Chương II. VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ X ĐẾN THẾ KỈ XV

Bài 17. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN (Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV)

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Trình bày hoàn cảnh đẫn đến "loạn 12 sứ quân"?

* Hướng dẫn trả lời:

Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Hán, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa - kinh đô cũ thời Âu Lạc, thành lập chính quyền mới. Đất nước bắt đầu ổn định. Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha chiếm ngôi vương, Nội bộ chính quyền trung ương lục đục, một số thế lực địa phương nhân đó nổi dậy, gây nên tình trạng chia cắt, tranh chấp lẫn nhau, sử cũ gọi là “loạn 12 sứ quân”.

Câu hỏi: Kể tên “Loạn 12 sứ quân”?

* Hướng dẫn trả lời:

1. Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (thị xã Tây Sơn ngày nay).

2. Kiều Công Hãn giữ Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).

3. Kiều Thuận giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê - Phú Thọ ngày nay).

4. Nguyễn Khoan giữ Tam Đái (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc ngày nay).

5. Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Du (Bắc Ninh ngày nay).

6. Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì - Hà Nội ngày nay).

7. Lý Khuê giữ Siêu Loại (Thuận Thành - Bắc Ninh ngày nay).

8. Lữ Đường giữ Tế Giang (Văn Giang - Hưng Yên ngày nay).

9. Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Kim Động - Hưng Yên ngày nay).

10. Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (Quốc Oai - Hà Tây ngày nay).

11. Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu (thị xã Thái Bình ngày nay).

12. Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Triệu Sơn - Thanh Hoá ngày nay).

Câu hỏi: Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đã làm gì để củng cố đất nước?

* Hướng dẫn trả lời:

- Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Nối tiếp sự nghiệp của nhà Đinh, nhà Tiền Lê (980 - 1009) củng cố hơn nữa bộ máy nhà nước trung ương, chia làm 13 đạo, giao cho các con và các tướng lĩnh trung thành cai quản. Quân đội cũng được chấn chỉnh.

- Quan hệ ngoại giao Việt - Tống được thiết lập trên cơ sở nhà Tống công nhận nền độc lập của nước Đại Cồ Việt. Nhà Tiền Lê bắt đầu quan hệ với Cham-pa, củng cố các vùng biên cương của đất nước.

Bài tập: Vì sao năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long? Ý nghĩa của việc làm đó?

* Hướng dẫn trả lời:

- Vì sao:

+ Năm 1010, Lý Thái Tổ đặt niên hiệu là Thuận Thiên và quyết định dời đô về Đại La (nay là Hà Nội), đổi tên thành Thăng Long (có nghĩa là rồng bay lên).

+ Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi sông núi sau trước, vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thể đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật thịnh đạt, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, nơi thượng độ của kinh sử muôn đời.

- Ý nghĩa:

+ Thể hiện sự sáng suốt của một vị vua đầu tiên của triều Lý.

+ Tạo điều kiện cho kinh thành Thăng Long dần dần trở thành đô thị phồn thịnh, là bộ mặt của đất nước.

+ Thể hiện được uy thế của Đại Việt: Thăng Long vừa là kinh độ của nước Đại Việt cường thịnh, vừa là một thành thị có quy mô lớn trong khu vực và trên thế giới lúc bấy giờ.

Câu hỏi: Những thay đổi qua cuộc cải cách hành chính thời Lê Thánh Tông là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Những thay đổi:

+ Ở Trung ương, chức Tể tướng và các chức đại hành khiển bị bãi bỏ. Vua trực tiếp quyết định mọi việc. Bên dưới là 6 bộ. Các cơ quan như Ngự sự đài, Hàn lâm viện được duy trì với quyền hành cao hơn. Cả nước chia thành 13 đạo thừa tuyên. Mỗi đạo đều có 3 ti trông coi các mặt dân sự, quân sự, an ninh. Dưới đạo là các phủ, huyện, châu. Người đứng đầu xã là xã trưởng do dân bầu.

- Ý nghĩa:

+ Tạo ra bộ máy quản lí hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện ổn định về chính trị và phát triển kinh tế.

+ Tạo ra sự thống nhất trong bộ máy quản lí của nhà nước quân chủ mới.

