Bài 18. CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG CÁC THẾ KỈ X - XV
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Nhà nước và nhân dân Đại Việt đã làm gì để phát triển nông nghiệp? Sự phát triển nông nghiệp đương thời có ý nghĩa gì đối với xã hội?
* Hướng dẫn trả lời:
- Nhà nước và nhân dân Đại Việt đã làm gì...
+ Từ thời Đinh - Tiền Lê, nhà nước và nhân dân đã chăm lo khai phá đất hoang, mở rộng đất đai canh tác, phát triển nông nghiệp. Tiếp tục tinh thần đó, nhà Lý, nhà Trần không ngừng khuyến khích khai hoang, đẩy mạnh sản xuất. Nhà nước bước đầu lấy một số ruộng thưởng cho những người có công và cấp cho các chùa chiền.
+ Nước ta có nhiều sông ngòi. Lũ lụt thường xuyên xảy ra, tàn phá mùa màng, làng mạc. Kinh đô Thăng Long cũng thường bị nạn lụt đe doạ. Nhà Tiền Lê, nhà Lý đã chú ý cho dân đào nhiều kênh máng, đắp đê nhưng vẫn không hạn chế được bao nhiêu. Năm 1948, nhà Trần tổ chức một chiến dịch lớn, huy động nhân dân cả nước đắp đê suốt dọc hai bờ các con sông lớn. Từ đầu nguồn đến bờ biển, gọi là đê “quai vạc”. Chỗ nào đê đắp vào ruộng của dân thì cho đo đạc, trả tiền. Lại đặt chức quan Hà đê để trông coi việc sửa đắp. “Từ đó, thuỷ tai không còn nữa và đời sống nhân dân được sung sướng”.
+ Thành tựu chung của nông nghiệp: Bên cạnh việc trồng lúa, khoai, sắn, nhân dân ta còn trồng dâu nuôi tằm, trồng bông, trồng cây ăn quả, rau đậu vv...
- Ý nghĩa:
+ Thúc đẩy nông nghiệp ngày càng phát triển làm cho cuộc sống của nhân dân ấm no hạnh phúc, trật tự xã hội ổn định, nền độc lập của dân tộc được củng cố.
+ Tạo điều kiện cho sự hoà thuận giữa nhà nước và nhân dân.
Câu hỏi: Sự ra đời của các làng nghề thủ công có ý nghĩa gì đối với phát triển thủ công nghiệp?
* Hướng dẫn trả lời:
- Nó làm phong phú thêm các mặt hàng của thủ công nghiệp.
- Tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân, nhất là nông dân.
- Thể hiện sự ổn định nghề nghiệp trong nhân dân và nâng cao trình độ kĩ thuật cho thủ công nghiệp
- Đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nhân dân và buôn bán với nước ngoài.
Câu hỏi: Em đánh giá như thế nào về thủ công nghiệp nước ta đương thời?
* Hướng dẫn trả lời:
- Các nghề thủ công nghiệp nước ta đương thời rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh các nghề cổ truyền đã phát triển những nghề mới yêu cầu kĩ thuật cao như đúc súng, đóng thuyền.
- Mục đích của các nghề thủ công phục vụ cho nhu cầu trong nước là chính.
- Chất lượng sản phẩm tốt.
Câu hỏi: Em nghĩ thế nào về thương nghiệp của nước ta ở các thế kỉ XI-XV?
* Hướng dẫn trả lời
- Do nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển đã tạo điều kiện cho sự phát triển thương nghiệp.
- Do sự thống nhất về tiền tệ và đo lường nên đã tạo điều kiện cho việc giao lưu buôn bán trong nước dễ dàng.
- Thương nghiệp mở rộng song chủ yếu phát triển về nội thương, còn ngoại thương chỉ buôn bán với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Câu hỏi: Những nguyên nhân nào tạo nên sự phát triển nông nghiệp ở các thế ki XI - XV?
