BÀI LÀM

Nhật kí trong tù là tập thơ chữ Hán đặc sắc của Bác Hồ, có được theo cách nói của Đặng Thai Mai là do sự “lỡ tay đánh rơi vào nền văn học một cách vô tình”. Quả thực như vậy, Bác Hồ viết Nhật kí trong tù để “ngâm ngợi cho khuây” trong những ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm chứ không chí thú làm thi sĩ. Vậy nhưng những vần thơ vừa giàu màu sắc cổ điển vừa thấm đẫm tinh thần thời đại của Người vẫn thực sự là một chùm hoa quý. Bài thơ “Đi đường” là một trong những bông hoa tuyệt đẹp ấy.

Vẻ đẹp của bài thơ “Đi đường” nằm ở sự đa nghĩa của nó. Trên quãng đường bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải đi hết từ nhà lao này sang nhà lao khác, Hồ Chí Minh luôn tức cảnh mà sinh tình. Cuộc sống con người ở đất nước Trung Hoa cũng như những gian khổ khó khăn trên đường đi đều được Người ghi lại bằng thơ. Đi đường là một bài thơ kể về nỗi nhọc nhằn khi Bác phải vượt qua những chặng đường toàn những núi cao vô cùng vất vả. Vậy nhưng bài thơ lại tràn đầy tinh thần lạc quan và cái nhìn đầy tính triết lí sâu sắc về con đường đời và con đường cách mạng mà Người đang dấn thân:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Vạn lí dư đồ cố miện gian

(Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non).

Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt với ngôn từ rất mực giản dị. Câu mở đầu khai mở ý thơ bằng một nhận xét mang tính khái quát:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

(Có đi đường mới biết đi đường khó)

Đó là sự đánh giá về con đường đi trong hiện thực. Quả đúng như vậy, chỉ những ai đi đường mới thấu hiểu những gian lao khó nhọc phải trải qua. Nhất là Hồ Chí Minh lại đang trên con đường di chuyển từ nhà ngục này sang nhà ngục khác. Chính quyền Tưởng Giới Thạch liên tục thay đổi nơi giam giữ khiến cho Người hết sức nhọc nhằn khi di chuyển. Bởi những con đường đi xuyên từ tỉnh nọ sang tỉnh kia ở Trung Quốc là xa xôi nghìn trùng, là cách sông cách núi. Người kể một cách cụ thể nỗi gian lao ấy ở câu thứ hai của bài thơ:

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

(Hết lớp núi này lại đến lớp núi khác)

Câu thực của bài tứ tuyệt vẽ ra một cảnh tượng con đường đi với trập trùng núi non. Biện pháp điệp ngữ, lặp lại từ “trùng san” (lớp núi) trong câu và ở cả câu tiếp theo như một vòng tròn đã khắc họa một cách đậm nét hình ảnh những ngọn núi trập trùng nối tiếp, hết núi này đến núi khác như giăng ra thử thách người đi đường. Câu thơ còn gợi tả nỗi nhọc nhằn khiến ta hình dung ra hơi thở gấp gáp, dáng điệu mệt mỏi, cảm giác ngao ngán của nhân vật trữ tình. Nhưng khi bằng tất cả sự kiên cường, vượt qua mọi thử thách, người đi cũng đi lên được đỉnh núi cao nhất:

Trùng san đăng đáo cao phong hậu

(Khi đã vượt qua hết các lớp núi lên đến đỉnh cao chót)

Trong một bài thơ tứ tuyệt, câu thứ ba là câu chuyển, có nhiệm vụ kết nối giữa ý của câu thực và ý của câu hợp. Ở bài thơ này, câu chuyển được viết thật hay. Với điệp ngữ đứng đầu câu, nó không chỉ góp phần đặc tả con đường núi non trập trùng gian khó khiến ý thơ được tiếp nối nhau mà tiếp tục mở ra ý mới để làm tiền đề cho câu hợp. Nó thể hiện một sự cố gắng hết sức mình để đi lên đến đỉnh cao chót vót tận cùng núi non của nhân vật trữ tình. Câu thơ gợi ra cảm giác Hồ Chí Minh đang hăm hở leo núi với một niềm phấn khích vì sắp đạt được mục tiêu. Khi đã đứng trên đỉnh cao chót vót rồi thì:

