BÀI LÀM

Có thể nói, tập hồi kí Những ngày thơ ấu là một thành công của Nguyên Hồng. Đặc biệt, ở đoạn trích Trong lòng mẹ, nhà văn đã miêu tả một cách sinh động “những rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại”. Chính vì vậy, khi đọc tác phẩm chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động trước tình cảm yêu thương trong sáng của Hồng đối với mẹ.

Trước hết, Trong lòng mẹ được trích từ tập hồi kí cho nên những gì mà nhà văn miêu tả đều xuất phát từ một hiện thực về mảnh đời bất hạnh mà ông đã từng sống, từng trải qua. Bởi lẽ, nhà văn đã từng là một cậu bé Hồng, đã từng bị mất cha, đã từng phải sống xa mẹ và phải chịu sự cay nghiệt của bà cô và những gì ông miêu tả cũng chính là ông ghi lại những rung động, những cảm xúc từ trái tim mình. Hồng vốn là một cậu bé đa cảm, em ước ao có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ước ao được sống trong tình thương nhưng em lại phải sống xa mẹ, điều đó lại càng làm cho em thêm hờn tủi. Và từ đó, Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh, khinh miệt của bà cô. Những tưởng trái tim non nớt kia sẽ hận mẹ lắm, nhưng Hồng lại vô cùng yêu thương mẹ, luôn luôn bênh vực mẹ. Mặc dù gần một năm trời, mẹ Hồng không gửi cho em một đồng quà, tấm bánh, thậm chí một lời nhắn hỏi, nhưng Hồng không giận mẹ mà rất thông cảm cho mẹ.

Đặc biệt nhà văn đã thành công khi miêu tả những tình cảm của Hồng đối với mẹ khi em nói chuyện với bà cô. Em phải nghe những lời lẽ chua cay thâm độc và giả dối của bà cô khi nói về mẹ. Những tưởng em sẽ xấu hổ, sẽ căm ghét và ruồng rẫy mẹ, nhưng em đã kịp nhận ra cái kịch tính trong những lời nói kia. Và em chỉ biết khóc, khóc vì thương mẹ. Ở đoạn này, nhà văn đã miêu tả diễn biến tâm trạng của Hồng rất khéo léo. Từ chỗ Hồng im lặng, không nói cho đến khi rơm rớm nước mắt rồi khóc nức nở, nước mắt ròng ròng và nước mắt chảy đầm đìa ở cằm, ở cổ. Chính cái lúc Hồng khóc nhiều nhất là lúc Hồng yêu thương mẹ nhất. Dường như một giọt nước mắt của em là tất cả tình cảm mà em giành cho mẹ. Vì vậy, em thấy lòng mình uất ức, thấy căn giận và tủi thân khi người ta xúc phạm mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà em ý thức được cái ý đồ thâm độc của bà cô. Chỉ tình thương yêu mẹ đã giúp em có được những điều đó. Đây cũng chính là sự rung động mãnh liệt trong trái tim em.

