Bài 22. TÌNH HÌNH KINH TẾ Ở CÁC THẾ KỈ XVI-XVIII
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Nêu các điểm tích cực và hạn chế của sự phát triển nông nghiệp giai đoạn này.
* Hướng dẫn trả lời:
+ Ở Đàng Ngoài:
- Tích cực: Đây là vùng đất lâu đời đã được khai phá triệt để.
- Hạn chế: Nông nghiệp ổn định chậm và ít có điều kiện mở rộng và phát triển. Nhà nước không có biện pháp khuyến khích nông nghiệp.
+ Ở Đàng Trong:
- Tích cực: Lãnh thổ ngày càng mở rộng vào Nam, cư dân ít. Vùng đất Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi nên nông nghiệp phát triển dễ dàng.
- Hạn chế: Ruộng đất ngày càng tập trung trong tay giai cấp địa chủ.
Bài tập: Nhận xét thế mạnh của thủ công nghiệp đương thời. Sự phát triển của làng thủ công đương thời có ý nghĩa tích cực như thế nào? Liên hệ với ngày nay.
* Hướng dẫn trả lời:
- Nhận xét thế mạnh của thủ công nghiệp:
+ Thủ công nghiệp đương thời có nhiều sản phẩm hấp dẫn.
+ Có trình độ kĩ thuật cao.
+ Sản phẩm đa dạng, phong phú cả về chất lượng và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu trao đổi trong nước và nước ngoài. Thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển.
- Ý nghĩa tích cực:
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu dùng trong nhân dân.
+ Tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển.
- Liên hệ:
Ngày nay mặc dầu có những mặt hàng mới được sản xuất bằng công nghiệp hiện đại nhưng các mặt hàng thủ công nghiệp cổ truyền vẫn được nhân dân ta và nhân dân các nước ưa chuộng.
Câu hỏi: Phân tích tác dụng của sự phát triển buôn bán trong nước.
* Hướng dẫn trả lời:
- Tác dụng của sự phát triển buôn bán:
+ Tạo điều kiện cho hàng hóa, nhất là các mặt hàng thủ công, được lưu thông trong nước, qua đó kích thích những người sản xuất các mặt hàng thủ công.
+ Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược.
- Vào thế kỉ XV - XVI, trên thế giới có sự kiện đáng nhớ:
Đó là cuộc phát kiến địa lí tạo điều kiện cho việc giao lưu giữa Đông - Tây dễ dàng.
Câu hỏi: Sự phát triển của ngoại thương có tác dụng gì đối với nền kinh tế nước ta.
* Hướng dẫn trả lời:
- Sự phát triển của ngoại thương tạo điều kiện cho nước ta tiếp cận với nền kinh tế thế giới đang phát triển theo phương thức sản xuất mới.
- Sự phát triển của ngoại thương còn tạo điều kiện cho việc giao lưu buôn bán với nước ngoài, trên cơ sở đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển.
Bài tập: Hãy nhận xét về các đô thị thế kỉ XVII-XVIII.
* Hướng dẫn trả lời:
- Từ thế kỉ XVI - XVIII, do sự phát triển của các ngành kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp, các đô thị có điều kiện hình thành và phát triển: Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An, Thành Hà.
- Đô thị hình thành và phát triển tạo điều kiện cho sự phát triển nội thương và ngoại thương. Từ đó thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển.
- Do hạn chế của chế độ phong kiến nên các đô thị đến thế kỉ XIX thì suy tàn dần.
Câu hỏi: Những biểu hiện của sự phát triển thủ công nghiệp, thương nghiệp trong các thế kỉ XVI-XVIII.
* Hướng dẫn trả lời :
- Sự phát triển thủ công nghiệp:
+ Nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển và đạt trình độ cao như: dệt, gốm...
+ Một số nghề mới xuất hiện như: khắc in bản gỗ, làm đường trắng, làm đồng hồ, làm tranh sơn mài.
+ Khai thác mỏ - một ngành quan trọng rất phát triển ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
+ Các làng nghề thủ công xuất hiện ngày càng nhiều.
