I. DÀN Ý
1. Mở bài
- Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
2. Thân bài
* Giới thiệu những nét lớn của Hà Nội:
+ Diện tích tự nhiên: 921 km2
+ Dân số: 3 triệu người
+ Hành chính: gồm 9 quận và 5 huyện.
+ Địa lí: phía Bắc giáp Thái Nguyên, phía Nam giáp Hà Nam, phía Đông giáp Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, phía Tây giáp Hà Tây.
+ Lịch sử: gần 1000 năm. Năm 2010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra thành Đại La, đổi tên là Thăng Long.
+ Văn hóa xã hội:
- Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước trong nhiều thế kỉ.
- Truyền thống văn hiến của dân tộc thể hiện tập trung nhất ở đây.
+ Danh lam thắng cảnh
- Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Gươm, hồ Tây, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Vũ, chùa Một Cột, gò Đống Đa, Hoàng thành Thăng Long, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình, cầu Long Biên, cầu Thăng Long, chợ Đồng Xuân và 36 phố phường gắn với các nghề thủ công.
+ Tốc độ tăng trưởng:
- Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội rất mạnh.
- Bộ mặt của thành phố thay đổi từng ngày.
- Đời sống nhân dân được nâng cao không ngừng.
3. Kết bài
* Cảm nghĩ của em:
- Hà Nội đang phấn đấu vươn lên toàn diện để xứng đáng là thủ đô của đất nước Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường phát triển thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh.
II. BÀI LÀM
Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây... Đây lắng hồn núi sông ngàn năm... Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu... Đó là những lời hát thiết tha ca ngợi thủ đô của đất nước Việt Nam yêu dấu.
Hà Nội có diện tích tự nhiên là 921 km2. Dân số 3 triệu người, gồm 9 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai và 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn, phía Bắc giáp Thái Nguyên; phía Tây giáp Hà Tây; phía Nam giáp Hà Nam, phía Đông giáp Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên. Cái tên Hà Nội có nghĩa là vùng đất bên trong sông. Hà Nội là vùng đất cổ được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp qua mấy ngàn năm tạo nên. Đặc điểm địa lí nổi bật của Hà Nội là có rất nhiều hồ (30 hồ lớn nhỏ). Một số hồ nổi tiếng đã đi vào thơ ca, nhạc họa như hồ Gươm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu... Một đặc điểm nữa là Hà Nội là thành phố của cây xanh. Hầu hết các con đường của Hà Nội đều được bao phủ bởi những hàng cây, cho nên không khí rất trong lành.
Kể từ khi dựng nước đến nay, Hà Nội vẫn là đất thiêng, hội tụ tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt. Một cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ là năm 1010, Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ, người sáng lập ra triều nhà Lý đã có một quyết định vô cùng sáng suốt là dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra thành Đại La. Trong một chuyến du hành ra Bắc, lúc thuyền đi đến khúc sông ở sát chân thành, bỗng nhà vua thấy có con rồng bay vụt lên trời, cho là điềm lành nên mới đổi tên là thành Thăng Long. Thăng Long là tên thủ đô nước ta từ 1010 đến 1804. Đến đời nhà Nguyễn, vua Gia Long đổi tên là Hà Nội. Như vậy là Thăng Long - Hà Nội đã có gần 1000 năm tuổi.
Nhận xét về địa thế của thành Đại La, vua Lí Thái Tổ nêu rõ trong Chiếu dời đô: thành Đại La... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này, mặt đất rộng mà phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì đất trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời...
Thủ đô Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Văn Miếu-Quốc Tử Giám là khu di tích quý giá thể hiện trình độ văn hóa cao của dân tộc ta và sự quan tâm đào tạo hiền tài cho đất nước của các triều đại phong kiến thời xưa. Văn Miếu có nhà bia, trong đó đặt 82 tấm bia lưu danh các vị đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến năm 1779. Quốc Tử Giám nằm trong khu Văn Miếu được xây dựng từ năm 1076, lúc đầu là nơi dạy dỗ các hoàng tử, sau mở rộng đối tượng, thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Có thể coi Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước ta.
Khu Hoàng thành Thăng Long được xây dựng và tồn tại suốt 8 thế kỉ trên vị trí của thành Đại La cũ. Kết cấu thành cổ Thăng Long gồm 3 vòng. Vòng ngoài cùng đắp bằng đất, nơi dân cư ở, gọi là Kinh Thành. Vòng giữa là khu triều chính, nơi ở và làm việc của quan lại, gọi là Hoàng Thành. Vòng trong cùng là nơi dành riêng cho vua chúa, hoàng hậu và cung tần mỹ nữ, gọi là Tử Cấm Thành. Thời Lê, Kinh thành Thăng Long có 16 cửa ô, thời Nguyễn còn 12 cửa và đến đầu thế kỉ XX chỉ còn 5 cửa là: ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy và ô Quan Chưởng.
