BÀI LÀM

Tác phẩm Chiếc lá cuối cùng là một bài ca đẹp đẽ về tình người và ngời sáng một lối sống và một lối sáng tác của những nghệ sĩ chân chính. Chính tình thương đã mang lại nghị lực cho cuộc sống của những con người đau khổ tuyệt vọng, cũng chính tình thương đã thổi một sức sống mãnh liệt cho nghệ thuật, làm nên những tác phẩm bất hủ.

Cũng như hai họa sĩ trẻ Giôn-xi và Xiu, cụ Bơ-men là một nghệ sĩ nghèo từ tỉnh lẻ tới. Cả cuộc đời sáu mươi năm của cụ đều đầy những khó khăn trắc trở, có tài năng chắc chắn cụ luôn ấp ủ một bức tranh mơ ước, nhưng cuối cùng cụ cũng chỉ là chiếc bóng mờ nhạt của nghệ thuật. Bởi vì cụ quá nghèo không đủ tiền cho một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Thu nhập của cụ là ngồi làm mẫu cho các hoạ sĩ tập sự, những người “không đủ tiền thuê một người mẫu chuyên nghiệp”, để được một số tiền nhỏ nhoi và về “bôi bác một bức cho ngành buôn bán hay quảng cáo”, theo lời cụ nói mà chua xót, thất vọng làm sao. Đó là những công việc chán ngán, tẻ nhạt, không phù hợp với hoài bão của cuộc đời cụ.

Tâm trí buồn bực, cảnh sống cùng quẫn khiến cụ uống rượu quá độ, cay độc và dữ tợn. Nhưng cụ không phải là người xấu, cụ biết thông cảm, sẻ chia buồn vui với những người nghệ sĩ trẻ, trong đó có Giôn-xi và Xiu. Có lẽ vì quá thương cảm những cô gái nhỏ nghèo khổ, mà cụ đường như có phần độc đoán khi “tự coi mình là con chó xồm lớn chuyên gác cửa bảo vệ” cho hai cô gái đáng yêu của cụ. Khi Xiu kể cho cụ nghe về ý nghĩ kì quặc của Giôn-xi: khi chiếc lá cuối cùng lìa cành thì cô cũng lìa đời; Giôn-xi yếu đuối mong manh như một chiếc lá, tâm lí đầy tuyệt vọng, thì cụ tức giận nhạo báng: “Sao trên đời này lại có những người ngớ ngẩn muốn chết chỉ vì một cây leo chết tiệt nào đó rụng lá ư?”. Cụ cho những lời nói, hành động của Giôn-xi là ngốc nghếch. Cụ trách Xiu sao lại để cho những chuyện vớ vẩn đó chui vào đầu óc con bé đáng yêu. Sự bực bội quát mắng ấy xuất phát từ một tình thương vô bờ bến của người cha đối với những đứa con dại dột.

Vì thấu hiểu tâm trạng của Giôn-xi mà cụ Bơ-men đã thốt lên một câu đầy thương cảm “Tội nghiệp cô bé Giôn-xi”, Giôn-xi đã cho cụ là lắm điều, lắm lời nhưng cụ đã quên mình để thực hiện một tác phẩm. Và theo quy luật nghiệt ngã của thiên nhiên, khi những chiếc lá trên cành rụng hết, vẫn còn lại một chiếc lá kì diệu đã cứu sống cô bé Giôn-xi. Giữa bão tuyết dày đặc, mưa gió đêm đông, tê tái, chiếc lá thường xuân nhỏ bé đang can đảm duy trì nhựa sống dồi dào, thì không lẽ con người lại chịu thua bệnh tật, Giôn-xi tìm lại niềm vui vào cuộc sống và bình phục dần. Đó cũng là lúc cô biết chiếc lá trên cành là do cụ Bơ-men vẽ. Nhưng người họa sĩ già nhân hậu đó đã chết trong đêm mưa bão khi cụ liều mình trèo lên tường để đem lại cuộc sống cho cô. Có phải chăng Giôn-xi đã được cụ Bơ-men nhường cho hơi thở để được sống, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Tình yêu con người, tình yêu nghệ thuật cùng với tài năng của người nghệ sĩ chân chính đã khiến cụ cứu được cô bé. Cụ đã hòa vào mực vẽ, vào ngọn bút những giọt nước mắt yêu thương của mình khiến chiếc lá sinh động như thật. Con người già cả ấy không nề hà đêm tối mịt mùng, lạnh lẽo, hoang vắng, bất chấp gió tuyết cắt da, cắt thịt, để đem tài năng nghệ thuật cứu người. “Cụ múa cây bút vẽ đã hơn bốn mươi năm mà không với được gấu áo nữ thần của mình”. Cụ vẽ vì sự sống của cô bé chứ không phải vì danh tiếng cá nhân. Bức tranh được vẽ với tất cả tấm lòng cao thượng và nhận hậu, đã có tác dụng màu nhiệm không chỉ là cuộc sống của một con người mà còn đem lại niềm mơ ước sáng tạo cho một nghệ sĩ trẻ. Để đổi lấy một tác phẩm đầy tính nhân bản, người nghệ sĩ già không đắn đo trả bằng sinh mệnh của mình. Sự hi sinh của cụ làm cho nghệ thuật có ý nghĩa cao quý hơn, gần hơn với nỗi buồn niềm vui của con người.

Hình ảnh của cụ Bơ-men có sức chinh phục lòng người, nó hướng con người tới giá trị đích thực của cuộc sống: “Tất cả mọi thứ rồi sẽ trôi qua nhưng lòng nhân ái thì còn mãi”. Cụ Bơ-men là hiện thân của đức hi sinh cao cả, tấm lòng, tình cảm trong sáng, thủy chung của con người. Nhân vật Bơ-men dường như chỉ thoáng qua, nhưng đây mới chính là trung tâm khi ta suy nghĩ về giá trị nhân sinh của Chiếc lá cuối cùng. Tác phẩm giản dị, nhẹ nhàng như cuộc sống của ông già họa sĩ Bơ-men, nhưng mang một thông điệp viết trên chiếc lá thường xuân: con người hãy yêu thương nhau hơn và chỉ có một mục đích chân chính phục vụ con người là lẽ sống, lẽ tồn tại duy nhất của nghệ thuật và bản thân mỗi con người.