Bài 33. HOÀN THÀNH CÁCH MẠNG TƯ SẢN Ở CHÂU ÂU VÀ MĨ GIỮA THẾ KỈ XIX

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CÓ SẴN TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Hãy trình bày những nét lớn về tình hình nước Đức ở giữa thế kỉ XIX.

* Hướng dẫn trả lời:

- Đến giữa thế kỉ XIX, kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Đức phát triển nhanh chóng từ một nước nông nghiệp, Đức trở thành nước công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp làm cho đội ngũ công nhân tăng nhanh.

- Công nghiệp và các thành thị phát triển nhanh chóng đã thôi thúc nhiều quý tộc địa chủ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa.

Câu 2: Dựa vào lược đồ, trình bày diễn biến chính của quá trình thống nhất Đức.

* Hướng dẫn trả lời:

- Trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Đức là đất nước vẫn trong tình trạng bị chia rẽ thành nhiều vương quốc lớn nhỏ, trong đó Áo và Phổ là hai vương quốc lớn nhất. Vấn đề thống nhất đất nước ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết.

- Bộ phận quý tộc quân phiệt Phổ đại diện là Bi-xmác, được sự ủng hộ của giai cấp tư sản đã dùng vũ lực để thống nhất đất nước bằng ba cuộc chiến tranh với các nước láng giềng.

- Với sự thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870-1871), Bi- xmác đã gạt được ảnh hưởng của Pháp, thu phục các bang miền Nam, hoàn thành việc thống nhất đất nước.

- Ngày 18-1-1871, lễ thành lập Đế chế Đức được tổ chức tại Cung điện Véc- xai (Pháp). Vua Phổ Vin-hem I chính thức lên ngôi Hoàng đế. Bi-xmác trở thành Thủ tướng nước Đức. Tháng 4-1871, Hiến pháp mới được ban hành, quy định nước Đức là một liên bang gồm 22 quốc gia và 3 Thành phố tự do, củng cố vai trò của quý tộc quân phiệt Phổ.

- Như vậy, việc thống nhất nước Đức mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Đức.

Câu hỏi: Hãy nêu đặc điểm tình hình nước Mĩ giữa thế kỉ XIX.

* Hướng dẫn trả lời:

- Đến giữa thế kỉ XIX kinh tế Mĩ phát triển theo hai con đường: miền Bắc phát triển nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, ruộng đất nằm trong tay các trại chủ và nông dân tự do; miền Nam phát triển kinh tế đồn điền dựa trên sự bóc lột sức lao động của nô lệ.

- Ở miền Bắc và miền Tây, kinh tế trại chủ nhỏ và nông dân tự do chiếm ưu thế dựa trên sự phát triển chăn nuôi và sản xuất lúa mì để phục vụ thị trường công nghiệp. Ở miền Nam, kinh tế đồn điền phát triển với các nghề trồng bông, mía, thuốc lá... Tuy vậy, sự tồn tại của chế độ nô lệ đã cản trở nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở Mĩ.

- Mâu thuẫn giữa tư sản và trại chủ miền Bắc với các chủ nô miền Nam càng thêm gay gắt. Phong trào đấu tranh đòi thủ tiêu chế độ nô lệ, được đông đảo những người tiến bộ da trắng tư sản, trại chủ, công nhân, nông dân... ủng hộ, diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nguy cơ một cuộc nội chiến đang đến gần để thanh toán các lực lượng bảo thủ, giải phóng nô lệ, mở đường cho chủ nghĩa tư bản Mĩ phát triển trong cả nước.

Câu hỏi: Trình bày diễn biến và kết quả cuộc nội chiến ở Mĩ.

* Hướng dẫn trả lời:

- Ngày 12/4/1861, nội chiến bùng nổ. Giữa năm 1862, Tổng thống Lin-côn kí sắc lệnh cấp đất ở miền Tây cho dân di cư, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế trang trại. Ngày 01/1/1863, sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ được ban hành. Nhờ vậy, hàng vạn nô lệ được giải phóng cùng với đông đảo dân tự do, những người mới được cấp đất, đã gia nhập đội quân của Chính phủ Liên bang. Sức mạnh của quân đội Liên bang được tăng cường.

