BÀI LÀM

Vị “anh hùng lưu danh” mà Trương Hán Siêu - tác giả bài phú nhắc tới và ca ngợi là Trần Quốc Tuấn, người có công lớn nhất trong cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba của Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300) là vị anh hùng dân tộc, văn võ toàn tài. Ông là tác giả cuốn Binh thư yếu lược và Hịch tướng sĩ; tên tuổi ông gắn liền với dòng sông Bạch Đằng bất tử.

Năm 1285, Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang xâm lược nước ta. Trước đó, tại Hội nghị quân sự Bình Than, Trần Quốc Tuấn được vua nhà Trần trao trọng trách Tiết chế thống lĩnh. Ông đã viết Hịch tướng sĩ kêu gọi ba quân nâng cao cảnh giác, học tập binh thư, rèn luyện võ nghệ, sản sàng chiến đấu đánh thắng quân xâm lược phương Bắc.

Hịch tướng sĩ là một văn kiện lịch sử trọng đại hàm chứa tình cảm yêu nước và khí phách anh hùng, đồng thời mang tính nghệ thuật độc đáo, xứng đáng là một kiệt tác trong nền văn học cổ Việt Nam. Có ý kiến cho rằng Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là “Bài văn sôi sục nhiệt huyết, tràn đầy khí thế quyết chiến quyết thắng. Đó là một tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước cao đẹp nhất của thời đại chống Nguyên - Mông”.

Hịch tướng sĩ là tiếng nói của vị thống soái sục sôi nhiệt huyết. Cái lo buồn, nỗi căm giận, niềm khao khát của Trần Quốc Tuấn thể hiện trong bài hịch sục sôi một bầu máu nóng. Mối quan hệ của vị quốc công với tướng sĩ là mối quan hệ “chủ - tớ” nhưng chứa chan tình nghĩa, đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử có nhau: “... lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”.

Trước sự hoành hành của sứ giặc, trước họa xâm lăng của đế quốc Nguyên - Mông, ông mang một tâm trạng cay đắng, thao thức suốt những đêm dài. Tâm trạng ấy của ông là cả một bầu nhiệt huyết sôi sục:

“Huống chi, ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau”.

Bằng một nhãn quan chính trị sâu sắc, cảnh giác, vị Tiết chế đã vạch trần dã tâm của bọn bành trướng phương Bắc muốn biến nước ta thành quận huyện của chúng, lên án hành động vơ vét của kho, “đòi ngọc lụa” “thu bạc vàng” để thoả lòng tham khôn cùng của lũ sứ giặc Mông Cổ. Ông nhắc tướng sĩ không được khoanh tay ngồi nhìn giặc lấn tới, vì như thế “Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau”.

Phần cuối bài hịch là lời khuyên răn, trách cứ tướng sĩ về việc học tập binh thư cũng sục sôi nhiệt huyết sáng ngời đạo “thần chủ” và lập trường “nghịch thù”. Giọng văn hùng hồn, trang nghiêm, cảm hóa lòng người sâu sắc:

“Nếu các người biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thân chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù”.

Hịch tướng sĩ còn là một tác phẩm tràn đầy khí thế quyết chiến quyết thắng! Khí thế quyết chiến quyết thắng được thể hiện ở thái độ căm thù giặc, quan niệm sống và chết, nô lệ và tự do... Ở khía cạnh nào, biểu hiện nào, tác giả cũng biểu lộ một chí khí anh hùng, lẫm liệt và quyết chiến quyết thắng!

Với lũ giặc Nguyên - Mông thì quyết không thể dung tha! Hiện tại “chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”, thì đau đớn vô cùng: “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Với lũ giặc Nguyên - Mông, tướng sĩ chỉ có một quyết tâm, một hành động, một ý chí “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

Vì Tổ quốc Đại Việt muôn quý nghìn yêu mà tướng sĩ chỉ có một con đường, một hành động “huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai...”.

Vì Tổ quốc Đại Việt nên không thể mất cảnh giác và chiến bại, để đến nỗi “ta cùng các ngươi sẽ bị giặc bắt, đau xót biết chừng nào?”, không những thế “thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khốn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận!”.