+ Ở các đô thị, thợ thủ công đã lập phường hội vừa sản xuất vừa bán hàng.
- Thương nghiệp:
+ Nội thương:
• Chợ làng, chợ huyện mọc lên khắp nơi và ngày càng đông đúc.
• Ở nhiều nơi xuất hiện làng buôn
• Buôn bán lớn (buôn chuyến, buôn thuyền) xuất hiện
• Buôn bán giữa các vùng miền phát triển
+ Ngoại thương:
• Thuyền buôn các nước (kể cả các nước châu Âu: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh) đến Việt Nam buôn bán càng tấp nập.
• Thương nhân nhiều nước đã tụ hội lập phố xá, cửa hàng buôn bán lâu dài.
Câu hỏi: Nguyên nhân của sự phát triển kinh tế hàng hóa ở các thế kỉ XVI-XVII.
* Hướng dẫn trả lời:
- Do chính sách mở cửa của chính quyền Trịnh, Nguyễn.
- Do các nghề thủ công phát triển mạnh mẽ, sản phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều.
- Do cuộc phát kiến địa lí tạo điều kiện giao lưu Đông - Tây thuận lợi.
- Do vị trí địa lí của nước ta thuận lợi cho việc giao thông đi lại ở các vùng miền và thu hút được thương nhân các nước.
Câu hỏi: Sự hứng khởi của các đô thị thể hiện ra sao? Sự phát triển của đô thị có ý nghĩa như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
+ Sự hưng khởi của các đô thị:
- Thế kỉ XVI - XVIII nhiều đô thị mới hình thành và phát triển hưng thịnh.
- Thăng Long - Kẻ Chợ với 36 phố phường trở thành đô thị lớn của cả nước.
- Những đô thị mới như: Phố Hiến (Hưng Yên ), Hội An (Quảng Nam), Thành Hà (Phú Xuân - Huế) trở thành những nơi buôn bán sầm uất.
+ Ý nghĩa:
- Đô thị hưng khởi tạo điều kiện cho việc giao lưu buôn bán trong và ngoài nước phát triển.
- Đô thị hưng khởi thể hiện một phát triển của xã hội, của đất nước.
Bài tập: Hãy nêu những câu ca dao về nghề thủ công mà em biết.
* Hướng dẫn trả lời:
“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”
“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Câu hỏi: Những biểu hiện về chế độ sở hữu ruộng đất và kinh tế nông nghiệp Đàng Ngoài từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XVIII.
* Hướng dẫn trả lời:
- Ngay từ đầu thế kỉ XVI, chính sách ruộng đất thời Lê sơ về cơ bản đã bị phá sản. Nguyên nhân chính dẫn đến sự phá sản này là sự phát triển nhanh chóng của ruộng đất tư hữu. Mặc dù về hình thức, nhà nước vẫn ngăn cấm việc biến ruộng đất công thành ruộng tư, nhưng trên thực tế quá trình đó vẫn không ngừng diễn ra tại các làng quê. Trong các làng xã, đã xuất hiện nhiều chủ sở hữu có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mẫu ruộng.
- Chính sách ruộng đất của họ Trịnh nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhà nước phong kiến, giai cấp địa chủ, tầng lớp quan liêu và binh sĩ. Đến đầu thế kỉ XVIII, quỹ đất công còn lại không đáng kể. Người nông dân đã bị chiếm đoạt phần ruộng đất tư, lại hết hi vọng ở phần ruộng đất công của làng xã. Trong khi đó, nhà nước Lê - Trịnh ngày càng tăng cường bóc lột tô thuế, lao dịch, binh dịch đối với nông dân. Những nông dân nghèo khổ “không có đất cắm dùi”, bị bần cùng hoá phải rời bỏ đồng ruộng, xóm làng đi lang thang kiếm sống ngày càng đông đảo. Từ những năm 30 của thế kỉ XVIII, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt đã đẩy xã hội Đàng Ngoài vào tình trạng suy yếu và khủng hoảng.
