BÀI LÀM

Có loài chim kì lạ, chúng kết đôi và chung thủy cả đời mình trong những hang động trên những hòn đảo ngoài khơi xa. Chúng cùng nhau xây tổ ấm của mình trên vách đá, nơi ánh mặt trời không đến được. Đó là loài chim yến mà tổ của chúng gọi là yến sào - thực phẩm quý mà ngày xưa chỉ có các bậc đế vương, quý tộc mới được dùng.

Loài chim ẩn cư ấy mang vẻ đẹp của biển cả và lòng chung thủy, cũng mang nhiều câu hỏi bí ẩn khác đối với khoa học, sau cả ngàn năm con người quan tâm đến chúng - chính xác là quan tâm đến cái tổ của chúng.

Chẳng hiểu vì sao loài chim ấy chỉ thích sống ngoài biển khơi lộng gió và nắng, xa lánh lục địa ồn ào dù nơi kiếm thức ăn của chúng lại là đất liền! Khoa học đang giải thích tập tính, môi trường, nhiệt độ, khí hậu... trong đời sống của chúng. Chính vì thế, người xưa từng nghĩ rằng chúng là loài chim thần tiên, sống bằng những hạt sương và ánh mặt trời ban mai... nên tổ của chúng rất quý cho sức khỏe con người.

Làm sao chim yến có thể thấy đường để bay về được trong những hang động tối om, tối đến nỗi những công nhân hái tổ yến ở ngoài khơi biển Nha Trang phải dùng đèn pin dù cách tổ chưa đầy một mét, giữa ban ngày ban mặt. Và nếu không có ánh sáng như thế, làm sao đôi chim có thể tìm ra ngôi nhà nhỏ của chúng chỉ bằng nửa cái chén và cách những tổ ấm láng giềng chỉ gang tay (15 - 20cm) mà trong hang có đến vài ngàn tổ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Phách người say mê đời sống bí ẩn của loài chim này và nghiên cứu chúng từ 20 năm nay cho biết: "Bay vào hang sâu thăm thẳm, tăm tối, hàng vạn con yến trong chốc lát đã tìm ra tổ của mình, chui vào ngủ ngon lành. Chúng nhìn bằng mắt ư? Không thể được! Vì mắt chỉ tiếp nhận ánh sáng phản quang hoặc tia hồng ngoại phát ra từ vật được nhìn. Trong khi đó, hang không có ánh sáng mặt trời nên tổ yến không thể phản quang được và tổ yến là một vật thể lạnh lẽo không thể phát nhiệt nên không thể phát ra tia hồng ngoại. Nhưng khoa học biết rằng, một số loài có khả năng dùng sóng âm thanh để dò đường như dơi, cá voi và một số loài gặm nhấm.

Tiến sĩ Phách giải thích trong cuốn sách của mình: chỉ có hai loài chim dùng âm thanh để dò đường là chim yến và chim dầu (Nam Mỹ). Song chim yến không dùng sóng siêu âm như dơi mà dùng âm thanh nghe được gọi là âm dội (echolocation). Tiếng của nó nghe lạch cạch như học trò gõ thước gỗ lên mặt bàn vậy. Âm dội của chim yến phát ra từ hai “xung” với năng lượng vào khoảng 2 đến 10 KHz. Trong hai xung đó, xung sau luôn cao hơn xung trước. Mỗi con chim “sáng tác” cho mình một đỉnh tần số không lẫn với ai nên nó tìm ra gia đình thân yêu của mình trong bóng tối, hang sâu lởm chởm đá (chim yến có rất nhiều chi họ, nhiều phân loài dù kiểu âm thanh có khác nhau đôi chút nhưng đều là âm dội).

Tiến sĩ Nguyễn Quang Phách và cộng sự cũng đã phát hiện ra sức làm việc mạnh mẽ của loài chim bé nhỏ này. Mỗi sáng chúng bay ra khỏi hang từ 5 giờ sáng khi biển Nha Trang còn chưa thức dậy, cả đàn yến bay liên tục trong không trung vào sâu trong đất liền, có khi xa cả 300 cây số, để hớp thức ăn - những loài côn trùng nhỏ bay trong không khí. Và chúng chỉ trở về khi mặt trời đã xuống biển. Lúc ấy khoảng 20 giờ. Vậy mỗi ngày chúng làm việc 15 tiếng.

Loài chim cần cù này chẳng bao giờ rời bỏ xứ sở của mình. Chúng kiếm được nhiều thức ăn nhất ở độ cao từ 5 đến 50 mét (thường xuyên nhất là 30 - 40m). Thật thú vị khi biết rằng vì lẽ đó mà những dãy núi cao hơn 50m ở nước ta là Hoàng Liên Sơn nối vào dãy Trường Sơn hùng vĩ tự nhiên trở thành cái lồng khổng lồ đối với loài chim yến - một quà tặng của thiên nhiên cho chúng ta - phân bố nhiều ở vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Phú Quốc... Chim yến ở những nước châu Á khác cũng có những chiếc lồng của mình. Song điều thú vị là loài chim yến của Việt Nam là loài có giá trị cao nhất vì tổ của chúng gần như dùng được hoàn toàn trong khi một số loài chim yến khác ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan có giá trị ít hơn, chẳng hạn như tổ của yến đen đầy rác!

Dù khác phân loài hay chi họ, dù có tổ sạch hay toàn rác, loài chim biển này chỉ thích quê hương châu Á nhiều nắng ấm mà thôi, chẳng đi đâu khác nữa. Vì thế, tổ yến là đặc sản không ở đâu có được của vùng đất này.

Trong khi chim yến vẫn sống đời sống của bản tình ca biển cả và núi đồi thì các phòng thí nghiệm đến nay cũng chưa phát hiện ra cái chất gì đó đặc biệt trong tổ yến, ngoài những nguyên tố hóa học mà con người đã biết. Chỉ biết rằng khi người ta ăn vào thì chúng bổ dưỡng thật sự.

Trong lịch sử nước ta, thầy thuốc lừng danh thời Lí Trần thế kỉ XVI, Hải Thượng Lãn Ông (thế kỉ XVIII) đã công nhận điều đó. Và từ thời xưa đến nay, không phải ai cũng đã từng ăn loại thức ăn rất đắt tiền này. Song chắc chắn tổ của chúng được làm bằng nước miếng của chim. Và cứ mỗi lần làm tổ là một lần chúng tiêu hao năng lượng, xọp người đi.

Đó là loại thực phẩm cuối cùng trong “bát trân” mà người ta chưa tường tận hết được (bát trân gồm: tổ yến, hải sâm, bào ngư, hầu lớn, gân chân hươu, óc cừu khổng, da tê giác và bàn chân gấu).

Bạn có là người trả lời cho cái điều bí ẩn này không?

Có điều này khoa học đã biết từ lâu, đó là tình yêu chung thủy lứa đôi của loài chim yến. Cũng theo tiến sĩ Phách, chim yến được thừa nhận là bạn kết đôi đến trọn đời. Đôi uyên ương cùng làm tổ, cùng ấp trứng và cùng nuôi con. Dường như chúng sống để dệt nên bản tình ca muôn đời của biển cả và thủy chung.