Vì sự sống còn và niềm vinh quang của dân tộc mà quyết tâm đánh thắng giặc Nguyên - Mông để “tông miếu... được muôn đời tế lễ”, “tổ tông... được thờ cúng quanh năm”, để tên họ tướng sĩ được “sử sách lưu thơm”.

Trần Quốc Tuấn đã qua Hịch tướng sĩ truyền đến ba quân khí thế, tinh thần quyết chiến quyết thắng, biến thành sức mạnh “Sát Thát” đưa đến những thắng lợi, những chiến công giòn giã: “Chương Dương cướp giáo giặc. Hàm Tử bắt quân thù”... (Trần Quang Khải) bảo toàn sơn hà xã tắc.

Có thể nói Hịch tướng sĩ là một tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước cao đẹp nhất của thời đại chống Nguyên - Mông. Thế kỉ XII, XIII trên một vùng địa lí mênh mông, hàng chục quốc gia, hàng trăm thành trì từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam, từ Trung Á tới sông Vonga,... đã bị vó ngựa quân xâm lược Mông Cổ giày xéo, nghiền nát. Một nhà thơ Ác-mê ni trong thế kỉ XIII đã viết:

Không còn một dòng suối, một con sông nào

không tràn đầy nước mắt chúng ta;

Không còn một ngọn núi, một cánh đồng nào

không bị quân Tác-ta giày xéo.

Quân Tác-ta là đoàn kị binh của đế quốc Mông Cổ. Thế mà, cả 3 lần, giặc Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta đều bị đại bại thảm hại. Quân dân Đại Việt đã đoàn kết một lòng, từ vua tới tướng sĩ đều nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng. Vai trò của Trần Quốc Tuấn là cực kì to lớn: “Tiếng thơm đồn mãi. Bia miệng không mòn!” (Bạch Đằng giang phú).

Các tướng sĩ đời Trần có một số là anh hùng - thi sĩ như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão... Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông... cũng là những vị vua anh hùng - thi sĩ. Thơ văn của họ chứa chan tinh thần yêu nước:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,

Non sông nghìn thuở vững âu vang

(Trần Nhân Tông)

Múa giáo non sông trải mấy thâu,

Ba quân hùng khí át sao Ngưu.

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Phạm Ngũ Lão)

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

(Trần Quang Khải)

Các bài thơ này tiêu biểu cho “Hào khí Đông A”. Nhưng như đã phân tích ở trên, nội dung và tác dụng to lớn, sâu sắc của Hịch tướng sĩ là “tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước cao đẹp nhất của thời đại chống Nguyên - Mông”.

Hịch tướng sĩ cùng với các chiến công như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng... đã gắn liền với tên tuổi vị anh hùng Trần Quốc Tuấn, làm sáng ngời sử sách. Nó là khúc tráng ca chống xâm lăng. Nó tiêu biểu cho khí phách anh hùng, tư thế hiên ngang lẫm liệt của đất nước và con người Đại Việt.

Biết sống trong tư thế hiên ngang! Biết nhìn xa trông rộng, cảnh giác trước âm mưu thâm độc của mọi kẻ thù! Biết chết vinh còn hơn sống nhục trong kiếp ngựa trâu!... Đó là những tư tưởng lớn nhất, bài học sâu sắc nhất mà Trần Quốc Tuấn muốn bày tỏ với tướng sĩ, với nhân dân ta, với mỗi con người Việt Nam trong mọi thời đại qua Hịch tướng sĩ.

Trong bài Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu đã viết: “Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng. Bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn!”. “Thế giặc nhàn” là thế giặc dễ đánh thắng! Đó là một câu nói bất hủ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người anh hùng vĩ đại của dân tộc ta.

Hịch tướng sĩ là bài ca yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Nó là áng văn chính luận hùng hồn đanh thép, sục sôi nhiệt huyết, tràn đầy khí thế quyết chiến quyết thắng mang sức mạnh của muôn vạn hùng binh.