BÀI LÀM

O. Hen-ri (1862 - 1910) là nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Nhiều tập truyện của ông để lại cho bạn đọc những ấn tượng sâu sắc như Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang, Quà tặng của các đạo sĩ... Các sáng tác của Hen-ri thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương người nghèo khổ rất cảm động. Trong số các tác phẩm của mình, truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc.

Không gian của câu chuyện diễn ra trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa-sinh-tơn. Thời gian sự việc diễn ra vào mùa đông, khi những cơn gió rét tràn về. Hai nữ họa sĩ Giôn-xi và Xiu thuê một căn phòng nhỏ trên sân thượng sát mái. Cùng trọ có cụ Bơ-men, một hoạ sĩ già nghèo khó sống ở tầng dưới.

Giôn-xi bị sưng phổi nặng, bệnh tật và nghèo túng khiến cô không muốn sống nữa. Cô đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện với ô cửa sổ. Mỗi lần một chiếc lá rơi, Giôn-xi lại thấy mình gần cái chết một chút, và cô chờ tới khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì cô cũng buông xuôi, lìa đời. Sau khi nghe Xiu kể chuyện của Giôn-xi, cụ Bơ-men đã rất bực mình nghĩ rằng tại sao trên đời này lại có người lại muốn chết chỉ vì một cây thường xuân rụng hết lá. Đoạn trích là tiếp nối câu chuyện về việc vì thương Giôn-xi mà cụ Bơ-men đã thức trắng đêm để vẽ chiếc lá thường xuân lên tường. Sáng hôm sau khi thức giấc điều đầu tiên Giôn-xi yêu cầu Xiu làm là kéo tấm mành màu xanh lên. Giôn-xiu thì thào nói “Kéo nó lên em muốn nhìn”, Xiu làm theo một cách chán nản, tấm màn được kéo lên, nhưng thật kì lạ, sau trận mưa bị vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả đêm tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Phải chăng có phép lạ nào đã xảy ra ở đây. Chẳng có phép lạ nào cả, tất cả là do cụ Bơ-men. Cụ hiểu rằng chỉ có cách làm cho chiếc lá đó không rụng thì mới khiến cho Giôn-xi yêu đời và có thêm sức mạnh chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng để Giôn-xi có thể khỏi bệnh thì cụ Bơ-men đã phải thức trắng đêm để vẽ chiếc lá lên tường trong giá buốt nên cụ Bơ-men đã bị cảm lạnh rồi qua đời chỉ sau hai ngày. Qua đoạn trích, tác giả bày tỏ thái độ trân trọng, cảm phục trước tình yêu thương chân thành của những con người dù sống trong nghèo khổ nhưng lại giàu lòng nhân ái.

Đứng trước việc cứu người khỏi tai hoạ, có những con người đứng trước cái chết mà không hề sợ chết. Cụ Bơ-men, một hoạ sĩ già là một con người giàu đức hi sinh như vậy. Suốt bốn mươi năm cụ ấp ủ vẽ một bức tranh tuyệt tác nhưng chưa bao giờ bắt đầu công việc. Giống như Xiu, cụ rất quan tâm đến tình cảnh tội nghiệp của Giôn-xi. Biết cô gái đang tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết để giải thoát, cụ đã nhờ Xiu đưa lên gác để hỏi thăm. Hai người sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì vì nhìn thấy những chiếc lá thường xuân đang thay nhau rụng, chỉ còn vài chiếc mà sự sống của Giôn xi lại phụ thuộc vào những chiếc lá vô tri vô giác đó.

Tình thương và lòng trắc ẩn đã khơi dậy trong lòng người họa sĩ già một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời. Cụ lẳng lặng làm theo những điều trái tim mách bảo, không hé răng cho ai biết ý định của mình.

Độc giả đã hồi hộp biết bao khi sáng hôm sau Giôn-xi yêu cầu Xiu kéo tấm màn cửa sổ lên bởi ai cũng biết rằng không một chiếc lá nào có thể tồn tại được trước những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả đêm như thế. Nhưng thật bất ngờ chiếc lá vẫn còn đó, Giôn-xi không thể nào ngờ rằng chiếc lá vẫn còn vì “em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng. Em nghe thấy gió thổi”. Tác giả không tiết lộ ngay việc cụ Bơ-men vẽ chiếc lá ấy trong đêm mưa tuyết ra sao mà chỉ đợi tới những dòng cuối của truyện mới cho mọi người đọc biết qua lời kể của Xiu. Cách kể truyện như thế tạo được bất ngờ và hứng thú cho người đọc.