* Hướng dẫn trả lời:
Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV, là thời kì tồn tại của các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ. Đây là giai đoạn đầu của thế kỉ phong kiến độc lập, đồng thời cũng là thời kì thống nhất đất nước. Hoàn cảnh thuận lợi đó đã tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, nhất là nông nghiệp.
Nguyên nhân tạo nên sự phát triển nông nghiệp:
- Diện tích ngày càng được mở rộng nhờ:
+ Nhân dân tích cực khai hoang vùng châu thổ các sông lớn và ven biển.
+ Các vua Trần khuyến khích các vương hầu khai hoang lập điền trang.
+ Vua Lê cấp ruộng đất cho quý tộc, quan lại đặt phép quân điền.
- Thuỷ lợi được nhà nước quan tâm:
+ Nhà Lý cho xây dựng những con đê đầu tiên.
+ Năm 1248 nhà Trần cho đắp hệ thống đê “quai vạc” dọc các sông lớn từ đầu nguồn đến cửa biển.
+ Đặt các chức Hà đê sứ trông nom đê điều.
- Các nhà nước Lý - Trần - Lê đều quan tâm bảo vệ sức kéo, phát triển các giống cây nông nghiệp.
Câu hỏi: Hãy nêu những biểu hiện nói lên sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý - Trần, Lê.
* Hướng dẫn trả lời:
a) Thủ công nghiệp:
- Trong nhân dân, các nghề thủ công như đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm, sứ, ươm tơ dệt lụa tiếp tục phát triển, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Đồ gốm tráng men ngọc, men xanh độc đáo, in hình người, hình thú, hoa lá... được trao đổi khắp nơi. Gạch tranh trí hoa, rồng được bán và phục vụ xây dựng. Các nghề tô tượng, chạm khắc đá, làm đồ vàng bạc, trang sức, làm giấy, nhuộm vải đều phát triển.
- Nhà nước Đinh, Tiền Lê, Lý - Trần, Lê đều thành lập các xưởng thủ công (gọi là cục Bách tác) để rèn đúc vũ khí, tiền, đóng thuyền bè, may mũ áo cho vua quan, góp phần xây dựng các cung điện, chùa chiền, đền đài.
b) Thương nghiệp:
- Việc giao lưu buôn bán giữa các làng, các vùng ngày càng nhộn nhịp, hàng hoá phong phú. Các chợ làng, chợ huyện được hình thành, Một sứ giả nhà Nguyên sang nước ta đã viết: “Trong xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng hoá trăm thứ, bày la liệt”.
- Trên vùng biên giới Việt - Trung, từ thời Lý đã hình thành các địa điểm trao đổi hàng hoá. Lái buôn hai nước đem đủ thứ lụa là, vải vóc, ngà voi, giấy, ngọc, vàng... đến trao đổi. Thuyền buôn các nước phương Nam như Gia-va, Xiêm, Ấn Độ cũng thường qua lại mua bán ở các cửa biển Đông - Bắc. Năm 1149, nhà Lý cho lập trang Vân Đồn (Quảng Ninh) làm vùng hải cảng trao đổi hàng hoá với nước ngoài. Lạch Trường (Thanh Hóa) cũng là một vùng hải cảng buôn bán.
Câu hỏi: Sự phân hoá xã hội ở thế kỉ XIV dẫn đến hậu quả gì?
* Hướng dẫn trả lời:
- Thế kỉ X mở đầu thời kì độc lập cũng là mở đầu quá trình phong kiến hoá của xã hội Việt Nam:
+ Tầng lớp địa chủ ngày càng gia tăng.
+ Quý tộc, địa chủ ngày càng chấp chiếm nhiều ruộng đất.
+ Nhân dân nhiều người nghèo khổ phải bán ruộng đất, bán con cái làm nô tì.
+ Tình trạng phân hoá giàu nghèo càng tăng cao ở cuối thế kỉ XIII và thế kỉ XIV.
- Vào nửa sau thế kỉ XIV, một số vua Trần và quan chức cao cấp chỉ lo ăn chơi xa xỉ, không quan tâm đến cuộc sống nhân dân. Nạn đói liên tục xảy ra. Mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt.