Đến thủ đô, du khách sẽ thích thú, say mê trước cảnh đẹp hồ Gươm được mệnh danh là chiếc lẵng hoa giữa lòng thành phố Hồ Gươm với quần thể kiến trúc hài hòa: đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, tạo thành một thắng cảnh nổi tiếng. Hồ Gươm (hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm) gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm báu cho Long Quân. Vào thế kỉ XV, quân xâm lược nhà Minh từ phương Bắc tràn sang cướp nước ta. Lê Lợi đã dấy binh khởi nghĩa ở đất Lam Sơn. Buổi đầu, lực lượng còn yếu, không thể địch nổi thế mạnh của kẻ thù. Long Quân đã ngầm cho Lê Lợi mượn thanh gươm thần để đánh giặc. Nhờ vậy mà sau mười năm kháng chiến, nghĩa quân Lam Sơn đã quét sạch quân cướp nước ra khỏi bờ cõi, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt, Lê Lợi lên ngôi vua. Nhân một buổi đẹp trời, nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ Tả Vọng, Long Quân đã sai thần Kim Quy (Rùa Vàng) nổi lên đòi lại thanh gươm báu. Từ đó, hồ Tả Vọng được đổi tên là hồ Hoàn Kiếm, thường gọi là hồ Gươm. Hồ Gươm với tháp Rùa là biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Phía Tây Hà Nội có hồ Tây, tên chữ là Dâm Đàm (đầm sương mù) vì lúc sáng sớm và chiều tối, mặt hồ sương giăng mù mịt, khung cảnh huyền ảo như chốn thần tiên. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Vũ, đường Thanh Niên, làng hoa Nhật Tân, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Nghi Tàm... là những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Chiều thu heo mây se lạnh, ta ngồi trong nhà hàng Thủy Tạ, nhấm nháp món bánh tôm nóng giòn, nhìn ra mặt hồ mênh mông sóng gợn, quả là thú vị vô cùng!
Giữa quảng trường Ba Đình lộng gió, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hoa cương xám, mang hình dáng một bông sen cách điệu, in bóng sừng sững lên nền trời mùa thu xanh biếc. Nơi đây, Bác Hồ - vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, anh hùng cứu nước vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới... đời đời yên nghỉ. Hằng ngày, lăng mở cửa đón các đoàn đại biểu và du khách muôn phương về đây viếng Bác - con người tiêu biểu nhất cho vẻ đẹp truyền thống và sức mạnh bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Sau lăng Bác là khu bảo tàng với nhiều kỉ vật, tư liệu quý giá, ghi dấu từng quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi và đầy bão táp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách đó không xa là chùa Một Cột, tên chữ là chùa Diên Hựu (có nghĩa là phúc lành dài lâu), được xây dựng từ năm 1949, thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền rằng vì nhà vua đã cao tuổi mà vẫn chưa có con trai nối dõi nên hay đến các đền chùa cầu tự. Một đêm, nhà vua nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện ra trên đài sen ở hồ nước phía Tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau, hoàng hậu sinh hoàng tử. Nhà vua đã cho dựng chùa này theo dáng dấp một bông sen nở trên mặt nước như đã thấy trong giấc mộng kì lạ để thờ Phật Bà Quan Âm.
Thủ đô Hà Nội còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác như đền thờ Hai Bà Trưng, đền Chèm, cụm di tích đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, đền thờ Đức Thánh Trần, đền thờ vua Lê, vườn bách thú Thủ Lệ, công viên Lê-nin, công viên nước Hồ Tây, các phố cổ, phố nghề (36 phố phường), chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, cầu Thăng Long, làng gốm Bát Tràng... tất cả đều nổi tiếng.
Từ sau khi đất nước bước vào thời kì mở cửa, nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh, dẫn đến sự đổi thay rõ rệt trong đời sống nhân dân và quy mô phát triển của thành phố, đô thị. Thủ đô Hà Nội giống như cậu bé làng Gióng vươn vai trò trở thành tráng sĩ kiêu hùng, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị của Việt Nam - một quốc gia đã và đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình trước toàn thế giới.