I. DÀN Ý

1. Mở bài

* Giới thiệu chung:

- Phở là món ăn bình dân được nhiều người ưa thích.

- Ở Hà Nội, từ phố lớn đến ngõ nhỏ, chỗ nào cũng có quán phở bán từ sáng sớm cho tới nửa đêm.

- Những quán nổi tiếng rất đông khách.

2. Thân bài

* Nguyên liệu và cách chế biến:

- Thịt bò: nạm, gầu, vè, bắp, gân... nấu chín mềm trong nồi nước dùng, vớt ra treo lên cho ráo. Có thể thái sẵn (nếu quán đông), có thể để nguyên (khách ăn đến đâu thái đến đó). Phi lê, thăn bò tươi để làm phở tái.

- Nước dùng: xương bò rửa thật sạch, cho vào nồi lớn, hầm cả đêm, vớt bọt cho nước trong, gia vị cho vào nước dùng gồm sá sùng khô, hoa hồi, thảo quả, gừng, hành củ nướng, muối (tùy từng quán phở có bí quyết riêng). Nước dùng phải trong, có vị ngọt đậm đà.

- Bánh phở: được làm từ gạo ngon ngâm mềm, xay nhuyễn, tráng thành tấm lớn rồi thái nhỏ và dài. Bánh phở phải dẻo mới ngon.

- Các gia vị khác ăn kèm: giấm (hoặc chanh), nước mắm ngon, ớt tươi, rau mùi, hành tươi thái nhỏ, hạt tiêu...

* Cách thức làm một bát phở:

- Bánh phở nhúng vào nước sôi, xóc cho ráo rồi đổ vào bát và xếp thịt lên

- Chan nước dùng cho ngập bánh rồi rắc hành lá, rau mùi thái nhỏ lên trên (tùy ý khách mà chan nước trong hoặc nước béo).

* Cách ăn:

- Nếm thử nước dùng xem vừa ăn hay chưa.

- Cho thêm gia vị (nước mắm, giấm, ớt, hạt tiêu..).

- Đảo đều một lượt rồi bắt đầu ăn.

3. Kết bài

* Cảm nghĩ của em:

- Phở là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, chứng tỏ sự tinh tế và sáng tạo của người Việt trong nghệ thuật ẩm thực.

- Ăn phở là thói quen và thú vui của người Hà Nội.

- Phở Hà Nội được du khách nước ngoài ưa thích và khen ngợi.

II. BÀI LÀM

Trong hàng trăm thứ quà quen thuộc của Hà Nội, có lẽ phở là món ăn được nhiều người ưa thích nhất. Từ phố lớn đến ngõ nhỏ, đâu đâu cũng có quán phở. Ở các quán nổi tiếng khách khá đông, đủ mọi lứa tuổi. Nhiều lúc hết chỗ, chủ quán phải kê thêm bàn ra tận vỉa hè. Quán chẳng sang trọng gì nhưng khách không nề hà điều đó, miễn là được ăn bát phở ngon.

Cách bài trí trong quán đơn giản mà hợp lí. Trên quầy, bó hành hương xanh mướt treo cạnh mấy chùm ớt đỏ tươi. Những tảng thịt bò chín đủ loại xếp liền nhau. Nào nạm, nào gầu, nào vè, nào gân... Người thái thịt thái nhanh thoăn thoắt rồi bốc vào chiếc khay nhôm lớn, mỗi thứ để riêng một chỗ cho tiện lấy. Giữa khay là chiếc đĩa thủy tinh to đựng đầy thịt bò tươi thái mỏng. Bánh phở tráng bằng gạo tẻ, xắt thành sợi nhỏ và dài để trong chiếc vỉ buồm, ngay tầm tay với. Sát tường, nồi nước dùng sôi lăn tăn, lớp váng mỡ vàng óng ánh, tỏa mùi thơm ngào ngạt, hấp dẫn vô cùng! Để nấu được một nồi nước dùng ngon công phu lắm! Người ta phải ninh xương bò thật kĩ từ đêm hôm trước, bỏ thêm hoa hồi, gừng nướng cho thơm, nếu có sá sùng khô bỏ vào thì nước dùng càng ngọt hơn (mỗi quán phở có một bí quyết riêng).

Khách muốn ăn gì, tùy ý. Tiếng gọi, tiếng giục, tiếng sai bảo... ồn ào những vẫn rõ ràng: “Cho bát tái đi ông chủ!”; “Nạm gầu, nước trong nhé!”; “Sao lâu thế?”; “Có ngay!”. Chủ quán miệng nói, tay làm, không lúc nào ngơi. Bánh phở nhúng qua nước sôi, xóc cho ráo rồi đổ vào bát, xếp thịt lên trên, chan nước dùng rồi rắc hành hoa, rau mùi thái nhỏ. Nhìn bát phở vừa làm xong thật thích mắt! Bánh trắng, thịt bò nâu, váng mỡ vàng, hành xanh, ớt đỏ, hạt tiêu đen... đủ màu, cùng bốc mùi thơm ngào ngạt. Nào, chúng ta bắt đầu thưởng thức!

Trước hết, xin bạn hãy lấy thìa múc một tí nước dùng nếm thử. Nóng bỏng lưỡi, trong, ngọt đậm đà và thơm nức mũi, thế là “đạt yêu cầu”, rồi cứ thong thả vừa ăn vừa ngẫm nghĩ để tận hưởng hương vị thơm ngon, bổ dưỡng của phở. Đúng là ăn đến đâu, ấm bụng đến đấy, mồ hôi toát ra, tâm trí lâng lâng, khoan khoái vô cùng.

Chúng ta phải cảm ơn người đã nghĩ ra, chế biến ra món ăn đặc biệt này! Còn gì thú bằng vào một sáng mùa thu, tiết trời lành lạnh, xao xác heo may, ta được cùng bạn bè hoặc người thân ghé vào một quán phở quen, ăn bát phở thơm ngon, nóng hổi ngay bên cạnh lò than hồng ấm rực, vừa ăn vừa trông ra hồ Gươm mờ mờ sương khói.