- Đến thế kỉ XII, đặc biệt là thế kỉ XIII, XIV xã hội rơi vào tình trạng phân hoá giàu nghèo ngày càng gia tăng, nhà nước không giải quyết được. Từ đó dẫn đến hậu quả: cuộc đấu tranh của nông dân chống lại nhà nước phong kiến. Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly thực hiện cuộc cải cách lớn để cứu vãn tình thế - nhà Hồ được thành lập.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Tình hình kinh tế, xã hội của nước Đại Việt cuối thời Trần diễn ra như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
- Về kinh tế: ngày càng bị giảm sút.
+ Ruộng đất nằm trong tay bọn vương hầu quý tộc, nhà chùa, địa chủ. Ruộng đất công ở làng xã bị lấn chiếm, khẩu phần ruộng đất của nông dân bị thu hẹp.
+ Thuỷ lợi không được chăm lo tu sửa, bảo vệ đê điều.
+ Chính sách thuế khoá ngày càng nặng nề.
+ Đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ và bị mất mùa, đói kém, bị bóc lột.
- Về xã hội: ngày càng suy thoái.
+ Vua và các vương hầu quý tộc, quan lại lao vào con đường ăn chơi xa xỉ, không quan tâm đến đời sống nhân dân.
+ Nông dân bị bóc lột tàn tệ, đói kém liên tục diễn ra. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng nổ.
Bài tập: Nước Đại Việt thời Lý – Trần đạt được những thành tựu nổi bật gì về các mặt: Kinh tế; văn hoá; giáo dục; khoa học; nghệ thuật.
* Hướng dẫn trả lời:
Thành tựu | Thời Lý | Thời Trần |
1) Kinh tế | * Nông nghiệp: - Nông dân: có ruộng đất cày cấy. - Nhà nước khuyến khích khai hoang. Công tác thuỷ lợi được chú ý. * Thủ công nghiệp: có nhiều nghề. * Thương nghiệp: buôn bán, trao đổi trong nước và ngoài nước mở mang. | * Nông nghiệp: khuyến khích sản xuất, mở rộng diện tích trồng trọt. Công cuộc khai hoang, đắp đê được củng cố. Ruộng đất làng xã nhiều. * Thủ công nghiệp: do nhà nước quản lí có nhiều ngành nghề. Thủ công nghiệp trong nhân dân rất phổ biến và phát triển. * Thương nghiệp: Chợ búa tấp nập. Trao đổi buôn bán trong và ngoài nước được đẩy mạnh. |
2) Văn hoá | Đạo Phật phát triển mạnh nhất. Các hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, đa dạng. Nhiều trò chơi dân gian được dân chúng ham chuộng. | Tín ngưỡng cổ truyền phổ biến. Đạo Phật phát triển. Nho giáo ngày càng phát triển. Các hình thức sinh hoạt văn hoá đa dạng, phong phú. |
3) Giáo dục | - Xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử và dạy học cho con vua. - Mở khoa thi tuyển chọn quan lại. - Văn học chữ Hán bắt đầu phát triển. | Quốc tử giám mở rộng để đào tạo con em quý tộc, quan lại. Các lộ, phủ có trường học. Trong nhân dân ở các làng xã có trường tư. Các kì thi được tổ chức ngày càng nhiều. |
4) Khoa học, nghệ thuật | - Nghệ thuật điêu khắc rất phát triển. - Một số công trình nghệ thuật có giá trị được xây dựng. - Trình độ điêu khắc tinh vi, thanh thoát. Phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo và linh hoạt. | - Cơ quan chuyên viết sử ra đời với bộ Đại Việt sử kí. Quân sự, với tác phẩm nổi tiếng: Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn. Y học có thầy thuốc Tuệ Tĩnh nghiên cứu thuốc nam để chữa bệnh cho nhân dân. Thiên văn học có những đóng góp đáng kể. Đã chế tạo được súng. - Nghệ thuật kiến trúc phát triển nhiều công trình kiến trúc mới ra đời. |