Chiếc lá mà cụ Bơ-men đã vẽ lên tường đúng là một kiệt tác vì nó giống như thật. “Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ” khiến Giôn-xi tưởng đây là chiếc lá cuối cùng. Và quan trọng hơn cả chính chiếc lá do cụ Bơ-men vẽ đã đem lại sự sống cho Giôn-xi. Chiếc lá cuối cùng ấy không phải vẽ bằng cọ, bằng bột mà nó được vẽ bằng cả tình cảm chân thành và thương yêu của cụ Bơ-men. Người họa sĩ già đã quên cả tuổi tác lẫn sức khỏe của mình để cố gắng nhen nhóm hi vọng sống trong lòng cô gái trẻ đáng thương. Và tuyệt tác mà cụ Bơ-men gửi lại cho đời chính là bức tranh bằng chiếc lá, không phải được vẽ trên giấy mà được vẽ trên một bức tường gạch. Bức tranh ấy sẽ tồn tại dù người vẽ nó đã đi xa.

Đọc truyện hẳn ta không quên Xiu, người ở cùng phòng với Giôn-xi, người đã quan tâm chăm sóc Giôn-xi hết mực trong những ngày cô bệnh tật. Vì không biết ý định của cụ Bơ-men là vẽ chiếc lá cuối cùng vào đúng chỗ chiếc lá cuối cùng vừa rụng nốt trong đêm. Xiu cũng lo lắng biết bao nhiêu khi nhìn những chiếc lá thường xuân còn bám lại trên tường. Và cũng ngạc nhiên vô cùng khi mành cửa được kéo lên cô nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn còn bám chặt trên cành sau một đêm mưa gió phũ phàng. Suốt cả ngày hôm đó họ vẫn trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường. Màn đêm buông xuống, gió bấc lại ào ào, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và rơi lộp độp xuống đất từ mái hiên. Khi trời vừa hửng sáng thì Giôn-xi lại ra lệnh kéo mành lên, chiếc lá thường xuân vẫn nằm ở đó. Khi bác sĩ đến thăm Giôn-xi, lúc bác sĩ đi về, Xiu kiếm cớ theo ra hành lang, bác sĩ nắm bàn tay mảnh dẻ đang run rẩy vì lo lắng của Xiu.

Chiếc lá cuối cùng vẫn tồn tại, điều đó mang đến cho Giôn-xi một sức mạnh để cô có thể chiến đấu lại bệnh tật. Bởi cô cho rằng chiếc lá ấy mong manh là thế vậy mà nó có thể gan góc chống chọi với mưa gió, buốt giá, cố bám chặt lấy thân cây. Điều đó trái ngược với thái độ tiêu cực, yếu đuối, buông xuôi và muốn tìm đến cái chết của Giôn-xi. Cô ngẫm nghĩ so sánh và xấu hổ, thấy mình thật tệ không bằng chiếc lá thường xuân nhỏ bé.

Kết thúc câu chuyện dừng lại ở việc Xiu cho Giôn-xi biết cụ Bơ-men đã chết, cụ chết vì bị sưng phổi. Cụ ốm chỉ có hai ngày. Buổi sáng ngày thứ nhất, bác gác cổng thấy cụ ốm nặng trong căn phòng của cụ ở tầng dưới. Giày và áo của cụ ướt sũng và lạnh buốt. Chẳng ai biết cụ đã ở đâu trong một đêm khủng khiếp như thế. Nhưng người ta tìm thấy một chiếc đèn bão còn thắp sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ của nó và vài chiếc bút lông rơi vãi, và một bảng pha màu xanh và màu vàng lẫn lộn với nhau. Em thân yêu ơi, hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn chiếc lá thường xuân cuối trên tường. Em có thấy làm lạ là tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Đó là kiệt tác cuối cùng của cụ Bơ-men, cụ đã vẽ nó trong đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng.

Mọi việc đã được sáng tỏ, không cần kể thêm về phản ứng của Giôn-xi, do đó dư âm của câu chuyện lắng đọng trong lòng người đọc và gây xúc động sâu sắc. Cụ Bơ-men chết nhưng cái chết đó thật có ý nghĩa vì cụ đã làm cho con người tuyệt vọng là Giôn-xi có niềm tin và sức mạnh để sống. Nhà văn đã thành công khi sử dụng nghệ thuật vừa tương phản vừa tương đồng để tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện.

Chiếc lá cuối cùng là câu chuyện đời thường giản dị mà xiết bao cảm động. Ở đó tình thương giữa con người với con người được ngợi ca. Chính vì điều này đã làm cho tác phẩm của O. Hen-ri trở nên bất hủ.