BÀI LÀM

Trời sinh ra bác Tản Đà

Quê hương thì có cửa nhà thì không

Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông

Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt li

Túi thơ đeo khắp ba kì

Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng

Đó là những câu thơ tự giới thiệu mình một cách rõ nét nhất của nhà thơ Tản Đà.

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1893 - 1939) quê ở Hà Tây, xuất thân là một nhà nho, từng hai phen lều chõng đi thi nhưng không đỗ. Sau đó ông chuyển sang sáng tác văn chương quốc ngữ và sớm nổi tiếng, đặc biệt là vào những năm 20 của thế kỉ XX. Tản Đà thành thi bá trên thi đàn Việt Nam, tài hoa, lãng mạn, thoát li và ngông là phong cách nghệ thuật của thi sĩ Tản Đà. Thơ ông tràn đầy cảm xúc lãng mạn, lại rất đậm đà bản sắc dân tộc và có những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ. Có thể xem thơ Tản Đà như một dấu gạch giữa nền thơ cổ điển và nền thơ hiện đại Việt Nam. Ông đã đem lại cho thi ca Việt Nam một sức sống mới, tạo tiền đề cho sự cách tân Thơ mới sau này.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam nửa Tây nửa Ta, thơ Tản Đà phản ánh sự bất bình trước thực tại rối ren, ngột ngạt. Đồng thời thể hiện tấm lòng cao khiết, phong thái ung dung, cùng một hồn thơ bay bổng, phóng khoáng, đậm cá tính và đa tình của người nghệ sĩ. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội là bài thơ kiệt tác, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tản Đà thi sĩ. Bài thơ này lần đầu được in trong tác phẩm Khối tình con năm 1916. Thông qua bài thơ, tác giả thể hiện khát vọng được thoát khỏi thực tại với những ngột ngạt để đến với một thế giới tốt đẹp hơn, tự do hơn.

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em đây chán nửa rồi

Cung quế có ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi

Có bầu có ban can chi tủi

Cùng gió, cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Mở đầu bài thơ là tiếng kêu “buồn lắm chị Hằng ơi”, một tiếng kêu đầy tâm sự. Đây không phải là nỗi buồn vẩn vơ như “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” trong thơ Xuân Diệu nữa mà ở đây được tác giả nhấn mạnh bằng chữ lắm và một nhân vật không có thật, chỉ có trong tưởng tượng để giãi bày nỗi lòng của mình. Ba tiếng “chị Hằng ơi” rất biểu cảm, nỗi buồn của nhà thơ đã không kìm nén được phải thốt lên thành lời. Câu thơ man mác sự buồn và chán. Nhà thơ chán cuộc sống trần thế vì những ô trọc xấu xa, vì chế độ thực dân phong kiến ngột ngạt thối nát, tù hãm. Cuộc sống đó không có chỗ cho một tâm hồn thơ lãng mạn và bay bổng như Tản Đà. Con chim trong lồng muốn cất cánh bay xa, nhưng đi đâu trong khi xã hội thực dân phong kiến đương thời như một nhà tù lớn giam hãm con người? Thi sĩ đã chọn trăng, một địa điểm tuyệt vời, tĩnh lặng. Ở đó không tồn tại những điều xấu xa, những đau khổ, những ngột ngạt, những buồn khổ. Ở đấy nhà thơ sẽ tha hồ giãi bày tâm sự của mình. Nhà thơ gọi trăng là chị Hằng và xưng em nghe mới êm ái, dịu ngọt làm sao! Nếu chị Hằng nghe được chắc cũng thấy xao xuyến, bồi hồi bởi giọng điệu tha thiết của nhà thơ đa tình ấy.

