I. DÀN Ý
1. Mở bài
- Thơ Hồ Chí Minh luôn thấm đẫm tinh thần lạc quan, ung dung tự tại của Người dù cuộc đời cách mạng nhiều nguy nan gian khổ.
- Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã thể hiện rõ điều đó.
2. Thân bài
a. Cảnh sống và làm việc của Hồ Chí Minh ở núi rừng biên giới:
- Sau khi từ nước ngoài về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh phải sống trong một điều kiện hết sức gian khổ:
- Sáng ra bờ suối tối vào hang: câu thơ mang tiểu đối, nhịp điệu 4/3 khắc họa cuộc sống gian khổ: ở trong hang, làm việc bên bờ suối ⇒ Nhân vật trữ tình xuất hiện với phong thái ung dung, nhàn hạ, không thấy cảm giác của sự gian khổ.
+ Cuộc sống như hòa mình giữa thiên nhiên rừng núi.
+ Thức ăn: cháo bẹ rau măng ⇒ Ăn uống kham khổ nhưng "vẫn sẵn sàng” ⇒Thể hiện tinh thần vượt gian khổ, coi thường khó khăn.
- Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng:
+ Khắc họa sự thiếu thốn, phải làm việc bằng cách viết kê trên đá.
+ Từ chông chênh vừa thể hiện sự cập kênh, thiếu vững chãi của chiếc bàn đá vừa cho thấy cái nhìn thơ mộng hóa hiện thực của Hồ Chí Minh.
+ Với điều kiện vật chất thiếu thốn cùng cực vậy mà Người vẫn làm được một công việc lớn lao đó là “dịch sử Đảng”.
- Cuộc đời cách mạng thật là sang:
+ Cảm hứng vút lên từ câu thơ cuối, đó là cái nhìn cuộc sống gian khổ bằng con mắt coi thường.
+ Biểu hiện cảm giác thoải mái và vui thích của Hồ Chí Minh trước cảnh sống hòa cùng với thiên nhiên như một tao nhân mặc khách.
- So sánh với thú lâm tuyền của Nguyễn Trãi:
+ Nguyễn Trãi hòa mình vào thiên nhiên để xa rời vòng danh lợi, để làm thơ và hưởng thụ thanh nhàn.
+ Hồ Chí Minh tuy sống hòa cùng thiên nhiên những tâm hồn lộng gió thời đại, luôn gắn bó cùng cách mạng lớn lao của dân tộc.
⇒ Nguyễn Trãi có niềm vui thú được sống với rừng suối của một tao nhân mặc khách thực thụ còn Hồ Chí Minh cũng có niềm yêu thích ấy nhưng điều đó còn thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại coi thường khó khăn gian khổ của một người chiến sĩ cách mạng.
3. Kết bài
- Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ tứ tuyệt bình dị với giọng điệu vui đùa.
- Nó thể hiện tinh thần lạc quan và phong thái ung dung của Hồ Chí Minh trong cuộc sống cách mạng còn nhiều gian khổ.
- Cuộc đời hoạt động cách mạng trong sự hòa hợp với nhiên nhiên là một niềm vui lớn của Bác Hồ.
II. BÀI LÀM
Những bài thơ của Hồ Chí Minh luôn thấm đẫm tinh thần lạc quan cách mạng và thể hiện một phong thái ung dung tự tại của nhân vật trữ tình dẫu cho con đường cách mạng mà Người dấn thân luôn là chông gai chồng chất. Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ như thế. Với giọng điệu vui đùa, bài thơ cho thấy một tâm hồn lãnh tụ say sưa với niềm vui được hòa hợp với thiên nhiên, coi thường những thiếu thốn khó khăn của cuộc sống cách mạng trong buổi đầu còn nhiều gian khổ.
Khi từ nước ngoài trở về trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải sống trong một điều kiện vô cùng gian khổ vì cơ sở cách mạng chưa được thành lập. Người phải sống trong hang Pác Bó, một hang núi nhỏ nằm ở biên giới Việt Trung thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng. Ngày ăn cháo ngô cháo măng thay cơm là chuyện bình thường, bàn làm việc cũng chỉ là một phiến đá nhỏ nằm bên bờ suối trước cửa hang. Thế mà cuộc sống ấy lại đi vào thơ Người vô cùng thi vị:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Bài thơ tứ tuyệt vô cùng giản dị đã khắc họa thật đầy đủ và chân thực cuộc sống của Bác Hồ tại Pác Bó. Câu thơ đầu giới thiệu cảnh sống của Bác giữa núi rừng. Đó là cảnh sống ngày làm việc ngoài bờ suối, tối vào ngủ trong hang. Vị lãnh tụ cách mạng của cả một dân tộc mà sinh hoạt và làm việc trong một môi trường cực kì thiếu thốn, chẳng khác nào một ông ké miền rừng, thậm chí khổ hơn cả ông ké vì Bác còn không được ở trong một ngôi nhà sàn như những người dân tộc nơi đây. Thế nhưng, giọng thơ vang lên nghe thật vui vẻ và thanh thản, không có chút gì phiền lòng ở đây. Bác Hồ hiện lên với một phong thái thật ung dung nhàn tản, như thể cuộc sống ấy chỉ có ra và vào mà thôi. Và không gian xung quanh Người chẳng hề tạo cảm giác của sự gian khổ vất vả mà lại rất đỗi thơ mộng với hang, với suối. Hồ Chí Minh như đang sống chan hòa với thiên nhiên núi rừng một cách tuyệt đối. Câu thơ thứ hai đã chỉ rõ những món mà Bác