I. DÀN BÀI
1. Mở bài
- Một truyền thống lớn của văn học dân tộc ta là truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc.
- “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo” là những tác phẩm thể hiện sâu sắc tinh thần ấy.
2. Thân bài
a. “Chiếu dời đô” với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng:
- Lý Công Uẩn viết “Chiếu dời đô” để bày tỏ ý định dời kinh đô từ Hoa Lư núi non hiểm trở ra thành Đại La rộng rãi.
- Hành động đó thể hiện khát vọng tìm nơi thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.
- Thể hiện ý chí tự cường của nhà vua nói riêng và dân tộc Việt đang trên đà lớn mạnh, phát triển nói chung.
⇒ Mong muốn xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh, phồn vinh là biểu hiện của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.
b. “Hịch tướng sĩ” với lòng căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm đánh đuổi giặc thù bảo vệ non sông:
- “Hịch tướng sĩ” là áng văn thể hiện lòng căm thù chất chứa sục sôi của vị tướng cao nhất nhà Trần đối với sự ngang ngược và tàn bạo của kẻ thù:
+ Kể tội giặc Mông ngang ngược và tàn bạo.
+ Bày tỏ lòng căm thù và mong muốn xả thân giết giặc.
- Quyết tâm đánh giặc:
+ Phê phán sự hưởng thụ của các tướng lĩnh khi thời cuộc chưa cho phép.
+ Kêu gọi các tướng sĩ rèn luyện binh thư chờ ngày giết giặc.
+ Khát khao tiêu diệt kẻ thù, rửa nhục cho triều đình và đất nước.
⇒ Với lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, “Hịch tưởng sĩ” là áng thiên cổ hùng văn thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc và mãnh liệt.
c. “Bình Ngô đại cáo” với sự biểu hiện đỉnh cao của lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
- Khẳng định nước ta có một nền văn hiến riêng.
- Khẳng định quyền độc lập về lãnh thổ của đất nước.
- Đặt các triều đại nước ta trong thế ngang bằng với các triều đại Trung Quốc.
- Tự hào về những anh hùng hào kiệt thuở trước.
- Tự hào với những chiến công vang dội của cha ông trong công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Căm thù giặc tàn bạo.
- Thương nhân dân chịu cảnh lầm than.
- Lập nên chiến công vang dội đánh đuổi kẻ thù bảo vệ non sông.
- Thể hiện khát vọng xây dựng một đất nước vững bền, phồn vinh và độc lập lâu dài.
⇒ Đó là những biểu hiện đỉnh cao nhất của tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.
3. Kết bài
- Những áng văn lưu truyền thiên cổ ấy đã thể hiện tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc một cách sâu sắc.
- Nó khiến tinh thần ấy trở thành một truyền thống nổi bật của văn học Việt Nam trung đại.
II. BÀI LÀM
Một trong hai truyền thống nổi bật nhất của văn học Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng đó là tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Tinh thần ấy thấm đẫm trong hầu hết những tác phẩm văn chương còn lại đến ngày nay. “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo” tuy là những áng văn chính luận nhưng giá trị văn chương của nó lại vượt qua tầm thời đại, chính bởi vì trong các tác phẩm này, lòng yêu nước và tự hào dân tộc đã được thể hiện ngời sáng, đầy sức hấp dẫn thông qua những hình tượng nghệ thuật đặc sắc.
