Bài 2. XÃ HỘI NGUYÊN THUỶ

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Tổ chức xã hội của Người tinh khôn là gì? Thế nào là thị tộc, bộ lạc?

* Hướng dẫn trả lời:

- Đến giai đoạn người tinh khôn, dân số đã tăng lên. Từng nhóm người cũng đông đúc hơn. Mỗi nhóm có hơn 10 gia đình gồm 2 -3 thế hệ già trẻ cùng có chung dòng máu, được gọi là thị tộc - những người "cùng họ".

- Trong thị tộc, có thói quen tôn kính ông bà, cha mẹ.

- Trong một vùng sinh sống thuận lợi như ven sông, suối... thường không chỉ có thị tộc mà còn có bộ lạc.

- Bộ lạc là tập hợp một số thị tộc, sống cạnh nhau, có họ hàng với nhau và cùng có một nguồn gốc tổ tiên xa xôi. Giữa thị tộc trong một bộ lạc thường có quan hệ gắn bó với nhau, giúp đỡ nhau.

Câu hỏi: Sự xuất hiện công cụ bằng kim loại có ý nghĩa như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Con người đã khai phá những vùng đất mà trước đây chưa khai phá nổi.

- Con người có thể làm ra một lượng sản phẩm thừa thường xuyên để nuôi sống mình.

- Con người có óc sáng tạo, họ bắt đầu biết khai thác từ thiên nhiên cái cần thiết cho cuộc sống của mình.

- Con người đã biết dùng đồ trang sức: Vòng tay, vòng cổ chân, hoa tai v.v...

Câu hỏi: Do đâu mà có sự xuất hiện tư hữu?

* Hướng dẫn trả lời:

- Trong xã hội nguyên thuỷ, sự công bằng và bình đẳng là “nguyên tắc vàng” vì lúc này chưa có sản phẩm dư, thừa.

- Đến thời đại kim khí, của cải làm ra không chỉ đủ nuôi sống con người mà còn dư thừa.

- Những người có chức phận đã chiếm đoạt của dư, thừa biến thành của riêng mình. Thế là của tư hữu bắt đầu xuất hiện, quan hệ cộng đồng bị phá vỡ.

- Gia đình cũng thay đổi theo. Đàn ông làm các công việc nặng nhọc và giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Con cái lấy theo họ cha. Gia đình phụ hệ xuất hiện.

- Khả năng lao động của các gia đình khác nhau đã thúc đẩy thêm sự phân biệt giàu-nghèo. Kẻ giàu, người nghèo, người có quyền, kẻ bị lệ thuộc đã xuất hiện. Từ đó xã hội bắt đầu phân chia giai cấp.

Bài tập: Hãy giải thích tính cộng đồng của thị tộc.

* Hướng dẫn trả lời:

- Trong thị tộc đòi hỏi sự phân công lao động hợp lí, sự “chung lưng đấu cật” là nguyên tắc vàng, mỗi người mỗi việc phối hợp ăn ý với nhau.

- Do yêu cầu công việc và trình độ lao động thời nguyên thuỷ đòi hỏi sự hợp tác lao động của nhiều người, của cả thị tộc.

- Thức ăn kiếm được chưa nhiều, chưa có đều đặn. Mọi người còn phải cùng làm, cùng cố gắng đến mức cao nhất để kiếm sống nên tự nhiên người ta thấy cần thiết phải có sự công bằng, phải được hưởng thụ như nhau.

- Như vậy, quan hệ trong thị tộc không chỉ có sự hợp tác mà mọi của cải, mọi sinh hoạt được coi là của chung, việc chung làm chung, ăn chung thậm chí ở chung một nhà.

Câu hỏi: Tư hữu xuất hiện đã dẫn tới sự thay đổi gì của xã hội nguyên thuỷ?

* Hướng dẫn trả lời:

Khi tư hữu xuất hiện làm cho xã hội nguyên thuỷ thay đổi:

- Những người có chức phận đã chiếm đoạt của dư, thừa biến thành của riêng mình. Thế là của tư hữu bắt đầu xuất hiện, quan hệ cộng đồng bị phá vỡ.

- Gia đình cũng thay đổi theo. Đàn ông làm các công việc nặng nhọc và giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Con cái lấy theo họ cha. Gia đình phụ hệ xuất hiện.

- Khả năng lao động của các gia đình khác nhau đã thúc đẩy thêm sự phân biệt giàu-nghèo. Kẻ giàu, người nghèo, người có quyền, kẻ bị lệ thuộc đã xuất hiện. Từ đó xã hội bắt đầu phân chia giai cấp.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Hãy trình bày quan hệ xã hội của người nguyên thủy? Vì sao trong xã hội nguyên thủy có sự hưởng thụ công bằng?

* Hướng dẫn trả lời:

- Quan hệ xã hội:

+ Trong thời kì nguyên thủy, con người "hợp tác lao động", hưởng thụ bằng nhau và "sự cộng đồng" rất cao.

+ Trong lao động và hưởng thụ, người nguyên thủy không phân biệt đâu là quyền lợi, đâu là nghĩa vụ. Mọi người đều hưởng thụ thành quả lao động như nhau.

Như vậy, quan hệ trong xã hội nguyên thủy không chỉ có sự hợp tác mà mọi của cải, mọi sinh hoạt được coi là của chung, việc chung làm chung, ăn chung thậm chí ở chung một nhà.

- Vì sao?

+ Của cải làm ra chỉ đủ ăn, chưa có dư thừa để mà chiếm hữu.

+ Những tư liệu sản xuất như rừng, ruộng đất, ao hồ v.v... lúc đó lại quá thừa thãi trong điều kiện lạc hậu, công cụ thô sơ, dân cư quá thưa thớt, nên chưa có nhu cầu chiếm giữ đất đai làm của riêng.

+ Do quan hệ huyết tộc. Mỗi thị tộc chỉ gồm khoảng 10 gia đình có cùng huyết thống với nhau. Sự cộng đồng trong thị tộc là thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa ông bà, con cháu và anh em trong cùng một dòng họ.

Bài tập: Ghi tóm tắt nội dung vào bảng kê theo yêu cầu sau đây:

- Bầy người nguyên thủy.

- Công xã thị tộc mẫu hệ.

- Công xã thị tộc phụ hệ.

- Thời kì xã hội có giai cấp.

* Hướng dẫn trả lời:

Nội dung Bầy người nguyên thủy Công xã thị tộc mẫu hệ Công xã thị tộc phụ hệ Thời kì hình thành xã hội có giai cấp
1. Niên đại 4 triệu năm 4 vạn năm 1 vạn năm 3000 năm TCN
2. Công cụ lao động Đá cũ Đá mới Đồng thau Đồ sắt
3. Phương thức kiếm sống Săn bắt, hái lượm Săn bắt, hái lượm Trồng trọt, chăn nuôi Trồng trọt, chăn nuôi
4. Quan hệ xã hội Sống từng bầy Sống từng nhóm theo gia đình mẫu hệ, bình đẳng Sống theo gia đình phụ hệ Phân chia kẻ giàu, người nghèo, xã hội có giai cấp