BÀI LÀM

Nói đến Ngô Tất Tố, người ta nhớ ngay đến tác phẩm Tắt đèn mà điển hình là nhân vật chị Dậu. Người phụ nữ làng Đông Xá này hẳn không có gì xa lạ đối với mỗi chúng ta. Một người đàn bà nghèo khổ nhưng cần cù, dũng cảm và rất giàu yêu thương, chị đã phải một mình xả thân cự lại cả một lũ quan lại cường hào gian ác. Cuộc đời của chị là một chuỗi dài thế thảm. Cảnh Tức nước vỡ bờ trích trong Tắt đèn là một lần người đọc phải rơi nước mắt cho cái tính cách ấy.

Sau hai cái tang liên tiếp (tang mẹ chồng và tang chú Hợi), nhà chị Dậu đã bị rơi vào cảnh “cơm không đủ ăn áo không đủ mặc”. Mùa sưu đến, chị phải bán gánh khoai, bán bốn ổ chó và dứt ruột bán đứa con lên 7 tuổi cho vợ chồng Nghị Quế để lo cho chồng một suất sưu. Những tưởng trời sẽ yên, bể sẽ lặng nào ngờ người chết còn phải đóng sưu. Thế là chị Dậu bị đẩy đến bước quẫn cùng. Chồng vẫn bị trói ngoài đình, roi vọt ngày đêm trút lên bộ xương anh Dậu. Trong nhà thì nửa hạt gạo cũng chẳng còn, mấy đứa con đói rách đang kêu gào thảm thiết. Bấy nhiêu tai họa và đau khổ chất chồng lên vai người đàn bà tội nghiệp lúc ấy tưởng chừng chỉ một chiếc lá vàng rơi có thể làm sụp cả căn lều rách nát.

Thế nhưng, là một người phụ nữ biết yêu thương, chị Dậu vẫn gắng gượng trụ vững cho cái mái lều xiêu vẹo của mình. Hôm ấy, anh Dậu được thả về nhà khi hồn vía dường như đã bị tiêu tan đâu mất. Chị sốt sắng lo chạy chữa, cũng may trong lúc khốn cùng nhà chị còn có hàng xóm láng giềng. Nhưng khốn nạn thay! Anh Dậu chưa kịp húp miếng cháo nào thì “cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào”. Chúng lại đến để thúc sưu. Anh Dậu chưa kịp hoàn hồn thì lại bị cú sốc ấy nên cứ thế “lăn đùng ra đó”. Xót cảnh, xót người, chị Dậu đành van xin. Một câu chị xưng “cháu”, hai câu chị gọi “ông”. Nhưng lũ “mặt người dạ thú” đâu có dễ động lòng: “cai lệ không để cho chị được nói hết câu, trợn ngược hai mắt, hắn quát: Mày định nói cho cha mày nghe đấy à!”. Câu nói thật quá ngang tàng hống hách. Nhưng biết làm sao! Chị Dậu vẫn một mực thiết tha:

- Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại.

Đến đây người đọc có lẽ đã nhận ra một chút bất cần trong lời chị Dậu. Đó là một đốm tàn trong đám cỏ khô chuẩn bị thổi bùng lên một ngọn lửa.

Chị Dậu kêu than mặc kệ, cai lệ vẫn hầm hè: “Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à!”. Câu nói như một cơn gió lớn nhưng đốm lửa chị Dậu vẫn kiên nhẫn lặng im. Thế nhưng điểm nút của mâu thuẫn đã bị phá tung khi chị Dậu lao vào lôi kéo anh Dậu cùng tên cai lệ. Và đặc biệt là khi cai lệ bịch mấy bịch vào người chị. Như lửa được đổ thêm dầu, chị Dậu không cưỡng lại được, cái ngưỡng chịu đựng kia cũng không còn nữa. Chị Dậu cự lại bằng bản năng và quyền sống: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Thế nhưng câu nói ấy với bọn cai lệ có là gì. Chị Dậu đành quyết định liều mình: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Một cuộc vật lộn cứ thế diễn ra giữa một người đàn bà lực điền thương yêu chồng con rất mực với tên cai nghiện ngập nhà lí trưởng. Hành động của chị Dậu quả thực đã làm cho người đọc hả hê. Nó phù hợp với tâm trạng và tính cách của nhân vật lúc này. Nó là câu trả lời cho một quy luật đã thành tất yếu: có áp bức ắt sẽ có đấu tranh.

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ giàu tính hiện thực và mang ý nghĩa đấu tranh sâu sắc. Nó là một bản cáo trạng đanh thép lột trần bộ mặt của bọn thống trị ở nông thôn. Xét về mặt nghệ thuật, đoạn trích như một màn kịch chất đầy mâu thuẫn và xung đột. Nhân vật trung tâm của màn kịch ấy (chị Dậu) hiện lên lớn lao và đáng phục, ngang tàng, cứng cỏi nhưng cũng sâu sắc, yêu thương.