+ Tạo ra được uy lực và uy quyền của nhà vua trong việc cai quản đất nước.

Câu hỏi: Hãy trình bày việc tổ chức bộ máy nhà nước và tổ chức cai quản đất nước Đại Việt dưới thời Lý, Trần?

* Hướng dẫn trả lời:

- Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đổi tên nước thành Đại Việt.

- Tổ chức bộ máy nhà nước:

+ Vua đứng đầu đất nước, nắm mọi quyền hành cao nhất về chính trị, luật pháp, quân sự, nghi lễ, đối ngoại.

+ Giúp vua có Tể tướng (Thái uý), các đại thần, các chức hành khiển, các cơ quan hành chính, pháp lí như sảnh, viện, đài.

- Tổ chức cai quản đất nước:

+ Chia đất nước thành nhiều lộ, dưới lộ là phủ, huyện, châu, hương.

+ Quân đội gồm có Cấm binh bảo vệ nhà vua và kinh thành. Lộ binh ở các địa phương. Quân đội được tuyển chọn theo chế độ “Ngụ binh ư nông”.

+ Luật pháp: thời Lý có bộ Hình thư. Thời Trần có bộ Hình luật riêng.

+ Tuyển chọn quan lại: Ban đầu ở thời Lý - Trần, quan lại chủ yếu được tuyển chọn từ con em các gia đình quý tộc hoặc con cháu quan lại. Về sau, những người thi cử đỗ đạt cũng được làm quan, nắm giữ một số chức quan trọng.

Câu hỏi: Trình bày chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước phong kiến? Tác dụng của những chính sách đó?

* Hướng dẫn trả lời:

- Nội dung:

+ Về đối nội:

• Các triều đại phong kiến đều có chính sách đoàn kết dân tộc.

• Ở miền xuôi, các thế lực chống đối, phản loạn cũng nhanh chóng được giải quyết một cách êm đẹp. Nhà nước và nhân dân cùng hợp tác chăm lo bảo vệ sản xuất, gia cố đê điều, chống lụt bão.

+ Về đối ngoại:

• Đối với các triều đại phương Bắc, các triều đại phong kiến Đại Việt tuy giữ lệ thần phục, nộp phí cống đều đặn, nhưng luôn giữ vững tư thế của một dân tộc độc lập.

• Đối với các nước láng giềng phía nam, đặc biệt là Cham-pa, tuy có lúc căng thẳng nhưng nhà nước luôn giữ thái độ vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn để giữ vững biên cương.

- Tác dụng:

+ Tạo được sự đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

+ Giảm bớt sự căng thẳng đối với các nước, nhất là phương Bắc.

+ Tạo nên ý thức về sự gần gũi nhân dân, đoàn kết dân tộc để bảo vệ quyền tự chủ, tự cường của dân tộc.

Bài tập: So sánh bộ máy nhà nước thời Lê với bộ máy nhà nước thời Đinh, Tiền Lê.

* Hướng dẫn trả lời:

- Tổ chức bộ máy nhà nước thời Đinh, Tiền Lê:

+ Chính quyền trung ương có 3 ban: Văn ban, Võ ban và Tăng ban.

+ Chia nước thành 10 đạo.

+ Tổ chức quân đội theo chế độ “ngụ binh ư nông”.

- Tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê:

+ Vua trực tiếp quyết định mọi việc.

+ Ở Trung ương, có đại thần, quan văn, quan võ.

+ Ở địa phương có lộ, phủ, huyện, hương, xã

+ Các cơ quan như Ngự sự đài, Hàn lâm viện được duy trì với quyền hành cao hơn.

+ Cả nước chia thành 13 đạo thừa tuyên. Mỗi đạo đều có 3 ti trông coi các mặt dân sự, quân sự, an ninh. Dưới đạo là các phủ, huyện, châu. Người đứng đầu xã là xã trưởng do dân bầu.

Tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn thời Đinh, Tiền Lê.

Bài tập: Vẽ sơ đồ nhà nước thời Lý, Trần và thời Lê Thánh Tông, qua đó đánh giá cuộc cải cách hành chính của Lê Thánh Tông.