Câu hỏi: Công cuộc khẩn hoang và kinh tế nông nghiệp Đàng Trong vào thế kỉ XVII diễn ra như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
Sang đến thế kỉ XVII, đất Thuận Quảng được mở rộng thêm về phía Nam.
+ Năm 1611, Nguyễn Hoàng cho quân vượt đèo Cù Mông chiếm thêm đất của Cham-pa, lập ra phủ Phú Yên.
+ Năm 1633, Nguyễn Phúc Tần mở rộng cương giới đến sống Phan Rang.
+ Năm 1693, toàn bộ phần đất còn lại của Cham-pa đã được sát nhập vào lãnh thổ Đàng Trong.
+ Năm 1698, Nguyễn Phúc Chu cho Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai, thiết lập xã, thôn, phường, ấp, khai khẩn đất hoang, lập thêm dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, đặt ra phủ Gia Định để quản lí.
+ Mười năm sau, vào năm 1708, họ Mạc ở Hà Tiên đã quyết định đưa vùng đất do mình cai quản về với chúa Nguyễn. Đến đây, lãnh thổ Đàng Trong dưới quyền kiểm soát của chúa Nguyễn đã kéo dài đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau.
+ Vùng Thuận Quảng (tương đương với Trung Bộ hiện nay) có các dải đồng bằng nhỏ hẹp và cơ bản đã được khai phá từ thời Lê trở về trước, nên cơ cấu tổ chức xóm làng có nhiều nét giống với Đàng Ngoài. Ở đây ruộng đất công làng xã còn tồn tại khá phổ biến. Bên cạnh đó, còn có một diện tích đáng kể thuộc quyền sở hữu nhà nước.
+ Vùng đất phía nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ruộng đất nhiều, dân cư thưa thớt, chúa Nguyễn đã thi hành chính sách khai hoang, cho phép biến ruộng đất khai phá được thành ruộng đất tư nhân.
+ Chúa Nguyễn còn khuyến khích những địa chủ giàu có ở Thuận Quảng chiêu mộ những người dân nghèo vào khai hoang ở Đồng Nai, Gia Định. Lực lượng khai hoang chủ yếu là lưu dân người Việt và một bộ phận những người dân gốc Cham-pa, Chân Lạp.
Bài tập: So sánh kinh tế ở Đàng Ngoài và Đàng Trong thế kỉ XVII - XVIII.
* Hướng dẫn trả lời:
Tình hình kinh tế ở Đàng Ngoài thế kỉ XVII - XVIII | Tình hình kinh tế ở Đàng Trong thế kỉ XVII - XVIII |
- Nông nghiệp bị phá hoại nghiêm trọng, nông dân phải rời bỏ ruộng đồng, xóm làng đi lang thang kiếm sống. - Ruộng đất bỏ hoang, mất mùa đói kém diễn ra dồn dập. - Ngành chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh và giữ vị trí quan trọng. - Chính sách ruộng đất thời Lê sơ về cơ bản bị phá sản do sự phát triển nhanh chóng của ruộng đất tư hữu. | - Chính quyền tổ chức di dân, khai hoang, cấp công cụ, lương thực, lập thành làng ấp. - Nhà nước cho phép biến vùng đất khai hoang thành ruộng đất tư nhân. - Nảy sinh hiện tượng tích tụ ruộng đất với quy mô lớn. |
Bài tập: Hãy điền sự kiện lịch sử vào niên đại đã cho sau đây:
Niên đại | Sự kiện lịch sử |
1611 | |
1623 | |
1653 | |
1693 | |
1698 | |
1708 |
* Hướng dẫn trả lời:
Niên đại | Sự kiện lịch sử |
1611 | Nguyễn Hoàng cho quân vượt đèo Cù Mông chiếm thêm đất Cham-pa lập ra phủ Phú Yên. |
1623 | Chúa Nguyễn thoả thuận được với chính quyền Chân Lạp để lập một trạm thu thuế ở Sài Gòn. |
1653 | Nguyễn Phúc Tần mở rộng cương giới đến sông Phan Rang. |
1693 | Toàn bộ phần đất còn lại của Cham-pa đã được sát nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. |
1698 | Nguyễn Phúc Chu cho Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai, thiết lập xã, thôn, phường, ấp, khai khẩn đất hoang, lập thêm dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, đặt ra phủ Gia Định để quản lí. |
1708 | Họ Mạc ở Hà Tiên đã quyết định đưa vùng đất do mình cai quản về với chúa Nguyễn. |
Bài tập: Hãy trình bày sự khác biệt về chế độ ruộng đất ở Đàng Trong. Vì sao có sự khác biệt đó?