“Thiên đô chiếu” (Chiếu dời đô) là tác phẩm ra đời sớm nhất, được Lý Công Uẩn viết khi vừa mới lên ngôi năm 2010. Bài chiếu bày tỏ ý định muốn dời kinh đô của nhà vua từ đất Hoa Lư về thành Đại La. Việc dời đô không chỉ thể hiện một tầm nhìn chiến lược mà còn mang cả một khát khao xây dựng đất nước phồn vinh và thịnh vượng lâu dài. Bởi việc đóng đô ở đâu có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. Đất Hoa Lư là đất hẹp, hiểm trở, chỉ phù hợp làm kinh đô khi triều đình thế và lực còn yếu, đất nước còn kém phát triển, tiện cho việc phòng thủ, chống lại sự đe doạ của giặc thù. Nhưng khi đất nước đã phát triển với một tư thế độc lập và tự chủ thì phải tìm đến chốn đất rộng, thoáng như thành Đại La để thuận lợi cho việc thông thương, làm ăn của nhân dân. Nhà vua đã thấy thành Đại La “Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại hiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng và bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Rõ ràng, với sự phân tích của Lý Công Uẩn về thành Đại La, chúng ta thấy ở ông một khát vọng rất lớn lao về việc xây dựng một đất nước thật phồn thịnh, với đời sống nhân dân an cư lạc nghiệp, phát triển phong phú tốt tươi, ngày càng mở rộng vị thế đất nước và ổn định bền vững lâu dài. Đó là khát vọng tự cường của nhà vua và dân tộc Việt đang trên đà lớn mạnh và phát triển. Mong muốn xây dựng đất nước phồn vinh thịnh vượng là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước và tự hào về sức mạnh của dân tộc đang lên.
Nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển, đất nước ta luôn bị giặc ngoại xâm nhòm ngó. Giặc phương Bắc hết triều đại này đến triều đại khác tìm cách xâm lược và đặt ách thống trị lên nhân dân ta. Trong hoàn cảnh đó, lòng yêu nước được biểu hiện dưới một sắc thái khác, đó là tinh thần căm thù giặc và ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc thù bảo vệ non sông. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn là tác phẩm thể hiện sâu sắc điều đó. Bài hịch là sự biểu hiện thống thiết của một nỗi căm thù sục sôi chất chứa trong lòng vị chỉ huy cao nhất quân đội nhà Trần trước sự ngạo mạn, tham lam tàn độc của quân giặc. Ông vạch ra cho tướng sĩ thấy những tội ác của kẻ thù làm ông nhức nhối: “Sứ giặc đi nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham khôn cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi tai vạ về sau!”. Nhìn cảnh tượng đó, Trần Quốc Tuấn ôm lòng căm hận sục sôi “Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Bằng hình ảnh sống động, cụ thể gây ấn tượng mạnh mẽ, ngôn từ thống thiết, nhịp điệu dồn nén, Trần Quốc Tuấn đã thể hiện được hết độ mãnh liệt trong nỗi căm thù giặc nên Trần Quốc Tuấn lo lắng khôn nguôi khi nhìn cảnh tướng sĩ dưới quyền chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không màng đến nguy cơ mà dân tộc sắp sửa phải đối mặt. Ông phê phán thói bàng quan ấy của tướng sĩ, chỉ ra cho họ thấy những tai họa sắp tới và hướng cho họ con đường học tập binh thư, chuẩn bị tất cả cho việc xả thân vì đất nước, Lời dặn dò tướng sĩ của ông thật ắp đầy ý chí tiêu diệt quân thù. Ông mong muốn được “bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai” để trừ mối họa cho giang sơn. Tinh thần cảnh giác, cái nhìn sáng suốt cũng như sự chuẩn bị kĩ càng cho cuộc đối mặt với kẻ thù cho thấy ý chí bảo vệ đất nước cao độ của vị đại tướng quân cũng như hào khí của cả dân tộc trong lúc giang sơn đứng trước thử thách ngoại xâm ở thời đại nhà Trần. Như vậy, lòng căm thù và tinh thần chống giặc cứu nước chính là một biểu hiện của tình yêu nước toát lên từ “Hịch tướng sĩ văn”.
