BÀI LÀM
Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX đã khắc hoạ thành công nhiều hình tượng nhân vật anh hùng mà bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ đã đem đến cho chúng ta một cảm nhận đẹp về nhà chiến sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, đồng bào lầm than cực khổ, Phan Bội Châu rất đau lòng. Tấm lòng yêu nước thương dân thiết tha sâu sắc thôi thúc người thanh niên Phan Bội Châu quyết chí tìm đường cứu nước. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân sóng gió, đầy bất trắc hiểm nguy vẫn không làm ông sờn lòng nản chí, mà càng hun đúc thêm cái khí phách anh hùng nơi ông. Và đây, một hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng đó:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
(Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông)
Bài thơ được viết khi Phan Bội Châu bị chính quyền Quảng Đông bắt giam năm 1913. Trước đó, năm 1912, ông đã bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Cho nên, khi bị bọn quân phiệt Quảng Đông bắt giam và có ý định trao ông cho thực dân Pháp, ông nghĩ rằng mình khó có thể thoát khỏi cái chết. Bài thơ cũng có thể coi như lời tâm huyết cuối cùng của ông.
Càng đọc bài thơ ta càng cảm phục tư thế lẫm liệt của con người cách mạng, lúc sa cơ lỡ bước lâm vào cảnh tù ngục hiểm nghèo.
Đứng trước ngưỡng cửa của cái chết, Phan Bội Châu vẫn rất ngang tàng:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Một phong thái thật đường hoàng, tự tin, thật ung dung thanh thản. Việc bị bắt trở thành sự chủ động dừng chân nghỉ ngơi trên chặng đường bôn tẩu dài dặc. Tiếng cười cất lên ngạo nghễ giữa song sắt nhà tù, bất chấp gông cùm xiềng xích, khắc tạc người anh hùng đứng cao hơn mọi sự cùm kẹp, đày đọa của kẻ thù, cảm thấy mình hoàn toàn tự do thanh thản về mặt tinh thần.
Vừa ngạo nghễ cười trên gông cùm, xiềng xích, Phan Bội Châu quay lại với thực tại chua xót cay đắng:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Kể từ khi Phan Bội Châu từ biệt Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước đến lúc ấy đã gần mười năm. Mười năm lưu lạc nơi đất khách quê người, không một mái ấm gia đình, bao nhiêu sự cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần. Thêm vào đó là sự săn đuổi, truy lùng của kẻ thù. Tình cảnh của nhà cách mạng yêu nước quả thật là một bi kịch lớn, khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. Nhưng đằng sau bi kịch riêng của cá nhân là bi kịch của cả một dân tộc, một đất nước. Nước đã mất thì nhà đâu còn! Lúc bấy giờ không chỉ có Phan Bội Châu, còn bao nhà cách mạng khác như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc cũng bị lâm vào hoàn cảnh khách không nhà trong bốn biển, bị săn đuổi khắp năm châu. Đọc hai câu thơ, ta bỗng thấy tầm vóc người tù yêu nước vụt trở nên lớn lao phi thường. Nỗi đau của Phan Bội Châu trở thành nỗi đau lớn lao của bậc anh hùng, là nỗi đau thương của cả một đất nước.
Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt "khách không nhà", "người có tội”, ông vẫn giữ vững khí phách hào kiệt.
Và người anh hùng hào kiệt ấy còn nguyên vẹn khí phách và chí lớn:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Một hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp! Hoài bão kinh bang tế thế (lo nước, cứu đời) đã đưa người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu từ một người tù nhỏ bé vụt lớn lên trở thành một hình ảnh lớn lao đến mức phi thường, thần thánh.
Nhìn lại cuộc đời Phan Bội Châu, hoài bão cứu nước, cứu đời đã được ông ôm ấp từ khi còn là chàng thanh niên Phan Văn San:
Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ
Nắm địa cầu vừa một tí con con
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà.
Khát vọng ấy, chí lớn ấy không hề suy giảm ngay cả khi ông đã vào trong ngục tù. Cận kề với cái chết nhưng ông vẫn ngạo nghễ cười trước mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.
Tinh thần cách mạng lạc quan đã tạo nên sức mạnh để ông chiến thắng hoàn cảnh, giữ vững ý chí chiến đấu sắt son của mình:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Đó là ý chí của con người đứng cao hơn cả cái chết. Kẻ thù có thể giam cầm, đày đọa người cách mạng, nhưng chúng không thể lung lạc được tinh thần của họ, không thể đánh gục ý chí của họ. Sau này nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lại khẳng định:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao
(Trích Nhật kí trong tù)
Đọc xong bài thơ, gấp sách lại, những hình ảnh về nhà cách mạng lớn của dân tộc với những hoài bão cao đẹp, với khí phách kiên cường và tấm lòng yêu nước cháy bỏng vẫn còn in đậm trong tâm trí người đọc, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ sâu sắc.