* Hướng dẫn trả lời:
- Sự khác biệt:
+ Do điều kiện thiên nhiên, hoàn cảnh lịch sử và phương thức tổ chức khai thác không giống nhau nên giữa các vùng của Đàng Trong có sự khác biệt đáng kể về chế độ ruộng đất.
+ Vùng Thuận Quảng (tương đương với Trung Bộ hiện nay) ruộng đất công làng xã còn tồn tại khá phổ biến. Bên cạnh đó, còn có một số diện tích đáng kể thuộc quyền sở hữu nhà nước.
+ Vùng đất phía nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chúa Nguyễn thi hành chính sách khai hoang, cho phép biến ruộng đất khai phá được thành ruộng đất tư nhân.
- Sở dĩ có sự khác biệt đó vì:
+ Vùng Thuận Quảng có dải đồng bằng nhỏ hẹp và cơ bản đã được khai phá từ thời Lê trở về trước, nên cơ cấu tổ chức làng xã có nhiều nét giống với Đàng Ngoài.
+ Vùng đất phía Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, ruộng đất nhiều, dân cư thưa thớt nên chúa Nguyễn khuyến khích khai thác,
Câu hỏi: Sự hình thành thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp nhân dân như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
- Thủ công nghiệp nhà nước
Ở Đàng Ngoài, thuộc khu vực kinh thành Thăng Long, chúa Trịnh lập nhiều xưởng lớn chuyển việc đúc súng, sản xuất vũ khí cho quân đội, đúc tiền, đóng thuyền, làm các đồ trang sức, may trang phục cho vua chúa, quan lại.
Ở Đàng Trong, bên cạnh những quan xưởng gần giống như ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đặc biệt quan tâm đến các xưởng đúc súng và đóng thuyền.
Lực lượng lao động trong các xưởng thủ công nghiệp của nhà nước ta đều là những thợ thủ công giỏi, được trưng tập từ các địa phương theo chế độ công tượng.
- Thủ công nghiệp nhân dân
Trong nhân dân, bộ phận thủ công chuyên nghiệp ở thành thị và nông thôn ngày càng phát triển và có xu hướng trở thành bộ phận sản xuất chính. Những làng thủ công chuyên nghiệp ở nông thôn và phường thủ công chuyên nghiệp ở thành thị xuất hiện ngày càng nhiều.
Trong số những nghề thủ công phát triển nhất thời kì này, còn phải kể đến nghề khai mỏ và nghề sản xuất đường mía. Nghề khai mỏ chủ yếu ở Đàng Ngoài, không chỉ phát triển nhanh về số lượng các mỏ được khai thác mà đã xuất hiện hiện tượng thuê mướn nhân công trong sản xuất. Nghề trồng mía, làm đường phát triển mạnh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi (Đàng Trong) với kĩ thuật nấu đường đạt tới trình độ cao và số đường xuất khẩu ngày càng lớn.
Câu hỏi: Việc buôn bán trong nước diễn ra như thế nào?
* Hướng dẫn trả lời:
+ Cùng với sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa các địa phương được mở rộng hơn trước. Hầu hết các làng, các xã lớn ở vùng đồng bằng đều có chợ. Cá biệt ở một số làng, có hầu hết dân làng đều tham gia buôn bán trên thị trường. Tại các chợ, người ta mua bán đủ các thứ hàng, trong đó hàng nông phẩm và hàng thủ công do người sản xuất trực tiếp bán và mua là chủ yếu.