Tuy nhiên, tinh thần cao đẹp ấy không tập trung cao độ bằng trong áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Truyền thống của tất cả các thời đại đi trước hòa quyện cùng không khí tráng ca của thời kì vừa chiến thắng giặc Minh khiến Nguyễn Trãi viết lên một áng văn hào sảng vô tiền khoáng hậu về tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Bài cáo được Nguyễn Trãi viết ra nhằm thay Lê Lợi thông báo cho toàn dân được biết công cuộc kháng Minh suốt 15 năm gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi, non sông sạch bóng quân thù và đất nước hoàn toàn độc lập, một thời kì thái bình thịnh trị mở ra cho toàn dân tộc ta. Vậy nhưng, trong phần mở đầu của áng văn, Nguyễn Trãi đã dành thật nhiều câu chữ để thể hiện niềm tự hào dân tộc sâu sắc của mình:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Các triều đại Trung Hoa phương Bắc bao phen xuống xâm lược nước ta vì chúng chỉ coi nước ta như quận, huyện. Chúng không thừa nhận nước ta có một nền văn hóa riêng nên thường tùy cơ nô dịch. Nguyễn Trãi trong phần mở đầu bài cáo đã khẳng định một cách hùng hồn về nền văn hiến dân tộc, một nền văn hiến được xây dựng “đã lâu” qua bao thời đại với văn hóa và con người, điển chương chế độ, phong tục tập quán... Bên cạnh đó là quyền độc lập lãnh thổ. Nước ta có bờ cõi riêng do trời phân định không thuộc đất Trung Hoa nên không có lý do gì quân giặc có quyền xâm phạm. Lời khẳng định ấy cũng giống như lời Lý Thường Kiệt đã nêu cao trong “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của dân tộc là bài “Sông núi nước Nam”:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời.
Điểm đặc biệt và cũng là nổi bật hơn hẳn của “Bình Ngô đại cáo” so với các áng văn của thời đại trước trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc là ở chỗ Nguyễn Trãi đã đặt các triều đại nước ta trong thế ngang hàng với các triều đại Trung Quốc. Phép đối chỉnh ấy mang đến tư thế hiên ngang cho dân tộc trong sự đối trọng với các vương triều phương Bắc.
Ông đã dùng từ đế để gọi vua nước Nam ta chứ không dùng từ vương. Bởi vương chỉ làm vua của một quốc, còn đế là vua của cả thiên hạ. Vua nước ta cũng có thiên hạ như các hoàng đế Trung Hoa. Chúng ta không phải nước chư hầu mà là một quốc gia độc lập. Một quốc gia có những lúc thịnh suy nhưng không thiếu anh hùng hào kiệt. Không những vậy, Nguyễn Trãi còn hết sức tự hào với truyền thống vẻ vang bao lần đánh bại quân thù của các bậc tiền nhân thuở trước khi gợi nhắc đến những chiến công lưu danh muôn thuở của cha ông mình:
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất thế
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Đoạn mở đầu với những lời khẳng định hùng hồn về quyền độc lập dân tộc đã cho thấy niềm tự hào sâu sắc của Nguyễn Trãi đối với truyền thống của quốc gia mình.
Không chỉ có vậy, “Bình Ngô đại cáo” còn là áng văn chan chứa lòng yêu nước thương dân của người anh hùng dân tộc. Lòng yêu nước ấy thể hiện ở nỗi đau và sự thương xót nhân dân lầm than, là nỗi căm hờn trước những tội ác tày trời của giặc. Bài cáo có rất nhiều hình tượng khắc họa tình cảnh đau thương của nhân dân và tội ác của giặc đầy sức ám ảnh:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Từ niềm thương xót và nỗi căm hờn ấy, bài cáo thể hiện ý chí quyết chiến và quyết thắng của nghĩa quân Lam Sơn chống lại kẻ thù, tái hiện những gian nan của cuộc chiến, đi từ khó khăn đến thắng lợi từng phần rồi hoàn toàn thắng lợi. Khi đánh đuổi được hết giặc thù ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Trãi trong khúc ca khải hoàn chiến thắng đã thể hiện niềm tin và khát vọng về tương lai thái bình thịnh trị, bền vững lâu dài của đất nước:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Kiền khôn bĩ mà lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu
Muôn thủa nền thái bình vững chắc.
Tất cả những điều ấy là sự thể hiện đỉnh cao nhất niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước trong “Bình Ngô đại cáo”.
“Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo” ra đời trong ba thời kì khác nhau, từ thủa đất nước mới xây nền thái bình thịnh trị cho đến những giai đoạn đầy cam go thử thách chống giặc ngoại xâm. Trong mỗi thời kì, dù được biểu hiện dưới những sắc thái khác nhau nhưng tinh thần dân tộc và lòng yêu nước vẫn thấm nhuần và ngời sáng qua các áng văn lưu truyền thiên cổ của dân tộc, làm nên một truyền thống nổi bật của văn chương Việt Nam.