* Hướng dẫn trả lời:

• SƠ ĐỒ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC THỜI LÝ, TRẦN

• SƠ ĐỒ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC THỜI LÊ THÁNH TÔNG

• Đánh giá cải cách hành chính của Lê Thánh Tông:

+ Đây là cuộc cải cách toàn diện được tiến hành từ trung ương đến địa phương.

+ Cải cách nhằm tăng cường quyền lực của nhà vua.

+ Chứng tỏ nhà nước quân chủ chuyên chế dưới thời vua Lê Thánh Tông đạt mức độ cao và hoàn thiện.

Bài tập: Nhận xét chung về sự hoàn thiện của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê.

* Hướng dẫn trả lời:

- Trong khoảng hơn 70 năm (1428-1503), nhà Lê củng cố bộ máy chính quyền, ổn định tình hình xã hội, ban hành chính sách pháp luật, phát huy vai trò tích cực của giai cấp phong kiến ở thời kì đang lên.

- Nhà Lê chia nước thành 13 đạo. Dưới đạo có lộ, trấn, phủ, huyện, xã làm cho tổ chức bộ máy nhà nước được hoàn chỉnh hơn, dễ cai quản hơn.

- Triều đình trung ương gồm các bộ do các chức quan thượng thư đứng đầu và một số cơ quan chuyên trách đã giúp triều đình hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ hơn.

- Nhà vua bỏ các chức tể tướng, cấm quan lại lập quân đội riêng nhằm đề cao uy quyền tuyệt đối của nhà vua.

- Việc ban hành Bộ luật Hồng Đức nhằm bảo vệ quyền thống trị của nhà nước phong kiến tập quyền, bảo vệ tôn ti trật tự phong kiến theo tinh thần Nho giáo.

- Đối với nước ngoài, nhà Lê thực hiện chính sách mềm mỏng nhưng kiên quyết trên lập trường toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước.

Bài tập: Lập bảng thống kê thời gian thống trị của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỉ X đến thến kỉ XV.

* Hướng dẫn trả lời:

TT THỜI GIAN TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN
1 939-965 Nhà Ngô
2 968-980 Nhà Đinh
3 980-1009 Nhà Tiền Lê
4 1010-1225 Nhà Lý
5 1225-1400 Nhà Trần
6 1400-1407 Nhà Hồ
7 1428-1527 Nhà Lê sơ

Bài tập: Hãy điền sự kiện lịch sử vào niên đại đã cho sau đây:

Niên đại Sự kiện lịch sử

1. Năm 939.

2. Năm 944.

3. Năm 968.

4. Năm 1010.

5. Năm 1042.

6. Năm 1054.

a.

b.

c.

d.

e.

g.

* Hướng dẫn trả lời:

Niên đại Sự kiện lịch sử

1. Năm 939.

2. Năm 944.

3. Năm 968.

4. Năm 1010.

5. Năm 1042.

6. Năm 1054.

a. Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa.

b. Ngô Quyền mất. Dương Tam Kha chiếm ngôi vương.

c. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

d. Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

e. Nhà Lý ban hành bộ Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta.

g. Vua Lý Thánh Tông đổi lại tên nước thành Đại Việt.

Bài tập: Lập bảng thống kê về tổ chức quân đội dưới thời Lý - Trần theo yêu cầu sau đây:

- Cấm binh:

+ Thành phần tuyển chọn.

+ Nhiệm vụ.

- Lộ binh:

+ Thành phần tuyển chọn.

+ Nhiệm vụ.

* Hướng dẫn trả lời:

Quân đội Thành phần tuyển chọn Nhiệm vụ
Cấm binh Tuyển chọn những thanh niên khoẻ mạnh trong cả nước. Bảo vệ vua và kinh thành.
Lộ binh Tuyển chọn những thanh niên trai tráng ở làng xã đến tuổi thành đinh (18 tuổi) theo chế độ “Ngụ binh ư nông”

- Canh phòng các lộ, phủ.

- Hàng năm chia thành phiên thay nhau đi luyện tập và về quê sản xuất. Khi có chiến tranh sẽ tham gia chiến đấu.