I. DÀN Ý
1. Mở bài
- Lục bát là thể thơ hoàn toàn do người Việt sáng tạo nên.
- Nó mang những đặc điểm riêng biệt cả hình thức lẫn nội dung thể hiện rõ tâm hồn dân tộc.
2. Thân bài
Đặc điểm của thơ lục bát:
- Số tiếng ở mỗi câu: câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng, tạo thành một cặp.
- Cách hiệp vần: tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát, rồi tiếng thứ 8 của câu bát lại vần với tiếng thứ 6 của câu lục tiếp theo.
- Cách ngắt nhịp: ngắt nhịp chẵn là chủ yếu nhưng đôi khi có linh hoạt.
- Về thanh: thường có thanh bằng ở tiếng thứ hai, thứ sáu và thứ tám, thanh trắc ở tiếng thứ tư. Các tiếng còn lại tự do.
- Lục bát biến thể có những biến đổi về số tiếng.
Nguồn gốc và quá trình phát triển của thơ lục bát
- Có nguồn gốc từ xa xưa, khi chưa có chữ viết, lục bát đã xuất hiện trong văn học dân gian.
- Lục bát được hoàn thiện vào thế kỉ XVIII với đỉnh cao là Truyện Kiều.
- Trong quá trình phát triển nảy sinh nhiều biến thể.
3. Kết bài
- Thơ lục bát mang điệu hồn dân tộc.
- Là thể thơ đắc dụng nhất để diễn tả những tình cảm, nỗi niềm của người dân đất Việt.
II. BÀI LÀM
Trong tất cả các thể loại văn học được sáng tác bằng tiếng Việt, có thể nói lục bát là thể thơ thuần dân tộc nhất. Nó là sáng tạo riêng của người Việt và vì thế, một cách tự nhiên nó có khả năng diễn tả một cách đắc địa nhất tâm hồn của con người đất Việt. Những kiệt tác của dân tộc đều kết tinh trên cơ sở thể loại văn học này.
Đặc điểm riêng biệt của mỗi thể loại thơ được thể hiện ở những quy định về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, cách phối thanh và nhịp điệu. Ở lục bát không có quy định số câu trong một bài nhưng chia thành từng cặp, mỗi cặp có hai câu, câu trên 6 tiếng gọi là câu lục, câu dưới 8 tiếng gọi là câu bát và cứ như vậy nối tiếp nhau đến hết bài. Bởi vậy có những bài lục bát chỉ gồm hai câu như bài “Hoa cỏ may” của Nguyễn Bính:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em.
Ngược lại có tác phẩm dài đến hơn 3000 câu như Truyện Kiều.
Cách hiệp vần trong lục bát được quy định như sau: tiếng thứ sáu của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát, rồi tiếng thứ tám của câu bát lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục tiếp theo. Vì vậy, lục bát có hai vần là vần lưng ở tiếng thứ sáu và vần chân ở tiếng thứ tám. Ví dụ:
Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào.
(Nguyễn Duy)
Về ngắt nhịp, lục bát ngắt nhịp chẵn là chủ yếu trong đó nhịp đôi là cơ sở:
Một nhà dọn dẹp linh đình
Quét sân / đặt trác/ rửa bình / thắp nhang.
(Nguyễn Du)
Tuy nhiên đôi khi có những linh hoạt. Ví dụ:
Bắt phong trần / phải phong trần
Cho thanh cao / mới được phần / thanh cao
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Về thanh, thường tiếng thứ hai, tiếng thứ sáu, tiếng thứ tám thanh bằng, tiếng thứ tư thanh trắc, còn các tiếng ở vị trí lẻ thì tự do theo luật “nhất, tam, ngũ bất luận”. Nếu có tiểu đối ở câu lục thì có sự thay đổi về thanh:
Người quốc sắc/ kẻ thiên tài
Tình trong như đã / mặt ngoài còn e.
(Nguyễn Du)
Ở đây, tiếng thứ hai (quốc) và tiếng thứ tư (kẻ) của câu lục đều thanh trắc. Ngoài ra, về thanh còn có luật cao-thấp, trong đó quy định nếu tiếng thứ sáu của câu bát mà là thanh ngang thì tiếng thứ tám phải là thanh huyền và ngược lại.
Trong quá trình phát triển của mình, lục bát nảy sinh những biến thể. Lục bát biến thể có sự thêm, bớt một số tiếng, xê dịch các hiệp vần, thay đổi cách phối thanh. Đó có thể là lối gieo vần lưng ở tiếng thứ tư khiến cho tiếng thứ sáu của câu bát thành thanh trắc như:
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương
(Ca dao)
So với các thể thơ khác, lục bát là thể thơ xuất hiện sớm nhất. Ngay từ khi văn học viết của dân tộc chưa định hình thì lục bát đã được sử dụng trong văn học dân gian với việc sáng tác ca dao và dân ca truyền miệng. Tuy nhiên, phải đến thế kỉ XVIII, khi văn học viết phát triển, đặc biệt với sự ra đời của chữ Nôm thì lục bát mới được hoàn thiện để đạt đến độ tinh tế và uyển chuyển nhất. Đỉnh cao của thể thơ lục bát được thể hiện trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ở đây, thể lục bát đạt đến độ toàn mĩ cả về nhịp điệu, cách gieo vần, cách phối thanh để trở thành thể thơ nhuần nhị, mềm mại, xứng đáng là mẫu mực. Ngày nay, lục bát vẫn là thể loại yêu thích của các nhà thơ. Lục bát dễ làm nhưng làm được lục bát hay thì phải là những người có tài năng thực sự, nếu không sẽ rất dễ sa sang vè chứ không còn là thơ nữa. Bởi thế, người làm thơ lục bát rất nhiều nhưng những tên tuổi còn lại thì khá ít. Có thể kể đến những tên tuổi như Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu... và gần đây là Nguyễn Duy . Những nhà thơ sử dụng lục bát trong sáng đều mang đến cho người đọc cảm nhận về một hồn thơ có sự gần gũi, gắn bó với cội nguồn dân tộc từ trong những nét tư duy.
Thể thơ lục bát mềm mại, du dương đã đi từ ca dao đến thơ hiện đại. Với âm điệu mượt mà của mình nó trở thành thể loại phù hợp nhất để diễn tả điệu hồn dân tộc hiền hòa, tình cảm thiết tha, sâu lắng.