BÀI LÀM
Ai-ma-tốp nhà văn xuất sắc của nước cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan. Những truyện ngắn của ông như Người thầy đầu tiên, Cây phong non trùm khăn đỏ...không biết đã từng làm say mê bao nhiêu triệu trái tim trẻ tuổi trên khắp thế giới này. Văn phong của Ai-ma-tốp ngọt ngào bàng bạc một giọng kể trữ tình, thấm đượm. Đoạn Hai cây phong trích phần đầu truyện ngắn Người thầy đầu tiên mang dòng cảm xúc ngọt ngào và phong cách ấy.
Hai cây phong được kể bằng một giọng kể của nhân vật xưng “tôi” nhưng cả đoạn lại chia thành hai phần rõ rệt. Phần trên người kể chuyện hồi ức về chính tuổi thơ của bản thân mình. Ở phần này, người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất. Ở phần sau của đoạn trích, người kể chuyện vẫn xưng tôi nhưng lúc này “tôi” đã đại diện cho cái ta chung. Những dòng cảm xúc trong sáng và thơ ngây lúc ấy không chỉ còn là của riêng “tôi” (tác giả) mà nó là của cả đám bạn bè thân thiết của tuổi thơ “tôi”. Mạch cảm xúc tuy vẫn thuần nhất từ đầu đến cuối nhưng sự thay đổi vai trò của ngôi kể đã làm cho ý nghĩa của hai đoạn văn thay đổi và mở rộng hơn.
Mạch cảm xúc của “tôi” mở đầu bằng một cảm hứng nhớ thương da diết và niềm tin tự hào về “làng Ku-ku-ru của chúng tôi”. Ngôi làng “nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào”. Nơi ấy, dù đã đi xa rất lâu rồi nhưng trong tôi còn mơn man bao nhiêu kỉ niệm, đặc biệt là kỉ niệm về hai cây phong lớn đầu làng. “Với hai cây phong ấy, chẳng biết vì ấn tượng thời thơ ấu, hay vì do có liên quan đến nghề họa sĩ của tôi mà cứ mỗi lần về quê... tôi đều có bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy”. Cây phong là kỉ niệm sâu sắc nhất luôn thường trực trong nỗi nhớ của người kể chuyện bởi hình như nó cũng thân thiện như một người bạn có tâm hồn. Giọng kể đến đây lắng đọng tự hào và chan chứa suy tư. Tôi háo hức kể về hai cây phong như kể về một người tri kỉ “có tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu”. Cây nghiêng ngả “lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau”. Nó cũng “thì thầm thiết tha nồng thắm”, cũng có khi im bặt một thoáng hay “cất tiếng thở dài thườn thượt như thương tiếc ngày nào”. Cây cũng nghiêng ngả tấm thân dẻo dai chống chịu cùng giông bão...
Những dòng hồi ức giản dị mà sinh động của người kể chuyện về hai cây phong làm chúng ta xúc động và cảm phục trước một tình yêu thương sâu sắc, trước một tuổi thơ mãi mãi là “chiếc gương thần xanh” diệu kì của nhân vật trữ tình.
Đoạn văn kế tiếp là những hồi ức tiếp nối của người kể chuyện về tuổi học trò ngây thơ mà lí thú vô cùng. Kí ức ấy cũng không nằm ngoài những kỉ niệm với hai cây phong cao vút cạnh trường làng. Nơi ấy bọn con trai thường chạy ào ào lên đấy phá tổ chim. Mỗi lần như vậy, cây phong lại đung đưa cành lá như quấn quýt, như mời chào. Và hình như lần nào cũng vậy, lũ trẻ lập tức quên ngay việc phá tổ chim bởi khi đã ngồi vắt vẻo trên những niềm đam mê khác, kì diệu và háo hức hơn. Trên những cành cây cao ngất, như có một phép thần thông, một thế giới đẹp đẽ vô ngần mở ra trước mắt “chúng tôi” bao la và sáng láng. Ở nơi ấy, lũ trẻ mơ màng với những nông trang có “tòa nhà rộng lớn nhất thế gian”, với những thảo nguyên xa xăm và xanh biếc, với những sợi chỉ bạc mỏng manh. Và điều quan trọng hơn là ở trên những cành cây ấy, ước mơ của lũ trẻ mặc sức bay đến bao nhiêu miền xa xăm và kì thú trên khắp thế gian này.
Đoạn trích Hai cây phong không có một lời đối thoại nào là thực sự. Nó chảy liền mạch như một dòng cảm xúc mà ở đó người kể chuyện tự sự bằng hoài niệm. Đoạn văn thuần giọng kể nhưng không nhàm chán. Trái lại, nó cuốn hút và khơi gợi. Nó làm ta thêm yêu quý hơn nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.