BÀI LÀM

Nhà văn xuất sắc Nam Cao, tác giả của cuốn truyện ngắn nổi tiếng mà chúng ta vừa được học (truyện ngắn Lão Hạc) từng có lần nhận xét: “Một tác phẩm văn học lớn là một tác phẩm phải ngợi ca tình thương, lòng bác ái và sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Lời nhận xét khéo léo và tài tình của Nam Cao đã tổng kết cái đặc trưng muôn đời của văn học. Đó là văn học bao giờ cũng gắn với tình thương.

Tình thương yêu trong văn học có từ lúc văn học mới ra đời, có từ thời ca dao, cổ tích. Và từ đó cho tới hôm nay, nó vẫn là một cảm hứng lớn dẫn đường cho những khát khao sáng tạo của người nghệ sĩ.

Văn học gắn với tình thương bởi văn học là sản phẩm của hoạt động tinh thần. Nó là một cách để người đời bày tỏ tâm sự, khát vọng, sự căm giận hay sự yêu thương... một cách tinh tế nhất. Đi tìm tình thương trong văn học người ta thấy nó dường như bắt đầu từ những câu chuyện dân gian. Các nước có nền văn học phát triển đều có hẳn hàng kho cổ tích. Ở đó, người ta thương cảm hay xót xa cho những cuộc đời bất hạnh, những cô bé, cậu bé mồ côi lại bị anh em hay người đời tham lam hắt hủi. Người ta cũng vui mừng khi cái thiện có ngày vượt trên cái ác, vui mừng vì con người tìm thấy hạnh phúc và tự do.

Tình thương trong văn học thường được biểu hiện vô cùng phong phú theo cách riêng của mỗi nhà văn và theo đặc điểm tình hình xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào, văn học giàu tình thương cũng phải vừa ngợi ca lại vừa phê phán. Ngợi ca là ngợi ca những cái tốt đẹp, ngợi ca tinh thần “thương người như thể thương thân”. Còn phê phán là phê phán cái ác, phê phán sự tàn bạo hay dửng dưng trước những nỗi đau của con người.

Trong kho tàng văn học của nước ta, thơ ca của Hồ Chí Minh là bài ca lớn về tình thương yêu của con người. Đọc tập Nhật ký trong tù, người đọc bao giờ cũng thấy thiết tha cảm phục bởi Bác luôn có một tình yêu lớn. Bác thương cho một cháu bé bị oan:

Oa! Oa! Oa!

Cha trốn không đi lính nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

Hoặc thương cho những người phu đường vất vả:

Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

Phu đường vất vả lắm ai ơi!

Tình thương yêu trong thơ Bác quả thật lớn lao. Bởi ở trong hoàn cảnh ấy, để dành tình thương cho tất cả mọi người, không biết Bác đã phải nén chịu bao gian khổ của bản thân.

Nhiều người thích Đôn Ki-hô-tê vì nó là một câu chuyện vô cùng hài hước. Thế nhưng, tôi thích Đôn Ki-hô-tê còn bởi nó cũng là bài ca của tình thương, lòng bác ái và sự công bằng. Những hành động của anh chàng quý tộc đầy mộng tưởng ấy thực ra cũng có gì tai hại. Trái lại xét về mặt tinh thần, nó cao quý biết bao.

Văn học là yêu thương nhưng để cho tình thương thêm sâu sắc, văn học còn là tiếng nói đấu tranh với cái ác, đấu tranh chống lại các thế lực chà đạp con người. Đọc Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố ta vừa cảm thương cho chị Dậu lại vừa căm ghét sự tàn ác của bọn chúa đất ở nông thôn, căm ghét bọn ngoại bang đã đến nước mình và gieo rắc ở nơi đây bao nhiêu tội ác...

Chúng ta có thể kể ra vô vàn tác phẩm văn học từ quá khứ đến hiện tại, từ phương Đông đến phương Tây, nói về tình yêu thương của con người. Đọc những tác phẩm đầy ngợi ca như thế, tâm hồn chúng ta cũng được trong trẻo và cao đẹp hơn lên. Con người không bao giờ ngừng vươn tới tình yêu thương và cái đẹp. Trên con đường ấy, chúng ta vinh dự và tự hào bởi chúng ta có những người bạn đồng hành - đó là những tác phẩm văn chương.