- Ngày 9-4-1865, trong trận đánh quyết định tấn công thủ phủ Hiệp bang, quân đội Liên bang đã chiến thắng vẻ vang, chấm dứt cuộc nội chiến.

- Cuộc nội chiến 1861-1865 là cuộc cách mạng tư sản lần thứ hai ở Mĩ, kể từ sau chiến tranh giành độc lập. Dựa vào lực lượng cách mạng của quần chúng giai cấp tư sản miền Bắc đã xóa bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở khu vực này. Nền kinh tế Mĩ đã vươn lên mạnh mẽ vào cuối thế kỉ XIX.

Câu hỏi: Tại sao nói: Sự nghiệp thống nhất Đức, thống nhất I-ta-li-a và nội chiến ở Mĩ mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản?

* Hướng dẫn trả lời:

- Sự nghiệp thống nhất Đức, thống nhất I-ta-li-a và nội chiến ở Mĩ đã mở đường cho sự hình thành chủ nghĩa tư bản ở các nước này.

- Nó tạo điều kiện cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở các nước này.

Bài tập: Hãy cho biết kết quả của cuộc đấu tranh thống nhất Đức, thống nhất I-ta-li-a đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

* Hướng dẫn trả lời:

+ Tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Đức, I-ta-li-a và ở các nước châu Âu.

+ Nước Đức và I-ta-li-a có điều kiện đưa nền kinh tế phát triển, từ đó dẫn đến hình thành các công ti độc quyền rồi đi đến chủ nghĩa đế quốc.

+ Chính sự thống nhất đó làm cho Đức, I-ta-li-a, sau đó hai nước này trở thành những lò lửa gây chiến tranh thế giới.

II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi: Trong những năm 50, 60 của thế kỉ XIX, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản diễn ra như thế nào?

* Hướng dẫn trả lời:

- Vào những năm 50, 60 của thế kỉ XIX, công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở các nước Anh, Pháp, Đức (nhất là ở Anh). Anh được mệnh danh là công xưởng của thế giới.

- Ở Pháp và Đức, nền công nghiệp tuy chưa phát triển bằng Anh, nhưng kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển đáng kể.

- Cùng với sự phát triển công nghiệp, những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu tiên cũng xuất hiện, cản trở chủ nghĩa tư bản chủ nghĩa đang lớn mạnh.

- Vì vậy, các cuộc cách mạng tư sản tiếp tục diễn ra dưới những hình thức khác nhau tuỳ tình hình cụ thể của mỗi nước.

Bài tập: Lập niên biểu về quá trình thống nhất nước Đức. Rút ra nhận xét.

* Hướng dẫn trả lời:

Niên đại Sự kiện
1864 Chống Đan Mạch.
1866 Chống Áo.
1867 Liên bang Đức ra đời gồm 18 quốc gia ở Bắc Đức và 3 thành phố tự do.
1870-1871 Với thắng lợi trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, Bi-xmác đã gạt ảnh hưởng của Pháp, thu phục các bang miền Nam, hoàn thành việc thống nhất đất nước.
18-1-1871 Lễ thành lập đế chế Đức.
4-1871 Hiến pháp mới được ban hành, quy định nước Đức là một liên bang gồm 22 quốc gia và 3 thành phố.

Nhận xét:

+ Quá trình thống nhất nước Đức đi từ trên xuống, bằng chính sách “sắt và máu” của Bi-xmác.

+ Việc thống nhất nước Đức mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Đức.

Bài tập: Lập niên biểu về cuộc nội chiến ở Bắc Mĩ.

* Hướng dẫn trả lời:

Niên đại Sự kiện
Tháng 12-1860 Các bang miền Nam tách khỏi Hợp chủng quốc, thành lập chính phủ riêng.
Ngày 12-4-1861 Nội chiến bùng nổ.
Ngày 1-1-1863 Tổng thống A.Lin-côn tuyên bố xoá bỏ chế độ nô lệ.
Ngày 9-4- 1865 Tổng chỉ huy quân đội miền Nam đầu hàng, nội chiến kết thúc.