Tuy nhiên, tình cảm của em đối với mẹ không chỉ dừng lại ở mức độ như thế mà nó đã chuyển sang một phương diện khác. Do đâu mà mẹ em phải bỏ đi, do đâu mà mẹ phải giấu giếm khi sinh con và do đâu mà người ta lại khinh ghét mẹ. Tất cả, đều là do những hủ tục lạc hậu của xã hội lúc bấy giờ. Vì vậy, Hồng cũng căm ghét những hủ tục đó, căm ghét đến mức tột độ. Em đã từng nghĩ “giá như những hủ tục đã đày đọa mẹ tôi là cục đá, cục thủy tinh hay đầu mẩu gỗ thì tôi quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát mới thôi”. Rõ ràng Nguyên Hồng đã miêu tả suy nghĩ của mình khi còn là cậu bé Hồng rất thơ dại. Suy nghĩ ấy gắn liền với cuộc sống trẻ thơ, bởi vì chỉ có trẻ thơ mới so sánh giữa cái vô hình với cái hữu hình, so sánh giữa những hủ tục lạc hậu với cục đá, đầu mẩu gỗ, cục thuỷ tinh. Tuy nhiên, dù là trẻ dại, thì ý nghĩa ấy cũng xuất phát từ một tình yêu thương mẹ tha thiết, xuất phát từ những rung động của Hồng về những hủ tục đã đọa đày mẹ. Hồng đã nguyện, đã ước mong nếu đó là những vật bình thường ấy thì em sẽ quyết cắn đá, quyết nhai gỗ, quyết nghiền thuỷ tinh để bảo vệ mẹ. Điều đó thật là ngây thơ, trong sáng, nhưng cũng hết sức cao đẹp. Bởi vậy mà những rung động của Hồng ở đây cũng là cực điểm. Nhưng đối với Hồng, sẽ là nông cạn nếu chỉ dừng lại ở mức độ đó. Hồng không chỉ thương mẹ, căm ghét những gì đã đoạ đày mẹ mà em còn khao khát được gặp mẹ, một khao khát đến cháy bỏng, đến mãnh liệt mà em ấp ủ trong lòng. Thật là tài tình khi ngòi bút Nguyên Hồng đã miêu tả cái khao khát ấy như khát khao của người bị hành đi giữa sa mạc nghĩ về bóng râm và dòng nước mát. So sánh đó thật là độc đáo, nó làm tăng thêm tình cảm trong trái tim Hồng. Và có lẽ đó là giờ phút mà Hồng không thể chịu đựng được cảnh vắng mẹ. Trái tim em như đang rạn nứt, đang rướm máu vì thiếu mẹ. Cho nên, lòng khao khát được gặp mẹ, được sống với mẹ của em càng lên cao tới tột điểm, đến nỗi khi vừa nhìn thấy người trên xe kéo em đã chạy theo gọi rối rít. Hình như tình thương đã tiếp cho em sức mạnh để đuổi kịp chiếc xe. Gặp được mẹ rồi mới thực là xúc động: nửa mừng, nửa tủi, nửa khóc, nửa cười. Tất cả, như lan hết trái tim em. Phải chăng đây mới chính là cao điểm của những rung động trong tâm hồn trẻ dại của Hồng. Hồng đã gối đầu lên lòng mẹ và cảm nhận những cảm xúc, cảm nhận được hơi ấm của mẹ và cảm nhận được cả tiếng thổn thức từ trái tim. Ở đoạn này, nhà văn đã miêu tả rất cụ thể từng cái cảm giác ấy của Hồng. Hồng thấy sướng rơn lên khi được ngồi trong lòng mẹ, được bàn tay mẹ âu yếm, vuốt ve. Hồng thấy được cả sự thơm tho phảng phất qua từng hơi thở từ miệng. Và trong ánh mắt của em, mẹ vẫn đẹp, vẫn dịu hiền, vẫn yêu thương Hồng chứ mẹ không phải là người mẹ như bà cô em đã từng nói. Trái tim em như nóng hổi lên khi được gặp mẹ sau suốt một năm dài xa cách. Có thể nói, chính lúc Hồng gặp mẹ, chính thời điểm mà khát khao của Hồng đã được thực hiện là lúc mà những rung động từ trái tim Hồng đã lên đến đỉnh điểm của nó. Bởi lẽ tất cả những cảm xúc, những tình cảm mà Hồng đã dồn nén, đã chèn ép trong lòng giờ đây bỗng vỡ oà ra như một bầu máu nóng. Vì vậy mà ngòi bút Nguyên Hồng khi miêu tả cảnh gặp gỡ này, miêu tả những rung động trong tâm hồn thơ dại của Hồng đã đạt được những thành công đáng kể.

Có thể nói, ở đoạn trích Trong lòng mẹ chúng ta tìm thấy được những rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại. Đó là tình cảm hết sức thiêng liêng, cao đẹp mà Hồng dành cho mẹ, là thái độ uất ức khi bà cô xúc phạm mẹ, là sự căm ghét của Hồng đối với những hủ tục lạc hậu. Đồng thời đó cũng là sự khao khát được gặp mẹ của Hồng, là cảm giác đê mê, sung sướng của Hồng khi được ngồi trong lòng mẹ. Tất cả đều là những rung động từ trái tim non nớt của Hồng mà nhà văn đã miêu tả một cách sinh động và tất cả đều chứng tỏ rằng lời nhận xét của Thạch Lam về ngòi bút miêu tả của Nguyên Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ là hoàn toàn đúng.