Bài 28. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN

I. CÂU HỎI BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Phân tích những biểu hiện của lòng yêu nước Việt Nam qua các cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc.

* Hướng dẫn trả lời:

- Năm 179 TCN, nước ta bị các thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược. Hơn một nghìn năm đô hộ, chúng tìm mọi cách để đồng hoá dân tộc ta, biến nước ta thành quận huyện của chúng. Nhưng thời Bắc thuộc cũng chính là thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc bền bỉ liên tục. Các cuộc nổi dậy đấu tranh của Hai Bà Trưng (năm 40), Bà Triệu (năm 248), Lý Bí (542), Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766), Dương Thanh (819), kế tiếp nhau diễn ra.

- Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng oanh liệt quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc được nỗi đau mất nước hơn mười thế kỉ, mở ra kỉ nguyên mới, đưa dân tộc ta tiến vào thời kì xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập.

Câu hỏi: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đã hình thành như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Bước đầu nảy sinh và phát triển của tình cảm yêu thương gắn bó giữa người và người, giữa người và cộng đồng.

- Truyền thống yêu nước được hình thành với sự ra đời của quốc gia.

- Truyền thống yêu nước hình thành trải qua quá trình đấu tranh chống ngoại xâm để giữ nước, đặc biệt là thời Bắc thuộc.

Câu hỏi: Những nét mới trong truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến độc lập.

* Hướng dẫn trả lời:

- Yêu nước gắn liền với yêu thương dân.

- Yêu nước không chỉ chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc mà còn phải ra sức xây dựng và phát triển kinh tế.

- Yêu nước không chỉ dành riêng cho một tộc người, một địa phương hay một nhóm người, một giai cấp mà là cho sự nghiệp của tất cả các tộc người sống trên đất Việt Nam. Vì vậy phải đoàn kết dân tộc.

Bài tập: Sưu tầm những câu ca dao về truyền thống yêu nước của dân tộc ta.

* Hướng dẫn trả lời:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”

Câu hỏi: Tại sao có thể xem đặc trưng cơ bản của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến là chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc?

* Hướng dẫn trả lời:

- Trên thế giới, có lẽ không có dân tộc nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược hay đấu tranh để giành lại độc lập cho đất nước như dân tộc Việt Nam.

- Trong chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập, ý thức, tình cảm và tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước mới trở nên trong sáng, chân thành và cao thượng hơn bao giờ hết.

Vì vậy, chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập là nét đặc trưng nổi bật nhất của truyền thống yêu nước Việt Nam. Như Hồ Chí Minh nói “... Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Vì sao lòng yêu nước của dân tộc ta được hình thành từ rất sớm?

* Hướng dẫn trả lời:

- Nước ta là một nước nhỏ nằm ở vị trí quan trọng của vùng Đông Nam Á, lại giàu tài nguyên, nên thường bị ngoại xâm đe doạ, xâm lược. Thời các vua Hùng dựng nước, thì cũng phải bắt đầu giữ nước. Từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII, nước ta luôn bị bọn phong kiến Phương Bắc xâm lược.

- Mặt khác, nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa nên hàng năm phải chống lũ lụt, hạn hán.

- Để bảo vệ được sự sống còn và lớn lên của mình, dân tộc Việt Nam phải trường kì đấu tranh chống địch hoạ, thiên tai.

Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện thiên nhiên như trên, nhân dân ta sớm đoàn kết cùng nhau tập trung sức người, sức của cho đấu tranh. Từ đó nhân dân ta sớm nảy sinh lòng yêu nước.

Câu hỏi: Truyền thống yêu nước của dân tộc ta thể hiện trong cuộc đấu tranh giai cấp từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII diễn ra như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Phong trào đấu tranh của nông dân cuối thời Trần kéo dài mấy chục năm, giáng những đòn mạnh mẽ, làm suy sụp nền thống trị của triều Trần và chế độ điền trang, thái ấp.

- Các cuộc khởi nghĩa của nông dân đầu thế kỉ XVI đã làm lay động đến tận gốc rễ tập đoàn phong kiến nhà Lê. Phong trào nông dân ở Đàng Ngoài cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII như một cơn bão dữ dội, kéo dài làm rung chuyển cả xã hội, khiến cho nền thống trị của chúa Trịnh, vua Lê bị nghiêng ngã, sụp đổ từng mảng.

- Phong trào nông dân Tây Sơn kéo dài gần hai mươi năm cuối thế kỉ XVIII, là đỉnh cao chói lọi của phong trào nông dân, đập tan toàn bộ cơ cấu của hai tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh.