BÀI LÀM
“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.
Tâm hồn Ức Trai sáng ngời, cao vời vợi như ngôi sao khuê. Ngôi sao ấy đã toả sáng lung linh qua bao thế kỉ, tỏa sáng cả văn thơ của ông. Ánh sáng ấy đã soi đường cho bao lớp người đi qua. Ngôi sao ấy chính là Nguyễn Trãi, một vị anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn. Nguyễn Trãi đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho nước, cho dân. Cả tâm hồn, tình cảm của ông luôn hướng về đất nước. Vì vậy mà vua Lê Thánh Tông đã tặng ông câu thơ ấy để nói lên sự cao đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi sinh ra, lớn lên trong một gia đình nho giáo. Ông nhận được sự giáo dục một cách chu đáo của ông ngoại là Trần Nguyên Đán và cha là Nguyễn Phi Khanh. Ông tiếp thu được nhiều điều ở hai người thầy ấy. Chính nhờ nền tảng giáo dục ấy mà Nguyễn Trãi có được một tấm lòng, một tâm hồn cao đẹp. Lúc cha con ông sống trong cảnh nghèo khó tại quê nhà thì cũng là dịp Nguyễn Trãi sống gần với người dân lao động. Những cảnh cơ cực, vất vả của người lao động ông biết rất rõ. Do đó, ông yêu thương họ. Những tình cảm này đã tạo ra những lời thơ tha thiết tình người trong nhiều tác phẩm của ông.
Trong “Bình Ngô đại cáo” ta đã cảm nhận được cái đẹp nhất trong cuộc sống tâm hồn, tình cảm của Nguyễn Trãi.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Đường gươm, ngọn giáo của ông trong mười năm giúp Lê Lợi chống quân Minh cũng vì tinh thần cao cả ấy để “yên dân”. Chính tinh thần cao đẹp đó đã tạo sức mạnh kì diệu để ông chiến thắng kẻ thù tàn bạo. Chúng ta không khâm phục, không tự hào sao được khi đọc những dòng thơ, câu văn đầy trí tuệ và chan chứa tình người của ông:
“Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh.
Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiến thuyền ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh cấp cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn tim đập, chân run!”.
Những lời cáo ấy bộc lộ một tâm hồn nhân hậu vị tha...
Khi đã ra làm quan Nguyễn Trãi vẫn như xưa, ông vẫn giữ nếp sống trong sạch, thanh cao. Không một việc gì làm vẩn đục tâm hồn ông.
Nguyễn Trãi đã nói lên tâm sự của mình về lẽ sống:
“Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc chẳng thà”.
Mặc cho đói rách, nhưng của cải, vật chất phi nghĩa thì ông không bao giờ đụng đến. "Tham vọng” của ông là đất nước độc lập, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, khi cáo quan ông cảm thấy quý giá vô cùng những phút giây xa chốn “bụi bẩn tục, bon chen”, thích một cuộc sống bình yên, thanh nhàn:
“Một phút thanh nhàn trong thuở ấy
Thiên kim ước đổi được hay chăng?”.
Nhưng không phải sống trong cảnh “nhàn” ấy thì lòng ông cũng “nhàn” theo. Ngược lại, trong lòng ông đầy ắp nỗi lo “đất nước”. Ông luôn nghĩ về đất nước, nghĩ về những người dân nghèo ở hang cùng xóm vắng. Ông muốn đem hết sức mình để cống hiến cho đất nước, mong sao cho dân giàu nước mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc:
“Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”.
Nhưng “sở nguyền” của ông vẫn chưa thực hiện được như ông mong muốn:
“Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ
Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh”
Ông luôn tự hỏi mình đã làm gì cho nhân dân, cho đất nước, thâm tâm ông luôn ray rứt:
“Quốc phú binh cường chăng có chước
Bằng tôi nào thuở ích chưng dân?”.
Lời thơ trầm buồn và thể hiện tấm lòng son sắt với đất nước, một trái tim yêu nước, yêu nhân dân nồng nàn:
"Ao quan thả gửi hai bè muống,
Đất bụt ương nhờ một lánh mùng.
Còn có một lòng âu việc nước,
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”.
Trồng rau, trồng quả để mong khỏa lấp buồn phiền, nhưng ông vẫn không sao quên được nỗi lo nghĩ cho nhân dân và đất nước.
Cũng như bất cứ thi sĩ nào, Nguyễn Trãi rất yêu thiên nhiên. Ông tìm thấy trong thiên nhiên sự đồng điệu về tâm hồn:
“Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam”.
Thiên nhiên trở thành bầu bạn, thân thuộc đối với ông, ông thích sống giữa thiên nhiên:
“Dưới núi bao giờ lẽ dựng
Đá kê đầu ngủ, suối pha trà”.
Trong thơ ông luôn có cảnh núi sông, trăng thanh gió mát tạo nên chất trữ tình, lãng mạn:
“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu”.
Thiên nhiên luôn lôi cuốn ông, ông tìm thấy niềm vui thanh cao trong thiên nhiên. Ông yêu thiên nhiên như yêu con người:
“Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây”
Nhà thơ nâng niu một ánh trăng dưới nước, không dám buông câu sợ làm động ánh trăng, không muốn chặt cây sợ chim không có chỗ trú.
Đến cây cỏ, chim muông, một ánh trăng, một làn gió ông còn thương, còn tiếc thì đủ thấy lòng nhân nghĩa của ông bao la biết chừng nào!
Một nhà thơ đã viết về Nguyễn Trãi: -
“Một vườn hoa chỉ kết mùa nhân nghĩa,
Làm sao trọng tội với triều đình.
Hay bởi thi tài vời vợi tỏa,
Vầng trăng nhân nghĩa quá lung linh”.
Một con người suốt đời sống nhân nghĩa mà tại sao phạm trong tội với triều đình? Có phải tại thói đời thường ganh ghét kẻ hiển tài? Chính Nguyễn Trãi cũng đã thấy:
“Danh suông dạ mắc vòng oan uổng
Dạ thẳng đời bao kẻ ghét ghen”.
Tâm hồn tình cảm của Nguyễn Trãi không bút nào tả xiết, nó cao tựa núi Thái Sơn, rộng như biển Thái Bình. Ông như một tinh hoa của trời đất, là tấm gương soi sáng cho bao thế hệ. Những rắp tâm dơ bẩn không mảy may làm lu mờ ánh sáng ấy. Nhưng tiếc thay, nhà Lê đã dành cho ông bản án oan ức và thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc. Ta lại bỗng nhớ đến câu thơ của ông như một dự báo về cuối đời mình:
“Phượng hãy tiếc cao, diều hãy lượn
Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”.