Bài 39. QUỐC TẾ THỨ HAI
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Hãy cho biết những nét nổi bật của phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX.
* Hướng dẫn trả lời:
- Đòi cải thiện đời sống cho người lao động
- Đòi tăng lương và đòi quyền dân chủ
- Đòi giảm giờ làm.
Câu hỏi: Hãy nêu những hoạt động chủ yếu của Quốc tế thứ hai trong thời kì hoạt động của Ăng-ghen.
* Hướng dẫn trả lời:
- Ngày 14-7-1889, Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai được tổ chức ở Pa-ri.
- Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nêu lên sự cần thiết phải thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản mỗi nước, đề cao vai trò đấu tranh chính trị, tăng cường phong trào quần chúng, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, và hằng năm, lấy ngày 1-5 làm Ngày Quốc tế Lao động để đoàn kết và biểu dương lực lượng của giai cấp vô sản thế giới.
- Cũng như Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai tồn tại và hoạt động chủ yếu dưới hình thức đại hội. Nhờ vai trò tích cực của Ph.Ăng-ghen, Quốc tế thứ hai đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển phong trào công nhân thế giới cuối thế kỉ XIX: đoàn kết phong trào công nhân ở Châu Âu và Mĩ, thúc đẩy việc thành lập các chính Đảng vô sản ở nhiều nước...
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Những sự kiện nào chứng tỏ phong trào công nhân thế giới vẫn tiếp tục phát triển trong những năm cuối thế kỉ XIX.
* Hướng dẫn trả lời:
- Bước tiến của phong trào công nhân từ sau Công xã Pa-ri thất bại (1871) và Quốc tế thứ nhất giải tán (1876) được biểu hiện:
+ Phong trào công nhân đòi cải thiện đời sống, đòi tự do dân chủ của công nhân ngày càng lan rộng, đặc biệt ở các nước tư bản tiên tiến như Anh, Pháp, Đức, Mĩ... Chẳng hạn, ở Anh, những cuộc bãi công của công nhân đòi tăng lương, thực hiện ngày làm việc 8 giờ và đòi cải thiện đời sống, hay ở Mĩ, những cuộc đình công và bãi công diễn ra sôi nổi khắp cả nước...
+ Sự thành lập các đảng công nhân hoặc các nhóm xã hội chủ nghĩa chứng tỏ sự trưởng thành về nhận thức của đội ngũ công nhân các nước.
- Yêu cầu thành lập một tổ chức quốc tế mới để đoàn kết lực lượng công nhân các nước càng trở nên cấp thiết.
Những sự kiện trên chứng tỏ phong trào công nhân thế giới vẫn tiếp tục phát triển trong những năm cuối thế kỉ XIX.
Câu hỏi: Cuộc đấu tranh chống khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế thứ hai diễn ra như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
- Trong Quốc tế thứ hai diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa khuynh hướng cách mạng và khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trên những vấn đề cơ bản như vấn đề thuộc địa, vấn đề chiến tranh...
- Những người cách mạng như Lê-nin, kiên quyết lên án chính sách xâm lược thuộc địa và chiến tranh đế quốc.
- Quốc tế thứ hai đi dần đến chỗ phân hoá khi chiến tranh thế giới bùng nổ vào năm 1914. Các đảng của Quốc tế thứ hai (trừ Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga), ủng hộ các chính phủ tư sản đế quốc gây chiến tranh, dưới khẩu hiệu lừa bịp “bảo vệ Tổ quốc”.