BÀI LÀM
O Hen-ri là cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Mỹ những năm đầu thế kỉ XX. Truyện của ông thường nhẹ nhàng nhưng chứa chan tinh thần nhân đạo và lòng thương yêu con người sâu sắc. Chiếc lá cuối cùng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông - một lối kể chuyện hấp dẫn và khéo léo dựa trên nghệ thuật tạo dựng tình huống bất ngờ và thú vị.
Chiếc lá cuối cùng làm ta nhớ mãi tình thương yêu cao cả giữa những con người nghèo khổ với nhau. Điểm nút của câu chuyện là việc Giôn-xi bị sưng phổi và đang nằm chờ chết. Cô hoạ sĩ có tâm hồn nhạy cảm ấy tuyệt vọng vô cùng bèn gắn cuộc đời mình vào sự tồn tại những chiếc lá thường xuân. Cây thường xuân lúc ấy đang vào mùa thay lá, đang rụng đến những chiếc lá cuối cùng và niềm tin của cô họa sĩ cũng gần như hoàn toàn tiêu tan.
Ngày ngày, Xiu phải vén chiếc mành lên để Giôn-xi ngắm chiếc lá thường xuân trong một cảm giác buồn nản và tuyệt vọng. Mỗi lần như thế người đọc cũng xúc động và hồi hộp đợi chờ không khác gì người đang nằm trên giường bệnh. Bởi chiếc lá kia rụng xuống thì tình thương yêu và niềm thương xót của chúng ta sẽ khó diễn tả biết nhường nào. Nhưng kì lạ thay, chiếc lá cuối cùng vẫn dai dẳng bám trụ một mình trong một cảm giác bâng khuâng của Giôn-xi. Lúc ấy, chiếc lá đối với cô không biết đã tạo ra cảm giác hi vọng hay tuyệt vọng.
Ngày hôm đó, Giôn-xi lại bắt Xiu kéo tấm mành lên. Lần này cô tin chắc chiếc lá thường xuân đã rụng bởi “một trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt đêm qua”. Hôm nay chắc niềm tin của Giôn-xi sẽ vụt tan và cái sinh mệnh yếu ớt kia chắc cũng sẽ không còn. Một tình huống hợp lí được tạo ra và người đọc dường như cũng phải tin rằng sau cơn bão lớn, chiếc lá thường xuân kia không thể còn đứng được một mình. Nhưng kì lạ thay! Khi tấm mành vừa được kéo lên, Giôn-xi nhìn thấy chiếc lá thường xuân còn đó. Chiếc lá vẫn tồn tại khiến cả chúng ta, những bạn đọc tò mò và trung thành với câu chuyện cũng không thể không thấy bất ngờ.
Thế là từ đó, tâm trạng cô hoạ sĩ trẻ hoàn toàn thay đổi. Chẳng có lý gì để không thể không tin tưởng bởi chiếc lá kia yếu ớt như vậy còn vững vàng trong giông bão thì mình ắt hẳn phải tin tưởng hơn vào sự sống này. Sức khỏe của Giôn-xi ngày một tốt hơn và rồi cô khoẻ hơn trong sự vui mừng và niềm tin yêu kì lạ của người đọc. Thế nhưng sự bất ngờ và hấp dẫn trong lối kể chuyện của O Hen-ri bắt đầu được thể hiện chính ở chỗ này. Chiếc lá cuối cùng kia sở dĩ vẫn còn bởi nó là một kiệt tác của cụ Bơ-men. Người hoạ sĩ già đã dốc hết sức lực của mình để vẽ nó trong đúng đêm giông bão. Bởi cụ biết nó là niềm tin duy nhất để cứu sống một người. Suốt đời cụ Bơ-men ao ước có được một bức tranh kiệt xuất và cuối cùng trước khi cụ ra đi, nó cũng đã được hoàn thành. Như vậy tính mệnh của Giôn-xi, niềm tin tưởng của Giôn-xi thực tình đã được cứu vớt bởi một sinh mệnh khác. Câu chuyện hấp dẫn và mang một giá trị nhân văn sâu sắc bởi cái kết thúc truyện rất độc đáo, bất ngờ. Nó gây ra một niềm thích thú và càng khiến người đọc phải khắc sâu hơn những nét đẹp được tạo ra từ tình thương yêu chân thực và giản dị giữa con người với con người.
Truyện Chiếc lá cuối cùng là tiếng lòng đồng vọng của những họa sĩ nghèo. Câu chuyện nhiều tình tiết nhưng lại được sắp đặt chặt chẽ và khéo léo. Truyện sẽ mãi còn là bài ca về tình bạn, tình chị em, bài ca về lòng nhân hậu và đức hi sinh của con người.