Phần 1. LỊCH SỬ THẾ GIỚI THỜI NGUYÊN THUỶ, CỔ ĐẠI VÀ TRUNG ĐẠI

Chương I. XÃ HỘI NGUYÊN THUỶ

Bài 1. SỰ XUẤT HIỆN LOÀI NGƯỜI VÀ BẦY NGƯỜI NGUYÊN THỦY

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Thế nào là Người tối cổ? Thế nào là bầy người nguyên thuỷ?

* Hướng dẫn trả lời:

- Người tối cổ:

+ Quá trình chuyển biến từ vượn thành người, nhờ quá trình lao động và trải qua một chặng đường quá độ dài, có tính chất chuyển tiếp, trung gian, là Người tối cổ.

+ Người tối cổ hầu như đã hoàn toàn đi thẳng bằng hai chân. Đôi tay được tự do để sử dụng công cụ, kiếm ăn.

+ Tuy chưa loại bỏ hết dấu tích vượn trên cơ thể mình, Người tối cổ đã là người. Đây là một hình thức tiến triển nhảy vọt từ vượn sang người, là thời kì đầu tiên của lịch sử loài người.

- Bầy người nguyên thuỷ:

+ Người tối cổ sống trong hang động, mái đá hoặc cũng có thể dựng lều bằng cành cây, da thú, sống quây quần theo quan hệ ruột thịt với nhau, gồm 5 - 7 gia đình. Quan hệ xã hội của Người tối cổ được gọi là bầy người nguyên thuỷ.

+ Bầy người nguyên thuỷ vẫn còn sống trong tình trạng “ăn lông ở lỗ” - một cuộc sống tự nhiên, bấp bênh, triền miên hàng triệu năm.

Câu hỏi: Hãy nêu những tiến bộ kĩ thuật khi Người tinh khôn xuất hiện. Hãy cho biết những tiến bộ của thời đá mới?

* Hướng dẫn trả lời:

- Những tiến bộ kĩ thuật:

+ Người tinh khôn đã biết ghè 2 rìa của một mảnh đá, làm cho nó gọn và sắc cạnh hơn để dùng làm rìu, dao, nạo. Họ còn lấy xương cá, cành cây đem mài hoặc đẽo nhọn đầu để làm lao.

+ Người tinh khôn còn biết chế tạo cung tên. Đây là một thành tựu lớn trong quá trình chế tạo công cụ và vũ khí. Nhờ đó việc săn bắn đã có hiệu quả và an toàn hơn.

- Những tiến bộ thời đá mới:

+ Nguồn thức ăn tăng lên đáng kể, nhất là thức ăn động vật.

+ Người ta có thể rời hang động ra dựng lều, định cư ở những địa điểm thuận tiện hơn. Cư trú “nhà cửa” được phổ biến.

+ Người ta có thể ghè đẽo những mảnh đá thành hình dạng gọn và chính xác, thích hợp với từng công việc, với nhiều kiểu loại theo yêu cầu khác nhau.

+ Người ta còn biết đan lưới đánh cá bằng sợi vỏ cây và làm chì lưới bằng đất nung, biết làm đồ gốm để đựng và đun nấu.

Câu hỏi: Hãy trình bày những tiến bộ trong đời sống con người thời đá mới.

* Hướng dẫn trả lời:

- Con người từ chỗ săn bắn, hái lượm, đánh cá đã tiến tới biết trồng trọt và chăn nuôi.

- Người ta bắt đầu làm sạch những tấm da thú để che thân cho ấm và cho “có văn hoá”.

- Ngoài ra, người ta đã biết dùng đồ trang sức, như vòng cổ bằng vỏ ốc và chuỗi hạt xương, vòng tay, vòng cổ chân, hoa tai... bằng đá màu.

Bài tập: Tại sao gọi là “cuộc cách mạng đá mới”?

* Hướng dẫn trả lời:

- Con người đã biết mài nhẵn công cụ bằng đá ở rìa lưỡi hoặc toàn thân, biết khoan lỗ để tra cán.

- Thời kì đá mới con người đã biết trồng trọt và chăn nuôi nguyên thuỷ: Con người đã chuyển từ kinh tế thu lượm sang kinh tế sản xuất.

- Con người còn biết dệt vải, làm đồ gốm, đan lưới đánh cá v.v...

- Con người đã biết chế tạo đồ trang sức, biết sinh hoạt nghệ thuật như nhảy múa, hội hoạ...

Tất cả những tiến bộ có tính đột biến, đó người ta gọi là cuộc “Cách mạng đá mới”.

Bài tập: Hãy cho biết những tiến bộ trong lao động và đời sống của người nguyên thuỷ?

* Hướng dẫn trả lời:

- Những tiến bộ trong lao động:

+ Người ta đã biết ghè 2 rìa của một mảnh đá, làm cho nó gọn và sắc cạnh hơn để dùng làm rìu, dao, nạo. Họ còn lấy xương cá, cành cây đem mài hoặc đẽo nhọn đầu để làm lao.