Sau khi giãi bày tâm sự cùng chị Hằng, thi sĩ ngỏ lời muốn được lánh mình vào vũ trụ vĩnh cửu:

Cung quế có ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi

Nhà thơ đang ướm hỏi chị Hằng trên Cung Quảng đã có kẻ nào chán đời giống mình trốn lên đó chưa, rồi mới khẩn khoản năn nỉ “Cành đa xin chị nhắc lên chơi”. Chữ “xin” xuất hiện rất chân thành như tha thiết, như nài nỉ, khiến cho chị Hằng cũng khó có thể từ chối được. Dường như nhà thơ ao ước mình trở lại thành trẻ con như thủa nào để đêm Trung Thu rước đèn, phá cỗ trông trăng, thi nhau tìm cành đa, chú cuội và thầm mong được chị Hằng nhấc lên chơi, để vui vầy thoả thích với trăng sao mây gió. Hai câu thực đã làm rõ đề bài “Muốn làm thằng Cuội” ở nơi cung trăng, cung quế. Câu hỏi tu từ nhiều man mác bâng khuâng. Cành đa đã trở thành cái thang bắc lên chín tầng mây xanh để “chị nhắc lên chơi” ở cung quế. Đó là giấc mộng thoát li, mộng vì chán đời, ngán người.

Cảnh và đời trong hai câu đề là nỗi buồn thấm thía nhưng giọng điệu lại lộ ra nét cười hóm hỉnh. Ở hai câu thực, nỗi buồn chỉ còn phảng phất nhưng đến hai câu luận thì niềm vui đã bộc lộ rõ khi nhà thơ tưởng mình đang được sống cùng tiên nữ Hằng Nga.

Có bầu có bạn, can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui.

Tản Đà tiếp tục thuyết phục chị Hằng, hãy để cho nhà thơ lên chơi cho có bầu có bạn, không phải thui thủi một mình trên đó nữa. Thi sĩ sẽ tình nguyện cùng Hằng Nga chơi với gió, với mây có thêm bạn thì càng vui hơn. Điệp ngữ “có” và “cùng” và phép đối được vận dụng sáng tạo, có cả tiểu đối cùng bình đối. Cách ngắt nhịp 2/2/3 tạo nên giọng thơ nhún nhảy lâng lâng. Thấm đẫm vần thơ là chất phong tình lãng mạn.

Cái ngông, cái phong tình của thi sĩ đã dâng lên cực điểm. Đêm rằm tháng tám là đêm Trung Thu đẹp nhất. Chẳng còn buồn vì cô đơn nữa vì đã được lưng tựa vai kề với chị Hằng, nàng tiên đẹp nhất trong cõi đời.

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Cái cử chỉ “tựa nhau” và nụ cười ấy cũng là một giấc mộng đẹp, thoáng chút mỉa mai (cho trần thế) nhưng đầy thú vị vì được thoát li, được thoả thích nơi cung quế. Hai câu kết phản ánh rất rõ tâm trạng của nhà thơ. Khi đã thoát tục thành tiên, nhìn xuống trần gian, thi sĩ thấy thế giới mình sống trước đây thật nhỏ bé và chật chội, tù túng và đủ mọi chuyện nực cười. Nhà thơ muốn được thành tiên để cười vào thói bon chen danh lợi, đố kị và cảnh lo toan cơm áo gạo tiền của kiếp người. Một cái kết thoát li, một cách nói phong tình, tài hoa. Bài thơ không ra cảm giác bi quan, yếu thế mà gợi lên nỗi buồn man mác, thôi thúc người đọc đến với tự do. Bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, niêm luật rõ ràng, đối ý, đối thanh rất chỉnh. Giọng điệu chung toàn bài thơ là tâm tình tha thiết của thi sĩ.

Bài thơ Muốn làm thằng Cuội là một bài thơ hay, độc đáo cả về nội dung, ý tưởng và nghệ thuật. Nó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tài hoa của nhà thơ. Dù viết theo thể Đường luật nhưng người đọc không cảm thấy gò bó mà chỉ thấy như lời ăn tiếng nói hằng ngày, phảng phất âm hưởng ca dao, dân ca vì nhà thơ đã biết vận dụng linh hoạt ngôn ngữ trong trẻo của tiếng Việt vào thể thơ Đường. Tuy có nói đến buồn chán, có nói đến thoát li, có thấm vị phong tình nhưng toàn bài thơ vẫn toát lên một tinh thần phủ định thực tại xã hội thực dân nửa phong kiến xấu xa và khao khát được sống trong sạch hơn, thanh cao hơn, để mãi giữ trọn thiện lương cao đẹp. Giá trị thực của bài thơ Muốn làm thằng Cuội là ở chỗ đó.