+ Trên đà phát triển của kinh tế hàng hoá, dần hình thành các luồng buôn bán, trao đổi thường xuyên giữa miền ngược và miền xuôi, miền duyên hải, hải đảo với nội địa, các trung tâm kinh tế, thương mại lớn với các vùng nông thôn phụ cận. Đặc biệt, mối quan hệ buôn bán của nhân dân giữa hai vùng Đàng Trong và Đàng Ngoài vẫn được duy trì và mở rộng, bất chấp sự ngăn cấm của triều đình.
Câu hỏi: Việc mở rộng buôn bán với nước ngoài có ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế trong nước?
* Hướng dẫn trả lời:
+ Mối quan hệ buôn bán truyền thống với các nước phương Đông, đặc biệt với Trung Quốc và Nhật Bản, không những vẫn được duy trì mà có xu hướng phát triển hơn trước.
+ Từ giữa thế kỉ XVI, thuyền buôn Bồ Đào Nha thường xuất phát từ Áo Môn (Ma Cao, Trung Quốc) đến buôn bán tại Hội An (Quảng Nam). Sang thế kỉ XVII, sau khi công ti Đông Ấn Hà Lan ra đời, người Hà Lan đã nhanh chóng giành được ưu thế trong việc buôn bán với các nước phương Đông.
+ Thương nhân phương Tây thường mua hàng từ nước này sang nước khác để bán kiếm lãi. Họ bán các thứ hàng hoá như bạc, vũ khí của Nhật Bản; tơ lụa, thuốc bắc, đồ sứ của Trung Quốc; len, dạ, súng, đại bác, pha lê, thuỷ tinh và một số sản phẩm khác của nền công nghiệp phương Tây. Họ mua của ta sản phẩm thủ công nghiệp như đồ sứ, tơ lụa, đường mía và các loại lâm thổ sản.
+ Sự thông thương buôn bán với nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, đã bắt đầu đưa nước ta tiếp xúc với luồng thương mại quốc tế đang phát triển, góp phần mở rộng thị trường trong nước và thúc đẩy sự hưng thịnh của một số đô thị.
Bài tập: Hãy ghi các địa danh gắn với các sản phẩm nổi tiếng của thủ công nghiệp nhân dân theo yêu cầu sau đây:
Sản phẩm | Địa danh |
1. Đồ gốm. | |
2. Dệt vải, lụa. | |
3. Nghề rèn. | |
4. Trồng mía, làm đường. |
* Hướng dẫn trả lời:
Sản phẩm | Địa danh |
1. Đồ gốm. | Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Là Chum (Thanh Hóa), Thanh Hà (Quảng Nam)... |
2. Dệt vải, lụa. | Vạn Phúc, La Khê (Hà Tây), Bưởi, Trích Sài (Hà Nội), Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân (Thừa Thiên Huế)... |
3. Nghề rèn. | Vân Chàng (Nam Định), Nho Lâm (Nghệ An), Trung Lương. |
4. Trồng mía, làm đường. | Quảng Nam, Quảng Ngãi. |
Bài tập: So sánh tình hình ngoại thương ở thế kỉ XVI - XVII với các thế kỉ trước? Những nước phương Tây nào thường đến buôn bán ở nước ta thời kì này?
* Hướng dẫn trả lời:
- So sánh tình hình ngoại thương:
+ Ở các thế kỉ trước, nhất là thời Lê không chủ trương mở rộng giao lưu buôn bán với thương nhân nước ngoài. Thuyền bè nước ngoài chỉ được cập bến một vài cảng và bị khám xét nghiêm ngặt.
+ Thế kỉ XVI - XVII, mối quan hệ buôn bán truyền thống với các nước phương Đông, đặc biệt với Trung Quốc và Nhật Bản, không những vẫn được duy trì mà có xu hướng phát triển hơn trước. Ngoài ra, thuyền buôn của các nước phương Tây thường xuyên mang hàng hóa đến buôn bán với nước ta và mua hàng hóa của nước ta về bán ở chính quốc.
- Những nước phương Tây thường đến buôn bán ở nước ta:
+ Bồ Đào Nha
+ Hà Lan
+ Anh
+ Pháp.