BÀI LÀM

Có nhà nghiên cứu đã nhận định Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng. Có lẽ chính điều này đã giúp cho nhà văn ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn vào những năm trước cách mạng tháng Tám đã được bạn đọc yêu quý. Đọc đoạn trích Trong lòng mẹ trích trong hồi kí Những ngày thơ ấu, chúng ta được tiếp xúc với những nhân vật phụ nữ và nhi đồng của ông.

Nguyên Hồng là nhà văn viết rất nhiều về phụ nữ và nhi đồng. Đây là những con người xuất hiện nhiều trong thế giới nhân vật của ông. Nhưng nếu chỉ hiểu như thế thì chưa đủ. Mặc dù xuất hiện trong gần như toàn bộ đoạn trích là nhân vật bà cô, còn nhân vật mẹ chú bé Hồng chỉ xuất hiện ở phần cuối nhưng người đọc đều nhận thấy rằng, Nguyên Hồng dành cho người phụ nữ này một tấm lòng chan chứa thương yêu và thái độ nâng niu trân trọng. Trước hết, đó là người phụ nữ phải chịu biết bao nỗi cơ cực và tủi nhục, một bà mẹ trẻ - nạn nhân của chế độ hôn nhân gia đình phong kiến. Người đàn bà ấy có trái tim khao khát yêu thương và sự trẻ trung sôi nổi thì lại phải chọn tuổi xuân bên người chồng nghiện ngập. Đến khi chồng chết, gia đình sa sút đến nỗi bà mẹ ấy phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Chúng ta hiểu rằng, phải rơi vào hoàn cảnh khốn cùng như thế nào, một người mẹ mới nỡ xa rời đứa con trai rứt ruột đẻ ra của mình. Vào Thanh Hóa, người đàn bà một thời sung túc ấy kiếm sống bằng nghề bán bóng đèn, thậm chí bán cả vàng hương. Bất hạnh và đáng thương, nhưng người phụ nữ ấy đã không hề được cảm thông mà còn bị những thành kiến tàn ác, những cổ tục lạc hậu hành hạ. Không chỉ có người mẹ tội nghiệp, chú bé Hồng cũng là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng không có tình yêu, chú lớn lên trong không khí gia đình giả dối, lạnh lẽo và không có hạnh phúc. Sau khi người bố bê tha chỉ biết đến bàn đèn thuốc phiện qua đời, mẹ cũng vì hoàn cảnh éo le mà bỏ rơi chú bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh cay nghiệt của họ hàng. Để rồi tình yêu thương mẹ, niềm tin con trẻ đôi lần lại bị chính bà cô - người chung máu mủ với mình đem ra săm soi, nhục mạ.

Chịu bao đau đớn, nhục nhã nhưng những con người ấy vẫn sáng lên vẻ đẹp của tâm hồn cao quý. Dưới ngòi bút đầy cảm thông và thấu hiểu, hai con người ấy, một mẹ một con đều khiến người đọc xót thương, yêu mến. Trước hết, chúng ta hãy ngắm nhìn và suy ngẫm về hình ảnh người mẹ. “Đến ngày giỗ đầu của thầy tôi” mẹ đã trở về không cần đến bức thư hay lời nhắn gọi từ người cô. Đây thật là người phụ nữ không quên tình nghĩa và trách nhiệm đối với người chồng đã mất cùng đứa con bé bỏng mặc dù đã ở nơi xa. Người mẹ ấy đã trở về, “mang rất nhiều quà bánh cho tôi và em Quế tôi”. Có lẽ, nhà văn đã dành những lời đẹp nhất, những tình cảm thiêng liêng nhất để viết về người mẹ. Và người mẹ ấy xuất hiện với tư thế, hình hài mới đẹp làm sao! “Gương mặt tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má” dường như càng sáng thêm, rạng rỡ thêm khi được ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình. Để từ đó, sự ân cần âu yếm của mẹ lại truyền cho con bao niềm vui, niềm hạnh phúc êm dịu vô cùng. Chỉ với vài nét chấm phá, hình ảnh người mẹ hiện lên trái ngược hoàn toàn với bà cô cay độc. Nhà văn đã bày tỏ thái độ yêu ghét rõ ràng, bày tỏ tình thương của mình đối với những lầm lỡ của con người, đối với kiếp người gặp nhiều gian truân, tủi cực.

Bên cạnh người mẹ, chú bé Hồng cũng hiện lên với bao suy nghĩ, cảm xúc đẹp đẽ đáng trân trọng. Khi bị bà cô hành hạ về tinh thần, phải chịu bao đau đớn uất ức nhưng bé Hồng vẫn một lòng tin yêu mẹ. Chỉ có lòng tin yêu mãnh liệt ấy chú mới nhanh chóng nhận ra ý nghĩ cay độc trong giọng nói rất kịch của bà cô và một mực bảo vệ mẹ bằng lời nói khẳng định chắc nịch: “Cuối năm, thế nào mợ cháu cũng về”. Mục đích làm cho đứa cháu đáng thương đau đớn của bà cô đã thành công nhưng mục đích khiến bé Hồng xa rời, khinh rẻ mẹ thì hoàn toàn thất bại. Bởi nỗi đau đớn ấy là vì “tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm”. Chính vì rất mực thương yêu mẹ, nên những lời người cô “tươi cười” kể lể tình cảnh khốn khổ của mẹ như là những hạt muối mặn chát xát vào lòng đứa trẻ. Sự uất ức phẫn nộ trào sôi như cơn giông tố khiến bé Hồng nảy ra ý nghĩ táo tợn: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát vụn mới thôi”. Nhờ tình thương và niềm tin ấy, chú đã nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp mẹ. Nếu Nguyên Hồng tỏ ra chân thực vô cùng khi miêu tả những giằng xé nội tâm của chú bé Hồng trước sự nhục mạ của bà cô thì ông lại càng tỏ ra tinh tế biết bao khi nói về niềm sung sướng của một đứa trẻ được nằm trong lòng mẹ sau bao ngày xa cách. “Thở hồng hộc”, đẫm mồ hôi để đuổi kịp xe mẹ, chỉ chờ mẹ xoa đầu hỏi là tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở. Bao nhiêu nỗi nhớ thương chờ đợi vỡ òa theo tiếng khóc. Vẫn là niềm tin yêu mãnh liệt ấy khiến cho người mẹ trong mắt đứa con trai trở nên đẹp đẽ vô cùng. Và như bé Hồng tự hỏi “Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc”, rồi hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Niềm hạnh phúc mà tình mẫu tử ruột thịt mang lại cứ dâng lên từng giây từng phút. Những phút giây rạo rực ngắn ngủi ấy chính là nguồn sức mạnh để chú bé có thể tiếp tục đấu tranh với những điều tiếng xấu về mẹ, tiếp tục giữ niềm tin về mẹ.

Qua đoạn trích, chúng ta hiểu rõ hơn và sâu sắc hơn về nhận định trên. Phụ nữ và nhi đồng là những người đáng yêu, đáng trân trọng, Nguyên Hồng viết về họ để thể hiện tình cảm, tấm lòng nhân đạo sâu sắc đối với những con người mà ông gần gũi, yêu thương.