Vạn lí dư đồ cố miện gian

(Thì muôn dặm nước non thu cả vào trong tầm mắt)

Câu thơ vẽ lên hình tượng nhân vật trữ tình đứng trên đỉnh núi cao, nhìn lại chặng đường gian khó đã vượt qua và thu cả cảnh vật nước non vào trong tầm mắt trong sự thưởng thức ung dung và khoan khoái. Nó như một sự đắp bù, như một sự trả công cho những gian nan mà Người đã phải trải qua trong suốt chặng đường leo núi. Âm hưởng câu thơ như mênh mông dàn trải, như cất đi tất cả gánh nặng vì gian khó thay thế vào đó là sự thênh thang thoải mái của con người với tinh thần lạc quan.

Bài thơ vì thế thể hiện được tinh thần lạc quan và dũng khí vượt lên gian khó của Hồ Chí Minh trước thử thách.

Tuy nhiên, bài thơ không chỉ đơn thuần là kể chuyện đi đường. Ý nghĩa sâu sắc được Hồ Chí Minh gửi gắm vào hình tượng thơ là nỗi gian lao của con đường đời và đặc biệt là con đường cách mạng. Dấn thân vào con đường cách mạng là như leo chập chùng núi cao bởi nỗi gian khổ là không sao kể xiết. Những người chiến sĩ cách mạng phải đối diện với biết bao chông gai thử thách chứ con đường đó không hề nở đầy hoa. Hồ Chí Minh đã hình tượng hóa nỗi gian khó ấy bằng những ngọn núi nối tiếp nhau giăng ra trước mắt con người. Quá trình hoạt động cách mạng cũng gian lao chẳng kém gì quá trình leo núi. Và nó lại rất mực lâu dài, liên tục đầy những nguy hiểm khó khăn như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề cổ súng kề tai

Là thân chết coi như còn một nửa.

Thế nhưng nếu người chiến sĩ kiên cường vượt qua thử thách, không mỏi gối chồn chân, không thoái chí ngã lòng, quyết đeo đuổi con đường đã chọn thì thành quả sẽ vô cùng huy hoàng, to lớn. Hình ảnh “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” kia đâu chỉ đơn thuần là diễn tả khả năng nhìn ngắm được toàn bộ đất trời của người đứng trên đỉnh núi. Từ “nước non” còn mang nghĩa là tổ quốc, giang sơn. Kiên trì với con đường cách mạng, nhất định người chiến sĩ cách mạng sẽ thu lại được giang sơn đã mất của mình.

Hồ Chí Minh viết bài thơ này như một lời tự dặn lòng hãy kiên cường vượt qua những gian nguy trước mắt để theo đuổi đến cùng con đường cách mạng. Thế nhưng ý nghĩa sâu sắc của nó đã có sức lan toả lớn đến biết bao chiến sĩ cách mạng khác, khiến họ kiên cường, bền gan, bền chí hơn với con đường mình đã đi. Và ý nghĩa của bài thơ đâu chỉ nói riêng về con đường cách mạng mà đúng ngay với chính cuộc đời. Cuộc đời là một con đường dài đối với mỗi con người mà trong đó có nhiều lắm những gian khổ khó khăn đang chờ đợi. Nhưng hạnh phúc sẽ chỉ đến với những ai biết vượt qua những khó khăn thử thách chứ không mỉm cười với những kẻ thoái chí ngã lòng, gục ngã ngay từ những thử thách đầu tiên.

Bài thơ tứ tuyệt của Bác thật giản dị mà gợi ra biết bao ý nghĩa sâu sắc. Nó không những cho thấy vẻ đẹp tâm hồn Bác với sự lạc quan, tinh thần vươn lên khó khăn, gian khổ mà còn cho thấy vẻ đẹp của trí tuệ Người khi sáng tạo lên những vần thơ tuy mộc mạc mà lại vô cùng phong phú về ý tứ. Nó như triết lí giản dị và sâu sắc về con đường đời và con đường cách mạng mà Người đã trải qua.