BÀI LÀM

Vợ lão Hạc chết sớm. Con lão lại phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ còn có cậu Vàng. Lão quý con chó như một người đàn bà hiếm hoi quý đứa con cầu tự. Nhưng rồi hoàn cảnh buộc lão phải bán cậu Vàng. Con chó mất đi, người nông dân khổ sở bất hạnh tột cùng kia đã đau đớn và day dứt chẳng khác nào mất đi một phần cơ thể của chính mình.

Câu chuyện xảy ra sau khi lão ốm một trận kéo dài hai tháng mười tám ngày. Trận ốm làm lão yếu đi ghê lắm! Lão không thể đi làm thuê được. Rồi lại bão, hoa màu trong vườn bị phá sạch sành sanh. Gạo thì mỗi ngày một kém. Lão đành phải dứt ruột bán cậu Vàng.

Câu chuyện tưởng như cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Bán một con chó đâu phải chuyện động trời động biển gì. Với người khác, câu chuyện ắt sẽ rất bình thường nhưng với lão Hạc thì không. Bởi con chó đối với lão không chỉ là một gia tài mà nó còn là một kỉ niệm, là tình thương của cha con lão. Mà với lão lúc ấy chắc chẳng có gì quan trọng hơn đứa con trai. Cậu Vàng là một kỉ vật. Chính bởi thế nên khi bán chó xong, Lão Hạc day dứt lắm. Lão muốn tìm ai để chia sẻ. Lão vội nghĩ ra và sang ngay nhà ông giáo. Gặp ông giáo “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước”. Ngày con lão bỏ đi chưa chắc gì lão khóc vậy mà bây giờ lão đang “ép” những giọt nước mắt khó khăn của một ông lão đã đến tuổi gần đất xa trời. Có như vậy ta mới thấy lão là người tình nghĩa. Và quan trọng hơn sau những giọt nước mắt kia ta tủi thân cho lão, một con người “chẳng bao giờ có quyền giữ cho mình một cái gì”.

Và rồi sau cái vẻ mặt khổ sở kia, lão nức nở như con nít. Lão ngồi đó mà tưởng tượng ra đầy đủ và trọn vẹn cái cảnh thằng Mục và thằng Xiên bắt chó. Lúc ấy cậu Vàng nhìn lão như kêu xin rồi như oán giận. Lão kể cho ông giáo nghe tỉ mỉ và sống động như cậu Vàng là một con người thực vậy. Câu trách của cậu Vàng mà lão nghĩ ra nghe mới chua xót làm sao: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế nào mà lão đối xử với tôi như thế này à?”. Với lão Hạc, lừa bán một con chó có khác chi đã đánh mất cả một đời lương thiện: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Có thể nói đoạn kể chuyện của lão Hạc đã chứng tỏ sự gắn bó sâu nặng của lão với kỉ vật đứa con trai. Đồng thời cũng thể hiện cái bản chất lương thiện của một lão nông dân khốn khổ.

Rồi nỗi niềm day dứt của lão cũng nguôi đi khi nghe những lời an ủi chân thành của người hàng xóm. Nhưng chính lúc này sự day dứt của lão lại kết thành một chân lí chua chát và xót đau hơn: “Kiếp con chó là kiếp khổ như tôi chẳng hạn!”. Ôi! Cái suy nghĩ của lão sao mà đớn đau đến vậy. Quả thực cái kiếp người của lão có hơn gì cái kiếp của cậu Vàng đâu. Chẳng biết Nam Cao vô tình hay hữu ý mà câu nói của lão Hạc ở đây lại vận đúng vào cái chết của lão sau này đến vậy.

Có thể nói, việc bán chó chỉ là một cái cớ hữu hình để nhà văn cho nhân vật của mình bày tỏ suy nghĩ về kiếp người và về cuộc sống. Tất nhiên chỉ cần bám sát tâm trạng của lão Hạc khi bán cho người ta có thể đánh giá trọn vẹn về cái bản chất tốt đẹp của nhân vật này. Một con người đến làm ác với con vật còn không sao làm nổi thì không có lý gì lại sống xấu xa, ác độc với mọi người.