mực thương yêu. Và lão tới nhờ ông giáo, người mà lão hay trò chuyện một việc.

Trước tiên lão báo tin cho ông giáo biết mình đã bán con chó, bán đi cái kỉ vật duy nhất mà người con trai để lại. Lão Hạc gọi con chó là cậu Vàng và cho nó ăn cơm bằng chiếc bát lành lặn. Với lão, con Vàng là một người bạn thân thiết, mỗi lần nhớ con trai lão lại ôm con chó Vàng thì thầm trò chuyện với nó cho khuây khỏa. Đã bao lần định bán nhưng rồi lão lại không nỡ lòng.

Nhưng rồi lão nghèo túng quá, trận ốm và cơn bão tràn tới đã khiến cho lão đã đói nghèo lại càng đói nghèo hơn. Cơm lão cũng chẳng có ăn lấy gì để nuôi chó. Thật ra lão không muốn tiêu số tiền lão để dành cho con trai lão từ việc bán hoa lợi trong mảnh vườn bé tí của lão.

Bán cậu Vàng là việc bất đắc dĩ vì lão không còn cách nào khác, lão bán con chó mà như bán đi từng khúc ruột của mình vậy. Cũng đúng thôi, nó đã gắn bó với lão bao nhiêu năm rồi cơ mà. Lão kể lại cho ông giáo nghe cảnh mình bán con chó trong nỗi xúc động vô cùng: “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước... Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Thái độ đó của lão thật đáng thương. Cái con người nhân hậu thật thà ấy cả đời chưa lừa gạt ai bao giờ, vậy mà nỡ gạt một con chó. Điều đó khiến lão băn khoăn, dằn vặt day dứt, tự trách mình có lỗi, lão cảm thấy mình đã phản bội niềm tin của con chó dành cho lão.

Lão qua nhờ ông giáo hai việc. Việc thứ nhất: lão thì già, con thì đi vắng, vả lại nó còn dại lắm, nếu không có người trông nom thì khó mà giữ được vườn để làm ăn ở làng. Tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lí luận, người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão; lão viết văn tự nhượng cho tôi để không còn ai tơ tưởng dòm ngó đến, khi con lão về thì nó cứ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tôi đứng tên cũng được, làm thế để tôi trông coi cho nó.

Việc thứ hai: lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào, con không có nhà lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được, để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt, lão còn được hai nhăm đồng bạc với năm đồng bạc vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi tôi để lỡ có chết thì tôi đem ra nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ bà con cả.

Nghe những lời tâm sự của lão không ai không xúc động, lão nghèo thì nghèo thật nhưng lòng tự trọng của lão không thiếu. Lão tính toán đâu vào đấy mọi chuyện và không hề muốn để phiền hà cho ai. Nhìn vẻ ngoài gàn dở nhưng bên trong con người ấy lại có phẩm chất đáng quý biết nhường nào. Và chúng ta càng khâm phục lão hơn khi con người khốn cùng này dành tất cả những gì mình có được cho đứa con trai yêu dấu của mình. Không lúc nào trong lão thôi lo lắng cho đứa con đã lâu không có tin tức, không biết còn sống hay đã chết.

Đáng ra lão phải sống vì phải chờ đợi người con trai duy nhất của mình trở về nhưng khổ nỗi lão chỉ còn có ba mươi đồng bạc, nếu tiếp tục sống lão phải tiếp tục ăn vào chút vốn liếng cuối cùng cho nên lão đã tìm đến cái chết để kết thúc mọi việc. Tìm tới cái chết xuất phát từ lòng thương con âm thầm sâu nặng, từ lòng tự trọng đáng kính của lão.

Dù lâm vào cảnh ngộ bế tắc nhưng lão vẫn giữ được nếp sống trong sạch, tránh xa lối đói ăn vụng, túng làm càn, suốt mấy hôm ông giáo chỉ thấy lão toàn ăn khoai. Rồi khoai cũng hết, từ đấy lão chế được món gì thì ăn món đó, hôm thì ăn củ chuối, hôm thì ăn sung luộc, hôm thì rau má, thỉnh thoảng ăn củ ráy, bữa trai bữa ốc.

Thật tội nghiệp cho lão, gần đất xa trời rồi mà vẫn không có một cuộc sống đầy đủ, cái nghèo cái khổ cứ đeo đẳng lão cho tới khi lão nhắm mắt xuôi tay.

Ông giáo cũng muốn giúp lão Hạc lắm nhưng chính hoàn cảnh của ông giáo cũng chẳng khá khẩm gì, ông giáo cũng đành bất lực.

Cái chết bi thảm của lão là thể hiện cao nhất của đức hi sinh của lão Hạc. Chính vì thương con, muốn giúp cho con chút vốn liếng để nó có thể thoát khỏi cảnh nghèo đói, lão Hạc tìm đến cái chết một cách tự nguyện, sự chọn lựa này mang đầy tính bi kịch. Thực ra, lão đã âm thầm chuẩn bị cho cái chết này từ sau khi lão bán cậu Vàng. Khi nghe Binh Tư kể cho ông giáo nghe lão Hạc xin hắn một ít bả chó ông giáo đã trố mắt thốt lên: Hỡi ơi! Con người đáng kính ấy cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?

Cuộc đời quả thật một ngày lại thêm đáng buồn.

Chi tiết này có tác dụng đánh lạc hướng gây bất ngờ cho người đọc, tạo sự hiểu lầm, ta cứ ngỡ cái đói đã khiến cho ông lão từ con người đầy lòng tự trọng, cuộc sống tuy vất vả thiếu thốn nhưng vẫn luôn giữ được bản chất trong sạch ấy đã bị biến chất để có cái ăn. Thế nhưng khi chứng kiến cái chết vật vã đau đớn của lão Hạc thì sự nghi ngờ của ông giáo cũng tan biến: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn, hay đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”.

Quả thật cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn bởi còn có những con người trong sạch như lão Hạc, nhưng lại đáng buồn ở chỗ một con người có phẩm chất tốt đẹp như lão Hạc lại không có lấy một ngày sung sướng, đến khi nhắm mắt lìa trần còn chịu một cái chết bi thảm, đau đớn.

Phải chăng tác giả đã hơi tàn nhẫn khi để cho lão Hạc tìm đến cái chết bằng bả chó. Sao tác giả không để cho lão Hạc chọn cái chết nhẹ nhàng hơn? Ông lão trung thực đó cả đời chưa đánh lừa một ai, lần đầu tiên trong đời lão bắt buộc phải lừa dối một con chó vô tội - người bạn đã gắn bó với mình trong suốt một thời gian dài. Dường như cách lựa chọn này chứa đựng dụng ý trừng phạt. Nó chứng tỏ đức tính trung thực, lòng tự trọng đáng kính phục của người nông dân hiền lành chất phác này.

Ông giáo - người chứng kiến cái chết vật vã đau đớn của lão Hạc thấy lão Hạc đang vật vã trên giường, đầu tóc quần áo xộc xệch, hai mắt long lên sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè trên người lão. Lão vật vã hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. “Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư là hiểu”.