vẫn thường ăn, đó là “cháo bẹ rau măng”. Bác ăn cháo ngô và măng rừng thay cơm như tất cả những chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu gian khổ ở căn cứ địa. Thế mà “vẫn sẵn sàng”. Từ “sẵn sàng” ở đây vừa mang ý những món ăn đó luôn có sẵn để Người thưởng thức vừa như muốn nói dù ăn uống kham khổ nhưng tinh thần làm việc của Người vẫn luôn luôn hăng say chứ không vì thế mà suy giảm. Dù hiểu theo nghĩa nào thì ta vẫn thấy một Hồ Chí Minh thật đẹp trong tinh thần coi thường gian khổ, thiếu thốn. Mặt khác, những món ăn ấy là sản vật của rừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn những món ăn có sẵn trong rừng chẳng khác nào những nhà ẩn sĩ, lui về cuộc sống tự cung tự cấp, sống gần gũi với thiên nhiên, mùa nào thức nấy kiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
(Nhàn)
Cuộc sống sinh hoạt đầy kham khổ mà hiện lên trong thơ Bác đầy thi vị. Bác Hồ như một tao nhân mặc khách sống hòa cùng thiên nhiên trong vui thú và thanh thản. Bác sống như Nguyễn Trãi thuở xưa đã từng ca ngợi thú lâm tuyền trong Côn Sơn ca:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Đối với những bậc hiền giả, được sống gần gũi với thiên nhiên là một niềm vui lớn. Họ say sưa thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, coi thiên nhiên như bạn bè tri kỉ. Tìm đến thiên nhiên, họ thấy tâm hồn mình thật khoáng đạt và thanh thản, xa lìa mọi phiền lụy của cuộc đời. Dẫu cuộc sống ấy có nhiều thiếu thốn nhưng họ thường xem điều đó như một nét thú vị của cuộc sống ẩn cư. Tuy nhiên, chỉ Nguyễn Trãi trong “Côn Sơn ca” là sống hết mình với thiên nhiên theo đúng nghĩa của một tao nhân mặc khách. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh dù rằng mang nhiều nét cổ điển nhưng tinh thần của Người lại hết sức hiện đại. Người sống trong lòng thiên nhiên với tất cả niềm say mê nhưng không phải để trốn tránh cõi đời. Mà dù ở nơi rừng núi heo hút nhưng mỗi việc làm của Người đều có sự gắn bó mật thiết, có ý nghĩa quyết định đối với dân tộc và thời đại. Bởi thế trong bài thơ tứ tuyệt rất cổ điển lại có một nét hiện đại. Đó là câu thơ thứ ba: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”.
Vị lãnh tụ dùng một phiến đá bên bờ suối làm chiếc bàn làm việc. Từ “chông chênh” được dùng thật thú vị. Nó vừa gợi lên cái sự cập kênh không vững chắc của "chiếc bàn” đá vừa tạo cảm giác một cái gì rất đỗi thô sơ mộc mạc, trái hẳn với ý nghĩa của việc Bác Hồ làm trên đó, việc “dịch sử Đảng”. Đó chính là nét hiện đại của bài thơ, vị tao nhân tuy rất mực yêu mến thiên nhiên nhưng lại đang làm một công việc mang ý nghĩa thời đại, một việc làm để thay đổi số phận của cả một dân tộc. Mặt khác, câu thơ còn cho thấy, dù làm việc trong một điều kiện khó khăn tới mức chiếc bàn viết cũng chông chênh chẳng vững vàng nhưng Người vẫn làm việc thật hăng say miệt mài và đầy thú vị.
Cuộc sống ấy được Bác Hồ đánh giá trong cuối cùng của bài thơ: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Giọng điệu vui đùa thể hiện rõ trong câu thơ đã cho thấy thái độ của Bác Hồ đối với cuộc sống của mình. Người cho rằng cuộc sống kham khổ ấy “thật là sang”. Không phải Người lên gân mà qua tất cả những câu thơ đầu ta nhận thấy thái độ ấy của Bác là chân thật. Người không những có một tinh thần lạc quan cách mạng rất lớn nên dễ dàng không để ý gì đến những thiếu thốn vất vả về mặt vật chất. Hơn nữa Bác Hồ thực sự thấy tự do thoải mái, vui thích khi được sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Với người, cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn bởi Người mang trong tâm hồn mình những nét đẹp của các bậc danh sĩ thuở xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, luôn yêu thiên nhiên thiết tha say đắm. Bởi thế, dù cả bài thơ mang giọng điệu pha chút vui đùa nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những cảm xúc rất mực chân thật của Bác Hồ.
Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn và bình dị hé lộ cho chúng ta thấy biết bao điều về tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tâm hồn yêu mến thiên nhiên, vui sướng vì được sống hòa hợp với thiên nhiên, luôn ắp đầy tinh thần lạc quan cách mạng, coi thường thiếu thốn khó khăn đồng thời lúc nào cũng thể hiện một phong thái ung dung tự tại như bậc tao nhân mặc khách thuở xưa dù cho cuộc đời cách mạng có muôn vàn gian khó.