+ Người ta còn biết chế tạo cung tên. Đây là một thành tựu lớn trong quá trình chế tạo công cụ và vũ khí. Từ đó làm cho việc săn bắn có hiệu quả và an toàn hơn.

+ Con người từ chỗ săn bắn, hái lượm, đánh cá đã tiến tới biết trồng trọt và chăn nuôi.

- Những tiến bộ trong đời sống:

+ Người ta có thể rời hang động ra dựng lều, định cư ở những địa điểm thuận tiện hơn. Cư trú “nhà cửa” được phổ biến.

+ Người ta có thể ghè đẽo những mảnh đá thành hình dạng gọn và chính xác, thích hợp với từng công việc, với nhiều kiểu loại theo yêu cầu khác nhau.

+ Người ta còn biết đan lưới đánh cá bằng sợi vỏ cây và làm chì lưới bằng đất nung, biết làm đồ gốm để đựng và đun nấu.

+ Người ta bắt đầu làm sạch những tấm da thú để che thân cho ấm và cho “có văn hoá”.

+ Ngoài ra, người ta đã biết dùng đồ trang sức, như vòng cổ bằng vỏ ốc và chuỗi hạt xương, vòng tay, vòng cổ chân, hoa tai... bằng đá màu.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Người tối cổ đã bắt đầu định hình cuộc sống sống vật chất và quan hệ xã hội như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Đời sống vật chất:

+ Người tối cổ đã sử dụng công cụ đá cũ (sơ kì).

+ Họ kiếm sống bằng lao động tập thể, bằng phương thức hái lượm và săn bắt.

+ Từ chỗ biết giữ lửa trong tự nhiên, họ tiến tới tạo ra lửa bằng cách ghè hai mảnh đá với nhau để lấy lửa.

- Quan hệ xã hội:

+ Đã có quan hệ hợp quần xã hội: có người đứng đầu, có phân công lao động giữa nam và nữ, cùng chăm sóc con cái.

+ Sống quây quần theo quan hệ ruột thịt với nhau, gồm 5 - 7 gia đình.

+ Chưa có những quy định xã hội nên gọi là bầy người nguyên thuỷ.

Câu hỏi: Vì sao sau khi thoát khỏi giới động vật, Người tối cổ phải sống thành từng bầy?

* Hướng dẫn trả lời:

- Do trình độ sản xuất thấp kém, công cụ thô sơ, họ phải kiếm sống bằng lao động tập thể với phương thức hái lượm và săn bắt.

- Do sống trong điều kiện thiên nhiên hoang dã, luôn bị thú dữ đe doạ... nên phải dựa vào sức mạnh của tập thể để tự vệ.

Bài tập: Nêu những điểm giống và khác nhau giữa bầy người nguyên thuỷ và bầy động vật?

* Hướng dẫn trả lời:

- Giống nhau:

+ Sống chung thành từng bầy để bảo vệ lẫn nhau.

+ Cùng nhau tìm kiếm thức ăn trong rừng.

- Khác nhau:

+ Trong thời kì bầy người nguyên thuỷ, con người đã biết chế tạo công cụ lao động. Đó là những công cụ thuộc thời kì đá cũ.

+ Họ đã biết giữ lửa trong tự nhiên và biết tạo ra lửa để nướng chín thức ăn, tự vệ, sưởi ấm.

+ Giữa các thành viên của bầy đã có quan hệ tương đối chặt chẽ, gắn bó: có người đứng đầu, có phân công công việc giữa nam và nữ, cùng chăm sóc con cái v.v...

Câu hỏi: Hãy nêu hình dáng của Người vượn cổ, Người tối cổ và Người tinh khôn.

* Hướng dẫn trả lời

+ Người vượn cổ: Có thể đứng và đi bằng hai chân, dùng tay cầm nắm, ăn hoa, quả, lá.

+ Người tối cổ: Đã hoàn toàn đi đứng bằng hai chân.

+ Người tinh khôn: Có cấu tạo cơ thể như người ngày nay: Xương cốt nhỏ hơn người tối cổ, lớp lông mỏng trên người không còn nữa.

Câu hỏi: Người vượn cổ, Người tối cổ, Người tinh khôn được tìm thấy ở đâu?

* Hướng dẫn trả lời

+ Người vượn cổ: Đông Phi, Tây Á và Lạng Sơn (Việt Nam).

+ Người tối cổ: Đông Phi, Gia-va (In-đô-nê-xi-a), Bắc Kinh (Trung Quốc), Thanh Hoá (Việt Nam).

+ Người tình khôn: châu Á, châu Âu và châu Phi.

- Người tình khôn bắt đầu rời hang động ra dựng lều, định cư ở những địa điểm thuận lợi hơn trước. Ngoài ra, họ còn biết đánh cá, biết làm đồ gốm...